Cũng như cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015, đội 62 - Khách sạn Indochine Huế về nhì tại vòng sơ loại khu vực Bắc Trung Bộ. Chỉ khác, một là Trần Huy Cường được “đôn lên” đội trưởng; hai là đội cam đoan sẽ không… bỏ cuộc ở vòng tiếp theo.
Mùa trước, đội chủ động dừng bước vì lý do khách quan, là khách sạn đón một đoàn khách cấp cao từ Trung ương vào, đúng thời điểm diễn ra vòng Bán kết ở Hà Nội.
Lạ mà quen
Khách sạn Indochine Palace Huế là một trong không nhiều đội thi có phần thuyết trình khá mạch lạc về bàn tiệc bốn món ăn. Nhiều nguyên liệu gần gũi dẫn dắt câu chuyện ẩm thực từ chốn lầu vàng gác tía đến góc bếp giới cần lao.
Bàn tiệc đầy màu sắc của đội Indochine Palace Huế
Gỏi nước hải sản tiến Vua và lụi mía khoai tía, cuộn sen cá hồi khơi gợi vàng son quá vãng. Nhắc đến gỏi, đại chúng mặc nhiên dùng khô. Thế nên cái tên “gỏi nước” khơi dậy tò mò dù phần lớn nguyên liệu sẵn có sau vườn nhà như lời đội trưởng Trần Huy Cường, gồm: hoa chuối, dứa, rau dền, hành Tây, hành tím, gừng, chanh ớt… “Giữ được vị giòn của hoa chuối đòi hỏi công phu do dùng kèm với nước” - anh Cường dẫn chứng một yếu tố công phu lý giải tại sao món ăn thất truyền. Ý tưởng hình thành món này bắt nguồn từ một cuốn sách long bìa rách gáy về ẩm thực cung đình triều Nguyễn mà anh kiếm được. Thành phần của món khai vị cung tiến khá giàu đạm động vật, chẳng hạn như chả lụa, chả quế…, vừa mau ngán, vừa không có lợi cho sức khỏe. Vậy nên Cường quyết định thay thịt đỏ bằng hải sản. Phong vị truyền thống được giữ lại phần nào bằng nồi nước lèo hầm từ xương heo. Dùng kèm với gỏi nước là lụi mía khoai tía và cuộn (củ) sen cá hồi.
Gỏi nước hải sản tiến Vua và lụi mía khoai tía, cuộn sen cá hồi
Món chuyển Ức vịt sốt trái mật sâm, măng rừng A Lưới ăn kèm bánh bèo ngũ sắc như một ngầm ẩn về địa hình đa dạng đất Thần Kinh. Măng rừng A Lưới, huyện miền núi có đường biên giáp Lào. Ức vịt đồng bằng đốt rượu Minh Mạng. Phong vị cung đình theo đó mờ dần. Mật sâm (làm xốt) hóa ra là cách gọi khác của trái trứng cá. Duy sự cầu kỳ, tỉ mỉ của ẩm thực Huế vẫn vẹn nguyên với bánh bèo ngũ sắc: Màu đỏ của gấc, màu xanh rau ngót, màu vàng nghệ, sắc tía từ khoai tím, màu trắng nguyên khôi của bột.
Ức vịt sốt trái mật sâm, măng rừng A Lưới ăn kèm bánh bèo ngũ sắc
Cá chình thác Nhị Hồ nướng sốt nhụy hoa nghệ và cơm nghệ vị hẹ, sa kê áp chảo định vị một điểm du lịch còn khá nguyên sơ cách trung tâm TP.Huế khoảng 42km. Dòng thác trắng đổ xuống tạo thành hai hồ nước trong xanh thành tên Nhị Hồ thuộc huyện Phú Lộc. Cá chình nướng nghệ cùng sả và lá chanh non. Nghệ có nhiều ứng dụng trong y học, ngừa ung thư, đào thải độc tố, trị bao tử, đại tràng, đẹp da, lành sẹo… Củ, rễ, lá hẹ là kháng sinh tự nhiên, trị cảm mạo, ho lâu ngày… Món ăn bài thuốc lấy cảm hứng từ câu chuyện có hậu về tình nghĩa phu thê được truyền khẩu ở Phú Lộc. Người chồng bệnh nặng hồi phục sức khỏe nhờ nghệ và hẹ được người vợ đưa vào bữa ăn hằng ngày.
Cá chình thác Nhị Hồ nướng sốt nhụy hoa nghệ và cơm nghệ vị hẹ, sa kê
Nếu món chính sử dụng nguyên liệu tự nhiên (cá chình) thì phần tráng miệng Bánh khoai Diên Đại hương quế sốt chanh dây, chè lô hội trái cây có chủ vị là thức ngon canh tác. Khoai Diên Đại trồng trên cát trắng tinh, sạch đến mức người địa phương hốt đổ lư hương. Củ bự bằng nắm tay, vỏ tía. Chín tới, “lớp áo” nứt bung, phơi thân màu trắng mịn, cắn nghe vị bùi, mằn mặn và mát tan nơi đầu lưỡi. Với Cường, khoai Diên Đại là “đại tiệc” vọng về từ ký ức tuổi thơ lam lũ. Cũng chính cái nghèo đưa đẩy Cường đến với nghề bếp.
Bánh khoai Diên Đại hương quế sốt chanh dây, chè lô hội trái cây
Khát vọng giảng đường của đầu bếp Trần Huy Cường
Hết trung học, Cường gác lại giấc mộng giảng đường, đăng ký học bếp tại Trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Huế. Sở hữu năm di sản thế giới là lợi thế để Huế thu hút khách du lịch. Thăm thú xong thì phải ăn. Cái logic giản dị ấy khiến Huy Cường nhen nhóm hy vọng nghề bếp dễ kiếm được việc làm, có thêm lao động phụ mẹ lo cho năm chị em gái đang tuổi ăn tuổi lớn. “Rất tủi thân” - Cường nhắc lại tâm trạng thuở làm quen với cây dao, cái thớt. Trước khi nhập trường, anh chưa từng đụng vô bếp núc. Góc bếp là “lãnh địa” của những người phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, Cường không còn đường lùi.
Đầu bếp Trần Huy Cường (giữa) cùng 2 thành viên Trần Phong Huy, Lê Duy Bình
Tốt nghiệp, Cường đầu quân cho một khách sạn hai sao. Môi trường đầu tiên không có nhiều không gian để thực nghiệm tri thức tích lũy ở trường. Sau sáu tháng, Cường về đầu quân cho Khách sạn Duy Tân (tiêu chuẩn 3 sao) theo sự tiến cử của một người bạn. Chiếc hồ đủ rộng để Cường thỏa thích thể nghiệm. Ba tháng đầu, Cường được tăng lương ba lần. Phần thưởng xứng đáng dành cho chuỗi ngày làm việc quần quật. Bình quân mỗi tháng anh được chấm 41-42 công, cao nhất khách sạn (mỗi công 8 tiếng). Thu nhập cải thiện đáng kể. Hơn thế, nghề bếp không còn là phương kế mưu sinh, mà đã trở thành cái nghiệp.
Đội trưởng của Indochine Huế luôn cẩn trọng và tỉ mỉ trong nêm nếm gia vị cho món ăn
Tay nghề khá vững vàng cũng là lúc khát vọng giấc mộng giảng đường trỗi dậy, thúc giục anh mạnh dạn kiến nghị với lãnh đạo khách sạn cho mình cơ hội được “vừa học vừa làm” ngành quản trị nhà hàng - khách sạn. Kế toán, vi tính, ngoại ngữ… là những kỹ năng cần thiết để đầu bếp có thể đi xa hơn. Tiếc rằng đề xuất của anh không được chấp thuận. Đành dứt áo ra đi.
Mỗi một thành viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng trong gian bếp
Điểm đến tiếp theo là Khách sạn Imperial, chuẩn 5 sao, mộ quân chuẩn bị cho kế hoạch khai trương. Nguyện vọng “vừa học vừa làm” được đáp ứng. Chương trình học kéo dài năm năm nhưng Cường làm việc ở Imperial được hai năm rưỡi. Điểm dừng chân Indochine Huế giúp anh hoàn tất chương trình đại học.
Lấy bằng đại học ở tuổi 30, lập gia đình trước tuổi 35 cùng một đồng nghiệp ở Imperial - hai mục tiêu này anh đều hoàn thành theo kế hoạch. Nhìn về tương lai, đầu bếp sinh năm 1982 không giấu giếm quyết tâm quay lại trường cũ với vị thế giảng viên khi anh bước sang tuổi 45. Cũng là một cách tri ân nghề nghiệp. “Tạm quên kế hoạch dài hơi, hiện tôi cùng hai đồng đội tập trung suy nghĩ về thực đơn cho vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng diễn ra tại TP.HCM vào tháng 11 tới” - Huy Cường cho biết.
Đơn vị: Khách sạn Indochine Palace Huế
Địa chỉ: 105A Hùng Vương, TP. Huế
Điện thoại: +84 (0)54 393 6666
Email: info@indochinepalace.com - Website: indochinepalace.com
Best Western Premier Indochine Palace, tiêu Chuẩn 5 Sao, tọa lạc tại khu vực Trung tâm thành phố Huế như một biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp. Vị trí đẹp của khách sạn giúp du khách có thể tản bộ, thong dong khám phá một sông Hương đã đi vào thi ca và kinh thành Huế với nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc. Các phòng tại Premier Indochine Place được thiết kế mang đậm phong cách Á Đông nhưng cũng không kém phần hiện đại và sang trọng. Mỗi phòng được thiết kế với ban công rộng với tầm nhìn ra quang cảnh thành phố Huế thơ mộng. Ngoài các dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn có hệ thống nhà hàng, bar như: La Brasserie, Le Petit Café và trung tâm phục vụ thức ăn tại phòng In-Room Dining với món ăn đậm chất Á Đông...