Từ chuyện giữa Luân Đôn
Ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty Minh Long I, trưởng ban tổ
chức cuộc thi bắt đầu cuộc gặp bằng một câu hỏi của đầu bếp lừng danh Bobby Chinn: "Bạn bè quanh
tôi ai cũng nghe nói thức ăn Việt Nam là ngon tuyệt vời, nên có lần đề nghị tôi nấu vài món khi
biết tôi vừa ra mắt thành công tập sách về thức ăn Việt. Tôi nhận lời ngay, ra chợ ở Luân Đôn, Anh
quốc để tìm mua vài nguyên liệu, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy bất cứ món gia vị nào của Việt
Nam cả. Tôi quay về và phải hẹn lại một dịp khác. Tại sao vậy?"
Các đội đoạt giải Chiếc thìa vàng 2014
Câu hỏi "tại sao" này của vị đầu bếp Tây nặng lòng với ẩm thực Việt
Nam làm ông Minh suy nghĩ hoài, và tự thân ông "vua gốm sứ" này thấy mình phải làm điều gì đó để
góp phần giải quyết nó. Ông bảo, hai năm đi cùng hành trình vẽ bản đồ ẩm thực Việt Nam, thấy nhiều
món gia vị độc đáo, mới lạ mà toàn gắn với những bài thuốc dân gian có lợi cho sức khoẻ, nhưng đúng
là "mạnh vùng nào vùng nấy giữ, chưa có giao lưu, lan toả gì cả".
Ai được đi thi?
Bếp trưởng Trần Thái Bảo của KS Caravelle, nhà vô địch Chiếc thìa vàng 2014 cho rằng, các đội thi ở tất cả quy mô, từ quán ăn gia đình, bình dân hay nhà hàng cao cấp đều có cơ hội như nhau ở Chiếc thìa vàng. “Khác biệt duy nhất là tình yêu và sự đầu tư cho ẩm thực”.
|
Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương, giám khảo chuyên môn của cuộc
thi, cũng đồng tình: "Mỗi lần đi giao lưu ẩm thực, chúng tôi đều phải gói ghém mang theo tất cả
những gia vị cần thiết. Nhưng những chuyến bay dài, những khoảng thời gian giữa chương trình đã
nhanh chóng làm cho mớ lá chanh mà chúng tôi mang theo trở nên héo úa, vàng vọt, giảm hết mùi thơm
và màu sắc cho món ăn. Trong khi đó, vào siêu thị, thì thấy lá chanh của người Thái Lan, được cắt
nguyên cành để bán, tươi xanh, ngon lành, sẵn sàng cho bất kỳ ai muốn nấu món Thái…"
Có lẽ vì gặp nhau ở những điểm chung này, mà như bà Nguyễn Thị Xuân
Dung, giám đốc dự án Chiếc thìa vàng, chia sẻ, khi chủ đề "Gia vị Việt" được đưa ra, thì toàn bộ
ban tổ chức - ban giám khảo đều đồng tình. Một tấm bản đồ Việt Nam mới nguyên đã được treo lên
tường, bắt đầu dán lên những ghi chú đầu tiên: mắc khén, thảo quả, lá mắc mật, củ nén, tiêu
rừng.
Trưng bày đẹp là 1 trong 5 tiêu chí của cuộc thi
Đến nỗi lòng "mì lẩu Thái"
Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi, với đúng nửa thế kỷ theo nghề ẩm
thực, cầm micro phát biểu mà hơi run run: "Mỗi lần tôi thấy gói mì lẩu Thái được quảng cáo trên
tivi là lại muốn khóc. Hay hôm qua, thấy trên tivi hướng dẫn nấu ăn món thịt kho kimchi Hàn Quốc
thì buồn hết sức. Mọi thứ đều là của mình làm ra mà, thiếu gì những món ngon, những thức lành, sao
cứ phải đi mượn của người ta để về nấu ăn…"
Có lẽ ít có cuộc họp báo nào, mà nhà báo lại đứng lên bày tỏ nhiều
suy nghĩ, đóng góp đến vậy. Nhà báo Lê Nam của Tuổi Trẻ, hiến kế: "Ở Sài Gòn đâu thể nào tìm ra
những gia vị đặc sản mà theo tôi là rất tuyệt vời mà Chiếc thìa vàng đã giới thiệu. Giờ mình phải
làm sao để mọi người đều được tiếp cận kho tàng độc đáo này?" Một đại diện của Thông tấn xã Việt
Nam, thì lo lắng: "Bây giờ đang hội nhập mà, nhỡ các đầu bếp nấu với những gia vị lai lai nước
ngoài thì sao?"
Ban giám khảo chấm thi kỹ thuật nấu
Nhà báo Đại Dương của Tiền Phong, thì lại rất quan tâm: "Đầu tư
cuộc thi quá lớn, quá chỉn chu thế này mà lại không quảng bá sản phẩm, công việc kinh doanh của
nhãn hàng Ly's Horeca có ổn không?" Hay ông Nguyễn Quốc Hưng - phó tổng cục trưởng tổng cục Du lịch
- cũng góp ý kiến, không với tư cách của đơn vị bảo trợ cuộc thi mà với tư cách chuyên gia du lịch
của cá nhân mình: "Nên chăng ban tổ chức hình thành luôn một nhà hàng, hoặc một chuỗi nhà hàng mang
tên Chiếc thìa vàng để thực khách trong và ngoài nước có thể được thưởng thức những món ngon, những
tinh tuý của ẩm thực Việt mà cuộc thi đã tìm ra…"
Chiếc thìa vàng đã khởi động, và nói như bà Triệu Thị Chơi, cuộc
hành trình đã tạo ra hình ảnh mới cho người đầu bếp. Không còn là "Quanh năm xoong chảo đen sì -
Khói bay mù mịt thấy gì tương lai", chuyển thành "Quanh năm xoong chảo sáng loà - Hương thơm ngào
ngạt nở hoa cuộc đời".
Thương hiệu Chiếc Thìa Vàng
Ông Nguyễn Quốc Hưng, phó tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Việt Nam, nhận định: "Trong thời gian rất ngắn, ban tổ chức cuộc thi đã tạo sân chơi cho những đầu bếp khắp cả nước. Và quan trọng là, đã tạo dựng được thương hiệu Chiếc thìa vàng (CTV). Riêng chúng tôi, sẽ hỗ trợ làm sao cho CTV vươn cao, vươn xa trong nước và nâng tầm quốc tế".
Theo ban tổ chức, nhằm kết nối những đầu bếp CTV với giới đam mê văn hoá ẩm thực, sẽ tổ chức "Câu lạc bộ đầu bếp CTV". Họ sẽ nấu lại những món ăn vàng cho các cơ quan, tổng lãnh sự quán… có nhu cầu. Song song đó, những nhà hàng - khách sạn nào có món ăn dự thi đoạt giải, cũng sẽ được cấp chứng nhận từ ban tổ chức cuộc thi uy tín này.
Ngày 2 - 3/6/2015 sẽ bắt đầu khởi tranh cuộc thi CTV, tại TP Cần Thơ, vòng sơ kết, cụm các đội khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Được biết, hiện có 180 đội cả nước đăng ký dự thi, nhiều hơn năm rồi 40 đội, đông hơn năm đầu tới 77 đội.
Tổng giá trị giải thưởng năm nay hơn 3 tỉ đồng. Cuộc thi do công ty TNHH Minh Long I cùng trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp tổ chức. Nhãn hàng Ly's Horeca tài trợ, với sự bảo trợ của hai đơn vị cấp quốc gia là phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và tổng cục Du lịch Việt Nam.
|
Theo K.Chinh
Thế giới tiếp thị