Chiều 28.03 tại Nhà hàng Hoa Sứ (Q. Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), Ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, đại diện Ban giám khảo và đầu bếp từng đoạt giải cao trong cuộc thi đã tổ chức buổi giao lưu “Xu hướng ẩm thực Việt thời hội nhập” dành cho khu vực ĐBSCL.
Chương trình nằm trong khuôn khổ cuộc thi Chiếc Thìa Vàng,
được thực hiện từ định hướng nâng tầm ẩm thực Việt của Ban tổ chức và sự quan
tâm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về ẩm thực Tây Nam bộ nói
chung và cuộc thi Chiếc Thìa Vàng nói riêng. Buổi giao lưu có sự hiện diện của lãnh
đạo địa phương, các đầu bếp khu vực ĐBSCL, đại diện các nhà hàng, khách sạn,
khu du lịch, nhiều hội nhóm ẩm thực, trường dạy nghề và các cơ quan truyền
thông, báo chí.
Chia sẻ về đặc tính ngon - lành và sự phong phú về nguyên liệu, gia vị Việt cũng như xu hướng cách tân trong trình bày món ngon đặc biệt tạo hứng khởi tại buổi giao lưu.
Những chia sẻ của Ban tổ chức thu hút sự quan tâm chú ý của các đầu bếp, đại diện các đơn vị.
Tại buổi giao lưu, nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương đã có
những chia sẻ về đặc tính ngon - lành của ẩm thực Việt; sự phong phú của món địa
phương và gia vị vùng miền. Trong đó, miền Tây Nam bộ được nhắc đến là một khu
vực đa dạng về ẩm thực và gia vị, nhưng cần được nâng tầm hơn nữa từ cách trình
bày. Là giám khảo chuyên môn suốt 3 mùa thi Chiếc Thìa Vàng, bà Bùi Thị Sương cũng
chia sẻ về sự nỗ lực của đầu bếp ĐBSCL: “So với năm đầu tiên tham gia Chiếc Thìa
Vàng, kỹ năng chế biến của đầu bếp đã thay đổi rõ. Ví như họ từng trình bày
nguyên con cá, con gà lên bàn tiệc thì nay đã biết rút xương, lấy phi-lê và tạo
hình để món ăn tinh tế, không chỉ ngon miệng mà còn ngon mắt”. Đại diện Ban giám khảo, chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương
cũng đã có những lưu ý thí sinh khi tham gia Chiếc Thìa Vàng mùa thi 2016.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương - Ảnh: BTC
Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014 Trần Thái Bảo đã minh họa
một cách làm mới ẩm thực truyền thống bằng món Bánh xếp ốc xốt nước dừa. Theo
đó, bếp Bảo cũng hướng dẫn cách trình bày, gia giảm và phối hợp gia vị khi chế
biến. Anh cũng chia sẻ những suy nghĩ, kỹ năng khi dự thi Chiếc Thìa Vàng với tất cả các đầu
bếp tại buổi giao lưu.
"Làm
mới món ăn không phải là thay đổi toàn bộ, mà phải giữ được vị đặc
trưng, cho món ăn có một hình thức đẹp mắt, trang trọng hơn”, quán quân
Chiếc Thìa Vàng 2014 Trần Thái Bảo chia sẻ.
Về phía những đầu bếp khu vực ĐBSCL, đầu bếp Phan Thị Hồng
Nhi (quán Nhi – Cần Thơ) cho biết: “Tham gia Chiếc Thìa Vàng
rất vui. Đi thi để được giao lưu, chia sẻ với mọi người về món ngon quê mình. Năm nay, mình sẽ thật
thoải mái để thi tiếp”.
“Cá nhân tôi thấy cuộc thi Chiếc Thìa Vàng rất thú vị, hữu
ích. Cuộc
thi là cơ hội để giao lưu, học hỏi. Hành trình gia vị Việt giúp tôi hào hứng nghiên cứu, lai tạo thêm nhiều
loại gia vị mới, chế biến nhiều món ngon từ nguyên liệu địa phương”, ông Phạm Bửu Việt (nhà hàng Ven Sông) bày tỏ.
Đầu bếp và các đơn vị thoải mái bày tỏ thắc mắc, chia sẻ với Ban tổ chức.
Các đầu bếp và đại diện các đơn vị địa phương đã có dịp để
thoải mái chia sẻ với chuyên gia ẩm thực về cách chọn nguyên liệu cũng như chế
biến, sáng tạo món ăn. Mọi thắc mắc về cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 cũng được
giải đáp và hướng dẫn cụ thể. “Ban tổ chức đã tổ chức một chương trình rất ý
nghĩa. Từ những điều được chia sẻ, tôi lại càng quý và mong muốn quảng bá hơn nữa
ẩm thực vùng quê mình, trong đó có chú ý về cách trình bày món ăn sao cho đẹp mắt hơn”, đầu bếp Nguyễn Phượng Loan (nhà hàng Hạ Châu), từng gây
chú ý với món bánh canh gõ ở vòng sơ kết Chiếc Thìa Vàng 2015 khu vực ĐBSCL
nói.
Các kiểu decor món ăn ở khu vực trưng bày được các đầu bếp, đại diện các đơn vị và khán giả tò mò tìm hiểu, ghi lại hình ảnh. Một số đầu bếp nữ dành sự quan tâm với ấn phẩm "Chiếc Thìa Vàng & Tinh hoa ẩm thực Việt .
Các chương trình giao lưu ẩm thực cùng chủ đề tiếp theo sẽ được tổ
chức tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và Bắc bộ trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Lê Thoa