Mang đến cuộc thi một thực đơn ấn tượng, nguyên liệu đặc sản, gia vị mới lạ, mang đậm tính vùng miền, các đầu bếp Khách sạn Sài Gòn Hạ Long đã tạo bất ngờ cho các giám khảo.
Đầu bếp: Trương
Tiến Dũng (đội trưởng), Vũ Mạnh Toàn, Nguyễn Thành Nam.
Đội trưởng Trương
Tiến Dũng sinh năm 1979, quê Ninh Bình. Học sơ cấp bếp tại trường Trung cấp Du
lịch Hà Nội (nay là Cao đẳng Du lịch Hà Nội), hiện anh làm việc tại Khách sạn
Sài Gòn Hạ Long với kinh nghiệm 15 năm làm bếp chuyên nghiệp. Tiến Dũng biết
đến cuộc thi từ năm 2013, cùng các đồng đội đoạt giải nhì và lọt vào vòng bán
kết. Tuy nhiên anh lại không có duyên đi xa hơn cùng đồng đội vì bận công việc
đột xuất của gia đình. Trở lại ở mùa thi thứ ba, anh nhận định cuộc thi đã quy
mô và chuyên nghiệp hơn rất nhiều, ngay từ khâu nhỏ nhất như việc Ban tổ chức
trang bị đồng phục cho các đầu bếp. Năm nay, các đội dự thi cũng mạnh hơn khi có sự góp mặt của hầu hết khách sạn 5 sao, 4 sao và các đầu bếp
nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, anh cùng các đồng đội đã chuẩn bị kỹ lưỡng thực đơn,
tìm tòi các loại nguyên liệu đặc trưng, gia vị mới lạ để tạo bất ngờ cho Ban
giám khảo.
Thực đơn dự thi: Súp
chùm ngây hải sản; Nhệch om hoa chuối ăn kèm bún; Ngan sao tắm hơi; Sủi dìn tam
sắc.
Mang đến cuộc thi
một thực đơn ấn tượng, với những nguyên liệu đặc sản, các loại gia vị mới lạ,
mang đậm tính vùng miền, các đầu bếp Khách sạn Sài Gòn Hạ Long đã tạo bất ngờ
cho các giám khảo cuộc thi Chiếc Thìa vàng. Trong đó, món khai vị súp chùm ngây
hải sản cũng là một bài thuốc bổ dưỡng.
Tôm, mực của biển Hạ Long được tuyển
chọn, trong đó tôm được xào sơ, cua cũng được bóc tách lấy riêng phần thịt ướp
gia vị. Chùm ngây chỉ lấy riêng phần lá, rửa sạch và vo dập. Loại cây này cũng
từng xuất hiện tại Chiếc Thìa Vàng 2013 bởi các đầu bếp khu vực Đông Nam bộ với
nhiều món ăn được biến tấu độc đáo. Tiếng lành đồn xa nên không lâu sau khi được
giới thiệu tại cuộc thi, loại cây này được nhiều người săn lùng, đem về trồng.
Ở Quảng Ninh, loại cây này cũng được người dân trồng phổ biến, lấy lá để nấu
các món canh, súp. Khi đã sơ chế xong hải sản và lá chùm ngây, các đầu bếp cho
vào nồi nướng dùng, được ninh từ xương, nêm nếm gia vị để có nồi súp ngon lành.
Món thứ hai cũng là một món có giá trị dinh dưỡng cao:
nhệch om hoa chuối ăn kèm bún. Cùng họ hàng với lươn, chình nhưng nhệch thường
cư trú ở đáy vùng đầm phá ven bờ, vùng cửa sông. Ở miền Bắc, nhệch thường được
chế biến thành món gỏi. Vì vậy, để có món ăn mới lạ, các đầu bếp quyết định dùng
kỹ thuật om. Theo đó, nhệch được tuốt sạch nhớt bằng muối và giấm, sau đó đem
lược lấy thịt. Vì có nhiều xương dăm nên công đoạn này cần kỹ lưỡng để tìm và
rút hết xương ra. Một ít riềng, mẻ, mắm tôm được trộn đều, sau đó cho cá nhệch
vào xào sơ cho săn thịt. Tiếp đó cho thêm nước vào om đến khi sánh nước là
được. Lúc ăn sẽ đem hâm lại, cho thêm hoa chuối nấu đến khi sôi là có thể dùng.
Món ngan sao tắm
hơi ngay tên gọi đã rất ấn tượng. Ngan sao là loài gia cầm đặc sản ở Ba Chẽ,
vùng miền núi phía bắc tỉnh Quảng Ninh. Khác với ngan nhà (vịt xiêm), loại gia
cầm này được thả rông, ăn thức ăn tự nhiên và tối thường ngủ trên cây, có thể
bay ở khoảng cách ngắn. Nhờ đặc tính như vậy nên thịt ngan sao dai, thơm hơn.
Ngan rau khi làm sạch lông, sửa sạch sẽ được lóc lấy phần thịt, tẩm ướp với
tỏi, hành, tiêu và một số gia vị khác. Thịt ngan sau đó được đem cuốn trong một
lớp lá gai, một sớm giấy bạc rồi đem hấp. Đến đây cần phải giới thiệu về loại
lá gia vị dùng để cuốn thịt ngan. Đó là lá của cây gai, một loại cây nhỏ lâu
năm, cao 1 - 2m. Loại bánh gai dân dã được làm từ loại lá này. Còn ở đây, lá gai
ngoài việc được dùng cho món ngan hấp, còn được các đầu bếp sử dụng để làm nên
loại nước xốt độc đáo. Theo đó, gan ngan được ướp muối, tiêu, rượu mạnh rồi đem
áp chảo. Lá gai đốt lấy tro, cùng với gan ngan xay nhuyễn hòa vào nước, lọc lấy
nước cốt. Sau đó nước từ lá gai và ngan sẽ được cô lại, cho thêm một ít mật
ong, một chút xíu muối là thành nước xốt ăn kèm độc đáo…
Cùng ngắm lại những khoảnh khắc dự thi của đội Khách sạn Sài Gòn Hạ Long tại vòng sơ kết Chiếc Thìa Vàng 2015 khu vực Hà Nội và đồng bằng sông Hồng vừa qua:
***
Đơn vị dự thi: Khách sạn Sài Gòn Hạ Long
Địa chỉ: 168 đường
Hạ Long, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh
Website: www.saigonhalonghotel.com
Khách sạn Sài Gòn Hạ Long thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, có tổng
số phòng là 228 cùng các dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Về hệ thống nhà
hàng và bar, Nhà hàng Sài Gòn nằm trong khuôn viên xanh mát
của khách sạn với sức chứa đến 200 khách, được trang trí theo
phong cách làng quê Nam Bộ, mang tới cho thực khách một không gian gần gũi và
nên thơ thích hợp để tổ chức các buổi chiêu đãi, liên hoan hay các bữa tiệc ấm
cúng cùng gia đình, bạn bè và người thân. Trong khi đó, nhà hàng Elegant nằm
cạnh đại sảnh khách sạn, sức chứa 150 khách được thiết kế ấm cúng sang trọng
nhìn ra vườn cây xanh, chuyên phục vụ các món ăn Á và đặc sản địa phương. Nhà
hàng Panorama nằm trên tầng 14 của khách sạn, sức chứa 220 khách, và là
nhà hàng duy nhất tại Hạ Long có view
toàn cảnh vịnh, chuyên phục vụ các món Âu, Á và đặc sản địa phương. Ngoài ra,
tại đại sảnh khách sạn, Impression Lobby bar, sức chứa dưới 200 khách là
địa điểm lý tưởng để thưởng thức đồ uống, gặp gỡ bạn bè hoặc thư giãn. Còn Sai
Gon Bar nằm tại lầu 1 của khách sạn với sức chứa dưới 50 khách là
địa điểm lý tưởng để thư giãn, thưởng thức các đồ uống phong phú
và tận hưởng cảnh đẹp vịnh Hạ Long.