Đầu bếp: Nguyễn Phượng Loan (bếp trưởng), Đoàn Thị Tú Minh, Nguyễn Thị Quỳnh Như.Bếp trưởng Nguyễn Phượng Loan gần đây tạo sự chú ý ở Phong Điền khi giới thiệu món bánh canh gõ, do bà ngoại chị là bà giáo Đậu ở Bình Thủy truyền lại cho con cháu. Chị cho biết, mặc dù tốn thời gian để tìm lại công thức làm món này nhưng chị vẫn say sưa tìm tòi nhằm kế thừa để bảo tồn và phát huy món bánh cổ truyền, đồng thời giới thiệu với khách du lịch trong và ngoài nước những nét tinh tế và giá trị văn hóa của bánh dân gian Nam bộ.
Thực đơn dự thi: Chả giò trái cây; Ốc mượn hồn (ốc bươu nhồi tôm, cá thác lác); Hồn quê (Bánh canh gõ); Rau câu. Trong khu vực thi nấu ăn rộng chừng 60m
2, bếp của đội thi đến từ nhà hàng Hạ Châu (Cần Thơ) náo động hơn cả. Những thanh âm từ chiếc dùa gõ liên hồi vào gáo dừa khô thu hút mọi người tới xem. Bột trong gáo dừa gồm có bột gạo pha mì tinh được nhồi kỹ, chảy từng sợi dài xuống chảo nước sóng sánh ánh dầu ăn, tạo thành những sợi bánh với hình thù ngộ nghĩnh. Đây là món bánh canh gõ, vốn đã thất truyền bấy lâu.
Đây là món ăn tuổi thơ của đầu bếp Phượng Loan. Vào những ngày mưa tháng 6, cô cháu ngoại chừng 7-8 tuổi khi ấy xán lại bên bếp, tò mò nhìn ngoại làm bánh canh. Một chuỗi những động tác nhồi bột thoăn thoắt, thao tác gõ nhịp nhàng, rộn rã để rồi từ thứ gạo thời khốn khó ra thành nồi bánh canh, tô bánh canh “ngon nhứt trên đời”. Món ăn ngoại nấu cùng nụ cười đôn hậu và ánh mắt vui khi nhìn đàn cháu xì xụp ăn, đeo đẳng chị mãi đến tận giờ. Điều cô cháu gái ân hận là đã không ghi được công thức để tập nấu món ăn của ngoại.
Sự ăn năn đó khiến chị, ngoài việc rà soát lại kỷ niệm, cố nhớ những thao tác ngoại làm và lân la dò hỏi nhiều bậc cao niên. Nhưng, thật tiếc, không ai còn nhớ một cách đầy đủ cách làm. Vậy là chị mày mò đọc thêm sách, tài liệu về các loại bánh canh và quyết định giới thiệu với công chúng ẩm thực món ăn độc đáo này bằng cách tham gia cuộc thi Chiếc Thìa Vàng.
Chị Loan chia sẻ, nguyên liệu gồm có bột gạo pha mì tinh nhưng quan trọng là khâu pha nước, nhồi bột sao cho tan đều, mịn. Nước luộc bánh cần cho thêm chút dầu để sợi bánh không dính, quện vào nhau. Kỹ thuật gõ sao để tạo ra hình thù sợi bánh ngộ nghĩnh cũng là một nghệ thuật. Khi gõ, bánh chìm xuống dưới đáy nồi và khi vừa nổi lên, ấy là lúc bánh chín.
Món bánh canh gõ do vậy nhận được nhiều thiện cảm của người thưởng thức, cả về câu chuyện lẫn hương vị, như chia sẻ của Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi, giám khảo chuyên môn: “Sự chân phương trong hình thù sợi bánh tưởng chừng kém thẩm mỹ so với những loại bánh canh làm bằng máy nhưng không phải vậy. Cùng với sự giòn dai, hình dáng ngoằn nghèo ấy như một nét duyên quê, thu hút thực khách”. Bà Chơi cũng đánh giá cao yếu tố trình diễn trực tiếp kỹ thuật làm bánh vì như vậy sẽ tạo ra sự thích thú cho thực khách.
Chị Phượng Loan cho biết, bánh canh gõ có thể làm thành món mặn khi kết hợp với tôm, cua, gà hoặc món ngọt khi nấu với nước dừa.
Bên cạnh món chính là bánh canh gõ, đội thi còn giới thiệu món ốc mượn hồn, với nhân là hỗn hợp nhồi ốc bươu kết hợp với chả cá thác lác. Một con tôm lóng được cắm sâu vào ốc tạo nên hình thức vô cùng ấn tượng.
Đơn vị: Nhà hàng Hạ Châu nằm trên lộ Vòng Cung, từ hướng dốc cầu Cái Răng chạy vào còn chưa đầy cây số là đến chợ Phong Điền. Dù nhà hàng khá xa trung tâm thành phố nhưng lượng khách rất đông vì tài nghệ ẩm thực của các đầu bếp. Nhà hàng Hạ Châu từng đạt nhiều giải thưởng ẩm thực của huyện và thành phố.
|