Đội số 62 - Khu du lịch Mỹ Lệ đến từ Bình Phước Đầu bếp Nguyễn Phương Bình sinh năm 1985 nhưng đã có 12 năm kinh nghiệm làm bếp. Rời Khánh Hòa, Phương Bình vào TP.HCM và quyết định chọn nghề bếp khi đăng ký học trường Hướng nghiệp Á - Âu. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng ở một số nhà hàng tại TP.HCM, anh tìm về Bình Phước lập nghiệp. Hiện anh đang phụ trách nhà hàng tại Khu du lịch Mỹ Lệ.
Lần đầu tiên đến với cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, dù hồi hộp nhưng Phương Bình cho biết rất tâm đắc với chủ đề cuộc thi: “Tìm kiếm các món ăn ngon trong dân gian, đặc biệt là các loại gia vị mới từ rừng tôi cũng đang thực hiện. Mỗi khi muốn có thực đơn mới, những loại gia vị mới cho món ăn lại vào rừng sưu tầm, học hỏi thêm đồng bào dân tộc S’Tiêng để từ đó nghiên cứu, sáng tạo cách chế biến mới, làm mới món ăn. Tuy nhiên, những loại rau, trái, cây quen thuộc cũng có giá trị, tạo nên những món ăn ngon nếu chịu khó nghiên cứu và sang tạo. Cuộc thi là sân chơi để học hỏi các đồng nghiệp nhưng cũng là cơ hội để khẳng định tay nghề của của mỗi đầu bếp”.
Đến với cuộc thi Chiếc thìa vàng 2015, đầu bếp Phương Bình và các đồng nghiệp tại Khu du lịch Mỹ Lệ mang tới thực đơn bốn món, gồm: Gỏi đọt mây tôm càng nướng, cá lăng nướng lá điều, cà ri nhím, chè bà ba hạt điều.
Điều thú vị là đầu bếp Nguyễn Phương Bình ngoài việc dùng hạt điều thay đậu phộng trong món gỏi đọt mây - tôm càng nướng còn tìm tòi và sáng tạo ra món mới là dùng lá điều non xay nhuyễn dùng để ướp với cá lăng nướng, trong khi lá điều tẩm bột chiên lên ăn kèm. Đấu bếp Phương Bình chia sẻ, món ăn ra đời từ suy nghĩ: “Bất cứ những loại cây, trái quanh vườn nếu như chịu khó tìm tòi, nghiên cứu đều có thể tạo ra được những món ăn với khẩu vị độc đáo”.
Đội trưởng của đội 62 chứng minh, loại nước sốt này có thành phần rất đơn giản gồm lá điều, kết hợp với đọt trà xanh, đường, muối, chanh. Nguyên liệu này được xay nhuyễn, đun trên lửa vừa phải. Ngoài sắc xanh, nước sốt có vị nhẫn, ăn kèm với món cá lăng nướng sẽ giúp thực khác không bị ngán.
Ngoài ra, lá điều lăn bột chiên giòn, ăn kèm với cá cũng mang lại cảm giác lạ miệng với sự giòn tan của lá non. Không chỉ phô diễn kỹ thuật với những loại thực phẩm, gia vị địa phương các đầu bếp khu du lịch Mỹ Lệ ước mơ ngày càng nhiều món ăn từ điều sẽ xuất hiện tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội để nét ẩm thực độc đáo từ hạt điều, lá điều được nhiều người biết đến. Ước muốn đẹp đẽ đó sẽ có thêm cơ hội bởi gặp lại các đầu bếp với khuôn mặt rạng ngời khi vừa giành vé vào bán kết, đầu bếp Phương Bình khẳng định: “Sẽ có nhiều bất ngờ từ trái điều gửi tới Chiếc Thìa Vàng…”
Đơn vị: Khu du lịch Mỹ LệĐịa chỉ: Công ty CP TM DVDL XNK Mỹ Lệ và Khách sạn Mỹ Lệ
Số 4, Nguyễn Huệ, P.Long Thủy, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước
Điện thoại: 0651.3780.780 - Fax: 06513.780.781
Email: info@myletourism.com
Lâm viên Mỹ Lệ: DT741, xã Long Hưng, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước
Website: http://myletourism.com
Khu du lịch Mỹ Lệ là đơn vị thuộc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Du lịch Xuất nhập khẩu Mỹ Lệ. Khu du lịch được xây dựng trên diện tích hơn 70 ha, với khung cảnh là những đồi chè, cây ăn trái, và nhiều loại cây rừng... Đến đây du khách có thể câu cá, tự mình chế biến các món ăn từ cá hoặc nhờ đầu bếp của khu du lịch làm hộ.
Trong KDL, nhiều loại rau, củ cũng được trồng để phục vụ du khách nếu ai đó muốn tự tay vào bếp chế biến món ăn cho gia đình, bạn bè. Dịch vụ ăn uống gồm hệ thống nhà hàng Hoa Sữa - nhà gỗ Anh Đào - Suối Điều với sức chứa trong nhà và ngoài trời hơn 1.000 chỗ ngồi, những món ăn ngon mang đậm vùng quê hương Bình Phước.
Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức các tour du ngoạn thưởng thức những nét đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm chất núi rừng như cơm lam ăn cùng với thịt nướng tẩm gia vị và rượu cần do chính bàn tay của người đồng bào dân tộc nơi đây chế biến…