Đó là mong mỏi của ông Lý Huy Sáng, phó trưởng ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng ở tọa đàm “Phát huy giá trị ẩm thực Việt Nam trong việc định hình và phát triển du lịch TPHCM” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức ngày 26.4 vừa qua.
Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Ảnh: Quang Định
Ông Lý Huy Sáng, phó tổng giám đốc Công ty Minh Long I, phó ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng cho rằng điều đáng buồn là xu hướng càng chuộng món Pháp, món Hàn, món Thái… mà quên đi ẩm thực Việt, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, ở Việt Nam, nghề bếp chưa thực sự được coi trọng, làm mất đi giá trị về ẩm thực.
“Ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, chúng tôi tổ chức nhằm tôn vinh nghề bếp, góp phần thay đổi định kiến lại xã hội về nghề này. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ nhiều đơn vị để đưa cuộc thi ra thế giới, góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam”, ông Sáng cho hay.
Cũng trong tọa đàm “Phát huy giá trị ẩm thực Việt Nam trong việc định hình và phát triển du lịch TPHCM”, nhà nghiên cứu ẩm thực Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cho rằng: “Nếu giải quyết được nạn thực phẩm bẩn hiện nay, du lịch Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc”.
Theo ông Nhã, nguyên liệu sạch - yếu tố đóng góp quan trọng cho món ăn sạch, đó là giá trị đối với sức khỏe và văn hóa của một nước.
Tương tự, chia sẻ tại tọa đàm, ông Giovanni J Delrosario, phó giáo sư chương trình Ẩm thực & Nhà hàng Đại học Harbor Los Angeles, cho rằng du khách quan tâm lớn đến tính an toàn của thực phẩm.
Nếu du khách đến Việt Nam hoặc TP.HCM với với tâm trạng lo lắng về thực phẩm bẩn thì họ sẽ không mặn mà với du lịch.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc công ty Vietravel, hiện 82% du khách đến Việt Nam cho rằng ẩm thực quyết định sự định vị của quốc gia nhanh nhất, 71% du khách Mỹ quan tâm đầu tiên là ẩm thực, 63% khách đi tour muốn chia sẻ về ẩm thực và du khách dành 30-35% ngân sách chi tiêu cho ẩm thực. Rõ ràng, ẩm thực là yếu tố tiên quyết đến thu hút du lịch, nên thực phẩm bẩn góp phần cản trở du lịch phát triển.
Nguyễn Trí
(Theo Tuổi trẻ)