Ít ai biết rằng, trước khi đạt được thành công như hiện tại, Gordon Ramsay đã từng phải trải qua nhiều căng thẳng cả về thể xác và tinh thần.
... Tất cả đã biến một cậu bé từng đam mê bóng đá đến mức suýt mất mạng trở thành một trong những huyền thoại đầu bếp thế giới.
Đối với những người quan tâm đến ẩm thực, chắc hẳn không ai là không biết tới chương trình truyền hình thực tế MasterChef (Vua đầu bếp) đình đám, nơi được coi là “lò đào tạo” không ít đầu bếp tài năng cho ẩm thực thế giới. Nếu nói đến MasterChef mà không nhắc đến huyền thoại đầu bếp thế giới Gordon Ramsay quả là một thiếu sót lớn.
Gordon Ramsay là một vị bếp trưởng tài năng, một trong những gương mặt quen thuộc và ăn khách nhất của các chương trình truyền hình ẩm thực, thành công và sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng cùng hàng loạt giải thưởng danh giá…
Tuy nhiên, người ta không chỉ biết đến Gordon Ramsay với những thành tích “khủng” đó mà còn nể phục bởi nỗ lực không ngừng vượt qua quá khứ đầy khó khăn, tình yêu mãnh liệt dành cho những món ăn là nguồn cảm hứng ẩm thực đặc biệt cho những người đam mê nghề bếp.
Ramsay từng chia sẻ cuộc sống tuổi thơ của ông không mấy suôn sẻ với người cha suốt ngày say xỉn, bạo lực, cảnh sống nay đây mai đó khiến chàng trai này buộc phải tách ra sống tự lập từ năm 16 tuổi.
Sinh ngày 08/11/1966 tại Scotland, Gordon Ramsay là con thứ hai trong một gia đình có 4 anh chị em, cha và mẹ đều là những công nhân, y tá bình thường. Xuất thân từ một gia đình không có truyền thống ẩm thực, và không may mắn thay, cha ông lại là một người “lăng nhăng, nghiện rượu”, thường xuyên đánh đập vợ, bỏ bê vợ con, những phút giây vui vẻ hạnh phúc dường như là một thứ vô cùng xa xỉ với Ramsay.
Ramsay từng chia sẻ cuộc sống tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày “lưu động trong vô vọng”, cả gia đình thường xuyên phải di chuyển chỗ ở liên tục, khiến cho mọi thứ đều bị đảo lộn ngay khi vừa mới kịp làm quen. Không chịu được cuộc sống đó, cậu bé đáng thương ngày ấy đã chuyển ra khỏi nhà, sống độc lập và tự lo cho mình khi chỉ mới 16 tuổi.
Cậu bé Ramsay trong lần đầu tiên được khoác trên mình bộ đồ đầu bếp cho đến khi trở thành một chàng thanh niên đầy nghị lực.
Ít ai biết rằng, thứ duy nhất giúp Ramsay vượt qua được những ngày tháng tăm tối đó và cũng là đam mê từ nhỏ của ông đó chính là bóng đá. Năm 12 tuổi, Ramsay từng được chọn vào đội tuyển U14 Warwickshire và sau đó là đội Rangers, cậu bé mê bóng đá ngày ấy đã từng được kỳ vọng làm nên kỳ tích nếu xuất hiện trong tuyển thủ bóng đá quốc gia.
Tuy nhiên, sự nghiệp cầu thủ dường như đã không mỉm cười với Ramsay khi ông gặp hàng loạt chấn thương liên tiếp đến mức sau này khi nhìn lại ông phải thốt lên rằng: “Tôi có thể đã mất mạng khi đến với bóng đá”. Chấn thương nặng khiến Ramsay bắt buộc phải giã từ sân cỏ, vụt mất cơ hội trở thành cầu thủ sáng giá.
Huyền thoại ẩm thực Gordon Ramsay, cũng là người đồng sáng lập chương trình MasterChef - Vua đầu bếp.
Tuy nhiên, đây cũng chính là lúc chàng thanh niên trẻ tìm được niềm đam mê mới, thứ mà sau này đã gắn bó với ông như một mối lương duyên và đưa ông tới những thành công ngoài sức tưởng tượng, đó chính là ẩm thực.
Niềm đam mê nấu nướng đến với Ramsay một cách vô cùng tự nhiên và cứ thế được hình thành trong ông. Lúc này, chàng trai trẻ quyết định dành toàn bộ tâm huyết, sức lực và thời gian đi học nấu ăn, theo đuổi ước mơ mở chuỗi nhà hàng của riêng mình trong tương lai.
Vì thế, năm 19 tuổi, ông thi vào ngành Quản trị khách sạn của Đại học Kỹ thuật Bắc Oxfordshire và theo học, tích lũy kiến thức về ẩm thực.
Gordon Ramsay đã mất nhiều năm học tập, luyện tập và tích lũy những kinh nghiệm ông có được qua trường lớp, những người đi trước hay qua những tháng ngày là việc tại nhiều nhà hàng lớn nhỏ.
Từ cuối những năm 1980, ông tích cực làm việc tại nhiều nhà hàng lớn nhỏ khác nhau, không ngừng cố gắng thể hiện khả năng của mình cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước.
May mắn dần mỉm cười với Ramsay khi ông gặp được “bố già của nền ẩm thực đương đại” Marco Pierri White tại London. Đầu bếp Marco khi ấy chính là người truyền cảm hứng, đam mê nghề bếp thực thụ cho Gordon Ramsay, dạy cho ông nhiều bài học đắt giá về ẩm thực.
Sau 2 năm, Ramsay tới làm việc tại khu nghỉ dưỡng Hotel Diva trên dãy núi Alps nước Pháp cùng đầu bếp Robert Roux, và quyết định dành thời gian học cách nấu món Pháp với niềm khát khao cháy bỏng vươn xa hơn trên con đường nghề bếp.
Trong vòng 3 năm làm việc tại đây, Ramsay đã thực sự khổ luyện và thử thách rất nhiều, thậm chí ông từng bị căng thẳng cả về thần kinh và thể chất vì luyện tập quá nhiều.
Khi quay trở lại London, Ramsay nhanh chóng nhận được lời mời làm bếp trưởng từ nhiều nhà hàng lớn, nhận được ngôi sao danh giá Michelin.
Khi về lại London, Ramsay được mời làm Bếp trưởng nhà hàng La Tante Claire, sau đó là Bếp trưởng nhà hàng Rossmore. Chỉ sau 14 tháng từ khi trở thành Bếp trưởng, nhà hàng này đã được đổi tên thành Aubergine và có ngôi sao Michelin danh giá đầu tiên, tiếp đó, ông nhận ngôi sao Michelin lần hai. Năm 1998, ông hiện thực hóa ước mơ của mình, tự mở một nhà hàng mang tên mình tại Chelsea. Năm 2001, ông trở thành Đầu bếp Scotland đầu tiên nhận ngôi sao danh giá Michelin lần thứ 3.
Trong những năm tiếp theo, Gordon Ramsay liên tục “ẵm” về nhiều giải thưởng lớn, ông trở thành người thứ ba đã giành được ba giải thưởng lớn nhất của ngành công nghiệp khách sạn Vương quốc Anh, giải Đầu bếp mới của năm (1995) và Đầu bếp của năm (2000). Ông cũng được xem là người có ảnh hưởng nhất trong ngành khách sạn Vương quốc Anh trong danh sách thường niên 100 Caterersearch.
Hiện tại bếp trưởng Ramsay sở hữu chuỗi 33 nhà hàng mang tên mình, trở thành gương mặt quen thuộc trong nhiều chương trình ẩm thực, ông còn rất thành công trong lĩnh vực viết lách.
Tính đến thời điểm hiện tại, Ramsay đã nắm giữ trong tay 14 ngôi sao Michelin – con số trong mơ của rất nhiều đầu bếp thế giới, sở hữu chuỗi 33 nhà hàng với thu nhập khoảng 60 triệu đô la Mỹ/ năm. Không chỉ thành công ở lĩnh vực nấu ăn và kinh doanh nhà hàng, Gordon Ramsay còn viết sách, là gương mặt ăn khách nhất của các chương trình truyền hình ẩm thực đình đám và là người đồng sáng lập ra chương trình MasterChef nổi tiếng.
Người ta chỉ biết tới mối duyên của Gordon Ramsay đối với ẩm thực Việt khi theo dõi cuộc thi MasterChef - Vua đầu bếp Mỹ 2013, trong đề bài dành cho top 5 đó là những món ăn yêu thích nhất của các vị giám khảo.
Đối với riêng bếp trưởng Gordon Ramsay, một trong ba giám khảo nổi tiếng “khó tính” và “quái tính” của chương trình, ông bất ngờ lựa chọn hủ tiếu Việt Nam là món ăn tuyệt vời nhất mà ông từng được thử và yêu cầu các thí sinh thưc hiện.
Bếp trưởng lừng danh Ramsay trong chuyến đi tới Việt Nam, ngồi trên con ghe nhỏ thưởng thức món hủ tiếu Việt mà ông vô cùng yêu thích.
Ramsay chia sẻ: “Đây là một trong những món ăn tuyệt vời nhất mà tôi từng được ăn. Cách nấu khá kỳ công, tỉ mỉ” và không quên nhắn nhủ tới các thí sinh: “Vì đây là món mà tôi rất yêu thích, xin đừng để tôi phải thất vọng”.
Không chỉ hủ tiếu Việt, một số món ăn khác và ẩm thực Việt Nam cũng đã từng được xuất hiện trong chương trình truyền hình “Gordon’s Great Escape” (Cuộc đào tẩu vĩ đại của Gordon) khi ông cùng đoàn phim khám phá hai nền ẩm thực mà ông cho là lớn và đặc biệt của Châu Á.
Tình yêu của Ramsay dành cho ẩm thực Việt đặt trọn trong món hủ tiếu Việt được ông đem tới cả chương trình MasterChef - Vua đầu bếp năm 2013 trong đề bài dành cho top 5 thí sinh.
Nói về sức ảnh hưởng của đầu bếp Gordon Ramsay với những tín đồ ẩm thực nói chung và người Scotland nói riêng, không ít người ưu ái gọi ông là “ông hoàng trong làng ẩm thực thế giới” hay coi ông như “nguồn cảm hứng bất tận” để nỗ lực cho ước mơ nghề bếp.
Những nỗ lực vượt qua quá khứ khó khăn, đam mê bất tận với ẩm thực, kiên trì theo đuổi, học hỏi kinh nghiệm, không ngần ngại thử sức mình ở những lĩnh vực “hóc búa”… Gordon Ramsay còn khiến thế giới nể phục bởi khả năng kiếm tiền “bậc thầy” của ông.
Gordon Ramsay còn nổi tiếng là một người cha tuyệt vời với cách dạy con "khác người" nhưng khiến bao người phải ngưỡng mộ.
Là một người không có tuổi thơ trọn vẹn, vì vậy Ramsay luôn muốn các con của mình nhận được sự giáo dục tốt đẹp hơn bao giờ hết, ông nổi tiếng với cách dạy con được cho là “không giống ai” nhưng khiến hàng nghìn người ngưỡng mộ.
Ông khuyến khích các con làm việc vì đam mê chứ không phải tiền bạc và danh vọng, ông phản đối kịch liệt việc các con muốn vào bếp chỉ vì có một người cha tài giỏi ở đó. Mặc dù Gordon Ramsay không dạy các con trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp, ông cho rằng việc nấu ăn là rất quan trọng đối với bản thân chúng và dạy con những bài học nấu ăn cơ bản từ khi còn nhỏ.
Không thể phủ nhận, bếp trưởng tài năng Gordon Ramsay luôn mang đến cảm hứng mới mẻ cho những đầu bếp hiện đại.
Nổi tiếng với danh hiệu đầu bếp có tính khi nóng nảy và đôi khi hơi “quái”, tuy nhiên tính cách này của Ramsay cùng cách quản lý “khác người” lại mang đến cảm hứng mới cho những đầu bếp hiện đại, tạo sức ép liên tục khiến cho họ phải nỗ lực hết mình để giành lấy giải thưởng danh giá, bước đến thành công như ông đã đạt được.
Theo Khám phá