42 đầu bếp thuộc 14 đội đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Lào Cai, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh sẽ thi tài trong ngày 13.10.2015 tại Showroom Minh Long I – Hà Nội.
Thông tin dành cho báo chí:
VÒNG BÁN KẾT KHU VỰC PHÍA BẮC - CUỘC THI CHIẾC THÌA VÀNG 2015
Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2015 – Hành trình khám phá những loại gia vị mới lạ, món ngon Việt Nam và những đầu bếp tài năng mang tên Chiếc Thìa Vàng lần thứ 3 bắt đầu bước vào giai đoạn hấp dẫn nhất - vòng bán kết - nơi quy tụ những đội thi đã xuất sắc vượt qua vòng sơ tuyển để đến gần hơn với giải thưởng 1 tỷ đồng và Cúp Đầu bếp danh giá.
Vòng bán kết khu vực phía Bắc sẽ chứng kiến màn tranh tài của các đầu bếp xuất sắc, đã đoạt vé vào vòng bán kết ở ba cụm thi Đà Nẵng (khu vực miền Trung), Lào Cai (cao nguyên Bắc bộ), Hà Nội (Hà Nội và đồng bằng sông Hồng). Vòng thi này hứa hẹn sẽ chứng kiến những màn tranh tài đẳng cấp bởi các đội thi đều tới từ những khách sạn năm sao, những nhà hàng nổi tiếng cả nước. Họ đã xuất sắc vượt qua vòng sơ tuyển với tài nghệ, sự chuyên nghiệp và đặc biệt là thực đơn với các món ăn độc đáo, đẹp mắt. Tuy nhiên, yếu tố mang đến tính cạnh tranh, tạo cảm hứng cho các đầu bếp, hồi hộp cho cổ động viên là ngoài những yêu cầu về sự mới lạ của gia vị, độc đáo của nguyên liệu, ngon và lành của món ăn, đẹp mắt của bàn tiệc, chuyên nghiệp của thao tác bếp như ở vòng trước thì vòng bán kết đặt ra những đòi hỏi cao hơn với chủ đề: “Món Ăn Vàng”. Theo đó, các đầu bếp được lựa chọn những món ăn độc đáo nhất, ưng ý nhất của mình để mang tới thi tài.
Tiên lượng được tính chất quan trọng cũng như gay cấn và căng thẳng của vòng thi này nên ngay khi đoạt vé vào vòng bán kết, các đầu bếp đã bắt tay ngay vào việc tìm kiếm, nghiên cứu, lên thực đơn và chế biến thử các món ăn vàng của mình. Ngoài tâm trạng sự hồi hộp chờ ngày thi tài, họ cũng chia sẻ quyết tâm cũng như sự tự tin với các món ăn độc đáo, hứa hẹn sẽ chinh phục được các Nghệ nhân ẩm thực, Chuyên gia ẩm thực và ban giám khảo Chiếc Thìa Vàng.
Các đầu bếp Nhà hàng Red Dao (Lào Cai) phát huy “phong độ” ở vòng thi trước khi mang tới một thực đơn các món ăn truyền thống được cải biên theo hướng hiện đại. Chẳng món khai vị Nông sản cùng hội nhập có tới ba món, lấy cảm hứng từ khoai lang: khoai lang chiên, bánh khoai bỏ lò, nộm đu đủ với tôm cháy tỏi. Ngoài ra, đội cũng giới thiệu món ăn chế biến từ loại ếch hương đặc sản, kết hợp với các loại gia vị mới lạ của Tây Bắc… Đại diện miền Trung, các đầu bếp Khách sạn Mondial Huế lại mang tới sản vật xứ thần kinh như gỏi cua Tam Giang, gà cuộn lá đinh lăng. Hay các đầu bếp đồng hương – Khách sạn SaiGon – Morin cũng lấy cảm hứng từ những món ăn dân dã đã thành đặc sản Huế như: gỏi dừa - nem cua – kim chi cuộn tôm thịt, súp thủy hải sản phá Tam Giang, bánh mít hạt sen. Cách Huế một con đèo, các đầu bếp Novotel Đà Nẵng vẫn tìm và khai thác những giá trị mới lạ của sản vật địa phương, biến tấu các loại rau rừng và hải sản lại với nhau đế món khai vị rừng Chàm mang đến phong cách bản địa mới lạ. Ngoài ra, tận dụng yến là đặc sản Cù Lao có sẵn, kết hợp với nước dùng thịt cua tạo món ăn khác biệt trong cách trình bày và chế biến mang đến phong cách mới cho món ăn quê hương Quảng Nam – món súp yến Cù Lao. Ngược trở ra Hà Nội, các đầu bếp trẻ của Hilton Hanoi Opera vẫn với những phá cách, sáng tạo, ham mê học hỏi khi sử dụng những nguyên liệu sẵn có trong dân gian để làm nên món gỏi nộm cóc, xoài xanh với mực khô; nghiên cứu tìm tòi lấy cảm hứng từ món ăn đặc sắc được dùng trong những bữa cỗ và tiệc của người dân khu vực Bắc Bộ – chim câu Hà thành - nhưng nay đã được biến tấu và đổi mới bởi những bàn tay khéo léo của người đầu bếp. Và tất nhiên, danh sách các món ăn vàng vẫn còn rất dài, trên đó thể hiện sự tâm huyết, dụng công trong chuẩn bị của các đầu bếp để có những màn thi tài đỉnh cao… 42 đầu bếp thuộc 14 đội đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Lào Cai, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh... sẽ thi tài trong ngày 13.10.2015 tại Showroom Minh Long I – Hà Nội (địa chỉ: số 3 - 5 Nguyễn Văn Linh, phường Gia Thụy, quận Long Biên).
Kinh nghiệm chấm thi vòng bán kết từ những mùa thi trước, Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, Cố vấn và là Giám khảo chuyên môn của cuộc thi, lưu ý các đội thi: “Một vấn đề tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại khó khăn với các đầu bếp đó là lên thực đơn với kết cấu món ăn sao cho hợp lý. Kinh nghiệm các mùa trước cũng như vòng sơ tuyển vừa qua, có nhiều đội vẫn mắc lỗi khi đưa ra một thực đơn nhưng không có món nước, không có tinh bột. Cứ hình dung một bữa cơm của người Việt có khi nào không có tinh bột, không có canh hay không? Nhiều đội chọn thực đơn an toàn, đọc tên món ăn thấy có sức hấp dẫn . Có thể nấu những món ấy ngon nhưng tính đột phá, hấp dẫn lại không có. Vì vậy các đầu bếp nên chọn món ăn mang tính đột phá thì sẽ tạo ra sự hấp dẫn, hứng thú hơn nhiều và điều đó cũng xác định được đẳng cấp, tài năng của mình. Ở vòng thi này, đặc thù là quy tụ đầu bếp của nhiều địa phương, tính vùng miền cao và có ưu thế về gia vị đặc trưng, tuy nhiên không phải cứ có gia vị mới thì thực đơn sẽ lạ. Chẳng hạn vòng thi ở TP.HCM, các đầu bếp ở đây còn sử dụng gia vị vùng miền linh hoạt, hiệu quả hơn những đầu bếp ở vùng đất sở hữu loại gia vị đó. Cốt yếu vẫn là cách sử dụng gia vị đó sao cho hiệu quả, tôn được món ăn lên”.
Về cơ cấu thực đơn, Giám khảo Bùi Thị Sương gợi ý: “Nhóm khai vị - ăn chơi – có món nguội và nóng. Trong thực đơn món khai vị thường rất hấp dẫn và phải tạo ra hứng thú cho người thưởng thức, kích thích dịch vị để bắt đầu cho một bữa ăn. Món khai vị thường dễ trang trí đẹp vì rau, hải sản rất bắt mắt. Mong muốn các đầu bếp vừa món khai vị nguội, và có cả khai vị nóng để thực đơn đặc sắc, cân bằng. Súp là một món lai, người Việt Nam ăn canh chứ không ăn súp nhưng các đội cũng có thể đưa vô. Tuy nhiên món súp dễ nấu nhưng không dễ hấp dẫn, nếu nấu một cách phổ thông từ trước tới nay thì khó hấp dẫn. Các đầu bếp nên cân nhắc lựa chọn nguyên liệu, gia vị cho món này phải làm sao tạo được sự mới lạ, đặc sắc.
Trong khi đó hải sản là một trong những món đinh của thực đơn. Hải sản của Việt nam phong phú tươi, ngon nên một bàn tiệc phải chọn nguyên liệu đáp ứng yếu tố đó, phải chọn cách chế biến sao cho phù hợp, trình bày sao cho tiện dụng. Ví dụ cá phải lóc bỏ xương, tôm phải bóc vỏ. Đây là món chế biến dù thời gian nấu nhanh nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm dày dạn. Người nấu có tay nghề tốt thì chế biến mới hấp dẫn bởi, chỉ cần lố lửa, lố thời gian thì hải sản bị khô do mất nước. Hay việc cho gia vị nêm nếm cũng chú ý liều lượng, sao cho có thể để khử mùi tanh nhưng cũng giúp món ăn có hương vị đặc sắc.
Ngoài ra hải sản thường là món nóng nên phải nghiên cứu thời gian ra món hợp lý, nếu lên sớm quá hay muộn quá cũng làm giảm phẩm chất của hải sản và chất lượng món ăn.
Với món thịt có thể chọn thịt gia cầm hoặc gia súc để nấu. So với hải sản món thịt dễ nấu hơn nhưng cũng lưu ý món này phải có tinh bột ăn kèm. Món tráng miệng kết thúc thực đơn, cũng có yếu tố quyết định bởi có thể tôn các món ăn trước với ấn tượng tốt đẹp của thực khách; ngược lại dù các món trước ngon nhưng đến món tráng miệng dở thì ấn tượng về các món ăn sẽ tụt xuống, nếu không nói là hụt hẫng. Dù được chuẩn bị trước món này nhưng ban giám khảo cũng quan tâm đến việc chế biến trực tiếp của các thí sinh”.
Khởi tranh từ đầu tháng 6.2015, vòng sơ tuyển cuộc thi Chiếc Thìa Vàng năm 2015 với chủ đề “Hương vị quê nhà – Hành trình gia vị Việt” đã diễn ra tại 06 cụm thi, gồm: Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, Cao Nguyên Bắc bộ, Hà Nội và Đồng Bằng Sông Hồng. Gần 357 đầu bếp thuộc 119 đội thi là các Khách sạn, Nhà hàng, Khu du lịch của gần 39 tỉnh thành đã mang tới hơn 400 món ngon, đặc sản địa phương. Điều thú vị là trên nền những món ăn truyền thống, những nguyên liệu quen thuộc các đầu bếp đã vận dụng những kỹ thuật chế biến mới trong sự kết hợp với các loại gia vị từ lá, hoa, trái, hạt lạ lẫm (như: trái bần, trái chay, trái cà đắng, lá chúc, lá dít, gai xưng, lá sâng, lá su siêng, hoa cơm nếp, rau khủ khởi, nấm tràm, nấm tổ ong, cỏ xước, sim, tiêu sả…), kỹ thuật trang trí hiện đại để làm nên những món ăn phá cách, khẩu vị mới lạ, ngon lành trên những bàn tiệc đẹp mắt, tinh tế. Những tìm tòi và sáng tạo ấy đã thuyết phục Ban Giám Khảo trao 50 tấm vé vào bán kết cho các đội mà cuộc hành trình Chiếc Thìa Vàng vừa đi qua.
Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng với tổng giải thưởng lên tới hơn 3 tỉ đồng do công ty TNHH Minh Long I và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ chức, nhãn hàng Ly’s Horeca tài trợ, với sự bảo trợ của hai đơn vị cấp quốc gia là Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Du lịch Việt Nam. Phó Ban tổ chức - ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long I, Giám đốc nhãn hàng Ly’s Horeca, chia sẻ: “Chúng tôi rất hào hứng với những cơ hội và thách thức mới của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng năm 2015. Trải qua hai mùa thi trước, đặc biệt là năm 2014, Chiếc Thìa Vàng đã khẳng định được thương hiệu, là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các đầu bếp tài nghệ, đam mê và sáng tạo. Cũng vì vậy, dấu ấn đậm nét của Chiếc Thìa Vàng đó là việc cuộc thi đã đến được nhiều địa phương hơn, tiếp cận nhiều nét văn hóa ẩm thực dân gian chưa khai thác hết, còn lẩn khuất đâu đóvà thành quả hết sức ý nghĩa là khám phá, giới thiệu được gần 1.000 món ăn. Đó là những đặc sản nổi bật với giá trị ngon và lành. Năm 2015, với những đổi mới hướng đến tính chuyên nghiệp cao hơn, cuộc thi sẽ tổ chức thi tập trung tại một số khu vực quan trọng để thí sinh vùng sâu, vùng xa có điều kiện giao lưu tiếp xúc với thí sinh thành thị, học hỏi lẫn nhau, nâng cao chất lượng các đội thi đồng đều hơn. Ban tổ chức kỳ vọng Chiếc Thìa Vàng đóng góp sức mình, bắt những nhịp cầu giao lưu ẩm thực không chỉ trong nước mà còn là sự kết nối quốc tế,góp phần đưa du lịch - ẩm thực Việt trở thành ngành kinh tế quan trọng, đồng thời góp phần nâng cao thể chất con người khỏe mạnh thông qua ẩm thực Việt “ngon và lành” để làm giàu cho đất nước”.
***
* Thông tin thêm về cuộc thi Chiếc Thìa Vàng:
Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng mùa đầu tiên được tổ chức vào tháng 10 năm 2013 với 103 đội dự thi. Cuộc thi Mùa thứ thứ hai khởi tranh từ tháng 5 năm, với 140 đội, trong đó có 43 đơn vị đến từ các nhà hàng – khách sạn 4, 5 sao trải dài từ Bắc đến Nam tham dự ở 10 khu vực thi khác nhau. Cũng mùa thi này, 77 đơn vị đến từ 26 tỉnh thành đã tham gia ngày hội giới thiệu các đặc sản, món ăn truyền thống địa phương mang tên Hương vị quê nhà. Cuộc thi Chiếc thì Vàng sẽ diễn ra với ba vòng thi tập trung: vòng sơ tuyển tại 6 địa điểm trải dài theo chiều dọc đất nước, vòng bán kết và chung kết. Chiếc Thìa Vàng mùa thứ 3 - 2015 với chủ đề “Hương vị quê nhà thời hội nhập - Hành trình gia vị Việt” đặt ra năm tiêu chí:
1. Tìm kiếm món ăn dân dã & truyền thống với những nguyên liệu và gia vị tiêu biểu mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của từng vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam với thông điệp “Mỗi món ăn quảng bá văn hóa cho một vùng miền”.
2. Tìm kiếm đầu bếp tài năng, có kiến thức về dinh dưỡng phù hợp với xu hướng sống xanh, bảo đảm quy trình chế biến đúng chuẩn, có sự sáng tạo, tinh tế & nghệ thuật trong phong cách trình bày để nâng món ăn Việt ngang tầm với quốc tế.
3. Món ăn phải nâng cao giá trị sẵn có của ẩm thực Việt - “không chỉ ngon mà còn lành”.
4. Tôn vinh những đầu bếp xuất sắc & nhà hàng có công đóng góp, phát triển, làm giàu nền văn hóa ẩm thực Việt.
5. Hướng đến xây dựng nền công nghiệp ẩm thực tiên tiến. Đẩy mạnh phong trào “Du lịch ẩm thực” ở Việt Nam, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch ẩm thực quốc gia, thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch quốc tế.
* Về cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015:
Năm 2015, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng dự kiến có 180 đội với 540 đầu bếp đến từ 64 tỉnh, thành phố trên cả nước dự thi. Tìm kiếm, xây dựng bản đồ gia vị Việt là điểm nhấn của cuộc thi năm nay. Chuyên gia sưu tầm, nghiên cứu gia vị ở Việt Nam và cũng là giám khảo chuyên môn của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015 - ông Chiêm Thành Long nhận định: “Chúng ta quen sử dụng gia vị tươi, chưa tính toán việc sơ chế hoặc tinh chế, làm tăng giá trị thương mại của nguyên liệu, gia vị. Nhiều loại gia vị đặc biệt ở địa phương chưa phát huy hết giá trị. Vì vậy, câu chuyện khám phá và cách dùng gia vị của thí sinh sẽ được chú ý. Từ đó, chúng ta sẽ tìm nguồn gốc, công thức, cách chế biến, bảo quản... Vẽ được bản đồ gia vị Việt Nam đồng nghĩa với việc tìm ra con đường giao thoa văn hóa ẩm thực, phát triển nền ẩm thực chuyên nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Mùa thi năm nay cũng sẽ chứng kiến việc xúc tiến thành lập “Câu lạc bộ đầu bếp Chiếc thìa vàng”. Đó là nơi kết nối những đầu bếp từng đoạt giải trong các mùa thi lại thành đội ngũ chuyên gia ẩm thực uy tín. Câu lạc bộ sẽ liên kết với cơ quan ngoại giao đoàn, các sứ quán hay các cơ quan, đơn vị, ban ngành, đoàn thể trong những bữa tiệc chiêu đãi trong nước và quốc tế nhằm giới thiệu món ăn Việt Nam đến các thực khách trong và ngoài nước. Ban tổ chức cũng sẽ cấp chứng nhận cho các nhà hàng - khách sạn có món ăn đoạt giải cuộc thi. Trên thực đơn của nhà hàng - khách sạn thể hiện biểu tượng của Chiếc Thìa Vàng ở các món ăn ấy. Đây là cách giúp khách hàng nhận diện các món ăn thuần Việt đã được đầu bếp chăm chút, chế biến, cách tân phù hợp với nhu cầu đa dạng của thực khách trong nước và quốc tế.
* Về Ban Cố Vấn và Ban Giám Khảo:
Cầm cân nảy mực cho cuộc thi sẽ là các siêu đầu bếp trong nước và quốc tế, nghệ nhân ẩm thực, chuyên gia ẩm thực, nhà giáo ưu tú, chuyên gia dinh dưỡng…
Ban Cố vấn và ban giám khảo chuyên môn:
- Bà Bùi Thị Sương: ĐSHV, Nghệ nhân dân gian, đại sứ văn hoá ẩm thực Việt.
- Ông Chiêm Thành Long – Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt.
Ban Giám khảo chuyên môn:
- Bà Triệu Thị Chơi: ĐSHV, Nhà giáo ưu tú, người viết và biên soạn 100 đầu sách nữ công gia chánh, chuyên viên văn hoá ẩm thực, Sứ giả ẩm thực Việt Nam.
- Bà Bùi Thị Sương: ĐSHV, nghệ nhân dân gian, đại sứ văn hoá ẩm thực Việt.
- Ông Chiêm Thành Long – Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt.
- Ông David Thái – Siêu đầu bếp.
- Ông Lý Sanh - Chuyên gia ẩm thực, Chủ tịch Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn.
- Ông Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng trường Trung cấp Nghề nấu ăn và Nghiệp vụ Khách sạn Hà Nội.
Ban Giám khảo khách mời:
- Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I.
- ĐSHV - Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng
Thông tin thêm:
Về nhãn hàng Ly’s Horeca
Nhãn hãng Ly’s Horeca của công ty Minh Long I có hơn 250 mã hàng, cung cấp một dãy sản phẩm rộng chuyên dụng cho kênh Horeca để phục vụ thực khách lẻ, khách đoàn, tiệc cưới, tiệc buffet theo phong cách Á, Âu với nhiều kiểu dáng mỹ thuật khác nhau. Sản phẩm được sản xuất với nguyên liệu gốm cao cấp nung ở nhiệt độ cao và phủ men siêu mịn theo công nghệ nano đạt được hiệu quả về độ cứng chắc, chịu độ va chạm cao và chống trầy xước. Ngoài ra, Ly’s Horeca cũng trải qua hệ thống thử nghiệm với tiêu chuẩn khó tính nhất của châu Âu để đảm bảo tương thích với các hệ thống lò nướng, lò vi sóng, máy rửa chén… của hệ thống nhà hàng công nghiệp. Các nhà thiết kế của Đức - Pháp cùng hợp tác với Minh Long I thống nhất chọn màu trắng ngà cho sản phẩm này theo xu hướng chung của các nhà hàng cao cấp trên thế giới. Màu trắng ngà phối hợp với ánh sáng dịu của các nhà hàng, khách sạn mang lại cảm giác ấm áp, gần gũi và thân thiện hơn cho bàn tiệc.
Là nhà tài trợ duy nhất của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng trên toàn quốc này, đến nay, Ly’s Horeca rất tự hào đã nâng cánh những tài năng xuất sắc của ẩm thực Việt Nam có thêm điều kiện để thăng hoa. Có thể nói đây là cuộc đồng - hành - hợp - bích của tinh túy ẩm thực Việt với những sản phẩm tinh hoa từ đất hình thành qua sự sáng tạo tinh xảo của người thợ Minh Long I.
Về công ty Minh Long I:
Công ty Minh Long I được thành lập từ năm 1970 nhưng thực ra nó đã được kế thừa đến nay đã là đời thứ 4 ở Việt Nam của một gia tộc họ Lý có truyền thống về nghề gốm bắt đầu từ thời ông nội của ông Lý Ngọc Minh (nhà sáng lập) tính đến nay đã hơn 100 năm. Ngoài tiêu chuẩn đầu tiên về chất lượng cao cấp của sản phẩm, Minh Long I còn đầu tư nghiên cứu cả phần nghệ thuật thể hiện trên sản phẩm thông qua từng kiểu dáng, họa tiết hoa văn. Những nét đẹp văn hóa, những hình ảnh quê hương mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như các nền văn hóa của các nước trên thế giới được công ty khắc họa, lồng ghép vào từng sản phẩm sao cho những thiết kế vẫn giữ được nét đặc trưng của nền văn hóa đó nhưng có phong cách hiện đại mang tầm quốc tế và nay đang có mặt khắp các nước, sánh vai cùng các thương hiệu sứ hàng đầu thế giới.
Công ty gốm sứ Minh Long I luôn xem sản phẩm mình tạo thành là những đứa con do chính mình sinh ra nên tất cả đều phải được chăm sóc, học hành, thi cử. Với tiêu chí 4 không: Không thời gian, không biên giới, không giới tính, không tuổi tác và 4 có: Có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách và có hồn, sản phẩm của Minh Long I ngày càng xứng đáng đứng trong top các nhà sản xuất gốm sứ hàng đầu trên thế giới.
Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Mr Quang Linh
HP: 0918 23 89 85