Với các món ăn mạo hiểm, biến tấu từ hai loại gia vị mới lạ, các đầu bếp Nhà hàng Thắng Lợi 1 đã xuất sắc đoạt giải nhất vòng sơ tuyển cụm ĐBSCL.
Các đầu bếp đất phương Nam giới thiệu nhiều loại cây trái gia vị mới lạ tại cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016. Ảnh: Trung Dũng
Gần 30 đầu bếp khu vực đồng
bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nhanh nhẹn khuấy động dao thớt - tranh tài sôi nổi
tại vòng sơ tuyển cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2016 chiều ngày 07.6 tại nhà thi đấu
Nguyễn Du (TP.HCM).
Cụm thi này có sự góp mặt của 09 đội thi, đến từ các tỉnh/thành,
gồm: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long. Các đầu bếp phương
Nam khá phấn chấn với những thách thức, cơ hội và những nét mới của cuộc thi,
khi đây là những đội đầu tiên hoàn tất đầy đủ hồ sơ gửi về đăng ký. Thực đơn của
họ cũng được đầu tư khá ấn tượng, với những món ăn được chọn lọc, nghiên cứu kỹ
lưỡng từ sản vật đồng bằng. An Giang có đội hình hùng hậu góp mặt ở vòng thi
này, khi có tới ba đại diện với các món ăn đặc trưng vùng Bảy Núi. Sóc Trăng là
nhân tố mới của cuộc thi, với một đại diện nhưng cũng không chịu kém cạnh, với
thực đơn các món ăn có tên gọi ấn tượng, gồm: chả giò Mahutup, mắm còng - cá tra bần ăn kèm rau sống bánh tráng, gà tiềm
trái dừa, chè bách niên. Cần Thơ góp mặt hai đại diện: Quán ăn sân vườn
Nhi – là đội thi đã xuất sắc lọt vào vòng bán kết của mùa thi trước, và Nhà
hàng tiệc cưới Tuấn Phát. Vĩnh Long cũng có một đại diện, với tên gọi ấn tượng:
Nhà hàng King Game. Cũng có một đội tham dự, nhưng đại diện của Kiên Giang là đội
đã từng đoạt giải nhất vòng sơ tuyển mùa thi trước: La Veranda Resort Phú Quốc.
Và cuộc tranh tài của các đầu bếp phương Nam đã diễn ra sôi nổi và hấp dẫn.
Hoa và trái ô môi
Tín hiệu khả quan là đã xuất hiện thêm
nhiều loại gia vị mới lạ trong hành trình khám phá gia vị Việt Nam của cuộc thi
Chiếc Thìa Vàng. Chẳng hạn, cây và trái ô môi khá quen thuộc với dân gốc Nam
bộ, độ tuổi U.40 trở lên. Trước đây, chưa thấy gia vị ô môi trong bàn tiệc miền
Nam. Nay, tại bàn tiệc sang trọng Chiếc Thìa Vàng, nhiều món bỗng duyên dáng,
thướt tha hơn nhờ sốt và rượu ô môi.
Mặc dù nhóm của đầu bếp Trần Quốc Trí
(Nhà hàng Thắng Lợi 1, An Giang) đã đi đấu Chiếc Thìa Vàng đến mùa thứ ba mà có
người vẫn còn run. Cũng phát huy tinh thần của mùa thi trước là thể nghiệm sự
phá cách món ăn bằng gia vị lạ địa phương, họ giới thiệu món ăn sườn heo nấu rượu sốt ô môi ăn kèm
bánh mì. Trong quá trình chế biến, hương vị từ loại trái này, đặc biệt là
thứ rượu ngâm ô môi 40 ngày đã khiến ban giám khảo thích thú. “Lúc các bạn chế
biến, tôi ngửi được sốt ô môi rất thơm, rất thú vị”, ông Lý Huy Sáng, phó ban
tổ chức, giám khảo khách mời, chia sẻ. Tuy được khen nhưng các đầu bếp cũng khá
hồi hộp vì thể nghiệm này mới, không biết khi thành món có được như những lần
nấu thử, và liệu có hợp với khẩu vị ban giám khảo hay không?! Cả ba thành viên
của đội thở phào khi chuyên gia ẩm thực, giám khảo chuyên môn Quách Thiên Tường
đáng giá cao tinh thần mạo hiểm để khám phá cái mới cho món ăn của họ: “Đưa ô
môi vào món ăn là các bạn rất dũng cảm!”.
Cũng đánh giá cao tâm huyết của ba đầu
bếp đến từ An Giang, nhưng ông Sáng tinh tế phát hiện, có thể do phối với gia
vị mới nên các đầu bếp chưa phối chúng hòa quyện với nhau đạt đến độ
tuyệt vời: “Vị ô môi còn mỏng, không đủ để thấm vào miến sườn heo, chưa tôn lên
vị đặc trưng”. Ông Sáng cũng góp ý các đầu bếp tính toán và nghiên cứu công
thức, thành phần để việc phối kết món ăn những lần sau đạt kết quả tốt hơn.
Trong khi đó, bà Triệu Thị Chơi lại
ngợi khen các món tôm
hấp lá dúi và chè hương bưởi của
đội này. Bà Chơi nói thêm về loại gia vị lạ mà người địa phương quen gọi lá lá
dúi: “Nó có hương chứ chưa rõ vị. Nhưng bản chất lá này là vậy”.
Đầu bếp Võ Kim Sang (Nhà hàng Thắng Lợi 1) làm món tôm hấp lá dúi. Ảnh: Trung Dũng
Đầu bếp Quốc Trí cho biết, dây lá dúi
thường thấy mọc hoang theo hàng rào, vườn tạp ở An Giang quê anh. Lá nó hình
trái tim, màu xanh lam từa tựa như lá bìm bát dây. “Nhựa nó thoảng thơm mùi sữa
tươi và có vị hơi beo béo”. Kinh nghiệm dân gian vùng quê Quốc Trí, sử dụng lá
và dây dúi như một bài thuốc lợi tiểu, giải độc. Bằng cách, họ phơi khô chúng
đem sắc uống hoặc bứt lấy lá với đọt non đem luộc chấm kèm với nhiều thức chấm
thông thường: nước mắm tỏi ớt, nước cá hoặc thịt kho…
Siêu đầu bếp David Thái chia sẻ, ngoại
trừ cần rút kinh nghiệm trình bày, sao cho đẹp mắt hơn, thì món tôm lá dúi của
các đầu bếp ăn ngon: "Tôi cảm nhận được mùi sữa tươi nhờ lá dúi trong món
tôm. Còn sốt ô môi đúng là lạ".
Theo đánh giá của Ban giám khảo, lỗi
chung mà nhiều đội thường mắc phải của cụm thi này, là một số nguyên liệu theo
món còn rời rạc, không theo sát thực đơn. Nhưng theo đánh giá chung, như nhật
xét của giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương, về tổng quan, các đội miền Tây năm
nay đã tiến bộ đáng kể. Một số đội đã mày mò, kết hợp các gia vị nên thuốc như
sâm đất, màng mề gà… “Cả chín đội đều trình bày bàn tiệc tinh gọn, đẹp hơn năm
rồi thấy rõ”, nữ nghệ nhân ẩm thực nói.
Cặp đôi gia vị mới giúp Nhà hàng Thắng Lợi 1 đoạt giải nhất
Đánh giá theo những những tiêu chí vượt trội về thao
tác sắp xếp khu vực bếp, cơ cấu thực đơn và chất lượng món ăn cũng như tinh thần
sáng tạo trong việc tăng giá trị món ăn bằng gia vị mới lạ, bổ dưỡng..., Ban giám
khảo đã thống nhất trao bốn tấm vé đầu tiên vào vòng bán kết cho các đầu bếp cụm
ĐBSCL. Theo đó, Nhà hàng Thắng Lợi 1 (An Giang) đoạt giải nhất, phần thưởng 40
triệu đồng; 03 giải nhì, trị giá 30 triệu đồng/giải trao cho: Quán Nhi (Cần
Thơ), Laveranda Resort Phú Quốc (Kiên Giang), NH KS Hòa Bình 1 (An Giang).
Tấn Trung
(Theo Người Đô Thị)