Vòng sơ khảo ĐBSCL 2015
Khách sạn Cửu Long - Vĩnh Long
Cách chế loại nước xốt bần theo phong cách Âu đã giúp khách sạn Cửu Long làm hài lòng nhiều thực khách quốc tế.
Đầu bếp: Lê Văn Sáu (bếp trưởng), Nguyễn Tấn Thu (bếp trưởng), Võ Thành Kiệt.
Bếp trưởng Lê Văn Sáu có 26 năm làm việc tại khách sạn Cửu Long. Anh là quân nhân, sau đó chuyển về Công ty Du lịch tỉnh rồi về làm việc tại khách sạn. Xuất thân là anh nuôi nên nhiều kinh nghiệm đứng bếp được đúc kết trong khoảng thời gian tại ngũ.
Nhiều thế hệ học trò của anh đã trưởng thành từ khách sạn Cửu Long, trong đó đầu bếp Nguyễn Tấn Thu là người dày công suy nghĩ để đưa các loại nước xốt đến với cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Sinh năm 1979, Tấn Thu bắt đầu bước chân vào ngành du lịch vào năm 2001 từ vị trí chạy bàn. Sau đó, anh làm phụ bếp, lặt rau, rửa chén ở khách sạn Cửu Long.
Mãi đến năm 2006, anh được cử đi học hai năm tại trường Nghiệp vụ Du lịch Vũng Tàu. Năm 2008, anh tiếp tục lên Sài Gòn theo học thầy Châu Tấn Hiệp. Trở về khách sạn Cửu Long, Nguyễn Tấn Thu cùng các anh em sáng tạo nhiều ý tưởng phát triển nhà hàng.
Thực đơn dự thi: Chả ếch cuộn mía chấm xốt đậu đen; Cá bông lau nướng nghệ xốt bần; Sườn non nấu nha đam; Chè nhãn lồng hạt sen.
Mang tên nghèo khó nhưng qua tay đầu bếp, trái bần lập tức “lên đời” trên những bàn tiệc hạng sang. Đây là loại cây đặc thù ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và người miền Tây thường tận dụng cả hoa và trái để chế biến thành những món dân dã.
Trái bần chua, dùng để ăn sống chấm kèm mắm cá sặc, mắm rô, mắm lóc, mắm tép... còn bần chín được dùng nấu canh chua. Các đầu bếp khách sạn Cửu Long (Vĩnh Long) đã lấy cơm bần tán nhuyễn hòa với các loại gia vị để tạo nên một loại nước xốt chấm món cá bông lau xốt nghệ nướng.
Cách chế loại nước xốt bần theo phong cách Âu đã giúp khách sạn Cửu Long làm hài lòng nhiều thực khách quốc tế. Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương cho rằng đó là một phát hiện thú vị và cần nghiên cứu thêm để tận dụng khai thác giá trị của loại trái cây đặc trưng vùng sông nước này.
Không chỉ xốt bần mà đội khách sạn Cửu Long còn giới thiệu xốt đậu đen. Đậu đen nhiều đạm, khi làm xốt có màu đen nhạt, vị béo. Ếch quết nhuyễn cùng chả cá, giò sống, gia vị bó vào mía, hấp 10 phút trước khi nướng. Đậu đen nấu mềm, xay nhuyễn, nấu lại và nêm gia vị, thêm chút bột mì.
Các loại xốt này đã được phục vụ tại khách sạn Cửu Long bốn năm nay, khách quốc tế thích thú, tìm hiểu với mong muốn thử biến tấu thành xốt Âu gia vị Việt khi trở về nước. Tuy nhiên khi đến với cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, ban giám khảo nhận định cả hai loại xốt bần và đậu đen còn khá nhạt nhẽo, không đậm đà và ấn tượng.
Món sườn non nấu nha đam thay vì có màu đỏ từ hạt điều hay cà chua thì khi về đồng bằng sông Cửu Long có màu đỏ của trái gấc. Nha đam trong, kết hợp với màu đỏ lại khá đẹp mắt. Nha đam không tinh bột, mát, khiến cho món ăn không ngán. Hiện nay, nhà hàng Cửu Long cũng đưa vào phục vụ món này tại nhà hàng tiệc cưới.
Đơn vị: Khách sạn Cửu Long (1 đường 1/5 - Phường 1 - TP Vĩnh Long) được xếp tiêu chuẩn 3 sao có vị trí thoáng đẹp, nằm cạnh sông Tiền - một nhánh của sông Mê Kông trĩu nặng phù sa, là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi, và gần trung tâm chợ nên thuận tiện cho việc tham quan mua sắm. Hiện nay, khách sạn có ba nhà hàng, đó là Trung tâm tiệc cưới, Nhà hàng gọi món và Nhà hàng hải sản Việt Nam. Khách sạn còn sở hữu khu du lịch An Bình với các tour miền Tây.
|