Món khâu nhục - Ảnh: Vũ Viết Tuân
Trong số đó, món khâu nhục ăn kèm xôi ngũ sắc do đội thi đến từ khu du lịch Thái Hải (Định Hóa, Thái Nguyên) giành được nhiều chú ý.
Lý giải cho cái tên, đội trưởng Vũ Lan Anh tiết lộ: “Món này phải qua rất nhiều công đoạn chế biến tỉ mỉ, qua mỡ sôi, lửa nóng, nước lạnh rồi lại hấp trong hơi nước vài giờ đến khi mềm nhũn ra.
Chính vì được “tôi luyện” qua nhiều thử thách khắc nghiệt như vậy nên món ăn này có người nói đùa là món khổ nhục, nhưng đồng bào Tày, Thái ở vùng Tây Bắc thường gọi tên theo tiếng địa phương là khâu nhục”.
Có một giải thích rằng khâu là hấp cách thủy cho mềm nhũn ra, còn nhục là thịt. Khâu nhục là hấp thịt cho mềm nhũn ra.
Thịt lợn được chọn là thịt ba chỉ thơm ngon, sau khi rửa sạch dùng kim nhọn châm nhiều lỗ nhỏ vào miếng thịt rồi ướp bằng nước thảo quả, măng khô, nấm hương, củ địa liền, rễ cỏ gianh, một chút gừng.
Đầu bếp Lan Anh cho biết việc ướp bằng thảo quả và cây cỏ như vậy sẽ tạo độ ngọt lành, thơm tự nhiên cho món ăn mà không phải sử dụng mì chính hay bột nêm.
Thịt ướp xong được chiên giòn rồi vớt ra, ngâm trong nước lạnh đến khi mềm trở lại để khía thành từng miếng nhỏ cho gia vị vào giữa thớ thịt.
Món khâu nhục chỉ ngon khi hấp cách thủy trong chiếc chõ bằng gỗ, từ 4-6 giờ theo truyền thống của người dân Tây Bắc, gia vị sẽ thẩm thấu sâu vào trong từng thớ thịt được ướp.
Ngày nay cách làm có khác đi, sau khi vớt thịt từ chảo dầu sôi, đầu bếp có thể nhúng bằng nước bia sẽ làm thịt nhanh mềm và rút ngắn thời gian hấp cách thủy hơn.
Theo truyền thống của dân tộc Tày, món khâu nhục thường được làm vào những dịp cưới hỏi hay những ngày tết truyền thống, thường ăn kèm với món xôi ngũ sắc. Khi ăn, khâu nhục mềm nhũn sẽ hòa quyện cùng xôi ngũ sắc dẻo chắc.
“Nếu được ăn cùng món nộm hoa chuối rừng nữa thì sẽ tạo thành ba món ăn đặc trưng của núi rừng Tây Bắc mà không nơi nào có được” - đầu bếp Vũ Lan Anh chia sẻ.
Xôi ngũ sắc - Ảnh: Vũ Viết Tuân
Xôi ngũ sắc làm từ gạo nếp Định Hóa, Thái Nguyên thơm dẻo, đặc biệt
màu sắc của xôi được làm hoàn toàn bằng hương liệu tự nhiên nên còn được
gọi là món xôi ngũ hành.
Xôi tượng trưng sự hài hòa của vạn vật, mang lại may mắn, sức
khỏe: màu xanh (mộc) từ nước lá cẩm tím trộn cùng một ít tro rơm nếp,
màu vàng (thổ) từ nước nghệ, màu tím (thủy) của lá cẩm tím, màu đỏ (hỏa)
của lá cẩm đỏ và một ít rượu, màu trắng (kim) là màu nguyên bản của gạo
nếp.
Điều đặc biệt là năm màu gạo khi hấp cách thủy chung trong một chõ gỗ không hề bị phai màu hay lẫn màu.
|
Theo Vũ Viết Tuân
Tuổi trẻ