Những món ăn đường phố tại Triều Tiên đã phần nào phản ánh cách người dân nước này “ló cái khôn” khi cái khó là cấm vận ập đến với họ.
Tận dụng phần bã còn thừa trong quá trình sản xuất dầu đậu nành, nghiền chúng thành bột nhão màu nâu, cho thêm gạo và rưới tương ớt, vậy là món Injogogi (thịt nhân tạo) phổ biến tại Triều Tiên ra đời.
Món Injogogi.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), trong nhiều năm qua, Injogogi chính là bí quyết tồn tại ở Triều Tiên. Đó là món ăn đường phố được bán tại các khu chợ có tên Jangmadang. Những người Triều Tiên đào tẩu cho biết việc Injogogi và những món ăn khác ra đời đã giúp quốc gia này vượt qua nhiều năm tách biệt và bị áp đặt lệnh cấm vận.
Seokdujeon (bánh tốc độ) là một trong những món ăn vặt nổi tiếng tại những khu chợ ở Triều Tiên. Seokdujeon được làm từ bột ngô trộn với nước.
Trong thời kỳ khó khăn sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Triều Tiên đã phải đối mặt với nạn đói. Từ đó, người dân Triều Tiên bắt đầu nảy ra các sáng kiến, hình thành “giao thương” giữa người với người để đáp ứng những nhu cầu cá nhân về thực phẩm và quần áo.
Dububab (gạo đậu phụ) gồm cơm nhồi đậu phụ và tương ớt.
Triều Tiên cho biết, 70% dân số nước này sử dụng hệ thống cung cấp thực phẩm của trung ương. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 70% dân số Triều Tiên nằm trong nhóm “thiếu an toàn về lương thực”. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thuộc Liên Hợp Quốc đánh giá hệ thống cung cấp thực phẩm này chưa cung cấp khẩu phần kịp với mục tiêu của chính phủ Triều Tiên.
Sundae, món dồi làm từ tiết lợn, gạo và rau.
Theo ngân hàng trung ương Hàn Quốc, năm 2016 kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 3,9%, cao nhất trong 17 năm qua nhờ cải cách thị trường, giao thương với Trung Quốc và khai thác mỏ. Những công dân Triều Tiên đào tẩu khẳng định nguồn cung cấp thực phẩm trong những năm qua tại nước này đã được cải thiện.
Tuy nhiên, WFP cho biết so với Hàn Quốc, người dân Triều Tiên vẫn thiếu dinh dưỡng hơn. Theo nghiên cứu năm 2009, trẻ em đang học mầm non tại Triều Tiên có chiều cao thấp hơn 13cm và nhẹ hơn 7kg so với các bạn đồng lứa ở Hàn Quốc.
Alsatang là một món ngọt mà thành phần có cả đường và dấm. Alsatang thường được tặng cho học sinh trong các dịp đặc biệt như ngày 15/4 - kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Kongsatang (kẹo đậu) là đậu rang phủ đường. Vì đường tại Triều Tiên khá hiếm nên người dân nước này thường tận dụng chất làm ngọt chế biến từ nho.
“Bánh ngón tay” được làm từ bột, đường, men nở và nước. Phần vỏ cứng nhưng nhân bánh khá mềm.
Theo Viet Times