Một đồng nghiệp ở báo Lào Cai cho biết, riêng tỉnh này có khoảng 20
dân tộc anh em sinh sống như: Mông, Dao, Tày, Giáy, Phù Lá… Và mỗi dân tộc có ít nhất một đặc sản.
Chưa kể món ngon vật lạ của các tỉnh lân cận như chè Thái Nguyên, khô trâu gác bếp Tuyên Quang… Còn
sung sướng nào bằng!
Phở trộn chộn rộn chợ phiên
Các giám khảo nghĩ gì?
Ông Đặng Đình Sáu, Hiệp Hội du lịch Sa pa: "Tôi thấy đây là một ngày hội lớn và ban tổ chức có bề dày kinh nghiệm, nên mọi hoạt động đều trôi chảy. Các món ăn cơ bản đã đại diện cho ẩm thực Tây Bắc như: lợn bản, thắng cố, khâu nhục…"
Bạn Đỗ Thị Hương, sinh viên năm cuối ngành kế toán, trường cao đẳng Cộng Đồng Lào Cai: "Đây là lần đầu tôi tham dự một ngày hội có nhiều món đặc sản như thế này. Tôi thích nhất món cơm gạo Séng-cù chấm với muối vừng". Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương: "Rất hay! Có nhiều món ngon đặc trưng cho vùng miền. Tôi mê món xôi 4 màu".
|
Chợ phiên ở thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nhộn nhịp vào chủ nhật
mỗi tuần. Tiếng heo cắp nách kêu eng éc, tiếng trẻ con người Mông khóc thét vì bị… cắt tóc, lẫn
những bước chân thậm thịch, cùng gương mặt háo hức của các cặp vợ chồng, trẻ con vùng cao tạo nên
những sắc thái khó phai.
Nhiều người tranh thủ bán con gà, mớ măng le… để có tiền đi ăn phở
chua (phở trộn). Món này khá lạ miệng. Đó là sự giao hoà của: tương hột cùng ớt lát với ít nước cốt
chanh chua thơm, mớ rau mùi nho nhỏ mà khá thơm (dấp cá, húng lủi), nhúm sợi thịt heo chắc ngọt,
xen lẫn những hạt đậu phộng nhỏ mà chắc giòn…
Tất cả, phối trộn nên hương vị chua cay, ngọt bùi
thật hấp dẫn. Cọng bánh phở được làm từ gạo nương (gạo ma làng) thật dẻo ngọt. Anh bạn thổ địa,
bình chọn quán Hà Vinh ở đây nấu món này ngon và vệ sinh nhất. Bạn "chí cốt" của gạo nương là nếp
nương, nguyên liệu chính làm nên món xôi 5 - 7 màu thật đẹp mắt và ngon miệng.
Xôi lành, gạo thơm
Theo ông Hà Mèo, 61 tuổi, ở thôn Tả Van Dãy, xã Tả Van, huyện Sa
Pa, tỉnh Lào Cai, màu để nhuộm xôi toàn lấy từ hoa lá rừng loại ăn được. Trong đó, nhiều loại ông
không biết tên nhưng có lợi cho sức khoẻ.
Ví dụ như màu vàng được lấy từ hoa của một giống cây thân
thảo mọc trên núi, không biết cây gì. Đồng bào thường hái nó về nấu nước uống cho mát gan, giải
nhiệt. Còn màu tím được nhuộm từ lá "cơm tím" và màu đỏ tươi thì từ trái gấc.
Gạo nếp nương (trồng sáu tháng mới thu hoạch) vùng Bản Hồ của Sa Pa
hay Điện Biên đều thon dài, ráo dẻo. Đem đồ (hấp) xôi thì không chê vào đâu được. Càng vò, cục xôi
càng dẻo mịn nhưng không hề dính tay, chấm với muối vừng (mè) nghe càng ngọt bùi.
Sang hơn thì ăn cùng thịt ba rọi (ba chỉ) heo Mông nướng riềng mẻ
thêm thơm ngào ngạt. Phần mỡ heo trắng tươi, béo ngọt chứ không tanh như heo công nghiệp. "Rau cải
Mèo xào với mỡ heo này mới tuyệt vời!", ông Hà Mèo chia sẻ.
12 đặc sản từ 5 tỉnh/thành (Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên) tham dự ngày Hội ẩm thực cao nguyên Bắc bộ, chủ đề Hương vị quê nhà: Gà mò hấp cải bẹ xanh, xôi 4 màu, chè hạt dẻ, cốn sủi, cá tầm Sa Pa nướng tiêu xanh, cơm gạo nương, thịt heo cắp nách nướng thảo quả + cơm lam, nem cá hồi Sa Pa, cá hồi cuộn susu nướng, thắng cố, khâu nhục, chè xanh.
Thế nhưng, kết quả bình chọn thật bất ngờ: giải 1: món cốn sủi, giải 2: gà mò hấp cải bẹ xanh, giải 3: khâu nhục. |
Theo ông này, thịt heo Mông (heo đen) thơm ngon do ăn toàn cám bắp, rau (chuối, lang, cải, rau rừng các loại). Mặc dù được nuôi nhốt, song thịt nó vẫn chắc thơm, 6 -
7 tháng tuổi nặng khoảng 50 - 60kg/con.
Còn heo cắp nách thì "bụi đời" hơn. Chúng được người nuôi thả rong
ngoài vườn, rẫy, tự đào, nhủi tìm thức ăn. Heo 6 - 7 tháng tuổi, nặng khoảng 8 - 12kg/con, khoảng 24
- 25 người ăn. Một số dân sành ăn Lào Cai, thích cặp miếng lòng hoặc dồi hay nạc lưng heo cắp nách
với lá nhọi.
Đây là lá một loại cây hoang dại mọc ven sông, suối cho vị chát và hơi chua, giúp lâu
ớn ngán. Riêng phần xương heo mang hầm cùng bí đao non, ăn cùng cơm gạo nương "Séng-cù" thì quên
thôi. Hạt cơm gạo đặc sản này nhỏ nhắn, khá dẻo, thơm và ráo.
Tuy nhiên đó chỉ là một số món biểu trưng cho ẩm thực vùng cao Bắc
bộ, trong ngày hội ẩm thực với chủ đề Hương vị quê nhà, do ban tổ chức cuộc thi Chiếc thìa vàng
thực hiện, tại khách sạn Swiss-Bel 48 Nguyễn Huệ, TP. Lào Cai, ngày 9/9/2014.
Có tất cả 12 món, do
bảy đơn vị chế biến. Quan trọng và bất ngờ hơn, hơn 100 đại biểu khách mời gồm: doanh nhân, tiểu
thương, sinh viên… sẽ cùng nhau thưởng thức và bỏ phiếu bình chọn ra ba món đạt giải cao. Trị giá
mỗi giải là 5 triệu đồng.
Các đội tất bật chế biến món ngon tham dự ngày hội
Món khâu nhục của khách sạn Biển Mây Sa Pa, đạt giải 3
Gạo nương tạo nên hương vị riêng cho món phở chua (phở trộn)
Theo Tấn Tới - Phi Nguyễn
Thế giới tiếp thị