Bỏ qua lối trình bày rập khuôn: nem công chả phụng, lưỡng long
tranh châu… Vẫn có một vài đội cách điệu hình thức món ăn theo phong cách hiện đại, thực đơn khá
sáng tạo. Vậy mà vẫn trượt mới đau!
Đơn cử với bốn món dự thi của Nhà khách Duy Tân, đội 3, Huế: Sóng
nước Tam Giang, cá bốn mùa, chim câu hầm ngũ vị, ngọt ngào xứ Huế.
Chất lượng sản vật nước lợ phá Tam Giang ở Huế, có thể sánh ngang
với đầm Ô Loan của Phú Yên. Nghệ nhân ẩm thực, thành viên Ban giám khảo Hồ Thị Hoàng Anh xuýt xoa:
"Tụi hắn ngon dễ sợ lắm! Nào là cá đối, cá nâu… Con chi cũng ngon như rứa!"
Chả tôm xứ phá Tam Giang, càng ngon miệng càng kỳ công
Theo anh Đoàn Văn Hiền, bếp trưởng đội 3, người dân địa phương còn
gọi con tôm đất ở đầm này là tôm gân. Tôm búng tanh tách dưới đầm phá suốt bốn mùa, vỏ mỏng, thịt
giòn dẻo lẫn ngọt đậm - "như rứa" quanh năm. Cho nên, đội anh Hiền bắt tôm mang quết chả hì hục
bằng tay, trong chiếc cối đá nặng trên 10kg. Gia vị vừa miệng, rồi dồn lại chả tôm vào vỏ mỗi tôm
sú, để tạo hình những chú tôm lom khom bò. Hấp lên, rồi lại nướng sơ, nhằm chiêu dụ khứu giác thực
khách bằng mùi thơm đặc trưng.
Chấm cùng một loại xốt được chế biến từ: dầu mè, tương ớt,
mayonnaise…; hương vị ngọt - mặn, béo - cay.
Cho nên, đa số thành viên Ban giám khảo đều có cảm tình với món
này. Nhưng đến món thứ 2, hơi bị mất trớn.
Vẫn dựa vào phá Tam Giang, đội anh Hiền bắt con cá bống mú đen tiếp
tục quết chả. Chấm cùng chén xốt chứa chút chua thanh của nước cốt chanh dây, mặn thơm của nước mắm
Phú Quốc và chút cay cay từ tương ớt Huế. Theo anh Hiền, nước mắm Huế nặng mùi hơn, không thích hợp
cho món ăn chơi thanh tao này.
Chế biến chả cá bóng mú
Tuy nhiên, chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long, thành viên Ban giám
khảo góp ý: " Các bạn tạo hình món chả cá mú thành bốn con cá nhỏ rất dễ thương, màu sắc khác nhau
nhưng hương vị hoàn toàn giống nhau. Giá như, mỗi con có hương vị riêng thì quá tuyệt vời."
Đến món chè bắp, Ban giám khảo Hồ Thị Hoàng Anh càng kỳ vọng: "Bắp
nếp cồn Huế rất đặc biệt. Vỏ nó mỏng, ngọt dẻo và thơm mùi sữa bắp mê li! Không biết mấy hắn nấu ra
răng!"
Tiếc thay, các đầu bếp đội 3, không biết trân quí mùi vị tinh
nguyên của từng hạt bắp cồn, nơi đất trời Thần Kinh. Họ dùng mùi lá dứa dập vùi tơi bời mùi bắp,
trong chính chén chè bắp nhỏ xinh.
Tiếc thay, món chả cá bống mú bốn mùa thiếu hương vị riêng cho từng
mùa
Đồng thời, theo Hội đồng Ban giám khảo chuyên môn, lỗi thường gặp ở
các đội tranh vòng sơ kết "Chiếc thìa Vàng" 2014 khu vực Bắc Trung bộ, lần này tại TP. Đà Nẵng, hôm
6/8/2014 là, quên giới thiệu những sản vật địa phương, đã có trong thực đơn dự thi.
Đơn cử với đội
3, họ có mang bún Vân Cù, ăn kèm với món bồ câu hầm ngũ vị nhưng chẳng chịu… khoe. Đợi một thành
viên trong Hội đồng ban giám khảo phát hiện ra, hỏi họ mới nói. Đây là, làng nghề bún nổi tiếng, ở
phía Bắc TP.Huế. Có người quả quyết rằng, sợi bún Vân Cù dẻo dai lẫn độ ngon ngót (ngòn ngọt) không
bị chua như các nơi khác, phần lớn nhờ nước sông Bồ.
Cũng như, đa số thành viên của 12 đội (từ các tỉnh/thành: Quảng
Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế) chưa sưu tầm được những giai thoại ấn tượng về nguyên liệu dự thi.
Họ chưa nói rõ ăn kiểu nào là thú vị, bổ dưỡng theo kinh nghiệm dân gian. Bởi chủ đề chính của cuộc
thi là Hương vị quê nhà thời hội nhập, xoáy vào những món ngon lành, nhằm sưu tầm - quảng bá kho
tàng ẩm thực món ngon bài thuốc có nguồn gốc tự nhiên, cốt tài bồi sức khỏe giống nòi.
Bàn tiệc dự thi các đội Huế, chưa thể rời xa long phụng
"Cuộc thi nào cũng có kẻ thắng người thua. Nói không buồn là tự dối
lòng. Nếu được, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng năm sau, Ban tổ chức nên có thêm giải phụ khuyến khích,
như: có cố gắng sáng tạo chẳng hạn, để khích lệ những đầu bếp trẻ cố gắng phấn đấu hơn nữa. Và tôi
sẽ không bỏ cuộc!", anh Hiền tâm sự.
Theo Tấn Tới - Phi Nguyễn
Thế giới tiếp thị