Kho tàng gia vị Việt quá phong phú, quá đồ sộ và đôi khi còn lạ lẫm; khiến một số chuyên gia mùi vị gốc Thái phải trầm trồ kinh ngạc, theo lời nhà báo Vũ Kim Hạnh.
Hành trình khám phá, sưu tầm, hệ thống... kho báu gia vị Việt;
của những người giàu tâm huyết với nghề bếp và nền ẩm thực du lịch nước
nhà - vẫn đang háo hức tiếp diễn – sẽ đượm nồng và cuốn hút hơn bởi cuộc
thi Chiếc Thìa Vàng...
Kho tàng gia vị Việt quá phong phú, quá đồ sộ và đôi khi còn lạ lẫm;
khiến một số chuyên gia mùi vị gốc Thái phải trầm trồ kinh ngạc, theo
lời nhà báo Vũ Kim Hạnh.
Vậy sao mấy gói: gia vị chua cay nêm lẩu Thái, hành lá và thịt bò +
heo +gà sấy đi cặp với mì... tiến vua (công nghệ Nhật) tràn ngập thị
trường thế giới? Khoan hãy nghĩ đến khoản lợi nhuận khổng lồ, chạy đều
vào túi các ông chủ lớn ngoại quốc mỗi ngày.
Hãy nghe một thân vương triều Nguyễn trải lòng: “Đó là nỗi sỉ nhục
chất ngất với dân Việt có lương tri! Thiếu chi rau cỏ quanh nhà, sau
vườn, trên rừng - dưới biển; mùi vị chúng hấp dẫn và đôi khi nên thuốc
gấp vạn lần mấy thứ “thổ tả” kia. Sao không biết tận dụng để bồi bổ
trong đồ ăn + thức uống, hằng ngày?!”, ông Nguyễn Phúc Ưng Viên ở quận
Gò Vấp, TP.HCM ngậm ngùi.
Gai sưng (màu nâu tím):loại
cây dại, có gai mọc hoang ở núi rừng. Loại cây này có nhiều cành dài
1-2m, có thể dài tới 15m, đường kính thân có thể dài tới 15cm, cành màu
đỏ nhạt, trên và cuống lá có những gai ngắn, dẹt, quay về phía dưới. Cây
sưng cho lá non, rễ và quả được thu hái quanh năm, trong đó lá non có
màu đỏ nhạt được sử dụng như rau, chế biến các món ăn với thịt trâu,
thịt bò, canh mít non, chuối xanh… làm tăng thêm vị cho món ăn. Đọt và
lá non cây gai sưng thơm thoang thoảng, vị cam, khi cắn sẽ có cảm giác
tê ngay ở đầu lưỡi.
Thật chí lý! Nhưng nói thì dễ, xắn tay vào làm mới thấy “vạn sự khởi đầu nan”. Chẳng hạn, Hành trình gia vị Việt
do ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015 phát động. Quay đi -
ngoảnh lại, những bước chân không mỏi và nhiều chiếc lưỡi chuyên nghiệp,
bao dung ấy đã đi được gần nửa chặng đường trong năm. Họ miệt mài, từ
mũi Cà Mau bì bõm đến cửa khẩu Lào Cai mây núi giăng giăng. Gian nan
không hề nản!
“Chu cha ơi! Vui quên cả mệt mỗi khi bắt gặp một loại gia vị mới.”,
Nghệ nhân ẩm thực, giám khảo chuyên môn Hồ Thị Hoàng Anh trầm trồ. Dường
như, đó là hứng khởi chung, của những người mê rong ruổi nghe gia vị kể
chuyện.
1. Ghé lại, khúc ruột miền Trung đầy nắng gió, lắm
thiên tai. Song, những con người ở nơi đây lại nung nấu một nghị lực
vươn lên thật phi thường!
Như chuyện đầu bếp trẻ Dương Công Hùng (sinh năm 1984, Novotet Đà
Nẵng), tóc lỡ... lốm đốm bạc, lặn lội lên núi Bà Nà (Đà Nẵng) dò tìm rau
đọt lạ; để thử nghiệm, rồi cho vào thực đơn dự thi vòng sơ kết CTV
2015, khu vực Nam trung bộ.
Nhờ vậy, Hùng mới sưu tầm được đọt gai sưng, mọc hoang dại ở đó. Nó
có vị the đặc trưng, nên các bà nội trợ bản địa thường hái làm gia vị
trong các món: xào, hấp. Đặc biệt, họ còn cho biết: rau này có thể trợ
gan giải độc cho cơ thể. Hoặc khi đám trẻ con bị ho khúc khắc hay khò
khè, họ liền chạy đi bứt mớ đọt này mang chưng cách thủy với đường phèn,
cho uống vài ba lần sẽ khỏi ngay.
Đáng quý là, Hùng không bê nguyên xi món gai sưng truyền thống đã thu
thập được đi thi, mà anh cách tân thành món gỏi vịt. Đến lúc bày lên
dĩa, một ngọn nhỏ rau dại kia được cắm khéo léo lên cuốn gỏi, trông khá
đẹp mắt. Cắn vào, người ăn nghe rõ độ giòn ngọt lẫn béo của da vịt. Và
thật khoái khẩu, vì có chất cay the của đọt gai xưng đoạn hậu, giúp tẩy
thực hiệu quả. Ngoài ra, trong chuyến lên Bà Nà, đầu bếp Công Hùng còn
tìm được loại hoa ngũ sắc bé xíu, dùng để trang trí cho món ăn và cũng
trở thành một loại gia vị có mùi thơm dịu, ăn kèm với món chả giò rế
quay tơ.
Đã vậy, nghệ nhân ẩm thực, giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương còn
thổi thêm lửa sáng tạo: “Các em nên mạnh dạn tìm tòi, phá cách trong
việc dùng những gia vị mới. Sẽ thú vị hơn nhiều!”.
Lá sâng: lá của
loại cây thân gai, giống cây sưng vốn mọc ở núi đồi nhưng những năm gần
đây được người dân quê trồng phổ biến ở bờ rào, lúc cần vẫn dùng làm
gia vị bởi mùi thơm đặc trưng. Loại gia vị này thời gian gần đây được
người dân sử dụng nhiều hơn với món thịt bò xào sâng lốt (lá sâng, lá
lốt). Đọt của cây có vị the, ngậm lâu chuyển hậu ngọt.
Cũng có đầu bếp khác ở xứ Huế mộng mơ, đăm chiêu tạo dáng lạ cho một
loại gia vị nên thuốc cũ: lá sâng. Đó là, Hà Quang Định, bếp phó kiêm
quản lý Khách sạn Premier Indochine Palace, sinh năm 1978.
Một người mệ ở gần biển Thuận An từng kể với Định: “Vùng ni nghèo khổ
lắm! Đa số sống dựa vào nghề đi biển. Còn mảnh đất vườn, có rau khoai
lang và mướp (ngọt) là chịu lớn.” Cho nên, bà thường lấy nhúm tôm vụn
của chồng, cuốn với trái mướp rồi nướng lên, ăn kèm củ khoai lang cho
qua ngày đoạn tháng!
Từ câu chuyện cảm động đó, anh nghĩ ra một món dự thi chất chứa hình
bóng quê nhà:Tình biển hương quê(Mướp ngọt cuộn tôm, lá sâng chưng cách
thủy).
Đọt và lá non của cây sâng có vị hăng the, từa tựa lá lốt. Tuy nhiên,
khi ta chắp chắp nó hơi lâu và ngậm lại trong miệng, khoan vội nuốt, sẽ
nghe ra hậu vị ngòn ngọt (ngon ngót) thật dễ thương. Chúng được băm
nhỏ, trộn chung với thịt tôm biển; gia vị vừa miệng, rồi cùng ẩn mình
trong mấy cuộn mướp hương. Nhẫn nại, chờ đến lượt... xì - pa!
Lá lao xao: loại
cây gỗ mọc ở rừng, lá non được đồng bào dân tộc Sán Dìu sử dụng như một
gia vị để nhuộm màu cho xôi. Lá non có màu tía, sẽ được sao lên trên
chảo gang rồi ngâm nước 5 – 6 ngày. Khi dùng sẽ đem nấu lên, đến khi
nước chuyển sang màu đen là được. Loại nước dùng để trộn bột mì, lòng
trắng trứng gà rồi tán miếng bột thành mảng lớn. Khi đó, người đầu bếp
sẽ dùng dao xắt miếng bột thành các sợi mì, rồi đem luộc qua nước sôi.
Sợi mì lúc này có màu đen tuyền hết sức độc đáo.
Khi thử món, nhà giáo ưu tú, giám khảo chuyên môn Triệu Thị Chơi đã
khen ngợi: “Món tôm với gia vị lá sâng là, một kết hợp tốt. Nó toát lên
được mùi vị rõ ràng. Loại gia vị này, làm tăng chất lượng món ăn thấy
rõ.”
Nên nhớ, từ năm 1915, đại học sĩ Tỷ Quê, đã cho ra mắt quyển Thực Phổ
Bách Thiên, gần như sách gối đầu giường về dạy nêm nếm món ngon theo
lối Huế. Trong đó, có đoạn đúc kết về lá sâng:
“...Hầm mít lại ưa sâng với lốt - Bí ngô thời phải tỏi gia vào.”, trích bài Mùi Hạp Nhau.
Bao nhiêu đó vẫn chưa hết kỳ thú!
2. Đặt chân lên đất Hà thành khả ái, có khá nhiều
rau trái lạ nô nức hưởng ứng cuộc chơi tầm cỡ Chiếc thìa vàng. Ví như,
trái gáo đến từ đội khách sạn Bái Đính. Loại quả rừng này, chan chứa mùi
vị chua chua khá ấn tượng.
Và cuộc hôn phối giữa hương rừng (trái gáo) với vị biển (cá song)
cùng “ông mai” ở sát vách (lá lốt), do các đầu bếp KS. Bái Đính đạo
diễn, đã thành công rực rỡ (món cá song nấu ám với trái gáo ăn kèm bún).
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương nhận xét: “Món này, các bạn nấu rất
ngon! Trái gáo có vị chua đặc trưng, thêm mùi ám của lá lốt nên đã đẩy
được món ăn lên”.
Trái gáo: một
loại cây rừng, cho quả vào tháng 7. Quả tròn mặt ngoài xù xì, chia các
thùy nhỏ đan kín nhau, khi bổ ra phía trong giống trái mít non, hoặc
trái sa kê của miền Nam. Loại quả này có vị chua.
Được biết, sắp tới trong menu mới của khách sạn này, sẽ có món hấp
dẫn kia - mang dấu ấn Chiếc thìa vàng. Bởi nếu không có cuộc thi ý nghĩa
này, thì chưa chắc món đấy sinh thành mỹ mãn đến thế!
Lại còn, quá nhiều gia vị lạ lẫm nơi miền sơn cước, hồn nhiên hú gọi!
3. Được dịp, hổn hển trèo lại vùng cao Tây Bắc là,
một diễm phúc khó quên! Càng thêm choáng ngợp, với kho gia vị quí hiếm
của đồng bào các dân tộc “chân cứng đá mềm”.
Cho nên, nụ cười của các thành viên trong đoàn và những fan bếp nhiệt
thành - ngày đêm theo dõi sát nút qua “phây” - vẫn thường đua nở rạng
ngời.
Che miệng cười duyên, chị Hoàng Anh reo nhỏ nhẹ, trong veo: “Chu
choa! Bội thu rồi em ơi! Nào rau khủ khởi, nào lá vón vén... tên chi mà
lạ rứa!”
Cà đắng: loại
cà dại vốn mọc hoang trên núi, được được người dân tộc (huyện Văn Bàn,
Lào Cai) mang về thuần hóa, ươm trồng dùng như một loại gia vị cho món
canh. Loại cà này nhỏ bằng đầu ngón tay út, có vị đắng, hăng nhưng ưu
điểm là sau khi ăn chỉ vài phút sẽ để lại vị ngọt. Loại cà này được các
đầu bếp nấu món canh tiết ở cuộc thi Chiếc Thìa vàng, cho ra khẩu vị độc
đáo, nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nghệ nhân và chuyên gia
ẩm thực.
Tuy vậy, vị giám khảo rành món cung đình này, lại ấn tượng với một
loại cà đắng nhỏ “ri ri” (bằng đầu đũa), mọc hoang dại - cheo leo tận
huyện Văn Bàn, thuộc tỉnh Lào Cai. “Ôi chu choa! Hắn ngon lạ lùng lắm!
Thoạt đầu, đắng loang trên đầu lưỡi. Chợt, ngọt dịu lại nơi vòm họng. Mà
hậu vị hắn thanh tao lắm kia!”
Trời! Mới nghe chị tỉ tê tư vị trái cà đắng núi thôi, đã chao đảo cả
tâm hồn rồi. Xin tạm gác lại, phần “thám hiểm” món tiết cà đắng với
huyết và thịt lợn Mán xắt hạt lựu, của đội KS. Châu Long, đành hẹn dịp
khác vậy!
4. Hành trình khám phá, sưu tầm, hệ thống... kho báu
gia vị Việt; của những người giàu tâm huyết với nghề bếp và nền ẩm thực
du lịch nước nhà - vẫn đang háo hức tiếp diễn – sẽ đượm nồng và cuốn
hút hơn...!
* Hình ảnh trong bài đã được thay đổi bởi BTC cuộc thi Chiếc Thìa Vàng
Tiểu Chiêu – Nguyên Trang
Theo Nguoidothi.vn