Theo chân người nhập
cư, món ăn của mọi miền quê trên cả nước đã có mặt ở đất Sài Gòn. Các đầu bếp tài hoa ở đây lại
biến tấu, sáng tạo món ăn theo gu thực khách, để đặc sản thêm giá trị và đi xa hơn…
Lá cũng làm nên
đặc sản
Đó là món gỏi lá bang,
cá cờ kiếm nướng lá bang của các đầu bếp Royal café (khách sạn Kim Đô), gỏi bạc hà chả cua - gà hỏi
lá (lá nhàu, lá cách, lá sen) của nhà hàng Amor, gà hầm lá cách nước dừa, bò trộn rau mầm của các
đầu bếp khách sạn Majestic…
Món vịt rôti với
hạt ngò, hạt thì là rang
Đầu bếp Lê Văn Tho cùng
các đồng nghiệp thuộc khách sạn Đệ Nhất mạnh dạn chọn lá đặc trưng cho các miền quê làm điểm nhấn
cho thực đơn ba món của mình. Trong đó, món khai vị gỏi gà trộn chuối cây nước mắm, lá giang tưởng
chừng hết sức quen thuộc với những nguyên liệu mộc mạc chốn thôn dã đã được kết hợp một cách đặc
sắc theo phong cách hiện đại, làm cho món ăn đẹp mắt, đầy đủ dinh dưỡng và có tính kháng khuẩn.
Trong khi đó, vịt nướng lá chúc với mật ong, theo như chia sẻ của đầu bếp, là được truyền cảm hứng
từ món gà nướng lá chúc bắt nguồn từ Thất Sơn (An Giang) với một loại lá gia vị độc đáo, vị the có
tinh dầu và mùi thơm đặc biệt.
Ở đây cũng cần nói thêm về loại lá gia vị đặc biệt này. Cây chúc
thuộc họ chanh rừng, lá và trái thường dùng làm gia vị, về tên gọi có người cho rằng vì mọc nhiều ở
vùng Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), nên người ta nói gọn là lá chúc.
Các đầu bếp của khu
du lịch Văn Thánh đã khai thác triệt để sự "linh hoạt" của loại cây này cho thực đơn ba món hấp dẫn
là: tôm càng xông lá chúc, gà nấu trái chúc, chè thạch chúc. Còn các đầu bếp nhà hàng Boulevard
(khách sạn Kim Đô) lại phá cách với món lẩu gà lá chúc nước cốt dừa.
Lá và trái
chúc
Để "khiển" được "tự
nhiên hương" của lá chúc, không dễ. Các đầu bếp khu du lịch Văn Thánh chia sẻ, rằng nếu nêm quá
nhiều lá chúc vào những món khô sẽ gây mùi hăng nồng khó chịu, còn với các món nước thì tinh dầu
của chúc dễ tạo vị đắng.
Để tránh "tổ trác" khi dùng loại gia vị này, với lá cần giảm độ hăng bằng
cách chần sơ qua nước ấm rồi ngâm lại trong nước đá; còn với trái, phải luộc trong nước sôi khoảng
15 phút mới mang chế biến. Món gà nấu trái chúc được đánh giá cao bởi sự hoà quyện của nguyên liệu
là vị ngọt, dai của thịt gà kiến (gốc gác miền Trung), của rau và hoa miền Nam như bông điên điển,
bông súng và tinh dầu hấp dẫn từ loại trái gia vị vùng núi An Giang…
Ngọc thô chờ
tay người mài
Ít ai ngờ những đám lục
bình trôi trên sông có thể chế biến thành món ăn vô cùng ngon miệng, như: gỏi ngó lục bình, dưa
chua ngó lục bình, gỏi hoa lục bình, canh chua ngó lục bình… Khi các đầu bếp của nhà hàng Baby
Spoon mạnh dạn mang gỏi lục bình giới thiệu thực khách, món gỏi nhanh chóng thu hút người thưởng
thức bởi sự giòn tan trong từng cọng ngó, đây lại là món ăn lành.
Những món như cuốn trẹt Tây Sơn,
bún gà Song Thằn (An Thái), bún cá Cà Mau, bánh giá Gò Công… được đầu tư bằng công sức và khả năng
sáng tạo của các đầu bếp cũng thu hút thực khách bởi sợi dây vô hình là "hương vị quê nhà", cùng
những câu chuyện, giai thoại đi kèm...
Gỏi mắm hàu bông
điên điển
Nhiều đầu bếp còn lặn
lội về các miền quê, tìm tới những quán ăn gia truyền. Đầu bếp Nguyễn Dương Đạm (khách sạn
Majestic) về miền Tây học cách nấu món bún nước lèo vốn nổi tiếng tại Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng,
Bạc Liêu.
Có một đầu bếp Việt kiều xa quê hàng chục năm, bên cạnh học hỏi ẩm thực phương Tây vẫn
tích cực sưu tầm, nghiên cứu món ăn Việt, cách khai thác các gia vị từ rau, củ, quả như một bài
thuốc - đầu bếp Jacklee Viễn, nhà hàng The Compass Parkview.
Anh cùng các đầu bếp mang tới cuộc thi
Chiếc thìa vàng một thực đơn và xuất sắc đoạt giải nhì: gỏi trái cây tôm sú, súp hải sản tôm hùm
với lá đinh lăng, bò philê và sốt mãng cầu ăn với rau củ với cơm gạo huyết rồng, bánh creme brulée
với măng cụt với xôi gấc và trái cây thập cẩm. Jacklee Viễn chia sẻ: "Món ăn Việt Nam có sự hấp dẫn
khó tả.
Đặc biệt là những món dân dã, ngay từ gia vị và nguyên liệu đã có sự độc đáo. Giá của các
loại rau củ, quả… lại rất rẻ so với Mỹ hay các nước khác, đó là lợi thế. Điều đó thôi thúc tôi học
hỏi thêm, tìm tòi và giới thiệu những món ăn Việt Nam tới nhiều người hơn".
Tôm càng xông lá
chúc
Chuyên gia ẩm thực Bùi
Thị Sương rất quan tâm tới công sức phát hiện món ngon dân gian của các đầu bếp trẻ. Bởi theo bà,
nhiều món ngon Việt Nam như những viên ngọc thô cần được mài giũa, quảng bá để trở nên hoàn thiện,
có thể thương mại hoá và vươn xa hơn.
Như câu chuyện lá chúc: khi bà cùng đoàn đầu bếp Việt Nam qua
Bỉ dự một ngày hội về ẩm thực đã phát hiện chiếc lá chanh của Thái Lan đã vươn tới những cửa hàng
lớn ở phương Tây, trong khi ở mình nhiều loại gia vị quý vẫn quẩn quanh trong những làng quê vô
danh...
_________________________________
47 đội vào bán kết
Ban
giám khảo chấm phần thi trình bày bàn tiệc của các đầu bếp khách sạn Caravelle
Cuộc
thi Chiếc thìa vàng 2014 với chủ đề "Hương vị quê nhà thời hội nhập" khởi tranh từ ngày 21/5 đã
trải qua 10 chặng thi, thu hút sự tham gia của 160 nhà hàng lớn nhỏ thuộc 40 tỉnh thành, giới thiệu
hơn 330 món ăn từ dân dã lẫn sáng tạo mới trong kho tàng ẩm thực Việt để đưa vào Bản đồ ẩm thực
Việt Nam.
tổ chức đã chọn được 47 đội lọt vào vòng bán kết. Dự kiến vòng bán kết khu vực phía
Bắc của Chiếc thìa vàng năm 2014 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 5/11; vòng bán kết khu vực miền Nam
sẽ diễn ra vào ngày 19/11.
Cuộc
thi Chiếc thìa vàng 2014 do nhãn hàng Ly's Horeca dành cho nhà hàng khách sạn của công ty Minh Long
I tài trợ và tổ chức. Hai đơn vị bảo trợ là tổng cục Du lịch Việt Nam và phòng Thương mại và công
nghiệp Việt Nam (VCCI). Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi năm nay lên đến hơn 3 tỷ đồng, bao
gồm giải vô địch trị giá 1 tỷ đồng cùng các giải phụ và các giải cho từng vòng, từng khu vực. Chung
kết cuộc thi sẽ diễn ra tại Bình Dương ngày 10/12/2014.
Theo Nguyên Trang
Thế giới tiếp thị