Song, trước sự khắc nghiệt của dòng chảy thời gian, rất nhiều món ăn dân dã đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Do đó, tái khám phá, gìn giữ các món ăn này là niềm mong mỏi không chỉ của những người làm văn hóa, mà còn là tâm tư của bất kỳ ai khi nghĩ về các đặc sản quê nhà.
Trước nguy cơ thất truyền các món ăn quê nhà
Món ăn của đội Hera Place năm 2013 - Ảnh: N.T
Trong cuốn sách Hương vị quê nhà - món ngon Tiền Giang, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương
đã giới thiệu các món ăn quê hương của bà khiến nhiều độc giả ngạc nhiên, ngay chính cả những người
con thân thuộc của vùng đất bên bờ sông Tiền.
Ngạc nhiên bởi sức hấp dẫn, phong phú về hương vị và
cách chế biến đặc trưng của vùng sông nước, trong đó nhiều món nghe tên rất lạ dù đó là chỉ những
"hương vị quê nhà": bánh giá chợ Rồng, bánh nghệ Gò Công, chả cua nướng ổ...
Hay món chè Sơn Qui,
theo tác giả, là "một trong những đặc sản theo chuyến hành trình của một cô gái 15 tuổi công dung
ngôn hạnh Phạm Thị Hằng, được tiến cung về làm dâu triều Nguyễn. Bà là người có công đưa các sản
vật quê hương xứ Gò vào quốc yến. Món chè quê của bà khi đến Huế được nâng lên thành chè thập cẩm
cung đình…". Tiếc thay, chè Sơn Qui giờ đây đã gần như thất truyền tại chính quê nhà.
Rất khó để kể hết những món ăn dân gian của các vùng miền trên dải đất hình chữ S đang có nguy
cơ chỉ còn lại trong ký ức như chè Sơn Qui xứ Gò. Còn nhớ tại Festival Huế 2014 vừa qua, 6 món ăn
tiến vua đã thất truyền hàng trăm năm nay được tái hiện gây kinh ngạc về sự tinh tế của ẩm thực
cung đình Huế. Một câu hỏi đã được nhiều người đặt ra: làm gì để phát hiện, gìn giữ và phát triển
các đặc sản vùng miền trên khắp đất nước việt Nam?
Tháng 5 này có một tin vui cho ẩm thực Việt: trong buổi công bố khởi động "Chiếc thìa vàng
2014", Ban tổ chức đã nhấn mạnh, tiêu chí đầu tiên của cuộc thi là tìm kiếm món ăn dân dã và truyền
thống mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của từng vùng miền trên khắp đất nước. Gánh lấy sứ mệnh làm
sống lại các món ăn quê nhà đang dần mai một, "Chiếc thìa vàng" vì thế đã thu hút được sự quan tâm
đặc biệt của những người quan tâm tới văn hóa ẩm thực.
Tái khám phá và nâng tầm ẩm thực dân gian
Đây là mùa thứ 2 của "Chiếc thìa vàng" trong hành trình khám phá những đặc sắc của ẩm thực dân
gian trên các vùng miền cả nước. Ông Lý Ngọc Minh - TGĐ Công ty Minh Long I, Trưởng ban Tổ chức cho
biết: "Năm 2014, cuộc thi sẽ đến được nhiều địa phương hơn, tiếp cận nhiều nền văn hóa ẩm thực dân
gian chưa khai thác hết còn lẩn khuất đâu đó trong những vùng xa xôi, hẻo lánh".
Với thông điệp "Mỗi món ăn quảng bá văn hóa cho một vùng miền", mỗi món ăn sẽ là "đại sứ" cho
một vùng đất, chẳng hạn nói cơm hến là nói đến Huế, tới Quảng Nam du khách sẽ nghĩ ngay tới mì
Quảng… "Chiếc thìa vàng" muốn tìm kiếm thêm nhiều tinh túy trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, gắn
liền với yếu tố "ngon và lành". Các đầu bếp tài hoa sẽ trình bày sáng tạo các món ăn này, góp phần
nâng ẩm thực VN lên tầm quốc tế.
Các món ăn từ cuộc thi sẽ được đưa lên website www.chiecthiavang.com của chương trình - một kênh
giới thiệu, quảng bá món ngon Việt Nam cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Các món ăn và địa chỉ nhà
hàng sẽ được thực khách bình chọn, từ đó dần lập nên bản đồ ẩm thực phong phú và đa dạng suốt chiều
dài đất nước.
Website sẽ đăng tải những câu chuyện tương truyền trong dân gian đằng sau những
món ăn để mọi người có thể hiểu rõ hơn nguồn gốc của món ăn cũng như tăng sự hấp dẫn, cuốn hút đối
với thực khách trong hành trình khám phá du lịch và văn hóa Việt. Như ông Lý Ngọc Minh lý giải,
nhiều món ăn nổi tiếng không chỉ bởi sự ngon lành mà bởi các huyền thoại "phủ" lên đó như một thứ
trang sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Những nỗ lực này, theo Ban tổ chức, nhằm hướng tới quảng bá một nền ẩm thực Việt Nam ngon và
lành từ các nguyên liệu tươi sạch và giàu dinh dưỡng, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe người dân và
thúc đẩy nền công nghiệp ẩm thực có cơ hội cất cánh.
Cuộc thi "Chiếc thìa vàng" lần thứ 2, năm 2014, dự kiến sẽ có 220 đội tham dự vòng sơ kết, bắt đầu từ ngày 21/5 đến ngày 8/10. Các thí sinh của 220 đội được chia thành 10 khu vực và thi ở các địa điểm: Cần Thơ, Kiên Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh và Lào Cai. Tại mỗi địa điểm thi có 20 đội, qua vòng sơ kết, mỗi điểm sẽ chọn 3 đội vào vòng thi bán kết. Vòng thi bán kết dành cho các thí sinh khu vực ở phía bắc tổ chức tại Hà Nội (5/11) sẽ có 15 đội tham dự. Các thí sinh khu vực phía nam, gồm 21 đội sẽ thi vòng bán kết tại TP.HCM (19/11). Qua đó chọn 4 đội ở khu vực phía bắc và 6 đội ở khu vực phía nam vào vòng thi chung kết và trao giải tại Bình Dương (10/12). Với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, "Chiếc thìa vàng" trở thành một hoạt động quảng bá du lịch quốc gia.
|
Theo Y.Linh
Thanh niên