Thấy mấy ông bạn gốc Quảng Nam mỗi lần về quê vào là họp “hội đồng hương” chỉ để làm cái công việc… chia ớt. Cái cảnh tụm năm tụm ba hớn ha hớn hở ngồi đếm đếm chia chia mấy trái ớt chẳng còn lạ gì.
Rồi thì dành nhau hơn thua từng trái ớt mà có kẻ xí phần
hơn thì mừng tí tởn; kẻ mất phần quà, tự ái, bạn bè giận nhau mất mấy hôm không
thèm hỏi han…
Ớt xanh "se duyên" cùng
mì Quảng. Ảnh: TL - Hồ Trung Tú
Trái ớt xanh Quảng Nam làm gì mà sau khi đi máy bay
vào Nam vẫn gây “mất đoàn kết nội bộ” đến thế?
Dân ghiền ớt miền Trung đã từng cắn trái ớt mọi của
mấy o hàng rong xứ Huế mà điếc tai vì cay thì sẽ hiểu vì sao gái Huế ghen da
ghen diết, ghen đáo ghen để đến trời cũng phải sợ. Ớt xanh ở Quảng Nam không
cay nhức nhối đến thế. (Có lẽ gái Quảng Nam cũng không ghen nhức xương như gái
Huế!?) Cái vị cay của trái ớt xanh trong tô mì Quảng của đất thương cảng có
lịch sử hội nhập từ sớm này đủ để thách thức miệng lưỡi của tất cả các khẩu vị
năm châu bốn bể, nhưng với người Việt thì đó không phải là sự thách thức mà đủ
để gọi mời, gây vị nhớ. Có lẽ tôi lại vướng phải thói quen dùng từ có phần ẻo
lả mĩ miều để tô điểm cho trái ớt vốn là sản phẩm của chân chất kết tinh từ
giọt mồ hôi trộn phù sa đồng bãi Thu Bồn.
Quảng Nam, ớt xanh ngon nhất là ớt Đại Lộc. Trái ớt
xanh Đại Lộc được trồng trên đất đồng bãi phù sa sông Thu Bồn sau những mùa lũ,
nên nó mang linh hồn của đất đai, cái vị “cay- ngọt- giòn” từ bên trong vừa sâu
sắc vừa bộc trực. Ớt ít hạt. Và cũng nhiều nước, đủ để cắn cái sật là nghe một
tiếng giòn vỡ dội lên mùi đồng bãi. Vị ngọt lan cuối lưỡi thì cùng vị cay nhức
nhối đầu lưỡi.
Nghe nói, đến khoảng tháng ba tháng tư, sau khi phù
sa mùa lũ nhuần thấm vào đất đai, cả cánh đồng Đại Lộc rực đỏ màu ớt chín. Một
hình ảnh có tô điểm đến đâu cũng khó mà lãng mạn, vì nghe đến ớt thì khối kẻ đã
xuýt xoa. Ừ, thì cứ việc hình dung đi để biết gốc gác của một gam màu, một gia
vị làm nức lòng người đi kẻ ở. Mà lạ, trái ớt mang cái gia vị hồn vía quê nhà
đến vậy nhưng ít được nhắc tới trong cái khẩu phần ẩm thực dân gian xứ Quảng
như: rau Trà Quế, bánh tráng đập Cẩm Nam…Nó cũng không được nhắc đến trong
những sách văn hóa ẩm thực dày công của mấy nhà Quảng Nam học.
Dù sao trái ớt cứ như cô lọ lem, âm thầm đi vào tô
mì Quảng làm đậm thêm tính cách bản xứ, hay xen vào tô cao lầu có gốc gác từ
người Hoa khiến món này cũng bị đồng hóa một cách ngoạn mục trên xứ này. Gia vị
biết góp phần lặng thầm vào một thành công chung của một buổi đại nhạc hội
hoành tráng cứ như anh nhạc công đứng sau bức màn sân khấu, nhưng thiếu là
những thực khách sành ăn có thể bỏ đũa. Chả trách chi mấy ông bạn Quảng Nam
(vốn hay cãi, có lẽ cũng vì ăn ớt nhiều nên hay nóng tính, lý sự?) đã phát hiện
ra sự lặng lẽ tinh tế ấy mà yêu lấy mê lấy mệt một gánh mì Quảng của bà già tảo
tần sáng sáng liêu xiêu nện guốc gỗ qua khu nhà phố cổ Hội An, đầu gióng treo
một chum ớt xanh; khiến cái cô gái phố Hoài lấy chồng xa trở về vẫn yêu lấy
điên lấy cuồng một tô cao lầu trên những đường trưa ruỗi rong dọc đất Thanh Hà,
ngược Duy Xuyên theo con sông Thu Bồn lặng lẽ…
Cái cô đọng, chân chất và sắc đậm của món mì Quảng
khiến nhiều người miền Nam quen mắt với những khẩu phần hoành tráng không cảm
tình. Nhưng không sao, anh mì Quảng vẫn là mì Quảng. Cái bảo thủ đáng yêu của
dân xứ Quảng cũng thể hiện trong tô mì, rồi lây qua cả tô cao lầu. Và còn trong
cái khẩu vị quê nhà đến là cầu kỳ của sự hỏi đòi sau tô mì phải có trái ớt. Mồ
hôi túa ra. Thế là những câu chuyện trên bàn ăn đều có thể trở thành vấn đề mà
tranh luận. Sự bảo thủ của món ăn truyền sang con người. Hay con người biết chế
biến ra món ăn để giữ cái bản tính, cốt cách khó lẫn của mình? Chẳng biết con
gà có trước hay cái trứng có trước đây. Thế cũng thành đề tài mà cãi nhau toát
mồ hôi một.
Trái ớt xanh Đại lộc chỉ sinh ra cho tô mình Quảng.
Thế nên chả trách gì có kẻ vung tay tuyên bố rằng, tô mì Quảng mà ăn với ớt mọi
Huế thì cắn ớt xong chỉ muốn… đánh lộn, hay tô cao lầu mà ăn với ớt Đà Lạt thì
chỉ muốn đá cái ghế nhạt nhẽo ấy mà đi…
Dù sao cũng xin quay lại với một vài thông tin khá
là phấn khởi đối với dân Quảng Nam nòi, hiện nay một số quán bán đặc sản Hội An
đã ý thức hơn tầm quan trọng của trái ớt xanh. Người ta thường gởi thùng đá ra
ngoài quê để mua ớt chở máy bay về Sài Gòn. Thỉnh thoảng gặp ở Faifo (Huỳnh
Tịnh Của) hay Phố cổ (Điện Biên Phủ)… một trái ớt xanh chính hiệu, vậy mà cũng
đủ làm cho mấy kẻ hay cãi ngồi tụm lại, mỗi đứa cắn một miếng mà nước mắt lưng
tròng, cay và rưng rưng…
– Ớt thiệt! Ớt quê mình thiệt đó tụi mi ơi!
– Ừ, thì ớt thiệt, có ai cãi chi mô!
Ghi chú của người viết:
Nếu thiếu trái ớt xanh, linh hồn của tô mì
Quảng chẳng bao giờ còn là nó. Yên tâm, nhận xét ấy không phải của gã ghiền ớt
như két mà là của một tay miệng hùm gan sứa, thường ngày sợ ớt như điên! Và hắn
nhân danh cuộc đời mỏng tang của mình mà thề với cô gái bán mì Quảng bên bờ
sông Hoài rằng: -Tôi chỉ ăn ớt khi đến Hội An và tận mắt chứng kiến trái ớt
xanh lọ lem mà bảo thủ gốc gác phù sa Đại Lộc! Dù nàng lọ lem bây giờ cũng biết
đi máy bay vô Sài Gòn, biết phục vụ cho những cơn ghiền không kém cầu kỳ và cực
đoan của mấy thằng bạn Quảng Nam xa quê.
Nguyễn Vinh
(Theo Người Đô Thị)
* Bài viết đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị xuân 2007