Tại khu vực TP.HCM, 21 đội nhà hàng, khách sạn thuộc hàng top của TP đã đem đến cuộc thi hơn 80
món ăn tương đối quen thuộc: chả giò, gỏi, cuốn, tôm hấp, gà hấp… nhưng các món ăn dân dã ấy bỗng
trở thành lạ hơn nhờ sự biến tấu tài tình, sáng tạo của đội ngũ đầu bếp.
Không mang nặng tính địa phương
Chính họ đã "làm khó" ban giám khảo trong quá trình chấm giải. Những món ăn đem đến cuộc thi
không có đặc trưng riêng của TP.HCM mà thể hiện nét ẩm thực của nhiều vùng miền trên cả nước.
Món
gỏi lục bình, một loài thủy sinh hoang dại mọc khắp các ao hồ, sông rạch, đặc biệt là vùng sông
nước đồng bằng sông Cửu Long.
Món heo nướng ruốc Huế, gỏi mít non tôm thịt của Quảng Nam hay món
cuốn trẹt Tây Sơn là những món tiêu biểu của miền Trung…
Những món ăn dân dã ấy đã thu hút
thực khách Sài Gòn vì vị lạ mà ngon. Nghệ nhân - Nhà giáo Ưu tú Triệu Thị Chơi, thành viên ban giám
khảo, nhận xét: "TP.HCM là nơi giao lưu văn hóa ẩm thực của nhiều vùng miền, các đầu bếp ở TP có
nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc chế biến và làm mới các món ăn dân dã. Các món ăn nơi đây không
mang nặng tính địa phương, các đầu bếp biết điều hòa khẩu vị để mọi người ở các vùng miền khác nhau
có thể dùng được".
Ban tổ chức trao giải cho 2 đội đoạt giải nhất và 6 đội giải nhì tại
vòng sơ kết "Chiếc thìa vàng 2014" tại TP.HCM
Món dân dã lên bàn tiệc
Từ ý tưởng món ốc len xào dừa dân dã, đầu bếp Trần Thái Bảo, bếp trưởng khách sạn Caravelle, đã
sáng tạo ra các món ăn bằng ốc hương, sò điệp, sò huyết, con chem chép để giới thiệu với khách nước
ngoài. Anh đem đến cuộc thi các món: bánh xếp ốc các loại, gỏi tôm hùm xoài xanh, củ hủ dừa, nước
mắm keo và bánh phồng tôm nướng giòn, các món vịt rô ti với hạt ngò và đùi vịt om mỡ vịt hương vị
cà ri và xốt chanh dây mật ong cùng món tráng miệng bánh trứng sấy nhân chanh tươi dùng với xúp dâu
Đà Lạt đã chinh phục được ban giám khảo cuộc thi, nhờ đó, đội khách sạn Caravelle đoạt giải nhất.
Trần Thái Bảo hy vọng những món anh đem đến cuộc thi sẽ là thực đơn phục vụ trên bàn tiệc của khách
sạn Caravelle trong thời gian tới.
Các món ăn tiêu biểu của các đội đem đến cuộc thi
Trong một lần đi công tác ở Bình Định, bếp trưởng Nguyễn Hoàng Trung của Khu Du lịch Văn Thánh
được người bạn rủ đi ăn tại một quán ven đường. Nghe câu chuyện của người dân nơi đây kể về món
cuốn trẹt mà nữ tướng Bùi Thị Xuân cùng các nghĩa quân Tây Sơn thường ăn trong những lần đi
đánh giặc.
Anh ngạc nhiên khi thấy chủ quán bưng ra một cái trẹt bằng tre, nguyên một cái bánh
tráng được nhúng nước, dĩa thịt bò nướng thơm lừng cùng với chả ram và nhiều loại rau sống, trong
đó đặc biệt có lá cải non, với món nước chấm được làm từ nước ướp thịt nướng kèm lá xoài xanh, tỏi
sống và ớt xiêm. Một cái cuốn bánh to đùng, lần đầu tiên anh thấy hãi nhưng khi ăn thật hấp dẫn bởi
mùi thơm của thịt bò nướng được bà chủ quán có hơn 50 năm trong nghề chế biến làm anh nhớ mãi món
quê ấy.
Trở lại Sài Gòn, anh đem món cuốn trẹt Tây Sơn phục vụ thực khách ở tiệc buffet cuối
tuần Khu Du lịch Văn Thánh. Người dân xứ "nẩu" đến ăn bánh cuốn trẹt của Văn Thánh để nhớ quê -
miền đất võ. Còn thực khách Sài Gòn ăn cuốn trẹt Tây Sơn vì thấy lạ mà ngon.
Tám đội vào vòng bán kết
Ban tổ chức là Công ty Minh Long I và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp đã chọn được 2 đội đoạt giải nhất và 6 đội giải nhì từ 21 đội tiếp tục đi vào vòng bán kết sẽ tổ chức tại Hà Nội ngày 5/11 và TP.HCM ngày 19/11.
Anh Trần Thái Bảo, đã từng tham dự cuộc thi ẩm thực quốc tế Bocuse d'Or, cho rằng: "thi "Chiếc thìa vàng" tổ chức rất chuyên nghiệp, những sản phẩm Ly's Horeca của ban tổ chức đã tạo được nguồn cảm hứng cho các đầu bếp trong cách trình bày món ăn thêm sinh động hấp dẫn thực khách".
|
Theo Hồng Thúy
Người lao động