Giải nhất sơ kết Nam Trung bộ: Khách sạn Cẩm Thành (Quảng Ngãi)

Thứ sáu, 12/08/2016 09:54
0
0
Lần đầu tiên Quảng Ngãi có đại diện "3 sao" tham dự cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Và ngay ở lần đầu dự thi, món Quảng đã được vinh danh, với giải nhất cụm thi Nam Trung bộ. Thành tích bất ngờ nhưng xứng đáng!


Đầu bếp: Nguyễn Minh Hiển (đội trưởng), Nguyễn Văn Hướng và Nguyễn Trung Thành

Nghệ nhân ẩm thực, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương, trong phần chấm thi thử món, đã nhận xét: “Các đầu bếp đã thực sự có sự đầu tư nghiêm túc, cả về nguyên liệu và gia vị… Tôi cũng muốn khen thêm về một yếu tố nữa, đó là cách các bạn truyền tải, giới thiệu quê mình bằng những nguyên liệu rất địa phương...”. Cũng như nữ nghệ nhân ẩm thực, các giám khảo khác cũng dành nhiều thiện cảm bởi sự đầu tư công phu, nỗ lực của các đầu bếp xứ núi Ấn sông Trà. Hãy nhìn lại hành trình của họ đến với Chiếc Thìa Vàng sẽ thấy rõ điều đó.

“Tôi run đến nỗi cầm chai nước tương ớt bằng cả hai tay, vậy mà không thể nặn tương ra dĩa được. Bình thường tôi dùng một tay”, bằng giọng Quảng đặc trưng, đầu bếp Nguyễn Minh Hiển chia sẻ về cảm giác hồi hộp khi lần đầu tham dự Chiếc Thìa Vàng. Với gương mặt đã giãn ra với nụ cười, đầu bếp sinh năm 1985 tự hào bởi món Quảng đã được vinh danh tại cuộc thi ẩm thực quy mô nhất cả nước. Thành tích hơi bất ngờ đối với cá nhân Minh Hiển, bởi trước đó anh và hai đồng nghiệp chỉ ấp ủ nguyện vọng, nhân cơ hội thi ẩm thực sẽ giới thiệu những đặc sản quê hương, là: don sông Trà, cá niên, trái sả Ba Tơ; đặc biệt là những nguyên liệu tươi ngon của biển đảo Lý Sơn nhưng còn ít người biết đến, như: rong biển, rau chân vịt, hải sâm…


Đầu bếp Nguyễn Minh Hiển

Ba tháng trước, trong một chuyến đi công tác tại Đà Nẵng, Minh Hiển tình cờ biết tin chương trình Chiếc Thìa Vàng đang tổ chức giao lưu và chiêu sinh. Bằng sự tò mò cố hữu mỗi khi nghe đâu đó có chương trình về ẩm thực, anh sắp xếp công việc chạy đến ngay. Tìm được một chỗ ngồi, anh chăm chú nghe và theo dõi mọi diễn biến của cuộc giao lưu. Đọc thêm các tài liệu về thể lệ, phiếu đăng ký, anh biết đây là cơ hội để khám phá và học hỏi kinh nghiệm nghề bếp. Dù biết rằng lãnh đạo khách sạn sẽ ủng hộ, như tiền lệ hai lần trước sẵn sàng tạo điều kiện để anh đi học tại TP.HCM và Hải Phòng, Minh Hiển vẫn quyết định “phôn” báo sếp Thạnh. Ông Nguyễn Hữu Thạnh là giám đốc của Khách sạn Cẩm Thành, một người có đầu óc kinh doanh khá nhạy bén và luôn chủ trương đã làm dịch vụ phải bền vững, trong đó tạo điều kiện cho nhân viên đi trau dồi kinh nghiệm, học hỏi cái mới là điều dễ thấy nhất. Ông đòi hỏi cao kỹ năng tay nghề và ý chí ham học hỏi của nhân viên. Vì vậy, dù có kinh nghiệm 10 năm làm nghề, Minh Hiển tiếp tục được tạo điều kiện đi “trang bị kiến thức” về Chiếc Thìa Vàng, đồng thời học thêm kỹ năng bếp ở Hải Phòng. Ròng rã một tháng. “Anh Thạnh vẫn thường làm như vậy, dù không đi thi thì vẫn tạo điều kiện để chúng tôi đi học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt cái mới ở những thành phố dịch vụ phát triển. Điều đó giúp nâng cao dịch vụ tại Cẩm Thành khi chúng tôi trở về”, đầu bếp Minh Hiển cho biết. Học xong, đội thi được thành lập do Minh Hiển làm đội trưởng, hai thành viên phụ bếp là Phạm Văn Hướng và Nguyễn Trung Thành. Thời gian thi chỉ còn hai tháng, cả ba người bắt đầu lên ý tưởng thực đơn, cứ rảnh thì rong ruổi tìm kiếm nguyên liệu và gia vị mới. “Lần đầu đi thi mọi thứ quá mới mẻ nên phải chuẩn bị kỹ”, Minh Hiển bộc bạch.

Ba đầu bếp tập trung cao độ trong phần thi chế biến

Trên chuyến xe rôm rả chuyện trò, hướng về Đà Nẵng, ngoài ba thành viên đi thi còn có lãnh đạo khách sạn và các nhân viên cùng đi để cổ vũ. Hành trang của họ lỉnh kỉnh những thùng nguyên liệu. Đó là thành quả của những ngày vượt hàng chục km ngược lên miệt Ba Tơ để tìm kiếm sản vật. Có những loại gia vị thu, mua được ngay như trái sả thì học kinh nghiệm người dân cách sử dụng. Đặc thù như cá niên, con don thì ngoài học cách nấu còn phải lập mối để cần thì có mua. Cá niên là loại cá suối, ngày trước rất nhiều nhưng khi đã được các nhà hàng miền xuôi liệt vào dạng đặc sản, nguồn cung cạn dần. Giá bán 400 ngàn/kg, các đầu bếp phải trữ cả tháng mới có đủ dùng. Hết "bò" lên núi thì "bơi" ra biển, ròng rã mấy ngày liền mới có mấy bịch rong biển, hải sâm thu được ở đảo Lý Sơn. “Đến với Chiếc Thìa Vàng mong muốn được giao lưu nhưng đồng thời anh em chúng tôi cũng xem việc tham gia cuộc thi là có nhiệm vụ phải góp phần quảng bá cho ẩm thực, thông qua đó là du lịch của Quảng Ngãi, đặc biệt là Lý Sơn, một địa danh chưa được phát triển về ngành dịch vụ này xứng tầm”, Minh Hiển nói.



Rồi bằng sự say mê, chuyên nghiệp trong suốt 140 phút đứng bếp, họ đã làm nên những món ăn đặc sắc, góp mặt vào những bàn tiệc sang trọng của Chiếc Thìa Vàng: Gỏi rong biển Lý Sơn - Don sông Trà; Cá niên phi lê cuộn trái sả; Gà ác hầm hải sâm ăn kèm bánh mì; Thạch sương sâm - rau câu chân vịt Lý Sơn. Đây là những món ăn ngoài học hỏi kinh nghiệm dân gian hay người địa phương, các đầu bếp đã miệt mài cải biên để món ăn phù hợp với thời hội nhập. Mỗi món có sự kỳ công riêng.



Khai vị hai món: Gỏi rong biển Lý Sơn (hình trên)don sông Trà

Chẳng hạn món gỏi, rong biển được rửa sạch, chần qua nước sôi đã cho chút gừng và rượu vào để khử bớt mùi hăng của muối biển. Sau đó cần cho ngay vào nước lạnh để giữ được màu tự nhiên, đồng thời tạo độ giòn. Tôm nướng nguyên con trên than hoa, lúc chín sẽ tách lấy phần thịt, xé sợi rồi trộn đều với rong biển. Thêm gia vị, rau thơm trộn đều, làm nên món gỏi rong biển Lý Sơn. Cũng món khai vị còn có canh don sông Trà. Don là loài thân mềm hai mảnh, bề ngoài giống hà biển nhưng lại sống ở sông. Don được ngâm trong nước lạnh, thêm ớt để nhả bớt đất, cát. Chờ khi nước (cho một nhúm muối) đun sôi thì cho don vào, đến khi hai mảnh tách ra thì đem đãi, thu phần thịt. Nước don được nêm nếm lại cho vừa ăn. Cho thịt don vào tô, bánh tráng sống xắt sợi, thêm hành ngò và chan nước don vào. Để nước don thêm ngọt, trong lúc luộc don các đầu bếp còn cho thêm một ít hến.


Món thủy - hải sản: Cá niên phi lê cuộn trái sả

Món cá niên phi lê cuộn trái sả là sự kết hợp của nguyên liệu và gia vị miền ngược. Cá niên lột da, phi lê, rút xương. Thịt cá niên và một ít thịt heo băm nhuyễn, nêm nếm gia vị, trong đó nổi bật là trái sả - loại trái thu được từ cây thân gỗ mọc hoang ở Ba Tơ nhưng tinh dầu mạnh và thơm như sả. Người dân vẫn dùng trái sả để ướp với thịt cá hay gà, heo để nướng hoặc hấp. Nhân cá được cuộn bằng chính da cá niên rồi đem áp chảo. Thức chấm ăn kèm được chế từ trái sả, muối, chút xíu bột ngọt dã nhuyễn. Phần thịt và da cá là vậy, riêng phần ruột khi làm sạch sẽ kết hợp với mơ, hẹ, chưng với trứng để trở thành món ăn kèm cho khẩu vị nhân nhẫn là miệng. Ngoài hai món trên, cá niên còn có thể chế biến thành món canh khi đi kèm với khổ qua rừng, rau răm, rau dớn…


Món thịt: Gà ác hầm hải sâm ăn kèm bánh mì

Để biển gần hơn với đất liền, món gà ác hầm hải sâm ăn kèm bánh mì gói trọn ý nghĩa đó. Hải sâm đen sau khi sơ chế sạch được cho vào nồi áp suất nấu cùng nước, gừng, rượu. Gà ác phi lê, phần thịt được ướp hành tím, gừng, tiêu. Sau khi xào săn mới cho gà vào om với nước dừa. Canh khi gà gần chín mới cho hải sâm cùng các nguyên liệu như nấm đông cô, cà rốt, thuốc Bắc (các vị thuốc: nhục túc, kỷ tử, đẳng sâm, táo tàu chần trước qua nước sôi) vào, nấu khoảng 30 phút là có món ăn bổ dưỡng…


                             Món tráng miệng: Thạch sương sâm - Rau cau chân vịt Lý Sơn

Nhận xét về phần thi của đội 52, nghệ nhân ẩm thực, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương nói: “Tôi quan sát kỹ và ấn tượng với cách rút xương, cũng như từng nhát cắt dứt khoát và đều trên mỗi miếng cá niên, loài cá đặc sản nhưng da rất dày. Miếng thịt sau khi chế biến thành món ăn, trình bày ra dĩa đẹp, nướng không bị khô. Điều đó chứng tỏ kinh nghiệm và kỹ thuật chế biến tốt. Đồng thời, hương vị các món ăn cũng khá tốt. Món cá thú vị, nhờ ướp trái sả là một loại gia vị thú vị của Ba Tơ”. Qua món thủy – hải sản, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương tiếp tục: “Hải sâm tươi, nước dùng nấu kỹ, ngọt. Có lẽ khen hơi nhiều nhưng tôi cũng muốn khen thêm về một yếu tố nữa, đó là cách các bạn truyền tải, giới thiệu quê mình bằng những nguyên liệu rất địa phương...”. Những thành viên giám khảo còn lại cũng chung quan điểm, khi thống nhất trao giải nhất (trị giá 40 triệu đồng) cho đội Khách sạn Cẩm Thành.

Bối rối trước câu hỏi của các nhà báo, sẽ có thực đơn bất ngờ gì cho vòng bán kết, Minh Hiển thành thật: “Thú thực là vui quá, chưa nghĩ được gì cho vòng thi tiếp theo nhưng rất vui vì món ăn được khen ngợi”. Thôi thì hãy để các đầu bếp tận hưởng trọn vẹn niềm vui, bởi đó là một chiến quả bất ngờ nhưng xứng đáng với nỗ lực và tấm lòng của họ với hương vị quê nhà.

CTV


Đơn vị: Khách Sạn Cẩm Thành

Địa chỉ: số 01 Phạm Văn Đồng, phường Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Điện thoại: 055 3827777; Fax: 055 3718206; Hotline: 0905503877

Email: info@camthanhhotel.com

Website: www.camthanhhotel.vn

Khánh thành đưa vào hoạt động phục vụ, kinh doanh từ ngày 20.4.2015, Khách Sạn Cẩm Thành là một trong những khách sạn tiêu chuẩn 03 sao mới nhất trên địa bàn tình Quảng Ngãi. Khách sạn có kiến trúc hiện đại với 57 phòng ngủ được trang bị các trang thiết bị tiện nghi. Khách sạn gồm 01 phòng Super VIP, 06 phòng VIP, 38 phòng Deluxe và 12 phòng Superior. Đứng tại phòng ngủ, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Quảng Ngãi về đêm.

Nhà hàng với các phòng ăn vừa và nhỏ, trung tâm hội nghị, tiệc cưới với không gian ấm cúng và đầy đủ tiện nghi. Nhà hàng tại tầng 2 với không gian sang trọng, tầm nhìn đẹp là điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện, tiệc chiêu đãi, các phòng ăn riêng biệt phục vụ các tiệc chiêu đãi khách VIP. Hội trường tầng 1 sức chứa 300 chỗ ngồi, phòng họp 40 chỗ ngồi với trang thiết bị hiện đại, hệ thống âm thanh đồng bộ chuyên tổ chức hội nghị, hội thảo… Nhà hàng tiệc cưới Cẩm Thành với không gian sang trọng và được trang bị hệ thống âm thanh cao cấp, hiện đại luôn sẵn sàng phục vụ với giá cả hợp lý và ưu đãi nhất. Ngoài ra, khách sạn còn cung cấp nhiều tiện ích và dịch vụ kèm theo như: đặt vé máy bay, vé tàu, cho thuê xe ô tô từ 4 đến 16 chỗ ngồi, dịch vụ du lịch, đưa đón khách sân bay và đưa đón khách đi làm hàng ngày…


0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG