Giải nhì sơ kết Bắc Trung bộ

Khách sạn Grand Sunrise: "Chủ vị" Quế Sơn

Thứ sáu, 26/08/2016 11:01
0
0
Sản vật Quế Sơn xuất hiện với mật độ dày, dẫn dắt thực đơn bốn món đã giúp đội 63 đoạt vé vào bán kết ngay lần đầu tiên tham gia Chiếc Thìa Vàng 2016.


Đầu bếp: Phan Duy Quý (đội trưởng), Lê Thị Thanh Thảo và Trần Xuân Tùng

Đội trưởng Phan Duy Quý cho biết, anh và hai đồng đội Lê Thị Thanh Thảo và Trần Xuân Tùng đã biết đến sân chơi Chiếc Thìa Vàng ngay từ mùa thi đầu tiên (năm 2013). Mùa đầu tiên đầu bếp sinh năm 1993 chưa đủ tự tin. Mùa thứ hai cũng vậy, dù nhiều đồng nghiệp khuyến khích tham gia. Đến mùa thứ ba, cảm nhận đã tích lũy đủ kinh nghiệm, đặc biệt là tìm được ý tưởng với những món ngon hương vị quê nhà muốn gửi đến cuộc thi, tuy nhiên đến phút cuối anh lại lỡ hẹn do công việc quá bận rộn. Chính vì vậy, tham gia mùa thi này, với Quý là một trải nghiệm đặc biệt. Ngay từ kệ bếp, ai nấy cũng nhận ra sự kỳ công của các đầu bếp. Đó là sự phong phú và nhiều sắc màu của các loại gia vị, từ lá me, trái chay, dây quai xanh (khế rừng), lá dứa rừng, chùm ngây và các loại rau thơm trứ danh làng Trà Quế (Hội An). Nổi bật hơn cả là miếng bánh phở sắn Quế Sơn khổ lớn, được trưng bày để tăng tính trực quan, nhân tiện giới thiệu về thức ngon định danh miền quê ngoại của Quý. Chuyên gia ẩm thực, giám khảo chuyên môn Chiêm Thành Long tỏ ra thích thú loại bánh phở này. Ông rất cảm kích tinh thần của các đầu bếp, không chỉ sư tầm món truyền thống mà còn kỳ công học cách làm và biểu diễn ngay tại bàn tiệc Chiếc Thìa Vàng. Giám khảo Vũ Kim Anh - nguyên Phó Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP.HCM, cũng ấn tượng với cách giới thiệu món ăn của các đầu bếp. Bằng một cử chỉ quen thuộc, bà đưa điện thoại lên chụp, lưu lại như một cách “check in” món ngon Việt Nam trong hành trình khám phá của mình: “Phở sắn và gỏi cuốn ăn rất ngon. Lá phở khá độc đáo”, nữ giám khảo cũng nhận xét khi thử món.


Các đầu bếp Grand Sunrise chế biến món kem Nitơ

Đầu bếp Duy Quý thành thật, để lên ý tưởng thực đơn dự thi, anh đã trăn trở rất nhiều. Cuối cùng, những món ăn ký ức của quê ngoại - vùng Quế Sơn - lóe lên như những gợi ý hay. Rồi sản vật ngon lành quê ngoại dập dìu trong thực đơn 4 món, ngon và lành:

1. Gỏi cá mập sữa với đọt lá me, xốt mắm trái chay - Gỏi cuốn phở sắn với bê tơ Cầu Mống, xốt rau thơm Trà Quế - Hải sản cuộn tam cấp. 2. Tôm càng xanh xông đá non nước với rượu Hồng Đào, tiêu a mót, xốt khoai lang tím hương lá dứa rừng và salad rau rừng. 3. Gà đèo le nấu dây quai xanh ăn kèm phở sắn Quế Sơn. 4. Khoai lang đường Quế Sơn ăn kèm hương chùm ngây kem nitơ.


Bám chủ đề Hành trình gia vị Việt, gia vị được sắp xếp trong thực đơn theo độ cao từ đỉnh núi xuống. Khai vị Quảng Đà khá đầy đặn. Cá mập sữa trộn gỏi đọt me là cuộc gặp gỡ giữa núi cao - biển sâu. Còn trái chay dùng làm xốt Duy Quý bắt gặp trong một lần ghé Quảng Bình thăm bạn. Gỏi cuốn phở sắn với bê tơ Cầu Mống, xốt rau thơm Trà Quế thuần chất Quảng Nam.


Khai vị: Gỏi cá mập sữa với đọt lá me, xốt mắm trái chay - Gỏi cuốn phở sắn với bê tơ Cầu Mống, xốt rau thơm Trà Quế - Hải sản cuộn tam cấp.

Để thực hiện món này, Duy Quý tìm đến làng nghề sản xuất phở sắn (khoai mì) ở thị trấn Đông Phú dưới chân Hòn Tàu giáp - dãy núi giáp ranh ba huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn để học nghề. Bê tơ Cầu Mống hẳn nhiên danh bất hư truyền. Mùa lũ lụt, nước nhấn chìm vùng đất Gò Nổi - Cầu Mống. Lũ rút, phù sa ở lại, cỏ non xanh mởn ngút tầm mắt, trở thành kho lương thực khổng lồ cho bò bên bờ sông Thu Bồn. Nghe đâu, những hộ nuôi heo cũng dùng loại cỏ này trộn vô cám. Nguyên liệu tốt chỉ một phần khác. Phần khác là bí quyết thui bê, thường dùng củi dâu theo tỷ lệ, 6 ký củi gánh một ký bê hơi theo thông tin từ Duy Quý, bắt đầu nghề bếp từ vị trí tạp dịch tại một nhà hàng bê thui. Câu chuyện về bê thui Cầu Mống dông dài vào dịp khác. Món khai vị cuối cùng là hải sản cuộn tam cấp. Trải miếng rong biển, đầu bếp lót chả tôm, chả cá thác lác, chả mực, chả cua và tôm sú rồi cuộn lại.


Món thủy - hải sản: Tôm càng xanh xông đá non nước với rượu Hồng Đào, tiêu a mót, xốt khoai lang tím hương lá dứa rừng và salad rau rừng

Mười năm trước trên báo Thanh Niên có một cuộc tranh luận về Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say giữa hai người Quảng Nam. Nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định hoàn toàn không có rượu Hồng Đào. “Không cãi không được”, nhà báo Nguyễn Trung Dân cho biết rượu thường dùng trong dịp lễ, cưới hỏi nghinh hôn, lễ hợp cẩn. Rượu Hồng Đào hóa ra là rượu đế, nấu bằng gạo sau khi lên men dùng chân hương hay vỏ bao hương nhúng vô, tạo màu hồng. Tôm càng xanh xông đá Non Nước với rượu Hồng Đào, tiêu rừng (amót theo tiếng Cơ Tu) là món chuyển. Tiêu rừng từ vùng núi Tây Giang, Quảng Nam rất thơm, cay dịu, vị hơi chua do thường mọc kế bên cây chanh gai như lý giải của Phan Duy Quý trên hành trình đi tìm gia vị. Cảm nhận gia vị đặc biệt này, giám khảo Vũ Kim Anh, nhận xét: “Tôi rất thích hương vị tiêu amót của rừng Tây Giang mà các bạn đã sử dụng cho món ăn. Đây là một loại tiêu đặc trưng mà đồng bào Cơ Tu thường sử dụng. Nó xốp, thơm, cay nhẹ, rất dễ ăn và khác với các loại tiêu khác. Gia vị này đã tôn món ăn lên rất rõ”.


Món thịt: Gà đèo le nấu dây quai xanh ăn kèm phở sắn Quế Sơn

Phở sắn Quế Sơn lặp lại ở món chính, là thức ăn kèm gà đèo Le nấu dây quai xanh, mà cách gọi phổ thông là khế rừng. Đèo Le không chỉ nổi tiếng nhờ giống gà đi bộ trọng lượng dao động trong khoảng năm đến bảy lạng, thịt săn chắc, thơm ngon, mà còn được nhắc đến trong truyền thuyết về mối tình giữa Công chúa Huyền Trân và tướng Trần Khắc Chung. Sau khi vua Chế Mân băng hà, tướng quân họ Trần bí mật đưa công chúa rời khỏi hoàng cung, lên đèo lánh nạn, đợi gió nồm căng buồm ra Bắc. Theo phong tục vương triều Chămpa, hoàng hậu phải chết theo nhà vua...


Tráng miệng: Khoai lang đường Quế Sơn ăn kèm hương chùm ngây kem nitơ

Món tráng miệng là hồi ức ngọt ngào về tuổi thơ với những lát khoai sên đường. Món này cũng thường theo những người nông dân Quế Sơn ra đồng, giúp dằn bụng giữa buổi cày. Chiếc áo hiện đại khoác lên thức ngon dân dã là kem nitơ hương chùm ngây. Món ăn thêm sinh động khi các đầu bếp biểu diễn kỹ thuật làm kem nitơ lỏng ngay tạo bàn trưng bày.


Đơn vị: Khách sạn Grand Sunrise Đà Nẵng


Địa chỉ: 32 Hà Chương, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng

Điện thoại: 0511.3.941.942

Khách sạn Grand Sunrise 2: 5 Phan Liêm, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng

Điện thoại: 0511.3.941.945

Website: www.sunrisedanang.com

Khách sạn Grand Sunrise tiêu chuẩn ba sao, nằm yên bình, quyến rũ tại một trong những vị trí đắc địa nhất của thành phố biển Đà Nẵng. Tại đây, chỉ mất chưa đầy ba phút để tản bộ ra bãi biển Mỹ Khê nổi tiếng và 10 phút trên ô tô để di chuyển từ sân bay Quốc Tế Đà Nẵng về khách sạn. Grand Sunrise nằm giữa nút giao của các địa danh du lịch hấp dẫn như Bà Nà, phố cổ Hội An, Cổ Viện Chàm... Ngoài việc thỏa sức đắm mình trong làn nước xanh thẳm của biển Mỹ Khê – một trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh (Forbes), du khách còn có cơ hội được thưởng lãm những cây cầu nổi tiếng của Đà Nẵng, đặc biệt là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý.

Được thiết kế theo phong cách giao thoa giữa hai nền kiến trúc Á - Âu phá cách, khách sạn được xem là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng khi du khách đến với Đà Nẵng…

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG