Đánh thức vị giác với gia vị lạ miệt vườn

Chủ nhật, 07/06/2015 10:16
0
0
Những món ăn và gia vị đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long được biến tấu trên bàn tiệc Chiếc Thìa Vàng 2015 với chủ đề "Hương vị quê nhà thời hội nhập - Hành trình gia vị Việt".
Vùng châu thổ rộng lớn của dòng Mê Kông bên cạnh bồi đắp phù sa còn mang lại thủy sản và nguồn rau củ quả dồi dào đã góp phần hình thành nên những nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực vùng sông nước. Cá basa, các loại khô mắm, thốt nốt, củ ấu, nấm tràm, khoai cao… những đặc sản của vùng đất này đã được các đầu bếp giới thiệu trên bàn tiệc hạng sang.

Cũng chính nhờ ý tưởng nhấn mạnh vào việc tìm kiếm, xây dựng nên bản đồ gia vị Việt, tìm ra nguồn gốc, công thức, cách chế biến của các loại gia vị nên Chiếc Thìa Vàng đã khắc họa nên được nhiều loại gia vị đặc sắc của đồng bằng.

Các đầu bếp đã trình làng cách thức chế biến các nguyên liệu như cá, thịt, gà, bò… với những loại trái, lá chơn chất miệt vườn làm gia vị như sim Phú Quốc, dâu Hạ Châu, chúc Bảy Núi, trái bần, lá trà xanh, trái gấc, lá bạc hà, trái sơn trà, cỏ xước…mang lại những phản ứng lạ cho vị giác thực khách khi thưởng thức món ăn.

Bánh sim Phú Quốc, sốt sơn trà

Món bánh sim Phú Quốc sốt caramel

Món bánh sim Phú Quốc đã góp phần mang về cho đội thi của bếp trưởng sinh năm 1984 Huỳnh Ngọc Chánh của LaVeranda Resort (Kiên Giang) giải nhất với phần thưởng 30 triệu đồng và tấm vé vào vòng bán kết.

Sim rừng Phú Quốc quả mọng, lớn, thường cho trái quanh năm do thời tiết nắng nóng ổn định. Vốn là cây bụi, mọc sâu trong rừng, vị ngọt chát nhẹ và thơm, có thể chữa các bệnh về tiêu hóa, bổ máu nên loài cây dại này được sử dụng, chế biến thành nhiều sản phẩm. Sim Phú Quốc đã đưa rượu sim nơi đây trở thành nổi tiếng khắp cả nước. Còn đầu bếp Ngọc Chánh lại tìm đến giá trị mới của trái cây dại này để biến thành gia vị cho món ăn.

Anh lựa những trái ngon nhất, xay mịn, chắt bớt cợn, xơ từ hột sim; trộn với bột hạnh nhân, trứng gà đánh đều, một ít mật sim. Hỗn hợp này sau đó trộn lên và đem đi nướng như các loại bánh nướng thông thường, khoảng 17 phút ở nhiệt độ 175 độ cho ra bánh có vị đặc trưng và lạ miệng xuất phát từ vị sim, ăn kết hợp với nước sốt caramel và mật sim.

LaVeranda còn mang đến món cá bóp nướng quế sốt sơn trà. Quả sơn trà khi chưa chín có màu xanh mơ nhạt, khi chín có màu vàng, ửng đỏ, vị chua dịu, chát, ngọt nhẹ, mùi thơm hấp dẫn. Sơn trà có thể chữa các bệnh về đường tiêu hóa, mọc nhiều từ các vùng núi trên đảo Phú Quốc, rộ từ tháng một đến khoảng tháng năm.

Đầu bếp đã phải săn lùng trái sơn trà để chuẩn bị cho món cá bóp nướng quế sốt sơn trà Phú Quốc. Cá bóp ướp gia vị cho thấm, xiên qua lớp quế dày đem lên nướng. Vị thơm nồng của quế sẽ thấm qua lớp cá để lại một hương vị đặc trưng. Trái sơn trà xay ra hòa với xoài chín xay và nước mắm Phú Quốc sẽ tạo nên một loại nước sốt có vị chua - ngọt - mặn chấm với cá bóp vô cùng ấn tượng.

Gà hấp với chúc Bảy Núi

Loại gia vị nổi tiếng nhất và được sử dụng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long có lẽ là trái chúc, lá chúc. Cây chúc là đặc sản của vùng Bảy Núi (An Giang) cho trái chúc với vị chua thanh, lá chúc nồng có thể kết hợp để sáng tạo nên nhiều món ăn.

Món vịt xiêm nướng lá bạc hà

Vị thơm nồng giữ được rất lâu, múi lớn cỡ múi quýt, nước cốt chua thanh và ít hạt. Vì vậy, trái chúc có thể dùng để khử mùi tanh từ cá, hải sản, rắn trong chế biến thức ăn. Người dân vùng Bảy Núi trồng chúc trước nhà, dùng lá, trái để chế biến món ăn, vị thơm của nó lại có thể xua đuổi các loại rắn, côn trùng. Cứ về vùng Bảy Núi, An Giang, thực khách có thể thưởng thức nhiều món ăn có lá chúc như cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc…

Gà tre tiềm củ sả, hạt sen và lá chúc - ăn kèm mỳ

Nhiều đầu bếp đã sử dụng loại cây này làm gia vị cho món ăn của mình, trong đó phải kể đến món ăn "danh bất hư truyền" gà hấp lá chúc của nhà hàng tiệc cưới Thanh Nhanh (Đồng Tháp), nhà hàng Cửu Long River (Cần Thơ).

Cũng giống cách hấp gà thông thường, nhưng trước khi cho vào hấp, đầu bếp xếp một lớp lá trúc dưới đáy xửng hấp rồi đặt gà lên.Hấp đến khi gà chín, thêm một lần nữa rắc lá chúc được cắt sợi lên trên. Đến khi ăn, đừng quên pha một chén muối ớt pha nước trái trúc vừa chua chua vừa cay cay.

Nhưng lá chúc không chỉ "bén" với thịt gà. Quán Nhi (Cần Thơ) đã dùng lá chúc để ướp chung với thịt vịt xiêm, kết hợp cùng hành tím, tiêu, tương hột, rượu gạo, lá bạc hà để giới thiệu nên món vịt xiêm nướng ngon "ve kêu"…

Dâu hạ châu làm gỏi, um gà

Cá lóc sốt chanh và dâu

Dâu Hạ Châu - Phong Điền có vị ngọt thanh và hơi chua rất hấp dẫn, khi kết hợp chế biến đem lại cảm giác ngon miệng, kích thích vị giác và ít ngán.

Đó là lý do mà khách sạn Cửu Long (Cần Thơ) đã giới thiệu món gỏi dâu đẹp mắt khi trộn cùng với thịt, tôm, hành củ và các loại rau mùi, gia vị. Chấm miếng gỏi vào chút nước mắm, vị chua ngọt và mặn hòa lẫn để lại cảm giác vô cùng ấn tượng.

Không chỉ dùng làm gỏi, đội nhà hàng Cây Bưởi (Cần Thơ) còn dùng dâu hòa với chanh để làm nước sốt cho món cá lóc nướng; đội nhà hàng Hoa Sứ - Cần Thơ dùng dâu để um cùng với gà tre cho ra vị nước chua nhẹ, thanh ngọt...

Khi trái bần làm nước sốt hạng sang

Món cá bông lau nướng nghệ, sốt bần

Bần là loại cây đặc thù ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở đâu có sông, có vàm, cù lao là ở đó cây bần sinh sôi nảy nở thành rừng. Người miền Tây thường tận dụng cả hoa và trái bần để chế biến thành những món ăn dân dã.

Trái bần chua, dùng để ăn sống chấm kèm mắm cá sặc, mắm rô, mắm lóc, mắm tép... Trong khi đó, trái bần chín thì được dùng để nấu canh chua. Vị chua, chát của bần quyện với vị mặn nồng của các loại mắm cá đồng tạo nên hương vị đặc trưng, khó tìm thấy được ở các loại trái ăn kèm khác.

Khách sạn Cửu Long (Vĩnh Long) đã lấy cơm bần tán nhuyễn ra hòa với các loại gia vị để tạo nên một loại nước sốt để chấm cùng món cá bông lau sốt nghệ nướng. Cách chế loại nước sốt bần theo phong cách Âu đã giúp khách sạn Cửu Long làm hài lòng nhiều thực khách quốc tế đến với nhà hàng của mình.

Um lươn với cỏ xước

Lươn đồng um cỏ xước

Một loại món ăn bài thuốc nổi tiếng ở Cần Thơ đó là cỏ xước. Cỏ xước mọc nhiều ở sông kênh nơi con nước chảy mạnh nhất. Đây là loại cỏ sống lâu năm, có thể cao tới gần 1m, lá hình trứng, mọc đối, mép lượn sóng.

Cỏ xước có thể trị nhiều bệnh, trong đó được nhắc nhiều là bệnh phong thấp. Đội Lúa Nếp Resort Cần Thơ đã dùng cỏ xước để cuộn lươn đồng, đem um lên, cho ra một món ăn vừa ngon miệng vừa bổ dưỡng.

8 đội đầu tiên vào vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng 2015

66 đầu bếp của 22 đội thi thuộc các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái thuộc các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long đã tụ hội về thành phố Cần Thơ với của ngon vật lạ để đua tài trong vòng sơ tuyển cuộc thi ẩm thực Chiếc Thìa Vàng 2015 diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6.

Ban tổ chức đã chọn ra 8 đội thi để bước tiếp vào vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng diễn ra tại TP.HCM vào tháng 10. Theo đó, hai giải nhất được trao cho: Nhà hàng Năm Nhỏ (Kiên Giang) và LaVeranda Resort (Kiên Giang). Sáu giải nhì, gồm: Khách sạn Đông Xuyên (An Giang), Nhà hàng Cửu Long River (Cần Thơ), Nhà hàng Cây Bưởi (Cần Thơ), Quán Nhi (Cần Thơ), Nhà hàng Hoa Sứ (Cần Thơ), Nhà hàng tiệc cưới Thắng Lợi (An Giang).


Theo Trâm Anh
Người đô thị/ Ảnh: Nguyên Trang

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG