Vẫn kể câu chuyện hấp dẫn về các món ăn đồng nội, mang đậm tình thân, các đầu bếp Quán Nhi thậm chí còn làm không ít giám khảo năm nay phải bất ngờ, khi khoác cho món ăn một phong cách trình bày đẹp mắt.
Đầu
bếp:
Phan Thị Hồng Nhi (đội trưởng), Nguyễn Thị Hồng Trang, Nguyễn Thị Hà.
Các đầu bếp Quán Nhi trở lại sân chơi Chiếc Thìa Vàng với những hình ảnh ấn tượng.
Hai con cá lóc môi trề có tuổi đời 5 năm, mỗi con nặng 5kg, trưng bày trên kệ bếp.
Chiếc bếp lò đun bằng than củi, nồi gang chễm chệ bên hệ thống bếp gas và nồi
inox bóng loáng. Rổ rau xanh tươi mang hương sắc đồng nội. Nhưng ấn tượng hơn
khi cả, ba thành viên của đội đều là nữ. Ai cũng duyên dáng và đầy nhiệt huyết.
Chính vì vậy mà chuyên gia ẩm thực Quách Thiên Tường đã đề nghị mọi người vỗ
tay cho sự nhiệt huyết của các nữ đầu bếp đến từ Cần Thơ trước khi chấm phần
thi thử món.
Đây là lần thứ hai đầu bếp
Phan Thị Hồng Nhi tham dự Chiếc Thìa Vàng. Mùa trước, đội của chị đã lọt vào
vòng bán kết với những món ăn được truyền dạy bởi cha, mẹ khi trước - có cả
tình thương, niềm đam mê bếp núc một thời nghèo khó. Với bản tính vui vẻ và
thích chia sẻ, ngay cả khi làm bếp, chị vẫn tươi cười, cặn kẽ giới thiệu từng
món ăn, quá trình học nghề để làm món ăn đó, nay truyền lại cho con trai và con
dâu. Chị kể với lòng hãnh diện và niềm đam mê lớn lao với mỗi món ăn. Vậy là
làm quen, học hỏi được nhiều người. Ai cũng quý.
Chị cho biết, chính sự
vui vẻ, ham học hỏi ấy đã giúp chị đến với nghề bếp và sống sung túc với nghề
này. Hạnh phúc hơn khi niềm đam mê nghề bếp lại được những người con tiếp nối. Công
việc đó đòi hỏi sự chịu khó, nhiệt huyết và cả sự bao dung. Chị từng kể câu
chuyện cười ra nước mắt với một phóng viên khi có dịp ghé Quán Nhi: Lúc đầu chỉ là một quán ăn bình thường nhưng
tôi lại không biết làm nhiều món. Có lần khách kêu món bò lúc lắc, trong đầu
tôi tự hỏi: “Cái món đó nó làm sao?”, rồi ông khách dặn: “Nhớ làm cho khô đừng
có nhiều nước nha”, tôi vẫn chưa hình dung nổi. Khi tôi bưng ra, ông khách la
lên: “Trời, đây là món bò lội lắc chớ lúc lắc gì!”. 30 tuổi mà nấu ăn còn bị
la, tôi tủi thân chảy nước mắt. Ông khách thấy vậy, mới hỏi: “Em không có biết
nấu món này phải không?”. Tôi liền gật đầu thú nhận. Thế là ổng vô chỉ cho tôi
nấu lại. Đó là quãng thời gian mà tôi thức được để bán thêm một dĩa đồ ăn là thức.
Khi nào hết chịu nổi mới ngủ... Nhờ thừa hưởng khiếu nấu ăn từ cha mẹ, chị
lần mò ký ức, tìm về những món ăn tuổi thơ đã được cha mẹ nấu cho ăn. Hồi tưởng
đến đâu liền ghi ra, nấu thử, nêm nếm đến khi vừa ý liền đem vào thực đơn của
quán. Những món ăn dân dã ấy không ngờ lại bắt được gu của khách hàng. Lần lần
người ta đến quán đông. Từ một quán lúp xúp độ chục bàn, chỉ vài năm chị mua luốn
miếng đất ấy, mở rộng quán, thiết kế, trồng cây và gầy dựng lên cơ ngơi Quán
Nhi 10 ha như hiện nay.
Bàn tiệc trưng bày tại sơ kết miền Nam - cụm ĐBSCL, Chiếc Thìa Vàng 2016
Đầu bếp Hồng Nhi chia sẻ,
chị rất biết ơn Chiếc Thìa Vàng bởi cuộc thi đã mang hình ảnh của chị, của Quán
Nhi, của câu chuyện tình thân trong mỗi món ăn dân dã miệt vườn đến với đông đảo
khách hàng. Chính vì vậy, dù phải lặn lội quãng đường xa, chị vẫn quyết tâm lần
nữa, mang những món ăn đặc sắc của mình đi giao lưu. “Nhiều khách hàng khi đến
quán đã chạy tới gặp tôi bắt tay, hỏi thăm. Họ xúc động vì hình ảnh tôi trên ti
vi, kể về những món ăn thơ ấu của cha mẹ để lại. Trong đó có cả những khách
hàng trước đây thất cơ lỡ vận, khi được ra tù, ghé quán và nói: Ở trong đó em coi tivi, nghe chị kể mà cảm động
quá trời. Nên vừa ra là em phải ghé quán gặp chị bằng được. Tôi nghe mà cảm
động lắm.”. Rút kinh nghiệm lần lỡ chiếc vé vào vòng chung kết năm ngoái, chuyến
lên Sài Gòn lần này, đội của chị chuẩn bị mọi thứ chu đáo hơn. Nguyên liệu và
các loại rau được bảo quản cẩn thận hơn. Ròng rã một tháng qua, chị và con gái
chuẩn bị thực đơn, nấu và trang trí thử ở nhà đến khi vừa ý thì thôi. “Lần này
quyết tâm tạo bất ngờ cho ban giám khảo bằng những món ăn truyền thống đặc sắc
mới”, đầu bếp Hồng Nhi nói.
Thực
đơn dự thi: Gỏi bò tái lá chùm ngây; Cá lóc nhúng giấm
ăn kèm rau cải trời; Vịt xiêm đút lò ăn kèm bánh tằm se tay; Bánh cuốn con sùng
ngũ sắc.
Gỏi bò tái lá chùm ngây
Vẫn kể câu chuyện hấp dẫn
về các món ăn đồng nội, mang đậm tình thân, các đầu bếp Quán Nhi thậm chí còn
làm không ít giám khảo năm nay phải bất ngờ, khi khoác cho món ăn một phong
cách trình bày đẹp mắt. Chỉ riêng món vịt
xiêm đút lò ăn kèm bánh tằm se tay, cũng phản ánh sự đam mê, quyết tâm của
các đầu bếp.
Vịt đút lò bánh tằm se tay
Đây là món ăn có phần tham gia của ngoại và mẹ chị - những món ăn
ký ức. Đầu bếp Hồng Nhi cho biết, chị phải lặn lội qua Đồng Tháp, thuyết phục
người quen mãi mới mua được con vịt xiêm trống 3kg về để đem đi thi. Món ăn này
cần phải dùng loại vịt đủ lớn, nuôi ở điều kiện tự nhiên, thịt mới ngon và sạch.
Vịt sau khi làm sạch, dùng rượu thuốc để khử tanh, ướp gia vị rồi đem chặt làm
tư. Vịt sau khi được đem chiên sơ cho săn thịt, sẽ cho vào nồi gang, đổ nước dừa
sao cho không ngập da vịt. Tiếp đó sẽ nấu vịt bằng kỹ thuật đốt lửa trên, lửa
dưới (than hồng đắp trên nắp nồi). Cứ 10 – 20 phút lại mở nắp, phết lên da vịt
một lớp mật ong. Cách nấu này giúp cho phần thịt vịt, có nước dừa, sẽ không bị
khô; trong khi việc gia nhiệt ở nắp sẽ làm da vịt lên màu, săn lại. Món này vốn
dĩ ăn với bánh bò. Tuy nhiên, chị muốn thêm một chút “gia vị” tình thân, nên
chuyển món ăn kèm này thành bánh tằm se tay – món ăn được ngoại nấu cho ăn ngày
bé. Loại bột lúa mùa bảy phần sống, ba phần chín được nhồi kỹ. Cứ mỗi vắt bột
nhỏ sẽ dùng tay để se thành bánh.
Cá lóc nhúng giấm rau cải trời
Những món ăn khác cũng tìm đến vị tươi của thực
phẩm, lành tính của rau, gia vị như chùm ngây, cải trời – những nguyên liệu vốn
dễ kiếm. Hay bánh cuốn con sùng ngũ sắc lại là sự kết hợp của năm loại màu từ
cây, trái tư nhiên như: lá dứa, lá mơ, lá cẩm, trái gấc.
Bánh cuốn con sùng ngũ sắc
Đơn
vị:
Quán Nhi (Quốc lộ 91, Phước Thới, quận Ô Môn - Điện thoại: 0710 3663 795) có
không gian, khung cảnh đậm chất làng quê phục vụ các món ăn đặc trưng Nam bộ.