Chọn Lang Liêu tổ nghề đầu bếp: Hơn chọn ông Táo?

Thứ bảy, 07/04/2018 15:38
0
0
Tổ nghề đầu bếp là người xa xưa nhất cộng đồng biết tới sáng tạo ra món ăn và món ăn ấy vẫn tồn tại, giữ nguyên giá trị đến ngày nay.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang xây dựng dự án Xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt Nam. Dự án này nêu rõ nguyện vọng của đội ngũ đầu bếp Việt Nam là được tôn vinh tổ nghề. Chính vì thế, câu chuyện tôn vinh ai làm tổ nghề đầu bếp đã được đặt ra.

Trên cơ sở ý kiến của các nhà sử học, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Lang Liêu - người sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày, xứng đáng là ông tổ của nghề đầu bếp Việt Nam.

Trao đổi với Đất Việt, ông Lý Sanh, Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, người có hơn 35 năm làm nghề đầu bếp, được học hỏi và tiếp cận văn hóa ẩm thực một số nước châu Á, Âu, Mỹ, khẳng định cá nhân ông và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn hoàn toàn tán thành với việc lựa chọn hoàng tử Lang Liêu làm tổ nghề đầu bếp.

Theo chia sẻ của ông Lý Sanh, trước đây, ông từng nghe một số người tôn vinh ông Táo là tổ nghề đầu bếp nhưng ông cho rằng lựa chọn đó không hợp lý. Đầu bếp phải là một người nấu ăn giỏi, làm ra các món ăn và phải có sự sáng tạo ở trong đó. Trong khi đó, theo truyền thuyết, ông Táo là người trông coi bếp núc, nghiêng nhiều về nội trợ chứ không phải là người sáng tạo món ăn, đưa món ăn tới cả những nơi yến tiệc.

Về phần chọn Lang Liêu, Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, thấy rằng đó là lựa chọn hợp lý và xứng đáng.


Lang Liêu, người sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày được chọn làm ông tổ nghề đầu bếp Việt Nam.

"Hầu hết các nghề các đều có tổ nghề, nghề đầu bếp cũng cần có. Tôi đã trao đổi với một số nhà sử học và họ cũng tán thành chọn Lang Liêu làm tổ nghề đầu bếp. Chỉ còn băn khoăn một nỗi đây chỉ là truyền thuyết, đã tôn vinh làm tổ nghề thì cần phải có nguồn gốc chặt chẽ để nếu mọi người thắc mắc thì có thể lý giải được.

Lang Liêu gắn với lịch sử văn hóa ẩm thực Việt Nam, là người sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày - những món ăn có nguồn gốc từ văn minh nông nghiệp của Việt Nam và đến nay chúng vẫn còn nguyên giá trị cả về vật chất và tinh thần", ông Lý Sanh giải thích.

Điều ông Lý Sanh băn khoăn là lấy ngày nào để cúng tổ: "Chẳng lẽ lấy ngày giỗ Tổ Hùng Vương, hay chọn ngày Lang Liêu lên ngôi vua, hay cũng có thể là ngày mất của ông? Chuyện này cần các nhà sử học, các chuyên gia văn hóa dân gian vào cuộc để tìm ra ngày phù hợp nhất".

Cũng chia sẻ quan điểm chọn Lang Liêu làm tổ nghề đầu bếp, TS sử học Nguyễn Nhã, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, Trưởng đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới kể lại:

Ý kiến tôn hoàng tử Lang Liêu làm ông tổ nghề đầu bếp Việt Nam được nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý cho ông trong một cuộc họp của Ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tại Huế. Ông thấy ý kiến đó rất hay, vì thế trong Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái, với vai trò cố vấn của hiệp hội, ông có đề xuất và Đại hội đã nhất trí.

Giải thích việc chọn Lang Liêu làm ông tổ nghề đầu bếp Việt Nam, TS Nguyễn Nhã cho biết, truyền thuyết hoàng tử Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày là câu chuyện sớm nhất gắn với hai món ăn đặc biệt của dân tộc Việt Nam.

Trải qua quá trình mấy ngàn năm, bánh chưng, bánh dày vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Nó không chỉ là những món ăn thông thường mà còn trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc.

Không chỉ ngon, mà bánh chưng, bánh dày với biểu tượng vuông-tròn còn thể hiện lòng hiếu thảo, đề cao công lao của cha mẹ như trời đất - một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Vì lẽ đó, người tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa lớn lao như vậy xứng đáng trở thành ông tổ nghề bếp.

TS Nguyễn Nhã cũng lưu ý, việc lựa chọn tổ nghề đầu bếp khác với việc tìm quốc phục, quốc hoa.

"Việc lựa chọn quốc phục, quốc hoa mới khó bởi chín người mười ý. Còn ở đây không phải chuyện vùng miền, mà bánh chưng, bánh dày là những sản phẩm ẩm thực gắn liền với lịch sử của cả dân tộc. Việt Nam 54 dân tộc có thể có sự khác biệt nhau, nhưng cả đất nước này phải chung một ông tổ", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam nói.

Về việc lựa chọn ngày cúng tổ, TS Nguyễn Nhã cho biết, ở Phú Thọ, Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương đã nắm được ngày sinh, ngày mất của Lang Liêu.

"Cái này rất hay: Thứ nhất là ngày giỗ, ngày theo truyền thống của người Việt. Thứ hai là ngày sinh, khi hòa nhập theo thế giới, người ta thích ngày sinh nhật hơn. Như vậy có thể lựa chọn một trong hai ngày hoặc chọn cả hai ngày làm ngày cúng tổ", TS Nhã gợi ý.

Theo Đất Việt

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Ban giám khảo

Ông Otto Weibel

Ông Otto Weibel

11-12-2015 08:52
Ông Nguyễn Xuân Hùng

Ông Nguyễn Xuân Hùng

25-11-2015 16:12
Ông Sakal PHOEUNG

Ông Sakal PHOEUNG

31-10-2015 14:15

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG