Những gia vị ngon, lạ... trong ẩm thực Việt

Thứ năm, 28/01/2016 09:51
0
0
Với sự khác biệt thổ nhưỡng, thời tiết, vị trí địa lý ở các vùng miền đã tạo nên những gia vị đặc trưng riêng của ẩm thực Việt. Phía Bắc có hạt gỏi, mác mật, mắc khén..., miền Trung có trái sả, hoa tiêu..., miền Nam có gùi, bứa, trái bần...

Tại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015, nhiều loại gia vị được các đầu bếp giới thiệu để góp phần tạo ra các món ăn độc đáo, đặc trưng từng vùng miền.


Tiêu sả


Xuất xứ: Kon Tum, Quảng Ngãi.


Thường thấy ở huyện Kon Plông, các huyện miền núi Đông - Tây Giang. Người dân địa phương thường gọi là tiêu rừng nhưng lại không cay nồng như tiêu sọ. Hạt “tiêu sả” chứa tinh dầu mạnh hơn tiêu Kon Tum.


Tiêu sả

Trái sả có hình dạng như hạt tiêu, nhìn kỹ thấy một lớp lông rất mịn bên ngoài, có hương thơm của tinh dầu sả lẫn với chanh rất mạnh, vị đắng the chứ không cay.

Theo nhiều bà nội trợ giàu kinh nghiệm, với tiêu sả nên giã gia vị này ngay từ đầu. Khi kho các loại cá sông, suối: diếc, chép… nên cho 5-7 hạt vào nồi. Lúc gần tắt bếp mới dầm một nửa các trái vỡ ra. Số còn lại đợi đến khi người ăn ngồi vào mâm, đưa họ cắn suông một vài hạt trước để tận hưởng trọn vẹn hương vị núi rừng đặc trưng của “tiêu sả”.

Trái bần

Xuất xứ: Nam bộ.

Có nhiều loại bần: bần ổi, bần dĩa, bần sẻ… có thể ăn sống với mắm cái cá đồng, cá sông.


Trái bần

Bần sẻ khi vừa chín sực nức hương thơm, vị chua chát… Khi chín mềm, rửa sạch cho vào nước đun sôi trong vòng năm phút, sau đó dầm nát ra lược bỏ ruột và vỏ, lấy bột thịt của trái bần nêm vào nồi lẩu cá bông lau (nước ngọt) hay cá ngát (nước lợ) đều có vị thơm ngon.

Trái bần cũng được chế biến thành mứt, rượu bần xuất khẩu sang châu Âu.

Lá và trái chúc

Xuất xứ: An Giang.

Trái chúc được xem như đặc sản vùng Bảy Núi, An Giang và trồng nhiều ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Cây chúc thuộc giống chanh rừng hay được gọi là chanh số 8 (vì lá có đoạn thắt vào trong như số 8) hoặc chanh Thái. Lá chúc được bán ở chợ Việt kiều Campuchia với tên gọi lá “cà son”. Cây sống ở vùng đồi núi.


Lá và trái chúc

Trái chúc có vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước, chế biến nhiều món ăn như cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc…

Trái chay

Xuất xứ: vùng rừng núi Đông Nam bộ, miền Trung, đồi núi phía Bắc.

Trái chay là loại trái có vị chua nhẹ. Cây chay thân gỗ, cao lớn, vỏ xám, lá màu xanh lục, nhẵn mặt trên. Cây sẽ đơm hoa vào cuối mùa xuân. Quả mọc thành từng chùm nhỏ, mịn màng lông tơ. Đến cuối hè trái chín vàng ươm. Theo kinh nghiệm dân gian miền Trung, nước cốt trái chay chín giúp chữa khỏi một số chứng chảy máu mũi, ho ra máu, đau họng hoặc đau bao tử.


Trái chay

Trái chay khô là liều thuốc quý giúp trẻ con gầy còm ăn uống ngon miệng hay người tóc hoa râm bớt đau lưng, mỏi gối. Trái chay còn xanh, xắt lát mỏng kho với cá đồng sẽ làm miếng thịt cá thơm bùi xen lẫn vị chua thanh nhẹ, ăn hoài không ngán.

Hạt dổi

Xuất xứ: cao nguyên Bắc bộ.

Dổi là loại cây cho bóng mát được trồng nhiều ở Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, các rừng cổ thụ ở Tuyên Quang. Hạt dổi thơm, hơi hăng nồng, được người dân vùng Tây Bắc dùng làm gia vị chế biến trong các món ăn thịt lợn mán, thịt lợn rừng, thịt nướng, sườn nướng, gà nướng, tiết canh, các món dồi…


Hạt dổi

Hạt dổi giã nhỏ trộn với muối chanh thành một loại nước xốt dùng để chấm thịt gà, thịt luộc, ngâm các loại củ quả muối. Hạt dổi cũng chữa đau bụng, đi ngoài, kích thích tiêu hóa rất tốt.

Lá dít

Xuất xứ: Phú Yên.

Lá dít còn được gọi là lá giang rừng, một loài cây mọc dại ở một số nơi thuộc tỉnh Phú Yên. Nhìn như lá trà nhưng nhỏ hơn về kích thước, mặt dưới có màu tím phơn phớt, ngoài chủ vị chua thanh, lá có mùi thơm giống mùi tỏa ra từ múi măng cụt vừa chín tới.


Lá dít

Cây thuộc loại lưỡng tính, không có hạt, chỉ cần giâm cành xuống đất là nảy cây mới. Khi nấu vào nồi lẩu, canh tạo ra vị chua thanh đặc trưng, không làm đổi màu xanh tự nhiên của lá (nếu cho lửa thật to, nếu để lửa nhỏ lá sẽ đen và mất mùi). Vị chua thanh của lá dít không làm mất vị của thịt gà (nếu nấu lẩu gà lá dít). Ngoài ra lá dít còn có thể dùng chung với thịt bò, đà điểu, cá...

Lê Nam
Theo Tuổi Trẻ

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG