Tiếp tục hành trình vẽ bản đồ món ăn và gia vị Việt nhưng Chiếc Thìa Vàng năm 2016 sẽ có nhiều nét mới, hướng đến tính chuyên nghiệp, hứa hẹn sẽ kịch tính, hấp dẫn hơn...
Chiếc Thìa Vàng trở thành sân chơi hấp dẫn dành cho các đầu bếp
chuyên nghiệp. Trong ảnh: Đầu bếp Vũ Văn Thành (Khách sạn Lotte Hà Nội)
pha chế nước xốt tại vòng thi chung kết. Ảnh: Trung Dũng
Sáng 26.5, tại Minh Sáng Plaza (Bình Dương), ban tổ
chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng đã tổ chức họp báo, tuyên bố khởi động mùa thứ 4 - Chiếc Thìa
Vàng 2016 với chủ đề: “Hương vị quê nhà - Hành trình gia vị Việt”. Tham dự có
đại diện Tổng cục Du Lịch, sở Du lịch tỉnh Bình Dương, đại diện các doanh
nghiệp kinh doanh nhà hàng khách sạn, các đầu bếp và phóng viên nhiều cơ quan
báo chí truyền hình Trung ương và địa phương.
Nhiều nét mới
Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc công ty Minh
Long I, Phó Ban tổ chức cuộc thi, nói: “Chúng tôi đã nỗ lực rất - rất
nhiều, trong những năm qua để cuộc thi ngày càng chuyên nghiệp hơn.”
Chẳng hạn, xét về quy mô, mọi năm BTC chọn những
nhà hàng, khách sạn có sức chứa lớn, để làm địa điểm thi. “Song, chúng tôi cảm
thấy làm thế vẫn không tốt hơn bằng dàn dựng một phim trường. Cho nên năm nay,
chúng tôi thuê hẳn sân vận động, nhà thi đấu, đầu tư thiết bị bếp hiện đại, với
đầy đủ: lò nướng, tủ mát, nồi niêu… như trong khách sạn 5 sao để hỗ trợ các đầu
bếp sử dụng, phát huy hết tài năng.”, ông Sáng chia sẻ. Các đầu bếp khu vực
phía Nam sẽ là những người đầu tiên được trải nghiệm những nét mới của cuộc
thi, bởi vòng sơ tuyển cụm phía Nam sẽ diễn ra từ ngày 7 – 9 tháng 6 tại nhà
thi đấu Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM).
Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng mùa đầu tiên được tổ chức vào
tháng 10.2013 với 103 đội dự thi. Mùa thứ hai khởi tranh từ tháng 5.2014 với
140 đội, trong đó có 43 đơn vị đến từ các nhà hàng – khách sạn 4, 5 sao. Mùa thứ
3 khởi tranh từ tháng 6.2015, với sự tham gia của 357 đầu bếp của 119 đơn vị
(thuộc 39 tỉnh, thành phố) tham gia. Trong đó, có 42 đội đến từ các khách sạn 4
– 5 sao. Điều đặc biệt của mùa thi này, là có hơn 1.400 món ngon được giới thiệu
và quảng bá; bên cạnh hàng chục loại gia vị mới lạ, được các đầu bếp dày công
sưu tầm, nghiên cứu, công dụng để sáng tạo nên các món ăn mới, làm mới món truyền
thống.
|
Về phía ban giám khảo, ngoài các nghệ nhân ẩm thực,
chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, siêu đầu bếp, chuyên gia về lĩnh vực
dinh dưỡng, quán quân Chiếc Thìa Vàng các mùa thi trước, các giám khảo khách
mời là văn nghệ sĩ, đại sứ hàng Việt... sẽ có thêm sự xuất hiện của Á hậu Hoàng
My và Đầu bếp thế kỷ (Chef of The Century) - ông Eckart Witzigmann. Đúng
với danh xưng "Đầu bếp của thế kỷ", ông Eckart Witzigmann không chỉ
sở hữu danh hiệu ba sao Michelin mà bề dày chiến tích làm nghề, là một bảng
danh sách dài dằng dặc những giải thưởng tầm cỡ quốc tế khác. Chỉ riêng mỹ hiệu
“học trò của Eckart Witzigmann”, cũng là niềm khát khao cháy bỏng của các đầu
bếp giỏi khắp năm châu.
Á hậu Hoàng My, ngoài việc tham gia thử món và chấm
thi, sẽ có vai trò như một “đại sứ” trong việc giới thiệu cuộc thi cũng như
quảng bá các món ăn độc đáo của Chiếc Thìa Vàng; chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn
thực đơn với các món ăn đảm bảo dinh dưỡng, khỏe đẹp khi phối hợp cùng các đầu
bếp Chiếc Thìa Vàng trực tiếp nấu các món ăn. “Đối với Hoàng My, nhờ đồng
hành cùng “Vua đầu bếp” Yan Can Cook trong chương trình đi dọc Việt
Nam khám phá ẩm thực Việt đã thu thập và có rất nhiều ấn tượng với các món ăn
Việt Nam. Đó là sự phong phú, ngon, lành của các món ăn, sự độc đáo của các
loại gia vị tươi đặc trưng của các vùng miền Việt Nam”. Phát biểu cảm nghĩ khi
tham gia làm giám khảo cuộc thi, Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 chia
sẻ: “Chiếc Thìa Vàng là cuộc thi ẩm thực quá chuyên nghiệp. My có lòng tin rằng
Chiếc Thìa Vàng sẽ vươn xa hơn nữa. Cá nhân Hoàng My cũng cảm thấy vinh hạnh
khi được cùng Chiếc Thìa Vàng quảng bá ẩm thực Việt với bạn bè quốc tế”.
Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc công ty Minh Long I, Phó Ban tổ
chức cuộc thi giới thiệu những nét mới của Chiếc Thìa Vàng 2016. Ảnh:
Trung Dũng
Để quảng bá và tăng tính tương tác của Chiếc Thìa
Vàng tới rộng rãi nhiều đối tượng quan tâm, từ ngày 26.5, những ai yêu thích ẩm
thực có thể tải miễn phí ứng dụng Chiếc Thìa Vàng về các thiết bị cầm tay chạy hệ
điều hành IOS, Android, Windows Phone thông qua App Store, Google Play hoặc
Microsoft Store. Song hành, thông tin, hình ảnh cuộc thi cũng sẽ cập nhật liên
tục qua các mạng xã hội như Facebook
(https://www.facebook.com/chiecthiavang), YouTube; hoặc trang web
truyền thông của chương trình.
Cũng trong mùa thi này, trị giá giải thưởng ở mỗi
vòng cũng được tăng thêm 10 triệu đồng. “Chúng tôi nâng tầm giải thưởng, để
xứng đáng với công sức các đầu bếp dám vượt lên chính mình”, ông Sáng giải
thích. Về đơn vị tài trợ, ngoài Ly's Horeca sẽ có thêm hai nhà tài trợ đồng
hành cùng Chiếc Thìa Vàng. Trong đó, công ty Đại Tân Việt là nhà tài trợ
thực phẩm, gia vị cho cuộc thi. Nhà tài trợ còn lại sẽ cung cấp các dòng rượu
và hướng dẫn cách sử dụng, phối kết rượu với thức ăn phù hợp...
Tiếp tục “vén màn” kho tàng gia vị Việt
Đề tài nóng này được nhiều chuyên gia cùng giới truyền
thông tham gia luận bàn, mổ xẻ. “Mùa rồi, các đầu bếp Chiếc Thìa Vàng mới cày
xới chứ chưa gieo được bao nhiêu gia vị ngon lành.”, ông Chiêm Thành Long,
thành viên ban giám khảo chuyên môn nhận định.
Theo ông Long, hành trình khám phá gia vị của Chiếc
Thìa Vàng năm 2015 đã sưu tập được trên 70 loại gia vị độc đáo, lẩn khuất khắp
ba miền. Chẳng hạn: trái giác, trái gáo, tiêu sả, mắc khén… Và qua bàn tay tài
hoa của các đầu bếp Chiếc Thìa Vàng, chúng không còn “quê mùa” nữa mà cực kỳ
sang trọng. Ví dụ: sốt trái giác, giúp nhiều món ăn đẹp lung linh. Trong buổi
họp báo, danh sách 30 loại gia vị, với đầy đủ thông tin, hình ảnh, xuất xứ và
món ăn được chế biến... đã gửi tới các quan khách cũng như phóng viên báo đài.
Ông Chiêm Thành Long, giám khảo chuyên môn giới thiệu về hành trình
gia vị của Chiếc Thìa Vàng. Ông Long khẳng định, việc tìm tòi, khám phá
các gia vị mới, nghiên cứu để ứng dụng phù hợp vào món ăn là một trong những tiêu chí được đánh giá cao tại cuộc thi mùa thứ 4. Ảnh: BTC
“Chúng nâng món ăn từ chỗ bình thường lên hàng… phi
thường. Do đó, các đơn vị có thí sinh tham gia cuộc thi Chiếc Thìa Vàng
cũng rất hãnh diện. Họ đưa ngay món dự thi vào thực đơn đầy tự hào và gọi luôn:
món Chiếc Thìa Vàng. Bởi trông nó đẹp hơn, mùi vị ngon hơn. Dường như, đang nẩy
nở xu hướng ẩm thực đầy tự hào”, ông Long hào hứng.
Mặc dù vậy, với sự cầu thị các giám khảo vẫn nhìn
nhận còn một số hạn chế mà các đầu bếp cần khắc phục. Đó là không ít đầu bếp
chưa phân biệt rạch ròi đâu là nhóm gia vị đâu là nhóm nguyên liệu giúp món ăn
thêm ngon hoặc thêm hấp dẫn. Thứ đến, sự phối kết các gia vị đạt đến độ hài hòa
trong cùng một món ăn vẫn chưa nhiều. Ngoài ra, nguyên lý cân bằng âm dương,
của các gia vị đi cùng, cũng chưa được khám phá sâu, để món ăn thêm nên thuốc
(lành) hơn.
Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc BSA, phó ban tổ chức, chia
sẻ một góc nhìn khác: “Nếu chúng ta biết các nước châu Á làm giàu bằng gia vị
như thế nào thì tiếc lắm! Vấn đề là chuẩn hóa - phối hợp ra sao. Đó cũng là
cách ủng hộ hàng nội, khai thác khôn ngoan gia tài ẩm thực Việt.”
Bà Hạnh còn tiết lộ rằng, không phải đơn thuần mà
vị tổng thống Mỹ qua Hà Nội, ngồi ăn bún chả cùng với ông đầu bếp riêng, vừa
rồi. “Họ đang làm “sô” cho kênh truyền hình CNN đó! Nếu mình làm, có thể tốt
hơn, sẽ thúc đẩy cho ngành công nghiệp ẩm thực phát triển nhanh hơn. Có lợi cho
nền kinh tế quá đi chứ!”, bà Hạnh chia sẻ.
“Cho nên,
mùa rồi chúng ta chỉ mới làm đất. Hy vọng, mùa này các đầu bếp "gieo
trồng" tốt hơn!”, ông Long gợi ý.
Chiếc
Thìa Vàng đã trở thành thương hiệu!
Quán quân
Chiếc Thìa Vàng 2015, đầu bếp Vũ Văn Thành (khách sạn Lotte Hà Nội), cũng đồng
tình với những lập luận sâu sắc của ông Long. Đầu bếp Thành chia sẻ thêm, điều
thay đổi lớn nhất với anh, kể từ khi đoạt cúp là biết nhiều hơn nữa các loại
gia vị hay của nước nhà: “Quả thật, kho tàng gia vị Việt quá vi diệu và
rộng lớn”. Sau khi tham gia cuộc thi, đầu bếp Thành chia sẻ, lãnh đạo và đồng
nghiệp thêm tin tưởng, tín nhiệm giao cho anh nhiều công việc quan trọng hơn.
Anh nhắn nhủ với các đồng nghiệp sẽ thi Chiếc Thìa Vàng 2016: “Hãy mạnh dạn
lên! Cố gắng nỗ lực vượt qua mặt cảm thắng thua. Hãy thể hiện những gì mình
biết, mình khát khao về gia vị ta, để góp phần tạo nên những món ngon Việt hút
hồn thực khách trong và ngoài nước!”.
Á hậu Hoàng My: “Chiếc Thìa Vàng là cuộc thi ẩm thực quá chuyên
nghiệp. My có lòng tin rằng Chiếc Thìa Vàng sẽ vươn xa hơn nữa. Cá nhân
Hoàng My cũng cảm thấy vinh hạnh khi được cùng Chiếc Thìa Vàng quảng bá
ẩm thực Việt với bạn bè quốc tế”. Ảnh: Robert Hoàng
Nói về thử thách đặt ra cho các đầu bếp, từ thực
đơn đến chuẩn hoá cách trình bày món ăn sao cho hiện đại, bắt nhịp đẳng cấp
quốc tế, ông Lý Huy Sáng cho biết, nếu nhóm bếp nào vượt qua ba vòng của cuộc
thi thì họ tài giỏi thật sự. Quyết định nhất là vòng thứ ba – chung kết. Họ
phải có nhiều kỹ năng: ứng biến, lên thực đơn, tiết chế thời gian cho từng công
việc có tên và không tên…
Riêng về phần trình bày, không phải đội nào nghiêng
về phong cách Á thì khó “ăn điểm” hơn bàn Âu. Quan trọng là sự hài hòa, còn
gọi: “Tỷ lệ vàng”. Muốn vậy, “các đầu bếp cần chú ý đến kích cỡ dụng cụ đựng;
rồi bố cục của món ăn, tất nhiên món chính phải nổi bật hơn món phụ. Cũng như,
rất cần các bạn quan tâm đến màu sắc tổng thể của bàn tiệc”.
Bà Bùi Thị Sương, nghệ nhân ẩm thực, thành viên ban
giám khảo, bổ sung: “Một số đầu bếp đẳng cấp thế giới cũng từng chia sẻ với
chúng tôi rằng, khẩu vị món ăn Việt thì quá ngon lành. Nhưng điểm yếu là trình
bày chưa đẹp mắt, tiện dụng. Do đó, chúng tôi mong muốn các bạn trình bài tác
phẩm của mình hiện đại hơn. Nhưng, đương nhiên cái hồn vẫn là hồn Việt”.
Ông Nguyễn Quốc Hưng: "Chiếc Thìa Vàng thật sự là một thương hiệu,
góp phần tôn vinh, quảng bá, phát huy nền văn hóa ẩm thực Việt với bạn
bè thế giới". Ảnh: BTC
Nhiều quan khách có mặt nhận định, trải qua ba mùa
thi, Chiếc Thìa Vàng đã trở thành một sân chơi đẳng cấp của các đầu bếp chuyên
ngiệp. Cuộc thi đã đóng góp không nhỏ vào việc tìm kiếm, giới thiệu và quảng bá
những đặc sản, món ăn ngon cũng như những loại gia vị độc đáo của Việt nam vẫn
còn lẩn khuất trong tự nhiên. Từ đó, góp phần quảng bá văn hoá, du lịch của mỗi
địa phương mà cuộc thi đi qua. Nói như ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục
trưởng tổng cục Du lịch Việt Nam, thì: “Nếu năm 2013, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng
mới là hiện tượng thì đến mùa 3 - 4, Chiếc Thìa Vàng thật sự là một thương
hiệu, góp phần tôn vinh, quảng bá, phát huy nền văn hóa ẩm thực Việt với bạn bè
thế giới".
Ông Hưng kỳ vọng: "Khi chúng ta có sản phẩm du
lịch rồi, có nhân lực, có cơ chế chính sách... làm sao cho ẩm thực du lịch Việt
Nam phát triển mạnh hơn. Đề nghị thời gian tới chương trình sẽ đồng hành cùng
ngành du lịch trong quảng bá xúc tiến thương mại, bởi đây là khâu quan trọng
nhất".
Ngay sau họp
báo giới thiệu về mùa thi thứ 4, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 sẽ chính thức
khởi động với cụm thi dành cho các đầu bếp khu vực phía Nam, diễn ra tại TP.HCM
từ ngày 7 –9.6.2016.
Chiếc Thìa Vàng năm
2016 đặt ra năm tiêu chí: 1. Tìm kiếm, bảo tồn và phát huy những món ăn dân dã
truyền thống, bình dị, mang đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền; 2.
Món ăn phải “ngon và lành”, đây là tiêu chuẩn đầu tiên của một nền ẩm thực phù
hợp với xu thế thời đại: sống xanh, vì dức khỏe con người; 3. Quốc tế hóa
món ăn Việt bằng nghệ thuật trang trí, trình bày món ăn sang trọng, đẳng cấp và
hoàn hảo; 4. Tôn vinh những đầu bếp tài năng và những nhà hàng – khách sạn
đã góp sức làm giàu nền văn hóa ẩm thực Việt; 5. Biến ẩm thực Việt thành
thương hiệu du lịch - ẩm thực quốc gia nhằm góp phần nâng cao thể chất con
người khỏe mạnh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Cuộc thi
Chiếc Thìa Vàng với tổng giải thưởng lên tới hơn 3 tỉ đồng do công ty TNHH Minh
Long I và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ
chức, nhãn hàng Ly’s Horeca tài trợ, với sự bảo trợ của hai đơn vị cấp quốc gia
là Tổng cục Du lịch Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tấn Trung(Theo Người Đô Thị Online)