Nước ta có nhiều món ngon nhưng tại sao vẫn lờ mờ trên bản đồ ẩm thực thế giới? Các chuyên gia đã cùng trả lời câu hỏi này trong buổi Giao lưu sáng 24-11 tại tòa soạn Tuổi Trẻ.
Toàn cảnh buổi giao lưu Trực tuyến Chiếc thìa vàng 2015 - Ảnh: Thanh Tùng
Món Việt lên các kênh truyền hình nước ngoài, tại sao không? Bạn đọc hiến kế gì cho bước đường đưa món Việt ra nước ngoài? Các chuyên gia nổi tiếng về ẩm thực nói gì?
Mời bạn đọc theo dõi cuộc giao lưu trực tuyến chủ đề Làm thế nào đưa ẩm thực Việt ra nước ngoài.
Hiến kế quảng bá ẩm thực Việt Nam
* Có ý kiến của cho rằng, Việt Nam nên liên kết ẩm thực với giáo dục và nghệ thuật để giới thiệu cho người nước ngoài. Quý vị nghĩ như thế nào?(Nguyễn Huy Ngân, 19 tuổi, nguyenngan.413@...)
- Bà Bùi Thị Sương – ĐSHV, Nghệ nhân ẩm thực:
Đúng là như vậy.
Ẩm thực gắn với giáo dục, du lịch hay nghệ thuật thì mới có sức lan tỏa lớn. Muốn được điều này thì chúng ta cần có chủ trương, chiến lược bài bản.
Có thể chia theo giai đoạn để sau mỗi chương trình thì chúng ta có đúc kết, rút kinh nghiệm và phát triển lên mức cao hơn.
Câu hỏi Làm gì? Ai Làm? Làm như thế nào? Làm ở đâu? Bằng cách nào... đó là những câu hỏi chúng ta đặt ra để thực hiện mục tiêu đã đặt ra của mình..
Và trong quảng bá ẩm thực cũng cần như vậy.
* Xin hỏi các vị khách mời, Việt Nam ta có nhiều món ăn dân dã, như vậy chúng ta cần làm như thế nào để các món ăn đó mang tầm quốc tế mà vẫn giữ được phong cách dân dã? (Hoàng Anh, 25 tuổi, oanhhoang@...)
- Ông Chiêm Thành Long - Đại sứ hàng Việt, Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt:
Hiện nay chương trình cuộc thi Chiếc Thìa Vàng đang hướng tới món ăn truyền thống Việt Nam với tiêu chí: "món ăn Việt Nam mang tầm quốc tế nhưng vẫn là cách nấu theo kiểu dân gian Việt Nam".
Qua ba mùa thi đã có rất nhiều món ăn Việt mang tầm quốc tế nhưng nguyên liệu, gia vị, cách chế biến vẫn mang khẩu vị Việt, phục vụ tiện lợi hơn. Hiện nay đã có nhiều nhà hàng áp dụng theo kiểu món ăn Việt trình bày theo cách quốc tê phục vụ ở các nhà hàng từ bắc chí nam. Đây là tín hiệu cho thấy rằng món ăn Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế.
* Chào các chuyên gia, không biết có phải là thói quen hay không nhưng tôi không bao giờ thấy món ăn Việt Nam không ngon bằng các nước khác nhưng buồn 1 chuyện là món ăn Việt Nam hình như không có chỗ đứng trên thế giới thì phải? Công việc xây dựng thương hiệu món ăn Việt là công việc của ai? Đầu bếp? Doanh nghiệp? Nhà nước? Hướng đi nào cho ẩm thực việt nam bước ra khỏi ao làng? Tôi cám ơn. (Trúc Vy, 24 tuổi, trangnguyen040791@...)
Việc quảng bá ẩm thực Việt Nam, trước hết phải được thực hiện bởi các đầu bếp và trường dạy nấu ăn, với sự hỗ trợ của chính phủ.
Việt Nam cần thành lập một nhóm đầu bếp giỏi thành một biểu tượng quốc gia và tham gia vào các chương trình quảng bá văn hóa và du lịch của Việt Nam tại nước ngoài, họ sẽ có những buổi biểu diễn trực tiếp về cách thức chuẩn bị, chế biến và trình bày món ăn trước các thực khách nước ngoài tại các hội chợ du lịch hay các sự kiện lớn.
Các bạn cũng nên chọn các món ăn tiêu biểu, như chả giò/chả giò chiên và các loại gỏi cuốn hay phở để quảng bá. Đối với thực khách nước ngoài, nhiều người biết đến chả giò/chả giò chiên và các loại gỏi cuốn, nhưng họ chỉ biết nó là một loại thức ăn từ châu Á, và nghĩ nó đến từ Thái hay Trung Quốc, mà không biết là từ Việt Nam, điều này là do hạn chế từ quảng bá hình ảnh ấm thực Việt Nam.
Thái Lan, hay Cambodia, tuy số lượng các món ăn đặc trưng ít hơn so với Việt Nam, và thức ăn Thái lại cay nồng hơn Việt Nam, nhưng họ làm công tác quảng bá tốt hơn, và vì thế lại được biết đến nhiều hơn so với ẩm thực Việt Nam vốn phong phú hơn và cân bằng hơn, thích hợp với khẩu vị người phương Tây hơn.
Chúng ta chậm chân hơn họ trong việc quảng bá hình ảnh, nhưng cần phải làm, và phải làm ngay.
- Bà Bùi Thị Sương – ĐSHV, Nghệ nhân ẩm thực:
Quảng bá ẩm thực là công vệc của nhiều người nhưng phải dựa trên một chiến lược cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn chúng ta phải chọn ra một số món ăn ngon Việt Nam mà muốn quảng bá, phải chuẩn bị các điều kiện chu đáo cho các món ăn đó và chính đầu bếp, doanh nghiệp sẽ đóng góp vào.
Đối với cơ chế của Việt Nam, nhà nước có vai trò chủ đạo trong việc xây dựng thương hiệu Việt Nam, nhưng vai trò cá nhân cũng hết sức quan trọng. Chẳng hạn như món phở, ngoài việc đem đi quảng bá thì cũng cần những gia vị ăn liền để tạo ra sả phẩm tiện dụng để những người ở nước ngoài không có điều kiện tiếp xúc với thực phẩm tươi sống cũng có thể thưởng thức.
Thông qua hoạt động du lịch, chúng ta cũng chủ động giới thiệu những món ăn này, khách du lịch chính là đại sứ quảng bá những món ăn mà chúng ta muốn xây dựng. Rồi cũng thông qua các hội nghị ngoại giao quốc tế, chúng ta cũng có thể giới thiệu đến doanh nghiệp... Hay các đại sứ quán, tùy viên văn hóa, tổng lãnh sự.. sẽ có đóng góp to lớn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam qua hoạt động ngoại giao của mình.
* Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chiến lược gì để đưa ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài? Liệu phở có phải là lựa chọn hàng đầu cho ẩm thực Việt? (Thành tài, 24 tuổi, ledothanhtai1999@gmail.com)
- Ông Sakal Phoeung - Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier Việt Nam:
Về mặt chiến lược quốc gia thì tôi không rõ, nhưng đối với công tác quảng bá ẩm thực Việt Nam thì việc đầu tiên phải chọn người đi quảng bá và tốt nhất là một đầu bếp có tiếng và phải học cách các đầu bếp khách trên thế giới đang làm.
Theo tôi phở không nên là sự lựa chọn đầu tiên mà nên là chả giò/chả giò chiên và các loại gỏi cuốn, vì thông qua đó Việt Nam còn có thể xuất khẩu bánh tráng, phở chỉ nên là sự lựa chọn thứ hai.
* Làm thế nào để: 1/Đưa được món Việt lên bàn ăn các nhà hàng ở nước ngoài ? 2/Thế mạnh của VN là con tôm, con cá , có cách nào người nước ngoài dùng con tôm, con cá Việt để chế biến nên những món ăn theo phong cách VN? (TRẦN HỮU LỘC, 48 tuổi, Thloc1967@...)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I
BTC cuộc thi Chiếc Thìa Vàng đã ghi chép lại và hướng dẫn chi tiết cách nấu các món ăn đoạt giải trong cuộc thi và những món độc đáo mang đậm nét văn hóa vùng miền. Người nước ngoài có thể tìm hiểu các công thức này bằng cách truy cập trang web www.chiecthiavang.com, hay đọc sách "The Golden Spoon Awards" (bản tiếng Anh) hoặc "Chiếc Thìa Vàng" (bản tiếng Việt).
* Du khách khi đến Việt Nam rất muốn thử ẩm thực dân gian-hè phố, liệu chúng ta có thể quảng bá ẩm thực Việt thông qua con đường này hay không? Nếu được thì theo các vị Việt Nam nên làm như thế nào? (Phạm Khoa Nguyên, 34 tuổi, nguyen04.pham@...,)
- Bà Bùi Thị Sương – ĐSHV, Nghệ nhân ẩm thực:
Ẩm thực đường phố VN là một thế mạnh rất đặc trưng mà không phải nước nào cũng có được. Nhưng chúng ta cũng chưa có chiến lược quảng bá.
Từ trước đến nay, ẩm thực đường phố chỉ được chú ý qua một số trang mạng hay sách báo... nên sự lan tỏa cũng hạn chế. Thông qua đó, thực khách chính là đại sứ hiệu quả nhất nên đừng quên phương thức truyền miệng trong việc quảng bá ẩm thực đường phố.
Như câu chuyện bánh mì Hội An đang nóng trên mạng nhờ nhận định của khách du lịch. Nhưng đó là câu chuyện may mắn hiếm hoi, chúng ta vẫn cần một chiến lược thực sự.
* Các diễn giả có những kiến nghị gì để tăng cường vai trò của ẩm thực VN trên trường quốc tế? (Thái, 67 tuổi, ledinhthai11@...)
- Anh Trần Thái Bảo - Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014
Theo tôi, chúng ta cần có một tổ chức xúc tiến và phát triển ẩm thực Việt Nam. Tổ chức này có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng: Nhà nước, thông tấn báo đài, các trường đào tạo về ẩm thực, các chuyên gia ẩm thực, các đơn vị kinh doanh ẩm thực để có cái nhìn về vai trò ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.
* Mỗi quốc gia có những món gia vị đặc trưng riêng mà chỉ quốc gia đó mới có, gia vị mà chỉ có ở Việt Nam theo các vị là gì? Những gia vị đó có thể xuất khẩu được không? Cách nào có thể đưa những món ăn Việt và gia vị Việt ra với thực khách người nước ngoài?(Lương Gia Bảo, 34 tuổi, baoluong09@...)
- Ông Chiêm Thành Long - Đại sứ hàng Việt, Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt:
Mỗi quốc gia đều có những gia vị đặc trưng riêng do địa lí, thời tiết, tạo ra những gia vị riêng khác nhau , phong tục tập quán văn hóa mỗi quốc gia.
Gia vị làm tăng gia vị cho món ăn mà nhà bếp muốn làm cho món ăn ngon hơn , ví dụ ở Việt Nam có ba miền. Do khí hậu thời tiết nên có những gia vị khác nhau. Phía bắc có hạt gỏi, mác mật , mắc khén... Miền trung có trái sả, hoa tiêu... Miền nam có gùi , bứa, trái bần... mà đất nước chúng ta là vùng nhiệt đới nên có những đặc trưng riêng tuy nhiên những vùng lân cận Lào, Thái Lan không có như Việt Nam.
Về xuất khẩu chắc chắn chúng ta xuất khẩu được nhưng cần những điều kiện kèm theo, những đặc trưng vùng miền chưa phổ biến ngay ở trong nước , vì vậy phải định danh, khảo sát tính chất khoa học của gia vị và điều quan trọng là phải xác định phù hợp với loại thực phẩm nào, để tạo ra những món ăn, khi người nội trợ làm theo tạo các món ăn phù hợp, ngon.
Cách đưa ra nước ngoài, có những điểu về những người sử dụng gia vị phải am hiểu về nguyên liệu Việt Nam. Việc đóng gói thì không khó nhưng đưa ra nước ngoài được chấp nhận là điều không đơn giản, phải quảng cáo tuyên truyền để người ta am hiểu thích món ăn Việt Nam mới xuất khẩu được còn chúng ta không làm được mà xuất khẩu thì vô ích.
Hầu hết gia vị tươi có sẵn xung quanh nhà, có những gia vị đặc trưng như mắm, nước nắm... tạo ra sự riêng biệt của gia vị Việt Nam. Tuy nhiên xuất khẩu khó vì khó đưa ra nước ngoài nên ta chỉ xuất khẩu những gia vị có thể sấy khô, còn những gia vị tươi chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, hoặc vận chuyển bằng máy bay.
Đối với giai đoạn hiện nay vận chuyển không khó khăn, do phương tiện thuận lợi vì vậy gia vị tươi chúng ta có thể vận chuyển trên khắp thế giới sử dụng trong 7 ngày, các nhà nội trợ có thể sử dụng để nấu những món ăn Việt Nam.
Ông Chiêm Thành Long: - Đại sứ hàng Việt - Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt -Ảnh: Thanh Tùng
* Ẩm thực Việt đa dạng và phong phú nhưng người Việt mình không phải ai cũng đã từng được thưởng thức.... đó là lý do người Việt mình ra nươc ngoài ít có cơ hội được giới thiệu hay là dưới một hình thức nào đó... Vậy bằng cách nào để khách nước ngoài khi đến Việt Nam ấn tượng không chỉ là nhớ mà còn giới thiệu các món ăn cho bạn bè của họ? (Nguyễn Thị Nga, 54 tuổi, nga5162@...)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I
Hiện chúng tôi đã và đang làm việc với một số hãng hàng không ở VN để có thể đưa các món ăn đoạt giải của Chiếc thìa vàng vào thực đơn trên máy bay để góp phần quảng bá ẩm thực VN rộng rãi hơn, cũng như giúp hành khách cảm nhận được sự phong phú và nét riêng của ẩm thực VN khi bay.
Ngoài việc cho xuất bản quyển sách Chiếc thìa vàng, chúng tôi còn đang sử dụng các phương tiện truyền thông khác như website, các app trên điện thoại. Ngoài ra, chúng tôi còn mời các đầu bếp đoạt giải của cuộc thi Chiếc thìa vàng đến nấu tại nhiều công ty, cơ quan nhà nước hay các lãnh sự có nhu cầu đãi khách bằng món ăn VN.
Chúng ta cũng nên tận dụng các hệ thống nhà hàng, khách sạn ở VN để tiếp cận với các khách nước ngoài, vì hàng năm lượng khách nước ngoài đến VN tương đối lớn. Nếu làm tốt, ta sẽ có sự quảng bá hiệu quả nhất vì tôi nghĩ rằng không có biện pháp nào có thể chinh phục các thực khách nước ngoài tốt hơn việc để họ tự trải nghiệm các món ăn và có nhận xét của mình về ẩm thực VN.
Chính vì thế, chúng ta phải bỏ nhiều công sức hơn và chăm chút hơn với chất lượng của các món ăn ở hệ thống nhà hàng khách sạn VN để khi du khách đến thì họ sẽ có trải nghiệm tốt nhất về các món ăn VN.
* Các diễn giả có những kiến nghị gì để tăng cường vai trò của ẩm thực VN trên trường quốc tế? (Thái, 67 tuổi, ledinhthai11@...)
- Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:
Chào anh,
Để có thể tăng cường vai trò của ẩm thực VN trên trường quốc tế, ngoài các giải pháp truyền thông về tính phong phú, đa dạng của ẩm thực Việt Nam cần tập trung thêm truyền thông về giá trị dinh dưỡng, tính cân bằng giữa các nhóm thực phẩm và các chất dinh dưỡng của các món ăn Việt Nam.
Thực phẩm Việt Nam vốn giàu các hoạt chất có giá trị sinh học có vai trò trong phòng ngừa các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng và lối sống, có thể chống lại các tác động xấu của môi trường, có tính kháng khuẩn... (ẩm thực Việt Nam chế biến dựa trên nhiều loại rau, củ, các loại gia vị như hành, tỏi, gừng, nghệ... vốn giàu phytochemical, phytonutrient)
Việc chuẩn hóa cách chế biến, định suất và tăng cường quảng bá giá trị dinh dưỡng của ẩm thực Việt Nam là một vấn đề quan trọng để giúp ẩm thực Việt Nam được nhận diện trên thế giới với các tiêu chí "ngon - lành - nâng cao sức khỏe".
- Anh Lê Võ Anh Duy - KDL Bình Quới 1
Để tăng cường vai trò của ẩm thực Việt trên trường quốc tế thì rõ ràng phải được tiếp cận, tham gia các cuộc thi mang tầm quốc tế. Và để được tham gia các cuộc thi này cần có sự kết hợp mang tính hệ thống từ nhà nước, các doanh nghiệp và quan trọng là các đầu bếp. Ví dụ như liên hoan món ăn các nước ở Mianma, Pháp, Đức...
Tiếp đến là vai trò của ngành du lịch phải nắm bắt được các lễ hội ẩm thực Việt có thể tham gia, phổ biến rộng rãi, kêu gọi doanh nghiệp, nhà tài trợ cùng chung tay. Và khi được tham gia phải chọn các đầu bếp có uy tín thông qua các cuộc thi (Chiếc thìa vàng, món ngon các nước, đầu bếp trẻ tài năng, Food Hotel...), bởi trong các cuộc thi có yếu tố nước ngoài là giám khảo của cuộc thi.
Phim ảnh, các ấn phẩm của Việt Nam được xuất hiện trên thế giới cần lồng ghép ẩm thực Việt vào để bạn bè thế giới dễ dàng tiếp cận về mặt thông tin nền.
* Thưa ông bà ẩm thực Việt Nam có giống ẩm thực 1 số vùng miền nào trên thế giới không? Tôi có 1 số người bạn ở nước ngoài nói rằng người Việt Nam giỏi khai hoang nhưng thành công là người Trung Quốc nghĩa là khi mới mở quán là người Việt nhưng sau là người Hoa kinh doanh. Điều này đúng không và tại sao? Cảm ơn. (Nguyễn Khánh Thành, 38 tuổi, thanhthuy7884@...)
- Bà Bùi Thị Sương – ĐSHV, Nghệ nhân ẩm thực:
Yan Can cook khi đến Vn có nói: nếu như tôi biết món ăn VN ngon, đặc sắc, lạ như thế này thì tôi đã đến VN sớm hơn. Tại sao Yan lại nói câu đó?
Vì ông đã đi nhiều nước trên thế giới, và đến VN ông tìm thấy nhiều nét riêng không lẫn với văn hóa ẩm thức quốc gia nào khiến ông phải đến VN nhiều lần để khai phá, nghiên cứu sâu hơn cho một chương trình về ẩm thực.
Điều đó cho thấy ẩm thực VN đặc sắc như thế nào.
* Có thể nào đưa các món đặc sản lên máy bay phục vụ hành khánh không? Tôi thấy thức ăn trên máy bay vừa đơn điệu, vừa dở. Trong khi đó là cơ hội quảng bá ẩm thực nước ta. (Anh Minh, 45 tuổi, Minhanhlam@...)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I
Vâng, hiện chúng tôi đã và đang làm việc với một số hãng hàng không ở VN để có thể đưa các món ăn đoạt giải của Chiếc thìa vàng vào thực đơn trên máy bay để góp phần quảng bá ẩm thực VN rộng rãi hơn, cũng như giúp hành khách cảm nhận được sự phong phú và nét riêng của ẩm thực VN khi bay.
Ông Lý Huy Sáng - Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi CTV - Phó TGĐ cty TNHH Minh Long I - Ảnh: Thanh Tùng
* Xin hỏi ông Sakal, đối với ông món nào ở Việt Nam làm ông thích nhất. Liệu nó có được xem là món quốc túy của ẩm thực Việt không? (Đào Bình, 25 tuổi, binhvandao@...)
- Ông Sakal Phoeung - Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier Việt Nam:
Cá nhân tôi thích nhất chả giò/chả giò chiên, và tôi nghĩ các loại gỏi cuốn của VN có thể được xem như quốc túy mà có thể quảng bá ra toàn cầu của VN. Như há cảo/sủi cảo khi nghĩ về món ăn quốc túy của Trung Quốc mà được biết đến trên toàn cầu, khi nghĩ về VN, ta nghĩ ngay về chả giò/chả giò chiên và các loại gỏi cuốn.
Cái hay của chả giò/chả giò chiên và các loại gỏi cuốn là cách chế biến, trình bày cũng như các thành phần để tạo ra món ăn đó, cùng các loại nước chấm đặc trưng.
Hãy nghĩ về chả giò/chả giò chiên và các loại gỏi cuốn trong chuỗi nhà hàng Wrap and Roll, người ta đến đó, và được tự tay chọn các loại thành phần từ rau tới nhân tới nước chấm và tự tay làm ra món ăn mình thích và sẽ ăn, điều đó thật thú vị.
Tại sao không là phở, vì phở là phở, và các cách chế biến cũng như trình bày đã là quy chuẩn và khó thay đổi, khó biến hóa được, và thêm lý do là phở cũng là một loại soup, và hầu như nước nào cũng có loại soup ưa thích và đặc trưng của họ.
* Cháu sắp đi du học Đức. Cho cháu hỏi các món ăn Việt nào cháu có thể giới thiệu với bạn bè Đức (ngoài phở) mà vừa dân dã, lạ miệng lại vừa không quá khó ăn?(Phú Thành, 17t tuổi, phuthanh95@...)
- Anh Lê Võ Anh Duy - KDL Bình Quới 1
Em có thể chọn một món ăn Việt nhưng có thể đáp ứng được khẩu vị của người Đức để việc quảng bá món ăn Việt trở nên gần gũi và thân thiện hơn.
Em có thể làm như sau: làm như món gỏi, được làm từ các loại rau củ mà người nước ngoài hay dùng như món salad và các nguyên liệu ở Đức có sẵn.
Nguyên liệu để làm rất đơn giản: dưa leo, carot, xoài bào mỏng ngâm nước đá (hoặc để ngăn mát tủ lạnh), kết hợp với một số loại thịt (bò, gà, heo...) thái mỏng ướp gia vị như tiêu, tỏi, muối, đường trong vòng 30 phút sau đó xào chín, để nguội. Sau đó trộn thịt cá với rau củ, vắt một ít nước cốt chanh (chanh dây, chanh tây), cho rau thơm vào. Để tăng thêm hương vị cho món gỏi bạn có thể cho thêm hạnh nhân, mè, hạt macca, hạt thông rang thơm, giã nhỏ rác lên bề mặt thay cho đậu phộng ở Việt Nam. Cuối cùng, để bắt mắt cho thêm ớt cắt mỏng lên bề mặt.
Khách mời tham gia buổi gia lưu gồm các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng VN, các đầu bếp đoạt giải cuộc thi Chiếc Thìa Vàng.
Chương trình giao lưu nằm trong khuôn khổ Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015, nhằm tìm kiếm món ăn dân dã & truyền thống mang đậm nét văn hóa, đặc trưng của từng vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam, góp phần giới thiệu, quảng bá và đưa nền văn hóa ẩm thực phong phú, tinh tế, hài hòa, quyến rũ, ngon & lành của Việt Nam ra thế giới.
Đồng thời nâng món ăn truyền thống, dân dã trở thành món ăn đẳng cấp quốc tế. Thông qua tuoitre.vn, bạn đọc sẽ có dịp đặt câu hỏi về ý nghĩa, nguồn gốc của các món ăn Việt Nam; Đâu là những món ăn đặc sản của các vùng miền? Làm thế nào để bạn bè quốc tế biết nhiều đến món ăn của Việt Nam? …
Anh Lê Võ Anh Duy, khu du lịch Bình Quới 1, top 15 Chung kết Chiếc thìa vàng 2015 - Ảnh: Thanh Tùng
- Bà Bùi Thị Sương – ĐSHV, Nghệ nhân ẩm thực:
Đầu tạo đầu bếp trước hết cần phải có kiến thức, chuyên ngành như dinh dưỡng, an toàn thực phẩm… Thứ 2 là kỹ năng thực hành, đầu bếp phải có tay nghề giỏi thì, có kỹ năng tổ chức quản lý tốt. Và cuối cùng không thể thiếu là kỹ năng ngoại ngữ.
Tại sao như vậy? Thông thường kinh phí đi quảng bá nước ngoài ầm thực không có nhiều kinh phí, một đầu bếp giỏi phải tự lên thực đơn món ăn, tự thực hiện và giới thiệu đến thực khách nước ngoài. Hầu hết đầu bếp VN hiện nay tay nghề cao, giỏi nghề nhưng lại yếu về ngoại ngữ nên họ không thể kể hết câu chuyện mình muốn nói. Ẩm thực là phải giao lưu, thông qua câu chuyển ẩm thực mới đến được thực khách.
Trong các chuyến đi, người ta luôn đòi hỏi đầu bếp phải là người hiểu văn hóa, con người, lịch sử cũng như giai thoại các món ăn để có thể kể cho bạn bè thế giới là vì vậy.
Thứ nữa là về cách trình bày, cần cải tiến để làm sao đơn giản nhưng mang tính thẩm mỹ cao, không tốn nhiều thời gian, đầu bếp Việt cũng cần trau dồi thêm kiến thức về trình bày và cách phục vụ món ăn. Vì món ăn VN thường nhiều nước chấm đi kèm hay sử dụng nhiều nguyên liệu nên dễ làm thực khách bối rối.
Gắn ẩm thực với văn hóa
* Làm thế nào để ẩm thực đi cùng văn hóa? Những gì truyền thống phải làm thế nào cho tinh tế? Làm sao để mang cái hồn của từng vùng miền dân tộc đến với toàn cầu? (vantoannguyen, 34 tuổi, nguyenvantoan@...)
- Ông Chiêm Thành Long - Đại sứ hàng Việt, Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt:
Ẩm thực thì luôn luôn lúc nào cũng đi với văn hóa vì phía sau ẩm thực là quá trình tìm tòi, sáng tạo và những món ăn đó tạo ra đặc trưng riêng của vùng miền, những nét riêng của vùng miền ấy. Vì vậy ẩm thực phải gắn liền đi đôi với văn hóa.
Vì vậy muốn ẩm thực đi cùng với văn hóa ta phải giữ những nét riêng của món ăn vùng miền đó và phải có một câu chuyện đi cùng với món ăn thì người ta mới nhớ lâu những món ăn mà chúng ta giới thiệu. Ví dụ nói đến bánh cuốn phải nhớ đến bánh cuốn Thanh Tri, chả giò Sài Gòn, bánh đa cua Hải Phong, súp lươn Nghệ An, cháo canh Quảng Bình...Những địa danh tạo nên những món ăn, dấu ấn vùng miền mà người thực khách luôn nhớ đến những nét văn hóa vùng miền đó. Vì vậy chúng ta phải giữ cái chất, cái hồn mà nhưng món ăn đã được ghi danh. Nếu có cải tiến làm món ăn đẹp hơn, ngon hơn nhưng không nên bỏ qua nét truyền thống đặc trưng riêng đã được định danh.
Những món ăn được gắn liền với bề dày lịch sử, câu chuyện giởi thiệu cho mọi người mang nét văn hóa riêng có của vùng miền đó. Ví dụ: cháo canh Quảng Bình một số vùng khác gọi là bánh canh vì cách thực hiện gần giống nhau, nhưng không vì vậy mà chúng ta không gọi cháo canh.
Vì vậy việc ẩm thực mà không gắn liền với văn hóa thì không còn là đặc trưng riêng của vùng miền quốc gia, chính từ những món ăn mà khi thưởng thức người thực khách luôn luôn nhớ đến vùng miền quốc gia mà họ đã đi qua.
* Đâu là những nét đặc trưng của ẩm thực VN mà ta có thể quảng bá ra toàn cầu?
- Ông Sakal Phoeung - Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier:
Đối với thực khách nước ngoài, chả giò/chả giò chiên VN là những món phổ biến và dễ quảng bá. Chung ta hay nói về phở, nhưng thực ra phở chỉ phổ biến nhiều trong cộng đồng VN hải ngoại hơn là trong cộng đồng người nước ngoài vì nó chỉ là một loại canh (soup), và hầu hết các nước châu Âu đều có soup, đặc biệt canh rau củ.
Ngoài ra, các loại thủy hải sản đa dạng của VN cũng là những món đặc trưng cần được quảng bá, vì với đặc thù một nước nhiệt đới trải dài và có bờ biển dài, sự đa dạng của nguồn thủy hải sản VN là một lợi thế lớn cho ẩm thực VN.
Về gia vị, đặc trưng của VN là hạt tiêu, nhưng đối với gia vị nói chung thì lại khó quảng bá, bởi vì mỗi quốc gia sẽ có sở thích với những loại gia vị đặc trưng, và với thị trường toàn cầu hiện nay gia vị dùng trong các món ăn tiêu chuẩn là gần như giống nhau.
Tuy nhiên một đặc biệt của ẩm thực VN là các loại rau mùi và nước chấm, vì từng món ăn khác nhau sẽ được dùng với từng loại rau mùi và nước chấm khác nhau, rất đặc trưng, tuy rau mùi thì khó xuất khẩu.
Rất ít các loại thức ăn trên thế giới có đặc điểm này, như món ăn Trung Quốc, tuy đa dạng, nhưng chỉ dùng một hoặc hai loại nước chấm cho tất cả các món, chỉ có Pháp là dùng nhiều loại nước chấm.
VN cũng cần tìm ra một loại gạo đặc trưng để quảng bá, vì như Ấn hay Thái đều có loại gạo đặc trưng được dùng với các món ăn truyền thống, nhưng hình như VN thì chưa có.
* Theo ông, bà so với các nước trong châu Á món ăn VN có điểm gì mạnh, có điểm gì yếu để đến giờ chỉ loanh quanh trong nước mà không thể quảng bá ở nước ngoài? (Nguyễn Băng Khánh, 67 tuổi, khanhbangnguyen@....)
- Ông Sakal Phoeung - Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier:
Món ăn VN có nhiều điểm mạnh có thể được dùng để quảng bá ra nước ngoài, như các loại nước chấm và rau mùi đặc trưng cho từng món ăn, rất cân bằng - không quá chua hay quá cay, và đặc biệt cung cấp ít năng lượng - một xu hướng rất thu hút với thực khách hiện đại.
Tuy nhiên điểm yếu nằm ở chỗ các công thức nấu ăn, những đầu bếp lớn tuổi có kinh nghiệm đôi khi lại không muốn chia sẻ hay quảng bá, còn những người trẻ giàu nhiệt huyết muốn làm việc đó lại đang phải mày mò tìm ra các công thức thật chuẩn mực. Việc này có thể được khắc phục qua các cuộc thi nấu ăn tầm vóc như Chiếc thìa vàng bởi qua đó ta sẽ có các công thức chuẩn cho món ăn VN mà ta có thể quảng bá ra toàn cầu.
Một điểm yếu nữa là cách trình bày món ăn VN còn rất sơ khai, nhìn không hiện đại và thu hút thực khách từ những nước vốn coi trọng hình thức trình bày của món ăn. Việc trình bày món ăn rất quan trọng, nó là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự sắp xếp cân bằng và tinh tế, như vẽ tranh hay chụp ảnh, đòi hỏi sự chuẩn mực về bố cục và ánh sáng. Đầu bếp VN cần chú trọng hơn về điều này khi muốn mang ẩm thực VN ra thế giới.
* Ngay chính người VN, đặc biệt người VN cũng không biết nhiều đến ẩm thực VN. Chúng ta cần tiếp cận như thế nào với những "thực khách tiềm năng" này? (nguyetnga@...)
- Bà Bùi Thị Sương – ĐSHV, Nghệ nhân ẩm thực:
Rất nhiều người VN ở nước ngoài, nhất là thế hệ sau này ít có điều kiện tiếp cận văn hóa ẩm thực VN. Do không được nghe kể lại những câu chuyện, không được tiếp xúc... nên ấn tượng về ẩm thực VN chưa sâu sắc.
Ví dụ mình ăn một món ăn mà biết được câu chuyện ông bà ngày xưa đã làm như thế nào, trong điều kiện vận chuyển khó khăn hay phương tiện chế biến chưa được tiện lợi thì chúng ta thấy sự linh hoạt, thích ứng với môi trường, điều kiện sống của người xưa.
Như món bánh Tét ra đời nhằm thích ứng cho điều kiện di dân, di chuyển của ông bà ta từ bắc vào Nam, món bánh Tết đi đến đâu ăn đến đó đảm bảo không bị hư hỏng qua nhiều ngày. Rất nhiều câu chuyện ẩm thực VN rất hay gắn với lịch sử dân tộc mà đáng tiếc chúng chưa được truyền thông rộng rãi.
* Làm thế nào để được công nhận là nghệ nhân? Mẹ tôi làm bánh tét ngon nổi tiếng mấy chục năm nay nhưng không biết làm sao để được công nhận nghệ nhân.(Linh Nguyễn, 30 tuổi, Linhnguyen75@...)
- Bà Bùi Thị Sương – ĐSHV, Nghệ nhân ẩm thực:
Việc công nhận nghệ nhân do Tổ chức Hội văn nghệ dân gian VN do tiến sĩ Tô Ngọc Thanh đảm nhận.
Nhà nước nên có vai trò trong việc phong nghệ nhân chứ không để hội này giới thiệu, ghi nhận cống hiến của những người tâm huyết với một lĩnh vực nghề nào đó. Những người này có nhiều cống hiến thậm chí xây dựng nền tảng cho những ngày nghề đó.
Trường hợp mẹ của bạn, thủ tục không hề đơn giản, vì như theo tôi biết muốn được phong là nghệ nhân thì phải trải qua nhiều khâu thẩm định, trước tiên bạn cần làm hồ sơ gửi đến Hội văn nghệ dân gian VN.
Tăng cường gameshow, chương trình truyền hình về ẩm thực
* Liệu có nên đẩy mạnh thực hiện thêm các các chương trình truyền hình liên quan ẩm thực để quảng bá ẩm thực Việt không? (Yến Nguyễn, 35 tuổi, nguyenthikimyen8888@...)
- Ông Sakal Phoeung - Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier:
Chúng ta rất cần quảng bá ẩm thực VN thông qua các chương trình TV chuyên về văn hóa, du lịch và ẩm thực quốc tế. Vấn đề là với sự đa dạng về vùng miền, nét văn hóa và ẩm thực VN, ta nên chọn cách quảng bá ẩm thực lồng ghép với quảng bá cả về vùng miền và nét văn hóa và ẩm thực đặc trưng của vùng miền đó.
Ví dụ như ta quảng bá về Đà Lạt hay đồng bằng sông Cửu Long, quảng bá về con người, vùng đất, nét văn hóa, rồi những món ăn đặc trưng của vùng miền đó, cách chuẩn bị các nguyên liệu từ vùng miền đó, rồi cách chế biến, trình bày, những ưu điểm của các món ăn đó, nó tốt cho sức khỏe ra sao...
* Có ý kiến cho rằng sừ dụng hình ảnh món ăn trong phim ảnh, video, ca nhạc.. nên có một sự liên kết giữa các ngành nghề vì ẩm thực là một nghệ thuật. Đi cùng với nghệ thuật sẽ dễ dàng thu hút cảm xúc người xem. Và khi chế biến món Việt không nên thay đổi khẩu vị giống người thưởng thức mà nên giữ hương vị riêng của người Việt mới thấy được vị riêng của món ăn. Ông bà nghĩ gì về điều này? (thutrang@...)
- Bà Bùi Thị Sương – ĐSHV, Nghệ nhân ẩm thực:
Tôi nghĩ nhận định này rất đúng. Vì thông qua các hình thức hoạt động nghệ thuật chúng ta truyền tải văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực. Mỗi quốc gia đều có nét văn hóa ẩm thực độc đáo riêng và có những thương hiệu món ăn gắn liền với tên tuổi quốc gia đó như cari Ấn Độ, kim chi Hàn Quốc, sushi Nhật Bản hay Pizza của Y, hay Hamburger của Mỹ.
Tác động của văn hóa nghệ thuật đến đời sống tinh thần của người dân rất mạnh mẽ, nó đi vào một cách tự nhiên, đến khi người ta phát hiện ra thì mới biết được thực ra các quốc gia đó có hẳn một chiến lược để làm điều đó. Không phải không có lý do khi các đầu bếp nổi tiếng trên thế giới đến VN đều ngưỡng mộ nền ẩm thực VN vì sự đa dạng phong phú, sự cân bằng về dinh dưỡng, về khẩu vị.
Với một đặc điểm có bờ biển dài cung cấp nhiều nguyên liệu thủy hải sản, với sự khác biệt về địa lý và khí hậu của 3 miền đã tạo ra được sự đặc trưng của từng khu vực. Với sự hiện diện của hơn 50 dân tộc anh em đã làm nên một bản tổng hòa ẩm thực VN đầy màu sắc, phong phú và hấp dẫn.
Khi giới thiệu ẩm thực Việt ra nước ngoài chúng ta cần giữ nét cốt lõi của khẩu vị ẩm thực VN, điều đó rất đúng. Tuy nhiên, không nên quá cứng nhắc vì chúng ta đang tập người nước ngoài ăn món ăn VN nên cần có sự gia giảm gia vị để cho khách nước ngoài tiếp thu món ăn được dễ dàng hơn.
Ví dụ người châu Âu rất ít ăn cay thì các món nước chấm không quá cay khi đi ăn kèm bánh lọc chẳng hạn. Có lần tôi đi giới thiệu món ăn ở Sri Lanka, khi biết họ ăn cay và nhiều gia vị, và tôi nhận được lời khuyên sử dụng các gia vị cay chẳng hạn như món chả giò cho thêm tiêu...
Hay trong một lần giới thiệu ẩm thực VN ở Bỉ, món gà nướng lá chanh thường ăn kèm muối tiêu, nhưng người dân lại thích ăn kèm với sốt, đặc biệt là sốt có thái ít lá chanh trong đó, điều này giúp gia tăng vị trong khi ăn kèm thịt gà. Hay những món liên quan đến mắm VN thì rất phong phú, nhưng khi đi ra ngoài chúng ta có thể pha loãng hơn chứ không thể làm nguyên chất như cách người Việt hay ăn.
Nhưng điều cốt lõi càng giữ tối đa khẩu vị người Việt càng tốt và có sư gia giảm hợp lý.
* Một trong những kênh đưa ẩm thực VN ra nước ngoài nhanh nhất là các đài truyền hình của các nước với đề mục món ăn VN. Họ có nhu cầu phát sóng trên TV những món ăn Việt. Ta phải có chuyên gia biết nói tiếng nước ngoài giỏi và có quan hệ tốt với họ. Theo anh Sáng có cách nào để truyền tải thông điệp, ưu thế món ăn Việt với thực khách nước ngoài? (minhtrang@...)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I
Theo tôi chúng ta nên biết tận dụng các hệ thống nhà hàng, khách sạn ở VN để tiếp cận với các khách nước ngoài, vì hàng năm lượng khách nước ngoài đến VN tương đối lớn. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ có sự quảng bá hiệu quả nhất vì tôi nghĩ rằng không có biện pháp nào có thể chinh phục các thực khách nước ngoài tốt hơn việc để họ tự trải nghiệm các món ăn và có nhận xét của mình về ẩm thực VN.
Chính vì thế, chúng ta phải bỏ nhiều công sức hơn và chăm chút hơn với chất lượng của các món ăn ở hệ thống nhà hàng khách sạn VN để khi du khách đến thì họ sẽ có trải nghiệm tốt nhất về các món ăn VN.
Nếu chúng ta phải dựa vào các đài truyền hình nước ngoài để phát sóng về các món ăn VN thì chi phí rất lớn cho việc tổ chức cũng như yêu cầu đối với nhân sự phải biết tiếng Anh giỏi thì rất hạn chế.
Hơn nữa, nếu chỉ xem trên TV mà không thực tế trải nghiệm được các hương vị của món ăn thì tôi tin rằng sự thuyết phục ẩm thực VN đối với khách nước ngoài sẽ không hiệu quả bằng cách như tôi đã nêu ban đầu.
- Ông Sakal Phoueung - Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier Việt Nam:
Điều VN cần thực ra là những chuyên gia, hay đầu bếp Việt thực sự có kiến thức và hiểu biết sâu rộng, cũng như kinh nghiệm thực tiễn đủ lâu để có thể tự tin nói chuyện về món ăn truyền thống VN trên các kênh truyền hình nước ngoài. Ngoại ngữ là cần thiết, nhưng những hiểu biết và trải nghiệm thực sự trong quá trình chuẩn bị và chế biến món ăn theo đúng tinh thần VN mới là điểm mấu chốt.
Ngoài ra, việc tổ chức các cuộc thi ẩm thực tầm cỡ quốc gia, như cuộc thi Chiếc thìa vàng, là rất cấn thiết, vì qua đó ta có thể mời các kênh truyền hình hay tạp chí chuyên về ẩm thực nước ngoài tham gia đưa tin hay viết về sự kiện. Họ thực sự có nhu cầu tìm hiểu về món ăn và nền ẩm thực vốn đang nổi tiếng của VN, và họ sẽ đến VN khi được mời. Vấn đề chỉ là các kênh quảng bá của ta chưa thực sự đủ mạnh để khuếch trương hình ảnh về ẩm thực VN ra toàn cầu.
Một biện pháp nữa là sự trợ giúp từ phía chính phủ, cụ thể hơn là ngành du lịch, bằng cách tích hợp các chương trình quảng bá cho ẩm thực VN vào các chuyến đi quảng bá ở nước ngoài, bằng cách mang theo các đầu bếp Việt có triình độ và tay nghề để họ có thể trình diễn trực tiếp quá trình chuẩn bị và chế biến ẩm thực VN tại các hội chợ du lịch quốc tế.
Mr Sakal Phoeung - Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier Việt Nam -Tổng bếp trưởng Sofitel Sài Gòn Plaza - Ảnh: Thanh Tùng.
* Mong các anh chị tổ chức thêm nhiều cuộc thi về ẩm thực tại các vùng quê để tụi em có cơ hội tham gia. Những cuộc thi ẩm thực nào giờ chỉ dành cho đầu bếp hoặc những người có điều kiện thôi. Trong khi những bà nội trợ quê như tụi em cũng rất đam mê nấu ăn. (Hoàng Nguyên Thanh, 28 tuổi, thanhnguyen2868@...)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I
Trong kế hoạch tìm kiếm và quảng bá các món ăn vùng miền, chúng tôi cũng có nghĩ đến việc tổ chức các cuộc thi cho những người làm nội trợ hoặc những ai đam mê nấu ăn mà không phải là đầu bếp chuyên nghiệp, nhưng vì hiện nay chúng tôi vẫn còn hạn chế về nguồn lực trong việc tổ chức nên chưa thể triển khai ngay.
Tuy nhiên, trong tương lai không xa chúng tôi sẽ thực hiện điều này và hy vọng rằng bạn có thể tham gia để góp phần xây dựng nên bản đồ ẩm thực VN của chúng ta ngày càng phong phú hơn.
* Cho tôi hỏi là những chương trình gameshow ngoài thi thố và tạo ra món mới, còn có đóng góp gì cho việc phát triển tinh túy của món ăn Việt dựa trên món có sẵn? (Phát, 50 tuổi, phatpham1955@...)
- Anh Trần Thái Bảo - Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014
Theo tôi, chương trình gameshow ngoài thi thố, còn giúp người xem có thêm nhiều kiến thức về dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản thực phẩm,...
Thông qua các cuộc thi, mọi người có thể tự sáng tạo và chế biến những món ăn ngon, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Anh Trần Thái Bảo - Quán quân Chiếc thìa vàng 2014 - Ảnh: Thanh Tùng
* Xin hỏi ngoài việc tổ chức in cuốn sách Chiếc Thìa Vàng quý vị có định làm thêm các phim giới thiệu cách làm món ăn đoạt giải, đặc biệt của Chiếc Thìa Vàng? Nếu có, có thể mua được ở đâu? (Phong Nguyễn, 45 tuổi, nguyenthanhphong12@...)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I:
Ngoài việc cho xuất bản quyển sách Chiếc thìa vàng, chúng tôi còn đang sử dụng các phương tiện truyền thông khác như website, các app trên điện thoại. Ngoài ra, chúng tôi còn mời các đầu bếp đoạt giải của cuộc thi Chiếc thìa vàng đến nấu tại nhiều công ty, cơ quan nhà nước hay các lãnh sự có nhu cầu đãi khách bằng món ăn VN.
* Tôi dự định năm nay đi thi Chiếc Thìa Vàng, vậy tôi cần có những sự chuẩn bị gì về tâm lý cũng như các kỹ năng? (Quân, 28 tuổi, quanbanhbao@...)
- Anh Trần Thái Bảo - Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014
Theo tôi, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin trong cẩm nang Chiếc thìa vàng các mùa trước trên website chiecthiavang.com hoặc facebook Chiếc thìa vàng. Nếu như có thể, bạn nên đến tham quan cuộc thi Chung kết xếp hạng - Chiếc thìa vàng 2015 được tổ chức tại Minh Sáng Plaza Bình Dương vào ngày 2-12-2015 để có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc thi. Bạn sẽ trực tiếp thấy được kỹ năng về thao tác chế biến cũng như cách trình bày, qua đó bạn sẽ tự đánh giá được bản thân nên cần trang bị những kiến thực và kỹ năng như thế nào cho cuộc thi sắp tới mà mình phải tham gia.
* Với tư cách là một thí sinh của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, anh Anh Duy đánh giá thế nào về chất lượng cuộc thi? Cuộc thi có giúp ích gì cho các đầu bếp tại Việt Nam? (Duy Lê, 25 tuổi, letrantrongduy12@...)
- Anh Lê Võ Anh Duy - KDL Bình Quới 1:
Cám ơn bạn đã một câu hỏi rất hay.
Thứ nhất, đây là một cuộc thi lớn nhất Việt Nam về quy mô tổ chức ở thời điểm hiện tại. Chất lượng của cuộc thi một phần được thể hiện ở ban giám khảo là những người có uy tín và ảnh hưởng của nền ẩm thực Việt, ví dụ chuyên môn có cô Bùi Thị Sương, ông Lý Sanh, cô Triệu Thị Chơi, ông Sakal Phoeung, ông David Thái...
Phần nữa chất lượng cuộc thi được thể hiện qua khâu tổ chức rất chuyên nghiệp, cách chọn chủ đề trong từng mùa thi... Thí sinh được sàng lọc ngay từ đầu qua nhiều vòng từ các nhà hàng khách sạn có uy tín về ẩm thực và nhiều yếu tố đi kèm khác.
Qua một cuộc thi đầu bếp sẽ được giao lưu học hỏi về thực đơn, cách tổ chức, trang trí món ăn, nguyên vật liệu lạ và phong phú... giúp bản thân thí sinh được trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn. Bởi thí sinh được rèn luyện nghề trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Đầu tư thời gian, công sức, tư duy về món ăn và kiến thức dinh dưỡng mà người đầu bếp phải nắm, những mẹo được áp dụng trong việc nấu nướng... Tất cả đều được làm trong trạng thái tập trung cao độ để món ăn phải cân bằng được về cấu tạo thực đơn, các nhóm chất...
* Kính gửi ông Lý Huy Sáng, tôi đã theo dõi cuộc thi CTV hai năm qua, tôi rất ấn tượng với mục tiêu của cuộc thi, các món ăn rất đẹp và bắt mắt. Xin hỏi công ty Minh Long 1 sẽ tiếp tục bảo trợ cho cuộc thi trong những năm tới? (Phan Văn Phép, 68 tuổi, phanvphep1947@...)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I:
Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu là tìm kiếm và quảng bá các món ăn Việt. Để làm được việc này một cách "tới nơi tới chốn" và đủ sự lan tỏa, chúng tôi quyết định sẽ tổ chức cuộc thi hàng năm và dài hạn.
* Tôi có một người bạn muốn theo nghề đầu bếp. Dù bạn học đại học ở một ngành hoàn toàn khác và không liên quan đến ẩm thực. bạn ấy nên bắt đầu từ đâu?(Phan Văn Tuấn, 25 tuổi, phanvtuan1234@...)
- Anh Trần Thái Bảo - Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014
Theo tôi, bạn của bạn nên theo học một lớp cơ bản về nấu ăn ở các trường nghiệp vụ nấu ăn để có cách nhìn tổng quát về nghề bếp và ẩm thực.
* Cuộc thi Chiếc thìa vàng có tạo áp lực cao với thí sinh khi tham gia không? Tôi có ý định tham gia cuộc thi nhưng còn boăn khoăn vì tình trạng sức khỏe của tôi không tốt sợ không đảm bảo để hoàn thành. Xin anh Thái Bảo, quán quân CTV cho tôi lời khuyên.(Nguyễn, 34 tuổi, nguyennguyen00@...)
- Anh Trần Thái Bảo - Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014
Chào bạn, đối với cuộc thi nào ít nhiều cũng đều có áp lực, điều quan trọng là bạn phải có phương pháp vượt quá áp lực của chính bản thân, bạn không nên đặt nặng vấn đề thắng thua mà bạn nên cố gắng hoàn thành bài thi và truyền tải ý tưởng của mình thật tốt.
Dù kết quả như thế nào, thì bạn cũng đã cố gắng hết mình, và bạn sẽ cảm thấy hài lòng với chính bản thân. Tôi nghĩ điều bạn đang băn khoăn không phải là vấn đề sức khỏe mà là vấn đề tâm lý (sự lo lắng,...), bạn nên thoải mái và tìm hiểu thật kỹ thông tin về cuộc thi trước khi đăng ký tham dự.
* Làm thế nào để được tham gia chương trình Chiếc Thìa Vàng trong những mùa tiếp theo? (Tran Thi Thao Chau, 37 tuổi, Tranthithaochau@...)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I
Bạn vào trang web www.chiecthiavang.com hoặc liên hệ Ban tổ chức để đăng ký. Địa chỉ: Phòng dự án Chiếc Thìa Vàng - Công ty TNHH Minh Long I, 333 khu phố Hưng Lộc, phường Hưng Định, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Điện thoại: 06503.668899 - Hotline: 0947.039.206 - Email: support@chiecthiavang.com
* Vì sao Minh Long 1 lại tài trợ cho cuộc thi này mà không hợp tác cùng các nhãn hiệu khác? Trong khi công ty quý vị không sản xuất nguyên liệu làm ẩm thực? (Lê Văn Phúc, 43 tuổi, phucvan2000@gmail.com)
- Ông Lý Huy Sáng - Phó TGĐ Công ty TNHH Minh Long I
Công ty Minh Long là một nhà sản xuất gốm sứ cũng như các công cụ đựng thức ăn nên chúng tôi nghĩ rằng việc đóng góp và xây dựng ẩm thực Việt Nam cũng là một phần trách nhiệm của mình.
Vì thế, chúng tôi đã tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, và cũng hy vọng rằng trong tương lai các công ty nào có cùng mục tiêu có thể hợp tác với công ty Minh Long để làm cho cuộc thi Chiếc Thìa Vàng ngày một tốt hơn.
* Ông Trần Thái Bảo, năm vừa rồi đoạt giải Chiếc Thìa Vàng, ông cũng từng tham gia nhiều cuộc thi, theo ông cuộc thi này có gì khác so với cuộc thi khác? Ông tâm đắc nhất điều gì trong cuộc thi này?(Trần Lương Văn, 56 tuổi, vantranluong2005@....)
- Anh Trần Thái Bảo - Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014:
Theo tôi, sự khác biệt giữa cuộc thi Chiếc Thìa Vàng và các cuộc thi khác chính là sự tổ chức chuyên nghiệp, quy mô. Ban giám khảo là các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực ẩm thực.
Cuộc thi này đã cho bản thân tôi một sự trải nghiệm về việc học và chia sẻ những kỹ năng, kiến thức, sự hiểu biết nhiều hơn về văn hóa ẩm thực của các vùng miền địa phương trên cả nước.
* Có phải đào tạo đầu bếp Việt Nam chưa được đào tạo chuyên nghiệp nên Việt Nam chưa có những đầu bếp giỏi để đem chiêng đi đánh xứ người, quảng bá các món ăn Việt Nam? (huyhoang@...)
* Trong vòng chung kết của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, khi thí sinh không được biết trước nguyên liệu trong hộp đen, với tư cách là 1 thí sinh, anh có bị áp lực không? Có thể có sự chuẩn bị gì trước không? (Đình Lâm, 23 tuổi, lamdinh11@...)
- Anh Lê Võ Anh Duy - KDL Bình Quới 1
Ban đầu khi đến với cuộc thi sơ kết và bán kết, tôi rất áp lực về thực đơn, cách trình bày, phối hợp, các thành viên trong đội thi... Nhưng khi đã đến vòng chung kết, tôi có tâm lý rất thoải mái nên không bị áp lực gì nhiều vì tôi cũng như các thí sinh không biết mình sẽ bốc được nguyên liệu nào trong hộp đen nên tôi phải có tâm lý thoải mái, không căng thẳng mới sáng suốt để có thể phối hợp từ nguyên liệu bất ngờ và cách làm sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, là một người có kinh nghiệm của cuộc thi tôi chia sẻ với bạn một vài điều theo kinh nghiệm riêng của mình: đầu tiên bạn phải có tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng, xem như đây là một cuộc chơi nếu tôi không phải là người chiến thắng thì tôi cũng được học hỏi được rất nhiều, còn nếu thắng thì rõ ràng rất hạnh phúc cho nghề nghiệp của mình. Và rõ ràng để đến được cuộc thi bạn phải chuẩn bị rất nhiều về kiến thức chuyên môn, sự nhạy bén của mình để vào được top 15 trong tổng số 119 đội tham gia cuộc thi Chiếc Thìa Vàng Việt Nam năm 2015.
Không chỉ ngon, lành mà còn phải sạch
* Chưa bao giờ "Đường đến âm phủ" qua đường dạ dày ở Việt Nam mình lại ngắn như bây giờ. Vậy các chuyên gia bằng cách nào để thế giới tin vào ẩm thực của Việt Nam? Xin cảm ơn. (nguyen ngoc manh, 46 tuổi, ngocmanh100@...)
- Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:
Đúng như anh nhận xét, một trong những việc cần thiết là phải đảm bảo thực hiện được tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm của nguyên liệu khi xây dựng và nâng tầm vị thế của ẩm thực Việt Nam. Nếu chỉ ngon và lành mà không đảm bảo "sạch" thì ẩm thực không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn mất uy tín quốc gia.
Để thực hiện được điều này, chắc chắn cần có sự tham gia của người sản xuất thực phẩm, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và các cơ quan quản lí có liên quan. Nếu tất cả các khâu từ "trang trại" đến bàn ăn được tuân thủ tốt thì mới có thể giảm thiểu các nguy cơ "không sạch" của thực phẩm.
Có lẽ chúng ta cần lên tiếng, hãy thực hành an toàn thực phẩm.
* Các món ăn truyền thống cần đuợc sử dụng nguyên liệu và chế biến đảm bảo ATTP có phải nên có định huớng và quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến và phân phối thục phẩm. Tăng cuờng quảng bá các món ăn Việt mang tính truyền thống qua du lịch nhu thế nào? (bui thi dung, 27 tuổi, buidungchvllt15@...)
- Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:
Chế biến món nào cũng liên quan đến sức khỏe, sinh mạng con người nên quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là điều bắt buộc phải làm. Vì vậy phát huy, yêu cầu cơ quan chức năng có trách nhiệm. Việc truyền bá món ăn truyền thống Việt Nam gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng, vì đó là bản sắc cốt lõi của ầm thực Việt. Mỗi người Việt Nam hãy là một đại sứ văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP. Hồ Chi Minh - Ảnh: Thanh Tùng
* Tôi có đọc trong một bài phỏng vấn của ông Lý Ngọc Minh món ăn Việt “không chỉ ngon và lành”, xin bà Ngọc Diệp chia sẻ thêm cái ngon và lành của món ăn Việt là gì? Người Việt Nam có thể tự hào về sự ngon và lành của món ăn VN so với các quốc gia trong khu vực? (Vân Trinh, 27 tuổi, phanvantrinh@)
- Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - GĐ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM:
Nếu nói về tính "lành" trong ẩm thực Việt Nam, có thể hiểu ngắn gọn bao gồm một số đặc trưng sau:
- Cân bằng giữa các nhóm thực phẩm giàu tinh bột có chỉ số đường huyết không cao (gạo, mầm, gạo lức, bún, bánh ướt, miến, khoai...) - thực phẩm giàu đạm dễ tiêu hóa (đậu, thủy hải sản, thịt...) - thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc thực vật (dầu ăn) - thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng (rau, trái cây).
- Giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan (món ăn Việt Nam vốn nhiều rau, đậu, khoai củ...)
- Không sử dụng nhiều chất béo bão hòa như mỡ động vật, phủ tạng, bơ, magarin... vốn là nguy cơ của các bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường...
- Sử dụng nhiều thực phẩm có các chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào, phòng ngừa ung thư cân bằng nội tiết như ngũ cốc, hành, tỏi, gừng, nghệ, chanh, cam, bưởi, bông cải, bắp cải, củ cải trắng, củ cải đỏ...
- Sử dụng một số thực phẩm chức năng tự nhiên có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khỏe như hoa hồi, quế, gừng, tỏi, tiêu, ớt, sả, thảo quả, nấm, bạc hà, củ mài...
- Cách chế biến gần với tự nhiên, không lạm dụng kiểu quay nướng, chiên ngập dầu.
- Không sử dụng nhiều đường, không sử dụng nhiều chất béo, rượu trong quá trình chế biến món ăn, nên món ăn Việt không dư thừa năng lượng.
- Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong ẩm thực Việt Nam có thể nói là đứng đầu thế giới. Đây là nguyên lí và là lời khuyên quan trọng nhất để nâng cao sức khỏe mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.
Người Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về sự ngon và lành của món ăn Việt Nam so với các quốc gia khác. Việc của chúng ta cần làm là nên cùng nhau nhanh chóng đưa những giá trị này vươn tầm thế giới.
* Theo nghiên cứu của quý vị, gia vị đóng vai trò gì trong sức khỏe của người thưởng thức? Gia vị thì chỉ làm cho món ăn ngon hơn hay nó có giá trị dinh dưỡng nào không?(Tám Tâm, 27 tuổi, nguyenvtam07@yahoo.com)
- Ông Chiêm Thành Long - Đại sứ hàng Việt, Chuyên gia ẩm thực dân gian Việt:
Đặc điểm gia vị Việt Nam không những làm món ăn ngon hơn mà còn làm sức khỏe tốt hơn, theo thuyết âm dương: món ăn cần cân bằng thì mới có lợi cho sức khỏe người sử dụng vì vậy việc sử dụng món ăn Việt Nam lúc nào cũng cân bằng, ông cha đã tích lũy qua nhiều thế hệ tạo cho chúng ta những món ăn như ngày hôm nay, đôi lúc người nội trợ sử dụng gia vị theo thói quem, truyền lại nhưng nó làm cho món ăn cân bằng và tốt hơn cho người thưởng thức.
Gia vị còn là những bài thuốc. Ví dụ món gà tần lá ngải cứu là món ăn bổ khí huyết cho phụ nữ, món canh cải bẹ xanh, thịt vịt luôn luôn phải có gừng, để cân bằng, gừng tạo vị ấm làm hài hòa cho món ăn.
Cha ông ta từng nói chung ta sống trên vườn thuốc , xung quanh nhà là những gia vị có vị thuốc làm cho món ăn ngon hơn, bổ dưỡng hơn. Có những gia vị kết hợp món ăn làm tăng sức khỏe, giảm cân hoặc tiêu hóa tốt hơn.
Đây là điều đặc biệt của gia vị Việt Nam, rất phong phú nên món ăn Việt Nam lúc nào cũng ngon và lành.
* Con rể người Phần Lan của tôi ăn được rất ít món Việt. Cậu ấy chỉ ăn được các món gần giống với nước ngoài như bò bít tết, cơm tấm (nhưng không dùng nước mắm), các món chiên,... Vậy tôi và con gái phải làm sao? (Bách Huệ, 57t tuổi, bhue.6910@...)
- Anh Trần Thái Bảo - Quán quân Chiếc Thìa Vàng 2014
Theo tôi, chị nên tìm hiểu cách chế biến một loại nước chấm phù hợp cho các món chiên mà không có nước mắm như sốt mận, sốt xí muội,... hoặc với món cơm tấm, chị có thể chế biến nước mắm từ loại nước mắm dùng cho ăn chay.
* Tôi có tìm hiểu và thường nghe nói rằng " Ẩm thực Việt Nam ngon, lành, sạch" nhưng thực sự giữa lý thuyết và thực tiễn đang đi ngược lại với nhau, những món ăn đường phố thì không hợp vệ sinh, rau củ thì nhiễm hóa chất, các nhà hàng, quán ăn thì có trường hợp nhập thực phẩm ôi thiu, các món ăn truyền thống cũng không đảm bảo được các tiêu chí này. Như vậy cái mà chúng ta nói rằng ngon, lành, sạch có thật sự chính xác chưa,và tiêu chí nào để đánh giá? Trong khi ẩm thực trong nước còn chưa thực sự ngon và lành thì làm thế nào để quảng bá ẩm thực Việt ra nước ngoài ? (Nguyễn Vỉnh Hạ, 24 tuổi, Vinhhavhhk4@...)
- Anh Lê Võ Anh Duy - KDL Bình Quới 1:
Cám ơn câu hỏi của bạn và sự trăn trở của bạn cho ngành ẩm thực Việt.
Nhưng theo tôi thì mọi người cũng nên có cái nhìn thoáng hơn và tích cực hơn. Trên thế giới, không phải tất cả các nhà hàng hay quán ăn đường phố đều đạt chuẩn cho dù các thương hiệu món ăn nhanh nổi tiếng.
Vấn đề là cái tâm và chất lượng đi đôi với nhau. Người đầu bếp thổi hồn vào món ăn của mình bởi họ thật sự đam mê về nghề mình chọn. Và món ăn đường phố góp phần giúp món ăn Việt Nam nổi tiếng thế giới. Nói vậy để mọi người hiểu rằng, không phải tất cả mà phụ thuộc vào sự phát triển và nhận thức của xã hội.
Nhiều món ăn Việt đã được công nhận bởi các nước trên thế giới khẳng định về ngon- lành- sạch. Bạn cũng phải công nhận rằng nhiều cá nhân đầu bếp hay thương hiệu nổi tiếng trên thế giới nhờ món ăn Việt.
* Tiêu đề đã được thay đổi bởi BBT website Chiếc Thìa Vàng
Theo Tuổi trẻ