Lấy cảm hứng từ những món ăn miền Tây nhưng lại sử dụng gia vị và nguyên liệu miền Đông Nam bộ, các đầu bếp muốn chứng minh sự linh hoạt và đặc sắc của món ăn việt Nam…
Đầu bếp: Nguyễn Phước Hưng (đội trưởng), Đặng Văn Bé Cọt, Châu Chí Thanh.
Khi ban tổ chức thông báo thời gian để các đầu bếp hoàn thành trang trí bàn tiệc chỉ còn tính bằng giây, nhiều đội vẫn đang cập rập cho việc lên món, trang trí bàn tiệc. Không khí hồi hộp đến nín thở bao trùm khu vực thi. Rất nhanh chóng, thành viên cuối cùng của An Lam Saigon River Resort (đội 41) vừa hoàn tất nốt những chỉnh sửa cuối cùng nơi bàn tiệc và kịp trở về bàn bếp của đội. Kim đồng hồ lúc này báo, chỉ còn 7 giây nữa là hết giờ. Ba thành viên đội 41 chập tay nhau, với vẻ vui mừng như vừa trở thành nhà vô địch. Hoàn tất các món ăn đúng giờ quy định, đối với họ đã là một chiến thắng, đặc biệt là với đội trưởng Nguyễn Phước Hưng. Bởi, nhìn lại hành trình họ đến với Chiếc Thìa Vàng, nhiều người hẳn sẽ bất ngờ.
Các đầu bếp quyết định thi Chiếc Thìa Vàng 2016 khi thời gian đăng ký chỉ còn 7 ngày. Mất ba ngày để hoàn thành mọi thủ tục, họ chỉ còn bốn ngày để tập hợp đội thi cũng như bàn tính thực đơn, nấu thử các món. Đội trưởng Phước Hưng kể: “Chúng tôi biết đến cuộc thi từ hai năm trước, lãnh đạo khu du lịch cũng gợi ý đăng ký thi nhưng thời điểm đó cảm thấy chưa tự tin lắm. Một phần vì công việc bếp khá bận rộn nên đành làm cổ động viên. Năm nay ban lãnh đạo lại gợi ý, bảo cố gắng sắp xếp thi cho vui, nhưng khi báo xuống thì chỉ còn 7 ngày nữa là thi rồi. Vậy là chúng tôi phải gấp rút. Thi lần đầu nên mọi thứ đều mới mẻ. Lúc đầu hơi run nhưng cả đội đã phối hợp ăn ý và ra được bàn tiệc đúng giờ. Về tay nghề thì không lo, vì anh em đều có kinh nghiệm, đã quen với áp lực khi phục vụ những tiệc đông người. Chỉ lo là việc căn giờ giấc để làm sao lên món hợp lý”. Đội trưởng Phước Hưng khiêm tốn khi nói về tấm vé vào vòng bán kết: “Có một phần do may mắn, vì chúng tôi không có sự chuẩn bị tốt như các đội khác, cũng không có kinh nghiệm bằng họ. Nhưng chúng tôi có sự quyết tâm!”.
Đầu bếp Phước Hưng sinh năm 1979, có kinh nghiệm gần 10 năm làm bếp. Nghèo khó và tinh thần ham học hỏi đưa anh đến nghề này. Đó là thời điểm năm 1999, anh đang học ngành quản trị kinh doanh trường Đại học Mở. Để có thêm tiền lo cho cuộc sống ăn học, anh xin một chân phụ bàn tại một nhà hàng ở TP.HCM. “Hồi đó cứ học xong là chạy thẳng đến chỗ làm. Lương không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải tiền ăn ở. Với sinh viên tỉnh như vậy cũng là may mắn rồi”, Phước Hưng nhớ lại. Một ngày nọ bếp lạnh của nhà hàng thiếu người và hỏi những nhân viên chạy bàn ai thích thì xuống phụ. Người siêng năng và chịu “cày” nhất lúc đó là Phước Hưng, anh tình nguyện xuống bếp. “Tôi coi đó là một cơ hội để tăng thu nhập và học hỏi thêm một chút gì đó ngoài bằng đại học chứ chưa nghĩ sẽ theo nghề bếp. Nhưng khi bước xuống, quả thật đó là một thế giới thú vị. Và tôi dần dần mê nấu bếp”, đầu bếp Phước Hưng thừa nhận.
Tốt nghiệp, có tấm bằng quản trị kinh doanh nhưng Phước Hưng lại trúng tuyển vị trí bếp lạnh tại một khách sạn 5 sao ở quận Phú Nhuận (TP.HCM). Anh làm được hai năm ở vị trí này thì một lần nữa cơ duyện lại gõ cửa. Bếp Âu cần một người phụ và anh lại xin qua để vừa làm vừa học. Cứ 8 giờ hết ca ở bếp lạnh thì chuyển ngay qua bếp Âu, Phước Hưng làm việc không biết mệt mỏi. Mọi việc đang trôi chảy thì anh phải xoay về phía gia đình vì vợ mới sinh con nhỏ, cần người trông coi tiệm internet. Anh đành tạm gác lại công việc yêu thích của mình để về đỡ đần việc nhà và chăm sóc vợ con với ý nghĩ “một ngày sẽ quay lại với bếp”.
Làm ông chủ với cuộc sống an nhàn được ba năm, tình yêu nghề bếp trong Phước Hưng bắt đầu réo gọi. Anh tâm sự nhiều với vợ và quyết định trở lại với nghề “múa chảo”. Làm ở Sài Gòn được ba năm, đầu bếp Phước Hưng quyết định trở về Bình Dương, đầu quân cho An Lam Saigon River Resort với chức vụ bếp phó từ năm 2012 đến nay. Đầu bếp Phước Hưng nhận định: “Tôi nhận ra những niềm vui từ nghề bếp từ hồi sinh viên và đeo đuổi nó. Cũng có thời gian gián đoạn nhưng đến nay tôi vẫn sống vui với nghề này. Chiếc Thì Vàng là sân chơi thú vị để các đầu bếp học hỏi và thể hiện đam mê với nghề bếp. Tôi nghĩ cuộc thi sẽ ngày càng phát triển vì những mục tiêu tốt đẹp mà Chiếc Thìa Vàng đặt ra, trong đó tìm những nét đẹp của ẩm thực Việt và gợi nên niềm say mê nghề nghiệp là những yếu tố như thế”.
Thực đơn dự thi: Gỏi măng cụt Lái Thiêu + Chả giò hải sản trà xanh; Càri cá chẽm căn kèm cơm lá dứa hạt sen; Thăn bò áp chảo với xốt ngũ vị và húng lủi ăn kèm cà chua hầm, bó xôi xào và khoai tây cắt lát; Chè trôi nước bí đỏ, lá dứa và hạt sen.
Gỏi măng cụt Lái Thiêu + Chả giò hải sản trà xanh
Từ lúc đăng ký, do thời gian khá cập rập, chỉ còn 4 ngày nữa là thi nên các đầu bếp phải chạy đua với thời gian, nghĩ ý tưởng món ăn và lên thực đơn. Đội trưởng Phước Hưng chia sẻ: “Lúc này mỗi thành viên tự nghĩ và đưa ra những ý tưởng về món ăn, sau đó sẽ ngồi lại với nhau bàn bạc. Điều may mắn là tôi được đi nhiều, đặc biệt là khu vực miền Tây nên không khó để đưa ra những ý tưởng kết hợp món ngon đã ăn và biến tấu sao cho mới lạ”. Chả giò hải sản trà xanh là một trong những món ăn đặc sắc được đội trưởng Phước Hưng phát hiện trong một lần ăn tiệc ở quê. Đó là sự kết hợp của những nguyên liệu quen thuộc như cua, tôm, mực cùng rau, củ và thể hiện bằng phương thức cuốn, rồi đem chiên. Tuy nhiên, điểm mới lạ nằm ở chất liệu làm bánh cuốn. Đó loại bánh cuốn được làm từ bột và trà xanh, vừa tạo màu nhưng cũng lấy được mùi đặc trưng của trà xanh. Để làm thành công món ăn này, các đầu bếp đã phải đau đầu, nghĩ cách làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần: “Chúng tôi nghĩ đây là ý tưởng hay nhưng thể hiện ra thì cực khó. Bởi những lần đầu đổ bánh, cuốn thường bị rách. Nghiên cứu mãi mới phát hiện do lượng nước trong bột còn nhiều quá nên đã thêm nhiều bột lên và thành công”.
Càri cá chẽm ăn kèm cơm lá dứa hạt sen
Hay món càri cá chẽm ăn kèm cơm lá dứa hạt sen cũng là món độc đáo trong thực đơn. Bột cà ri nấu khi lên mùi sẽ cho thêm các loại gia vị như gừng, riềng, sả, hồi, quế. Cá sau khi phi lê, để ráo sẽ tẩm bột càri, ướp một lúc sau đó đem chiên để cá không bị nát. Sau đó, cá được cho vào nồi hỗn hợp càri đã chuẩn bị lúc nãy, thêm nước cốt dừa, đun khoảng 3 phút thì được.
Thăn bò áp chảo với xốt ngũ vị và húng lủi ăn kèm cà chua hầm, bó xôi xào và khoai tây cắt lát
Chè trôi nước
Món chè trôi nước lại là sự kết hợp của bí đỏ + lá dứa + khoai để tạo ra món chè 3 màu. Nhân chè làm bằng hạt sen.
Phát biểu cảm xúc trong phần thi thử món, các đầu bếp An Lam Saigon River Resort cho biết lúc đi thi cả đội không đặt nặng thành tích phải đoạt giải, vì “dám đi thi là một chiến thắng rồi”. “Quả thật qua cuộc thi chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều. Kinh nghiệm đó sẽ rất hữu ích để cả đội chuẩn bị tốt hơn cho vòng bán kết, với những món ăn mới lạ và ngon hơn nữa”, đội trưởng Phước Hưng nói.
Ông Lý Huy Sáng, Phó Ban tổ chức cuộc thi, giám khảo khách mời, ngoài việc khen ngợi những món ăn độc đáo của đội 41, cũng đã đưa ra một số góp ý để các đội nghiên cứu, khắc phục. Ông Sáng cho rằng: “Bình Dương là tỉnh mà tiềm năng du lịch vẫn còn rất lớn, cần có thêm những đột phá để phát triển. Tôi rất vui mừng khi ngày càng nhiều nhà hàng, khu du lịch lớn của tỉnh đăng ký tham gia Chiếc Thìa Vàng, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị tới cuộc thi, coi đây là sân chơi chuyên nghiệp và bổ ích để các đầu bếp thử tài và học hỏi. Cũng qua đây, tiềm năng du lịch độc đáo của Bình Dương, từ cách tiếp cận của các đầu bếp là các món ăn sẽ được giới thiệu và quảng bá ngày càng rộng rãi hơn, góp phần phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế tỉnh nhà nói chung”.
Đơn vị: An Lam Saigon River Resort
An Lam Saigon River Resort là khu du lịch nghỉ dưỡng. Khuôn viên và các villa đều được sắp đặt sao cho vị trí của thiên nhiên được nổi bật, như màu chủ đạo ở An Lâm là màu xanh: xanh ngắt của lá cây, xanh trong của dòng nước. Các villa của An Lâm Sài Gòn có trần nhà cao ráo, phòng ngủ và đặc biệt phòng tắm rất rộng rãi. Cách sắp xếp khu nghỉ dưỡng khiến khách có cảm tưởng cả khuôn viên An Lâm thuộc về mình – một cảm giác thật hiếm hoi, không gian cho từng người ngày càng thu nhỏ. Cổng villa có thể mở, khách vẫn thấy thoải mái, riêng tư bởi luôn được thiên nhiên che chở. Mở và đóng, hai yếu tố tưởng như đối nghịch lại được hòa hợp rất tài tình trong kiến trúc An Lâm, đem lại cho khách cảm giác vừa thoải mái, tự do lại vừa an toàn, thân mật. Các villa An Lâm hiện đại nhưng vẫn phảng phất phong cách truyền thống nhà gỗ của miền Nam Việt Nam – không cầu kỳ, kiểu cách mà khoáng đạt, chân phương, sáng sủa...
Địa chỉ: 21/4 Khu Phố Trung, Vĩnh Phú, Thuận An, Bình Dương
Tel: 0650 3785555 - Fax: 0650 3785000 - Hotline: 0908998550
Email: rsvn.sr@anlam.com
Website: anlam.com/saigonriver