Có cả nếp nương dự hội, trong món cơm lam
Thật khó tiên lượng món ngon nào sẽ đạt điểm cao trong 14 món, của 9 đơn vị hàng quán khu vực Tây Nguyên, mang đến tham dự ngày hội ẩm thực chủ đề “Hương vị quê nhà”, tại khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt, P.4, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, chiều ngày 22/7/2014. Bởi, có khá nhiều nguyên liệu độc đáo, đặc trưng.
Nếu quán bình dân Sài Gòn có trà đá miễn phí thì thành phố sương mờ
Đà Lạt sẵn bình trà nóng không tính tiền, có nơi còn đãi tách trà gừng nồng ấm.
Sài Gòn thu nhỏ
Cảm giác đầu tiên sau khi dạo một vòng quanh cao nguyên nghỉ dưỡng
lý tưởng, nhiều đồi dốc thơ mộng này là sự nhiệt tình, thân thiện của dân địa phương. Và nó giống
như một TP.HCM thu nhỏ, với đủ giọng mẹ đẻ cùng món ngon ba miền: phở, bún riêu, bún bò Huế, bánh
bèo, bánh căn, cơm tấm, heo quay…
Hỏi một số dân bản địa sống ba đời ở đây, món ăn thức uống nào là
đặc trưng của Đà Lạt, họ gãi đầu chịu thua. Song mặc nhiên, nhiều người đồng tình rằng, khi nhắc
đến các loại rau cải tươi mọng và bông artichaut xanh đậm hứa hẹn chứa nhiều bài thuốc nam bổ dưỡng
là nhớ ngay đến thành phố ngàn hoa này.
Nhớ lâu!
Đồng thời, như đã nói ở trên, ngoài món salad Đà Lạt tuyệt vời còn
nổi lên một món mới: gỏi ớt chay. Tên đầy đủ của món này là gỏi chay Thái, ở nhà hàng Nhật Liên, 17
Huỳnh Thúc Kháng, P.4, TP Đà Lạt. Nguyên liệu chính tạo nên sắc màu lấp lánh và toả mùi hăng nồng
đặc trưng là, mớ ớt Đà Lạt (ớt chuông) xanh + chín được bào mỏng. Cùng những miếng tàu hũ ky vàng
xốp. Có miếng, hình con cá cơm quẫy đuôi, miếng khác, hình tay nấm khô rụt cổ. Cái khéo là, biết
trộn hỗn hợp nước gỏi tạo vị chua thanh nhẹ và vừa đủ mặn - không cần chấm thêm. Giá 60.000
đồng/phần/cỡ hai người ăn.
Gỏi ớt ngọt, món mới của Đà Lạt
Tương tự, một hiện tượng ẩm thực có thể khiến những thượng đế tuổi
teen mất ăn mất ngủ, nếu không túm tụm miệng tám chuyện khí thế, tay bốc ngon lành miếng bánh tráng
nướng quệt trứng. Nó còn có tên hội nhập khác là pizza Đà Lạt.
Theo một số người dân ở thành phố giàu hoa, món này ra đời cách đây
4 - 6 năm. Và nó được nhiều du khách biết đến, nhất là giới trẻ khoảng hai năm nay. Bằng chứng là,
quán vỉa hè số 26 Trần Nhật Duật, P.5, TP. Đà Lạt có đến mười người bán. Trong đó, mất năm thanh
niên tay nướng bánh thoăn thoắt, vai áo đẫm mồ hôi trong tiết trời lành lạnh.
Với những thực khách ngồi gần lò, không chỉ "hưởng xái" hơi ấm từ
bếp than đỏ rực mà còn nghe mùi thơm tưng bừng của trứng nướng quyện với tinh dầu hành lá - đủ lời!
Chị Trang, chủ quán này cho biết, trung bình mỗi tối, bán được trên 300 trứng các loại (cút, gà),
từ 14h - 19h 30.
Giá từ 4.000 - 17.000 đồng/cái.
Mặc dù vậy, vẫn thèm những món ngon chân phương đượm phong vị núi
rừng.
Rung rinh đại ngàn
Đành quay sang hỏi anh Lê Văn Bôi, bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng BBQ
Đệ Nhất, ở TP Kon Tum, một số món đặc trưng của đại ngàn. Như gặp được tri âm, anh chủ trẻ này hào
hứng chia sẻ. Và anh Bôi cũng đang chuẩn bị đồ nghề "chạy đi" tham dự hội Ẩm thực Tây Nguyên, ở TP
Đà Lạt, do ban tổ chức cuộc thi Chiếc thìa vàng 2014 thực hiện.
Hoành tráng gỏi lá Kon Tum - Ảnh: Phi Nguyễn
Theo anh Bôi, đại tiệc gỏi lá có khoảng 50 loại lá rừng như: mã đề,
hồng ngọc, é tím, sung, đinh lăng, mơ lông, ngải cứu… Chúng góp phần kích thích sự thèm ăn, giúp:
trợ tiêu, hỗ trợ gan giải độc, chống dị ứng.
Kết quả bình chọn các món đoạt giải trong Hội ẩm thực Tây Nguyên
1 giải nhất: Món giò heo hầm artichaut của khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt, TP. Đà Lạt.
2 giải nhì: Cơm thố lá sen chay của nhà hàng Nhật Liên, Đà Lạt; Gỏi lá của nhà hàng BBQ Đệ Nhất, Kon Tum.
Trị giá: 5 triệu đồng/giải.
|
Còn nước xốt được chế biến từ hỗn hợp hèm rượu nếp với
thịt bằm, tôm khô, gan heo…; hội đủ vị: chua - cay (của tiêu), mặn - ngọt, béo bùi. Điểm đặc biệt
của món này là, không nêm đường, bột ngọt. Riêng lượng đạm chính, đã có thịt heo và tép (tôm) tươi
luộc thơm ngọt góp sức.
Mặt khác, anh Lê Văn Mạnh, hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm
cánh Gia Lai, Kon Tum giảng giải: món gỏi lá trước kia có hàng trăm loại lá tham dự, nay giảm còn
phân nửa. Do các loại rau lá rừng ăn được không còn phong phú như xưa. Chúng chủ yếu chứa vị: chua
chua, chan chát và nhân nhẩn đắng, giúp ăn lâu ngán và uống rượu cũng lâu say.
Đây là món "ruột" - truyền đời - của các dân tộc: Xơ Đăng, Ba Na,
Gia Rai. "Họ mang gùi vào rừng chọn lá là an tâm đi! Sau này, người Kinh thấy hay mới học hỏi họ",
anh Mạnh quả quyết. Tuy nhiên, người Kinh có công độn thêm các loại rau nhà "linh tinh" như: hành,
bù ngót, cải bẹ xanh, lá mơ… cho thêm phần xôm tụ.
Có thể nói, kho tàng những món ngon dân dã, độc đáo Việt như một
rừng hoa mọc len lỏi khắp chiều dài đất nước. Và trong ngày hội ẩm thực long trọng vừa nêu, nhằm tô
đậm bản đồ ẩm thực du lịch Việt giàu tiềm năng, chưa biết loài hoa dại nào hay bông artichaut thắng
thế. Bởi, quyền quyết định là những phiếu bình chọn của gần 200 khách mời thưởng lãm, ăn thử gồm
nhiều thành phần: doanh nhân, tiểu thương, sinh viên…
Tuy vậy anh Bôi tâm sự, nếu không đoạt giải cao anh vẫn vui. Vì đây
là cơ hội để quảng bá đặc sản Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Theo Tấn Tới
Thế giới tiếp thị