Ông Lý Ngọc Minh và ông Nguyễn Văn Tuấn trao giải nhất chung cuộc Chiếc thìa vàng 2013 cho đội InterContinental Danang Sun Peninsula Resort
Có lẽ, chỉ có đầu bếp nào làm ban giám khảo thốt lên “Đời đẹp quá!” mới đủ sức giành giải thưởng 1 tỉ đồng của vòng chung kết Chiếc thìa vàng 2014 ngày 10/12 sắp tới.
Đẳng cấp trong chiếc hộp đen
Sau chặng hành trình ròng rã suốt năm, trải hết mọi miền đất nước
với vòng sơ khảo mang chủ đề "Hương vị quê nhà thời hội nhập" và vòng bán kết "Món ăn vàng", vòng
thi chung kết sắp tới sẽ thách thức hơn cả khi mà không ai biết mình sẽ phải nấu món gì. Tất cả 15
đội thi sẽ vào cuộc và không được mang theo bất kỳ nguyên vật liệu nào, họ sẽ phải đối diện với
chiếc hộp đen bí ẩn.
"Các đội sẽ bốc thăm và chọn ngẫu nhiên chiếc hộp chứa các nguyên
vật liệu chính, và ban tổ chức sẽ mở một ngôi chợ nhỏ để thí sinh tự chọn các nguyên liệu phụ.
Nhưng chiếc hộp này không mang tính may rủi, mà hoàn toàn là thách thức tài nghệ và đẳng cấp của
người đầu bếp chuyên nghiệp.
Họ sẽ phải ứng phó với một danh sách nguyên liệu không định sẵn, có
khi còn chưa bao giờ gặp, tự lên một thực đơn dành cho bốn người sao cho cân bằng dinh dưỡng, ngon
và lành, cũng như chứng tỏ được tay nghề của mình. Áp lực sẽ lớn hơn, và chiến thắng sẽ ý nghĩa
hơn", giám khảo Bùi Thị Sương chia sẻ.
Chỉ trong thời gian ít ỏi là 60 phút, từ lúc nhận được chiếc hộp
đen bí ẩn, các đội sẽ phải chạy đua để hoàn thành một set menu đủ chuẩn dành cho bốn người, có món
khai vị, món thịt, món thuỷ hải sản và món tráng miệng.
Cũng trong ngần ấy thời gian, đội trưởng sẽ
phải phân bổ kế hoạch thế nào để các thành viên đi chợ và mua đủ các nguyên liệu phụ cần thiết. Sẽ
rất áp lực vì đi chợ trễ thì đồ hết, chợ mà tan thì đồ héo cũng chẳng còn, mà lấy quá nhiều, không
sử dụng hết thì cũng bị điểm trừ.
Một thực đơn hoàn chỉnh đóng vai trò không nhỏ cho thắng lợi cuối
cùng. Sức ép về thời gian đòi hỏi các thành viên trong đội cùng hợp sức suy nghĩ, đòi hỏi người đội
trưởng đủ bản lĩnh để quyết định một thực đơn phù hợp với định hướng của cả đội.
Sau đó, sẽ tiếp
tục đến 120 phút "định mệnh" khi các thành viên của đội phải đồng lòng thực hiện thực đơn đó một
cách hoàn hảo nhất. "Căng thẳng quá, nhưng cũng rất phấn khích nữa. Chưa bao giờ các đầu bếp lại
chịu sự thử thách một cách toàn diện như vậy. Kiểu đó thì không chỉ luyện tập chuyên môn mà còn
phải luyện tập về thể lực nữa", bếp trưởng của Ana Mandara Villas chia sẻ.
Vậy là sau những vòng thi hấp dẫn với đủ mọi nguyên vật liệu đặc
trưng vốn có của từng vùng miền, những món ngon vật lạ sắp thất truyền trong dân gian, giờ chỉ còn
tay nghề đầu bếp và tình yêu dành cho ẩm thực là hành trang để các đội thi chiến đấu với nhau.
"Chiếc thìa vàng mà, phải chứng minh rằng bạn là đầu bếp chuyên nghiệp. Đặc biệt hơn khi trong thời
kỳ hội nhập, người đầu bếp không chỉ nấu ăn ngon, mà còn phải biết điều hành một tổ bếp thật khoa
học, sắp xếp công việc hợp lý, phải ứng phó với mọi thay đổi của nguyên vật liệu và biết linh hoạt
trong việc chọn cách nấu, cách bài trí món ăn sao cho đẹp và tinh tế nhất", ông Lý Huy Sáng, phó
trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết.
Hướng dẫn viên du lịch ẩm thực
Có lần, tổng kết một vòng thi, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương
đọc ca dao: "Quanh năm xoong chảo đen sì - Khói bay mù mịt thấy gì tương lai" để nói về cái khổ,
cái buồn của nghề bếp. Giờ thì đời bếp đã khác.
Khác chứ, khi mà cậu trai nghèo Nguyễn Văn Bông ở Phú Yên phải bỏ
học đi phụ bếp kiếm tiền thuở nào, giờ ngồi ngang hàng với tổng giám đốc các khách sạn lớn để bàn
chuyện phát triển du lịch xứ ghềnh Đá Dĩa. Khác lắm, khi mà nhìn anh Sơn Chef đứng dạy nấu ăn bằng
tiếng Anh cho một đoàn khách ngoại giao ở Sa Pa thì đâu ai nghĩ chỉ mười năm trước, đây là cậu bé
mồ côi phải đi rửa chén thuê ở Nam Định…
Những câu chuyện, những con người và những sản vật trên chặng hành
trình mà Chiếc thìa vàng đã đi qua, kể hoài không có hết. Bản đồ ẩm thực Việt Nam cũng đã hiện lên
nhiều điểm sao lắm rồi. Ở mỗi điểm này, dù là một biệt thự cổ trên cao nguyên hay một quán ăn nghèo
ven biển, thì đều có một đội bếp chuyên nghiệp đang sẵn lòng đưa du khách vào một hành trình đặc
biệt: hành trình khám phá ẩm thực, một trong những con đường hấp dẫn nhất của ngành du lịch.
Cô Sương bảo: "Ở Chiếc thìa vàng, chúng tôi cũng đã từng bước chạm
đến mục tiêu xây dựng một thế hệ đầu bếp chuyên nghiệp và hội nhập. Đó là những người hiểu về văn
minh dinh dưỡng, có kiến thức nghề vững vàng, kỹ năng thực hành thành thạo, có ý thức học hỏi vươn
lên, sáng tạo, luôn thân thiện và bảo vệ môi trường.
Từng bước, việc nói không với động vật hoang
dã, chuyên nghiệp hoá trang phục, thao tác trong bếp và cả việc tích cực phân loại rác đã được thực
thi. Chưa có bao giờ trong các cuộc thi nấu ăn, các thao tác trong bếp được chú trọng đến vậy. Chỉ
sau một lần, các đội bếp đã biết sử dụng bộ thớt một cách chuyên nghiệp và đồng bộ: thớt xanh lá
dùng cho rau, thớt xanh biển - thuỷ hải sản, thớt vàng - thịt gia cầm, thớt đỏ - thịt gia súc, và
thớt chín có màu nâu hoặc màu trắng.
Có những đội chưa tìm đủ bộ thớt chuyên dụng này, nhưng đã dán
nhãn để phân loại thớt. Đó là sự trưởng thành về mặt suy nghĩ, ý thức của người làm bếp chuyên
nghiệp. Và giờ thì họ còn khoác thêm chiếc áo của người hướng dẫn viên du lịch ẩm thực đầy cảm hứng
nữa".
Đầu bếp, đó không chỉ là nghề của đam mê, của tình yêu bất tận đối
với ẩm thực. Mà còn là nghề của những khổ luyện, những học hỏi không ngừng để có thể đưa món ăn trở
thành một tác phẩm nghệ thuật.
Hãy cùng theo dõi cuộc tranh tài của 15 đội thi đến từ Sa Pa, Quảng
Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, TP.HCM ở vòng thi chung
kết, diễn ra tại Minh Sáng Plaza, tỉnh Bình Dương ngày 10/12/2014. Hãy tham gia vào ngày hội ngộ
những nghệ sĩ ẩm thực này nhé!
Theo Trần Nguyên
Thế giới Tiếp thị