Gia vị chính là nhân tố bí ẩn mang lại sự khác biệt cho các món ăn. Việc nêm nếm, gia giảm gia vị để món ăn hấp dẫn là cả một nghệ thuật. Món ăn sẽ được thay đổi cung bậc và nâng cao giá trị nếu dùng gia vị một cách khéo léo.
Trong một chuyến công tác
sang Đức giới thiệu ẩm thực Việt, cô Bùi Thị Sương, nghệ nhân ẩm thực, đã chỉ
cho các đầu bếp tại đây ướp thịt nướng để làm món bún chả thịt nướng kiểu Việt Nam.
Ngoài
tỏi, hành tím, cô cho thêm ít đầu hành trắng giã nát để ướp. Do khẩu vị khác biệt
nên bếp trưởng người Đức đã sử dụng hành tây để thay thế hành trắng. Sau khi nướng
xong, món thịt nướng Việt Nam thơm lừng và hấp dẫn hơn hẳn so với món thịt nướng của
đầu bếp Đức. Khi được hỏi vì sao, cô tiết lộ: “Bí quyết nằm ở chính mùi vị của
đầu hành trắng, khi ướp với ít nước mắm, tỏi, hành tím, các gia vị này quyện
vào với nhau tạo ra một hương vị rất đặc trưng Việt Nam”.
Bí ẩn trong gia vị Việt
Từ
câu chuyện trên có thể thấy, gia vị chính là nhân tố bí ẩn mang lại sự khác biệt
cho các món ăn Việt. Việc nêm nếm, gia giảm lượng gia vị
như thế nào để món ăn hấp dẫn là cả một nghệ thuật. Các món ăn sẽ được thay đổi
cung bậc và sắc thái, nâng cao giá trị nếu dùng gia vị một cách khéo léo.
Gia vị góp phần thay đổi cung bậc, sắc thái và nâng cao giá trị món ăn. Trong ảnh: Món Thịt bò cuộn lá lốt nướng; gà kiến nướng lá chanh và cơm gạo lành của các đầu bếp Khách sạn Indochine Palace
Để khám phá hết những bí ẩn của gia
vị Việt sẽ là một kỳ công. Bởi, gia vị Việt Nam rất phong phú và đa dạng, thay đổi
theo vùng miền, theo tính chất của từng địa phương hay mùa vụ và kể cả theo
phong cách chế biến của những đầu bếp. Điều thú vị là mỗi vùng miền đều có những
loại gia vị riêng biệt, như một cách giúp thực khách phân biệt được vị ngon
“không đụng hàng” ở từng nơi.
Nếu như ẩm thực phương Tây có xu hướng
ưa chuộng vị béo nên khi chế biến món ăn thường sử dụng nhiều bơ, kem tươi, phô
mát đi kèm với rượu và các loại lá thơm như thyme, persil, laurier…để làm nổi
trội vị béo và hương thơm đặc trưng của món ăn. Thì ngược lại, nhờ có sự ưu đãi
của thiên nhiên, món ăn Việt Nam lại phong phú bởi nhiều loại cây gia vị như
hành, gừng, giềng, tỏi, sả, ớt, các loại rau thơm, rau mùi..., giúp tạo nên nhiều
hương vị đặc trưng mà các quốc gia khác không thể có được.
Bàn trưng bày gia vị Việt ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng
Tôn
vinh gia vị Việt
Theo các chuyên gia ẩm thực, hiện
nay nguồn gia vị Việt rất phong phú nhưng mới chỉ được khai thác theo kiểu
"hái liền tay ngay vườn nhà" mà chưa được phổ biến rộng rãi. Gia vị
đa phần vẫn theo kiểu sử dụng tươi, chưa sơ chế, chế biến sẵn nên còn phụ thuộc
vào điều kiện thời tiết, khí hậu, không thể sử dụng mọi lúc mọi nơi.
Ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, Ban giám khảo luôn tò mò và thích thú với mỗi gia vị mà các đầu bếp giới thiệu
Câu hỏi đặt ra là làm sao để các loại
gia vị ngon làm nên các món ăn đặc trưng Việt Nam có mặt ở hầu hết căn bếp Việt,
và ai cũng có thể sử dụng chúng một cách dễ dàng. Cũng từ những trăn trở
này, hành trình tìm kiếm và phát triển
gia vị việt đang được khởi động Thông qua cuộc thi “Chiếc Thìa Vàng”. Mục đích
của cuộc thi không chỉ tìm kiếm và phát triển các hương vị đặc trưng truyền thống,
mà còn tôn vinh và xây dựng nên một bản đồ gia vị Việt. Đây cũng là bước đầu để
có thể hiện thực hóa nhiệm vụ phát huy tinh hoa ẩm thực Việt.
Chuyên gia sưu tầm,
nghiên cứu gia vị ở Việt Nam, đồng thời là giám khảo chuyên môn của cuộc thi
Chiếc Thìa Vàng 2015 - ông Chiêm Thành Long nhận định: "Chúng ta quen sử dụng
gia vị tươi, chưa tính toán việc sơ chế hoặc tinh chế, làm tăng giá trị thương
mại của nguyên liệu, gia vị. Vẽ được bản đồ gia vị Việt Nam đồng nghĩa với việc
tìm ra con đường giao thoa văn hóa ẩm thực, phát triển nền ẩm thực chuyên nghiệp,
có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Bài: Thủy Mộc
Ảnh: CTV