Ra quân với các thành viên có kinh nghiệm dày dạn ở sân chơi Chiếc Thìa Vàng, các đầu bếp đội 64 đã xuất sắc đoạt vé vào bán kết với thực đơn dẫn dắt là sản vật từ đất liền đến biển khơi…
Đầu bếp: Lê Văn Thắng (đội trưởng), Bùi Thị Thục Nhi và Nguyễn Đức Minh
Lê Văn Thắng hai lần liên tiếp lọt vào trận chung kết Chiếc Thìa Vàng hai mùa đầu tiên khi còn làm việc tại Khách sạn Hyatt Recency Đà Nẵng. Trong đó, mùa thi thứ hai năm 2014, anh cùng đồng đội đoạt giải nhì - “Món ăn sáng tạo”.
Với kinh nghiệm trận mạc, những tưởng việc vượt qua vòng sơ loại Chiếc Thìa Vàng khu vực Bắc Trung bộ là chuyện dễ hiểu nhưng đầu bếp sinh năm 1985 vẫn tỏ ra khá thận trọng. Phần vì lần đầu tiên anh đeo băng đội trưởng, đại diện cho Pullman Đà Nẵng Beach Resort, cùng hai thành viên khác là: Bùi Thị Thục Nhi và Nguyễn Đức Minh; Phần khác là số lượng đội thi đông đảo, trong đó nhiều đội đã từng tham gia những mùa trước nên cũng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, tính chất cuộc thi lại được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp hơn. Đội trưởng Văn Thắng chia sẻ: “Mỗi mùa thi uy tín của Chiếc Thìa Vàng được nâng lên, thu hút nhiều đội chuyên nghiệp hơn. Nhiều món ăn, gia vị được khai thác nhiều ở những mùa thi trước, khiến càng về sau các đội càng phải đầu tư nhiều hơn để không dẫm lại lối mòn. Chúng tôi cũng phải có sự chuẩn bị kỹ cho mùa thi năm nay”.
Các đầu bếp đội 64 đã mang tới bàn tiệc Chiếc Thìa Vàng thực đơn bốn món ăn, được dẫn dắt bởi các sản vật từ đất liền đến biển khơi: Gỏi cá nhám Nam Ô; Súp dưa hồng nấu hải sản; Gà nướng đèo Le xốt tiêu rừng Tây Giang ăn kèm xôi dừa; Chuối đốt hương rượu Cointreau kèm kem nitơ.
Gỏi cá nhám Nam Ô
Cá nhám phi lê nhúng vào hỗn hợp giấm, gừng, riềng, ớt cay dịu, nước cốt chanh chừng 15 phút. Cách làm ấy vừa khiến cá chín, vừa khử tanh. Sau đó vớt cá ra để ráo, bóp nhẹ cho bớt chua, rồi trộn với bánh tráng miền Trung (nhằm hút sạch nước còn sót lại trong cá). Bộ phận ngon nhất của cá nhám là buồng gan bởi bùi và béo. Gan cũng phải khử tanh, bằng cách hấp với gừng, đầu hành và rượu trước khi nấu xốt. Cuộn cá với rau thơm bằng bánh tráng Nam bộ, bày ra dĩa kèm xốt là hoàn thành món khai vị.
Đầu bếp Nguyễn Đức Minh trang trí món khai vị
Người miền Trung thường dùng dưa hồng (hường) nấu canh trong những ngày hè nắng nực. Dưa hường “dễ tính”, có thể “đá cặp” với tép, tôm đất, cá đồng, cá nục, thịt heo… đều được. Lấy cảm hứng từ món ăn dân dã, đội 64 được quốc tế hóa bằng phương pháp “nấu trong”. Phương pháp kiểu Âu này khiến chén súp trong veo, thấy rõ hải sản gồm tôm, mực, sò điệp.
Súp dưa hồng nấu hải sản
Hơn một lần gà đèo Le được tôn vinh tại vòng sơ tuyển khu vực Bắc Trung bộ. Giống gà đặc sản này có nhiều cách chế biến nhưng chuộng nhất là nướng. “Mỡ gà tươm ra khiến miếng thịt không bị khô”, đại diện đội 64 giải thích. Xốt nấu từ dầu hào, dầu ăn, tỏi, sả. Nấu nước dùng bằng xương gà và tiêu rừng Tây Giang. Tiêu rừng là gia vị hiện diện hầu khắp trong bữa cơm hằng ngày của người Cơ Tu. Ăn kèm cùng xôi dừa theo phong cách Nam bộ. Nếp dẻo nấu nước dừa tươi, lá dứa. Rắc thêm cơm dừa nạo khi bày xôi ra dĩa.
Gà nướng đèo Le xốt tiêu rừng Tây Giang ăn kèm xôi dừa
Chuối là nông sản chủ lực của nhiều nông hộ tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Thơm, màu đẹp, vỏ mỏng, dày cơm, chuối chín để lâu không gãy… là những yếu tố khiến chuối Tiên Phước được ưa chuộng. Có dịp ghé thị trấn Tiên Kỳ, khách lạ đừng bỏ qua phiên chợ chuối có bề dày lịch sử trên dưới năm thập niên. Tiên Phước cũng là quê vợ của đội trưởng Lê Văn Thắng, đó là lý do anh đưa sản vật này vào thực đơn. “Bước” lên bàn tiệc, chuối được bao bằng hỗn hợp gạo lức, bắp, bơ thực vật, sữa tươi xay nhuyễn rồi đưa vô lò nướng ở nhiệt độ 1800C. Trước khi dùng, đầu bếp đốt mấy giọt Cointreau trên bánh chuối. Cồn bay hơi, còn lại hương cam độc đáo của dòng rượu mùi được nhà chưng cất Cointreau công bố cách nay hơn một thế kỷ (1875).
Chuối đốt hương rượu Cointreau kèm kem nitơ
Nghệ nhân ẩm thực, giám khảo Bùi Thị Sương khi chấm thử món đều đánh giá cao các món ăn của đội 64: “Cá có độ tươi, xốt ăn kèm tạo ấn tượng tốt. Bánh tráng nướng bỏ lên, thay đổi trạng thái rất thú vị. Tôi đặc biệt chú ý tới loại tiêu rừng Tây Giang. Loại tiêu này có ưu điểm là mềm, mùi sả dễ ăn, làm xốt ngon. Miếng gà nướng màu đẹp, thấm gia vị. Xôi dừa cuốn khéo, vừa ăn”.
Đơn vị: Pullman Beach Đà Nẵng Resort
Địa chỉ: Đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
Điện thoại: +84 (0) 511 395 8888
Fax: +84 (0) 511 395 1898
Email: info@pullman-danang.com
Website: www.pullman-danang.com/default-VN.asp
Tọa lạc ngay bên bờ biển Bắc Mỹ An đầy cát trắng, Pullman Đà Nẵng Beach Resort chào đón du khách với nhiều hoạt động giải trí cùng các tiện nghi hiện đại mang đến những phút giây thư giãn tuyệt vời cho một kỳ nghỉ đầy năng động và lãng mạn khi du lịch Đà Nẵng. Ngoài hệ thống phòng ốc, các dịch vụ du lịch, lưu trú và nghỉ dưỡng, sự đa dạng và đầy sáng tạo trong ẩm thực là sự nổi bật của Pullman. Nhà hàng chính được mở phụ vụ cả ngày với những món ngon của ẩm thực Việt Nam, châu Á cũng như quốc tế, được chế biến tại khu bếp mở bởi sự tài hoa của các chuyên gia ẩm thực. Với khách nghỉ dưỡng công vụ, “Bữa trưa nhanh” (Power Lunch) được thiết kế riêng với bữa trưa chỉ trong vòng 45 phút từ khi bước vào nhà hàng đến khi thanh toán. Sau công việc, khách hàng có thể thư giãn với một ly cocktail ngắm hoàng hôn buông xuống trên biển hay thưởng thức những món ngon Tapas…
Pullman Đà Nẵng Beach Resort đã được bình chọn là một trong 25 khách sạn sang trọng tại Việt Nam trong chương trình giải do du khách bình chọn năm 2014 của TripAdvisor; chứng chỉ “Dịch vụ xuất sắc” của TripAdvisor. Giải thưởng The Guide Awards 2013 bởi tạp chí The Guide, chứng nhận xuất sắc về “Hồ bơi và biển đẹp, dịch vụ chất lượng” 2012 -2013…