Gần 20 năm gắn bó với nghề, bếp trưởng Nguyễn Huỳnh Vi Vương của khách sạn 4 sao Continental (quận 1, TP HCM) đã góp phần đưa ẩm thực Việt thăng hoa.
Là con út trong một gia đình gồm
4 anh chị em gốc miền Tây, khi Nguyễn Huỳnh Vi Vương sinh ra, người cha đặt hết
hy vọng vào tương lai của cậu “quý tử”. Vì thế, ông đặt tên Vi Vương với mong
ước con trai sẽ là một “ông vua nhỏ”.
Mê cải lương nhưng bén duyên
bếp
Lớn lên trong gia đình làm nghề
mộc truyền thống từ đời ông nội, còn mẹ thì buôn bán, Vương không hề nuôi chí
lập thân theo nghề của cha mẹ. Anh đam mê cải lương và sở hữu một giọng ca mùi
mẫn. Nhưng ước mơ theo nghề hát vừa mới chớm đã bị dập tắt do mẹ anh phản ứng
dữ dội.
Thương mẹ, Vương tạm gác “giấc
mơ hoa” rồi thi vào trường luật theo nguyện vọng của gia đình. Thế nhưng, cánh
cổng trường đại học đã không rộng mở đón Vương nên anh chuyển sang học Trường
Cao đẳng Công nghệ Thực phẩm.
Bếp trưởng Nguyễn Huỳnh Vi Vương của khách sạn Continental TP.HCM - Ảnh: BTC
Tốt nghiệp năm 2000, Vương “đầu
quân” về khách sạn Continental với chân phụ bếp. Với bản tính chăm chỉ cần cù,
anh không nề hà bất cứ công việc lớn nhỏ gì trong căn bếp rộng lớn của khách
sạn. Dù vậy, trong thâm tâm, anh cũng thoáng chút chạnh lòng.
“Những ngày đầu làm bếp, tôi rất
mắc cỡ. Ai hỏi làm nghề gì, tôi không dám trả lời vì lúc ấy, mọi người rất coi
thường nghề bếp. Về nhà, tôi cũng không dám nói thật với mẹ, chỉ bảo mình làm ở
khách sạn 4 sao ngay trung tâm thành phố. Ngày qua ngày, tôi cứ lặn ngụp trong công
việc mà chẳng biết tương lai mình sẽ ra sao. “Bầu bạn” với bếp một thời gian,
tôi trở nên yêu nghề từ lúc nào không hay” - đầu bếp Vương tâm sự.
Nghề bếp rất vất vả, mỗi ngày,
Vương bắt đầu đi làm lúc 5 giờ và kết thúc công việc đến tận 21-22 giờ. Thấy
anh siêng năng, có chí phấn đấu nên ban giám đốc khách sạn cử đi học lớp bếp
chuyên nghiệp ở Trường Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Sau đó,
Vương lại được cử đi học tiếp lớp bếp Âu, Á, Thái rồi học thêm lớp quản lý bếp,
quản lý khách sạn, quản lý nhà hàng… Trong thời gian này, anh cũng hoàn tất
chương trình ở Trường ĐH Bách khoa và nhận bằng cử nhân hóa thực phẩm. Tiếp đó,
anh tốt nghiệp cử nhân tài chính marketing của Trường ĐH Tài chính -
Marketing.
“Thấy tôi dành nhiều thời gian
đi học như thế, nhiều bạn đồng nghiệp thắc mắc nhưng tôi nghĩ những kiến thức
đã học sẽ bổ sung và hỗ trợ rất nhiều cho công việc bếp của mình” - anh Vương
bày tỏ.
Thi thố tài năng
Vào bếp chỉ mấy năm, Vương đã
thông thạo bếp núc nên muốn thử sức thi thố tài năng ở các cuộc thi lớn nhỏ.
Đầu tiên là cuộc thi ẩm thực toàn quốc ở Bình Thuận năm 2003-2004 do Tổng cục
Du lịch tổ chức, Vương đã mang về cho khách sạn giải nhất cá nhân với món mực
nhồi xôi, đồng thời “ẵm” luôn giải nhất toàn đoàn.
Từ đó, cứ có cuộc thi nào, khách
sạn lại chọn Vương tham dự. Năm 2005, ở cuộc thi ẩm thực “Hương vị quê nhà” do
Tổng Công ty Du lịch Saigontourist tổ chức, anh đạt giải nhì với món gỏi cá
lóc.
Đầu bếp Nguyễn Huỳnh Vi Vương ứng biến với thắc mắc của giám khảo chuyên môn ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015 - Ảnh: BTC
Năm 2015, Vương đạt á quân trong
cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Vòng chung kết có chủ đề Nguyên liệu bí mật, với
Vương là sự thử thách cam go từ kiến thức đến tay nghề, khả năng sáng tạo, sự
linh động. Khi bốc thăm nguyên liệu lá é, nhờ có kiến thức, anh hiểu ngay đây
là một loại rau gia vị thơm ngon, ngày xưa dùng để tiến vua nên còn có tên là
cây tiến thực. Theo y học cổ truyền, lá é có vị cay, mùi thơm, tính ấm, dùng để
chữa đau bụng, ăn không tiêu, cảm, cúm, sốt... Để dung hòa, Vương chọn hải sản
nấu chung. Lại bốc thăm nguyên con cá, Vương phải sử dụng tất cả: đầu và xương
nấu nước dùng; thịt cá nấu xúp lá é. Với thực đơn salad mực nhồi, súp cá hương
vị lá é, bò xốt bơ, xoài chiên xốt dâu, Vương đã được ban giám khảo chấm giải á
quân trang trí đẹp nhất.
Không chỉ thi thố tài năng trong
nước, Vương còn nhiều lần được các nước mời sang biểu diễn ẩm thực Việt tại các
hội chợ. Chuông của anh lúc nào cũng ngân vang để giúp thăng hoa ẩm thực Việt
trên đất khách.
Không ngừng học hỏi
Nhận cương vị bếp trưởng khách
sạn Continental từ năm 2010 khi mới 30 tuổi, đối với Vương là một thử thách
không nhỏ. Công việc của người quản lý khác biệt với đầu bếp vì phải lên thực
đơn, quản lý nhân sự; nặng nhất là quản lý tiêu hao vật chất; ngoài ra còn phải
định hướng về kinh doanh. Công việc mới đầy áp lực, đòi hỏi bếp phải cải tiến
liên tục nên dù ở cương vị quản lý, Vương vẫn không ngừng học hỏi, sáng tạo để
tiến xa hơn trong nghề nghiệp.
Khách sạn Continental có
thế mạnh là sở hữu một không gian kiến trúc cổ thời Pháp với bề dày 126 năm. Vì
thế, đòi hỏi bếp phải thiết kế các món ăn mang dấu ấn giao thời, kết hợp giữa
hiện đại và cổ kính. Thêm nữa, xu hướng ẩm thực mới của khách cao cấp lại đòi
hỏi món ăn ít tinh bột, giàu chất đạm nên Vương phải cấu trúc thực đơn sao cho
phù hợp. Nhờ học chuyên về dinh dưỡng nên anh hiểu cách ăn như thế nào để tốt
cho sức khỏe, ăn bao nhiêu là đủ…
Lập gia đình năm 2001, hiện
Vương có 2 nàng công chúa xinh xắn. Những lúc rảnh rỗi, anh vào bếp nấu ăn cho
gia đình dù ở nhà, vợ anh mới là “bếp trưởng”.
Vương tâm sự làm bếp vừa phải
đam mê vừa phải yêu nghề và chịu khó, chịu khổ. Anh phải bỏ tất cả cuộc vui và
chấp nhận không bao giờ có ngày nghỉ. “Lễ, Tết tôi đều ở khách sạn đến 3-4 giờ
mới về. Vất vả là thế nhưng tôi không bao giờ có ý định bỏ nghề vì đã mang cái
nghiệp vào thân” - anh thổ lộ.
“Với tôi, căn bếp vẫn là nơi lý tưởng nhất vì mình có thể trò chuyện được với các món ăn - một phần tâm hồn của tôi!”.
|
Xuân Hòa
Theo Người Lao Động
* Hình ảnh trong bài đã được thay đổi bởi BBT