Đội số 30 - Khu du lịch Văn Thánh đến từ TP.HCM Dù thừa nhận có chút áp lực vì là đội chủ nhà (vòng sơ tuyển diễn ra tại KDL Văn Thánh) nhưng với 6 năm kinh nghiệm làm nghề, lại từng học ngành bếp Á tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist nên đội trưởng Nguyễn Hoàng Trung và hai đồng đội biết cách tạo nên một thực đơn ấn tượng.
Đến với cuộc thi mùa thứ ba, Hoàng Trung đã chuẩn bị một thực đơn đầy dụng ý, với sự dẫn dắt của một loại gia vị mới lạ - trái sả. Theo đó, thực đơn của đội anh gồm bốn món: Chả giò nha đam - tôm nướng hương sả - gỏi củ sen, cá tầm nướng sốt trái sả, gà nấu trái sả, bánh kem sữa chocolate trái cây.
Bà Hoàng Hương Giang, phó phòng khách sạn, Sở Du lịch TP.HCM, giám khảo khách mời của cuộc thi nhận xét, đội 30 có một bàn tiệc đẹp, sang trọng đặc biệt là ý tưởng trang trí món ăn bằng những viên đá quý, tạo nên sự mới lạ. Thực đơn được thiết kế hợp lý, đặc biệt là ý tưởng táo bạo dùng trái sả làm gia vị dẫn dắt cho các món ăn. Bà Giang đánh giá cao việc tìm tòi, nghiên cứu để sử dụng trái sả bởi điều đó “thể hiện được sự tinh túy của gia vị Việt”.
Chia sẻ niềm vui sau khi đoạt giải nhì - tấm vé vào bán kết, Hoàng Trung cho biết anh rất vui vì đã thành công bước đầu trong việc ứng dụng một loại gia vị mới vào món ăn. Đầu bếp sinh năm 1980 cho biết, anh tiếp cận loại gia vị mới này nhờ công một người thầy.
Cảm quan ban đầu, nhìn giống trái tiêu nhưng tinh dầu loại gia vị mới này lại có mùi sả. Đó cũng là lý do mà người ta gọi tên là “trái sả”. Tuy đã quen dùng cây sả cho nhiều món Á, nhưng đứng trước loại gia vị mới, anh đặt ra nhiều câu hỏi: Phải dùng trái này như thế nào cho phù hợp? Liệu dùng được như cây sả hay không? Có thể nấu được với cá, thịt và có “dính” với các loại gia vị khác?
Vậy là mày mò nghiên cứu, nấu thử và sau nhiều lần thất bại, anh rút ra những kinh nghiệm và kỹ thuật chế biến ban đầu. Đó là phải giữ được màu sắc tự nhiên của trái, mà như vậy phải dùng lửa vừa bởi chỉ cần đẩy lửa cao, nhiệt độ quá nóng, trái sẽ chuyển màu đen.
Ngoài ra, cần dùng với liều lượng thích hợp bởi cho quá nhiều trái sả món ăn sẽ có vị đắng. Anh ví dụ, món cá tầm nướng sốt trái sả, với 100gr cá chỉ cần khoảng 5 trái (một muỗng cà phê nếu sả đã xay nhuyễn). Với món này, nước xốt được kết hợp từ trái sả với các nguyên liệu như muối, đường, bột ngọt, cà chua (lấy màu) và được đun lửa nhỏ. Món súp có vị chua, mặn, ngọt và có mùi sả đặc trưng để ăn với cá tầm nướng.
Hoàng Trung cho biết, anh sẽ nghiên cứu thêm cách sử dụng trái sả cho những món ăn mới bởi đây là một loại trái gia vị còn lạ và rất có tiềm năng. Hi vọng ở vòng thi bán kết, đội của anh sẽ có thêm những bất ngờ từ những loại gia vị mới lạ, đặc biệt là món ăn mới từ trái sả gửi đến thực khách.
Đơn vị: Khu du lịch Văn ThánhĐịa chỉ: 48/10 Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Điện thoại: +84 8 3512 3026 - 3 512 3027 - 3 899 0747
Fax: 3 899 3011 - Website: http://www.binhquoiresort.com.vn/.
Trực thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Khu du lịch Văn Thánh là một trong những khu vui chơi giải trí được đánh giá cao tại TP.HCM, là điểm đến lý tưởng của du khách với một không gian xanh mang đậm chất quê nằm trong lòng thành phố.
Ngoài những hoạt động thiên nhiên và một loạt các dịch vụ vui chơi giải trí, Văn Thánh còn trang bị các nhà hàng trên sông với diện tích rộng rãi, thực khách tha hồ thưởng thức các món ăn và làn gió mát rượi từ phía sông.
Hệ thống nhà hàng có diện tích lớn có thể phục vụ 3.000 khách cùng một lúc, bao gồm các nhà hàng như: Thiên Thai, Hoa Sứ và Hòa Vang... Các món ăn tại Khu du lịch Văn Thánh TP.HCM bao gồm những đặc sản ba miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt, dịp thứ bảy hoặc chủ nhật, có tiệc buffet với những món ăn đặc sản, các món ăn dân dã, đồng quê...