Những cơ hội và thách thức của nghề bếp nói chung; làm thế nào để trở thành đầu bếp giỏi và thành công; là sinh viên nên chọn theo đuổi bếp Á hay bếp Âu… là những chủ đề được trao đổi sôi nổi tại các buổi giao lưu về nghề bếp tại Hà Nội.
Diễn ra vào hai ngày 7 và 8.7, giao lưu “Xu hướng ẩm thực Việt thời hội nhập” và “Nghề đầu bếp – Sự lựa chọn của giới trẻ” do Ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng tổ chức không chỉ thu hút các đầu bếp chuyên nghiệp, đại diện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực – du lịch, mà còn thu hút sự quan tâm từ các đầu bếp trẻ - những sinh viên, học viên của các trường cao đẳng, trung cấp nghề tại Hà Nội và các khu vực lân cận. Theo đó, nhiều câu hỏi về xu hướng ẩm thực mới, những cơ hội, thách thức và những câu chuyện nghề đầy ý nghĩa đã được đặt ra và chia sẻ tại các chương trình giao lưu.
Ông Chiêm Thành Long (giữa) và ông Nguyễn Xuân Hùng (phải) chia sẻ tại chương trình giao lưu
Chia sẻ về nghề đầu bếp tại Việt Nam, chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long cho rằng khu bếp, mà cụ thể là người đầu bếp ở mỗi đơn vị đang được xem như "linh hồn" của nhà hàng, khách sạn. Nếu trước đây, việc bếp núc được quan niệm nhỏ hẹp là việc của phụ nữ, xã hội chưa có nhiều nhu cầu về nhân lực, do đó họ chỉ thể hiện khả năng của mình qua các bữa tiệc gia đình, thì nay đã hoàn toàn khác. Hệ thống nhà hàng, khách sạn ở nước ta đang mở ra ngày càng nhiều, trên khắp cả nước. Vì thế, nhu cầu về nhân sự bếp, nhất là những đầu bếp giỏi, có chuyên môn là rất lớn. Trong vai trò là người quản lí - tổng giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, ông Long cũng chia sẻ thêm rằng, chỉ riêng Làng Du lịch Bình Quới hiện nay đã có đến 200 nhân viên bếp, những lúc cao điểm có khi phải tuyển thêm nhân viên part time (nhân viên làm theo thời gian – PV). Điều đó cho thấy, đầu bếp đang là những người có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhóm ngành du lịch - ẩm thực và được tôn vinh, coi trọng”.
Cũng từ việc được nhìn nhận đúng vai trò, nhu cầu xã hội với nghề này ngày càng tăng mà đội ngũ đầu bếp ngày càng trẻ hóa, thể hiện ở việc người trẻ ngày càng quan tâm hơn đến nghề bếp, số lượng thí sinh thi tuyển và đăng ký theo học tại các trường nghề mỗi năm thêm tăng. Theo các khách mời, đây cũng là nghề có mức lương hấp dẫn, lên đến vài ngàn USD, đầu bếp có cơ hội được làm việc và học tập ở nước ngoài… Điển hình thực tế từ đơn vị đào tạo của mình, ông Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề nấu ăn và Nghiệp vụ Khách sạn Hà Nội cho biết mỗi kỳ tốt nghiệp, đơn vị ông có trên 90% sinh viên ra trường có việc làm ngay và gần 70% trong số đó là nghề đầu bếp.
Tuy nhiên, ông Hùng nhận định rằng, để có sự phát triển nhanh trong nghề nghiệp, ngoài những kiến thức có được từ trường lớp hay môi trường làm việc, đầu bếp cần có sự trải nghiệm, giao lưu và thử thách tại các sân chơi chuyên môn. Bởi theo ông, thực tế hiện nay hầu hết đầu bếp Việt Nam được phân công một nhiệm vụ nhất định ở các đơn vị nhà hàng, khách sạn (nghĩa là làm cố định công việc đó), chưa được tham gia nhiều các chương trình giao lưu bên ngoài, dẫn đến còn nhiều bất cập, khuyết điểm trong kỹ năng làm việc nhóm, cập nhật xu hướng ẩm thực mới. Trong khi đó, cơ sở đào tạo chỉ mới tập trung vào nội dung cơ bản, chưa có nhiều ảnh hưởng và tác động đến việc trau dồi kiến thức chuyên môn của học viên, đầu bếp.
Các đầu bếp tương lai háo hức đặt câu hỏi về nghề bếp với các khách mời
Mạnh dạn trao đổi tại các buổi giao lưu, những đầu bếp tương lai đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực mình theo đuổi. Trả lời câu hỏi: “Để trở thành một đầu bếp giỏi và thành công, cần có những yếu tố gì?” của nhóm đầu bếp trẻ, ông Nguyễn Xuân Hùng khẳng định: “Nghề chúng ta đang theo đuổi là một nghề khá vất vả, cho nên yếu tố cần thiết được nhắc đến đầu tiên, phải có đó là sức khỏe tốt. Khi bạn khỏe, bạn mới theo được nghề này. Tuy nhiên, để thành công, tình yêu nghề và sự tự tin cũng là một yếu tố rất quan trọng. Phải xác định rõ mục tiêu, chấp nhận thách thức thì khi gặp khó khăn, bạn mới có động lực cố gắng”. Ông Hùng cũng nêu thêm một yếu tố quan trọng khác là ngoại ngữ. Theo ông, đây được xem như một phương tiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để mở cửa hội nhập với nhiều nền văn hóa ẩm thực trên thế giới mà không ít đầu bếp hiện nay chưa xem trọng. Đồng quan điểm, chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long cho rằng, phải có ngoại ngữ, kết hợp với kỹ năng tin học thì đầu bếp mới có thêm cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tài liệu hay của thế giới. "Ngoài ra, còn một yếu tố nữa, có thể đến khi làm bếp nhiều năm rồi các bạn mới thấy, nhưng tôi cũng xin chia sẻ luôn, đó là chữ tâm trong nấu ăn của người đầu bếp. Khi thực hiện món ăn cho thực khách, nếu chúng ta đặt tình cảm, sự quan tâm và cố gắng chu toàn của mình vào món ăn đó, chắc chắn nó sẽ ngon hơn rất nhiều... ", ông Long cho biết.
Chia sẻ từ góc nhìn và kinh nghiệm của nhà tuyển dụng, ông cũng cho biết kinh nghiệm và kỹ năng tay nghề, đặc biệt là sự say mê với nghề là những yếu tố quyết định để ứng viên được tuyển dụng vào các đơn vị.
Đầu bếp Vũ Văn Thành giới thiệu và chế biến món "nộm hoa lơ thịt cua và gà nướng"
Đầu bếp Vũ Văn Thành, quán quân Chiếc Thìa Vàng 2015 cũng là tâm điểm của các buổi giao lưu khi biểu diễn món nộm hoa lơ thịt cua và gà nướng – một trong những món ăn giúp anh và các cộng sự của mình đoạt cúp đầu bếp và giải thưởng 1 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi về con đường trở thành một đầu bếp giỏi thì nên đi theo bếp Á hay bếp Âu, đầu bếp Thành cho rằng: “Không cần phân biệt là bếp Á hay bếp Âu, không cần phân biệt đang làm ở vị trí nào mà chỉ cần có niềm đam mê thực sự với nghề bếp, luôn chăm chỉ làm việc, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng thì bạn sẽ tiến bộ, thành công. Ai cũng có những khởi đầu, và tôi cũng vậy, đó là bắt đầu từ công việc của một người phụ bếp. Lúc đó tôi vừa đi học, vừa đi làm, chấp nhận làm mọi công việc từ nhặt rau đến nhổ lông gà. Làm việc mà không cần quan tâm sẽ được trả lương hay không và được trả bao nhiêu, vì cái quan trọng nhất mình thu được đó là sẽ được quan sát, lắng nghe kinh nghiệm từ thực tế. Khi bạn là người có đam mê, có kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực thì nhà tuyển dụng sẽ tự động tìm đến bạn và đặt bạn vào vị trí xứng đáng”.
Sinh viên chụp hình kỉ niệm với đầu bếp Vũ Văn Thành, quán quân cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015
Tại các chương trình giao lưu, chủ đề "Hành trình gia vị Việt" của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 đã tạo được sự hứng khởi, thu hút đông đảo các đầu bếp Hà thành. Theo đó, các câu hỏi liên quan đến gia vị Việt, những nét mới của cuộc thi năm nay... cũng được hướng dẫn và giải đáp cụ thể. Trả lời câu hỏi "Liệu có phải cứ đội nào sưu tầm và đưa vào thực đơn nhiều gia vị mới lạ thì đội đó sẽ có cơ hội đoạt giải?", trong vai trò là cố vấn và là giám khảo chuyên môn của cuộc thi, ông Chiêm Thành Long cho biết, việc các đầu bếp tìm kiếm và giới thiệu nhiều gia vị mới lạ của Việt Nam ở cuộc thi là việc được ban giám khảo hoan nghênh, nhưng đó chưa phải là yếu tố quyết định để được điểm cao. Việc đưa vào thực đơn nhiều loại gia vị mới sẽ được đánh giá cao khi đầu bếp biết phối hợp và sáng tạo gia vị đó với các nguyên liệu, phát huy cao nhất giá trị của món ăn: "Việt Nam có một kho tàng gia vị rất phong phú. Nếu từ các gia vị truyền thống, quen thuộc, được phát hiện ở các mùa thi trước mà các đội có sáng tạo bằng kỹ thuật chế biến mới, nâng cao chất lượng món ăn thì vẫn được điểm cao".
Ấn tượng với cuộc thi, nhiều đầu bếp tương lai đặt câu hỏi: "Sinh viên có được đăng ký thi Chiếc Thìa Vàng không?", các khách mời cho rằng, việc
mạnh dạn muốn trải nghiệm ở các cuộc thi ẩm thực, đặc biệt là cuộc thi Chiếc
Thìa Vàng, một cuộc thi chuyên nghiệp, tổ chức bài bản dành cho khắp các
vùng miền, được khuyến khích bởi Tổng cục Du lịch Việt Nam là rất tốt, nhưng đây là cuộc thi dành cho các đầu bếp chuyên nghiệp, đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… tức đã gắn với một đơn vị. Theo cá nhân ông Chiêm Thành Long, những sinh viên xuất sắc cũng có thể lập nhóm, đặt vấn đề với nhà trường để được giới thiệu đi thi vì thực tế là không ít người làm nghề bếp có kinh nghiệm rồi mới đi học lấy bằng chính quy, hay nhiều người khác dù đang đi học nhưng cũng đã, đang thực tập hoặc làm thêm tại các nhà hàng. Biểu dương tinh thần của các đầu bếp tương lai, ông Long cho biết sẽ trao đổi thêm với ban tổ chức để có những thông tin đầy đủ nhất gửi đến những cá nhân có nguyện vọng này khi đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, những điểm cần lưu ý khi tham gia cuộc thi Chiếc Thìa Vàng như cơ cấu thực đơn, tác phong, kỹ thuật chế biến, trình bày món ăn theo xu hướng mới... cũng được chia sẻ chi tiết tại các chương trình giao lưu.
Loạt chương trình giao lưu về ẩm thực và nghề đầu bếp tại Hà Nội do Ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng thực hiện, có sự phối hợp của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và Hiệp hội Khách sạn Hà Nội, xuất phát từ nhu cầu được chia sẻ và định hướng rõ hơn về nghề bếp, về xu hướng ẩm thực hội nhập, cũng như về những nét mới của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng mùa thứ tư... của các đơn vị, đông đảo đầu bếp thủ đô và các khu vực lân cận. Loạt chương trình này cũng đã khép lại chuỗi hoạt động giao lưu, chia sẻ của Chiếc Thìa Vàng dành cho các vùng miền trên khắp cả nước, trong năm nay.
An Thanh