Dân gian vẫn truyền nhau câu chuyện về vua Lý Thánh Tông khi đi đánh trận, hoàng hậu thương
nhớ đức vua vất vả, hiểm nguy nơi sa trường đã tự tay làm bánh gửi cho chồng. Đức vua ăn miếng
bánh, trong dạ xúc động, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng mà đặt tên bánh là Phu Thê.
Nhưng cũng có câu chuyện khác. Tên bánh Phu Thê gắn liền với câu chuyện về vợ chồng người lái buôn.
Một chuyến người chồng phải đi buôn xa, người vợ quyến luyến nước mắt ngắn dài, nói với chồng lòng
nàng luôn sắt son, ngọt ngào, chung thủy đợi chồng trở về.
Ngờ đâu, chồng lạc bước, say đắm hương sắc mới. Vợ ở nhà hay tin, buồn bã, gói bánh cột thành
đôi chiếc, gởi bạn buôn mang đến cho chồng kèm theo lời nhắn: "Từ ngày chàng bước xuống ghe/ Sóng
bao nhiêu đợt lòng nghe nặng sầu". Chồng ăn bánh, rưng rưng nước mắt, xuôi thuyền trở về cố hương
gặp lại vợ hiền. Bánh ấy dân gian gọi tên là bánh Phu Thê.
Người ta còn đem bánh Phu Thê vào tiệc cưới như một lời chúc phúc đôi vợ chồng trẻ sống với nhau
thủy chung đến răng long đầu bạc.
Người Đình Bảng (quê hương của đôi bánh Phu Thê) lại lưu truyền một câu chuyện khác. Tương
truyền đời vua Lý Thánh Tông, ngài cùng nguyên phi Ỷ Lan về thăm Đình Bảng (cũng là nơi sinh ra
nguyên phi Ỷ Lan). Người dân dâng vua bánh xu xê. Đức vua thưởng thức, khen bánh ngon, hỏi bánh
ngon thế này thì được ăn vào những dịp nào? Những ai được ăn? Dân làng thưa: Bánh được làm để cúng
tổ tiên vào dịp tết và lễ hội, sau đó mọi người sẽ cùng thụ lộc. Bánh chỉ được dùng cho những người
cao quý, có chức sắc.
Vua nghe, ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:
- Bánh ngon thế này, đáng lý phải được dùng thường xuyên hơn và ai cũng được ăn. Đời người hạnh
phúc còn là ngày ăn hỏi và ngày cưới, sao không làm bánh ngày ấy. Bánh xu xê sẽ là bánh Phu
Thê.
Dân làng Đình Bảng nghe lời vua ban, hạnh phúc vô cùng, thấu suốt lời vua nói cũng là mơ ước
muôn đời của con người về hạnh phúc lứa đôi nên gọi bánh xu xê với tên mới là Phu Thê.
Người Ðình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh) nghìn năm nay vẫn giữ thói quen dành riêng một thửa ruộng
để cấy giống nếp cái hoa vàng, thứ nếp để làm bánh Phu Thê.
Bánh Phu Thê khi chưa gói
lá
Nếp ấy đem ngâm rồi vo sạch, để ráo nước, xay thành bột. Bột được xay nhuyễn mịn nhưng vẫn chưa
làm được bánh ngay mà phải lọc lại, chỉ lấy tinh bột. 1 kg gạo chỉ lấy được 300 gram tinh bột. Bột
lọc lại đem xay cho thật nhuyễn lần hai rồi phơi khô, để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh.
Bột nếp lọc được "nhuộm màu" bằng nước hoa dành dành vàng óng, thêm nước hoa bưởi được chưng cất
cùng sợi đu đủ nạo đã ngâm phèn, rửa sạch, vắt khô. 600 gam đu đủ cộng 1kg bột đem trộn với đường
kính, nhào luyện cho dẻo quánh để làm vỏ bánh.
Bánh Phú Thê đã gói
Khi dùng vỏ bánh, trong cái mịn mát, dẻo dai của tinh bột nếp cái hoa vàng sẽ có cái giòn giòn
của sợi đu đủ, ăn rất thú vị. Vỏ bánh bao bên trong nhân đỗ xanh đã đãi vỏ, hấp chín, nghiền mịn
pha đường cát, thêm dừa nạo để tăng độ bùi béo. Ở bốn góc đặt bốn hạt sen để khi cắt bánh ra (bánh
thường được cắt làm bốn) mỗi miếng đều có hạt sen.
Bánh Phu Thê đã chín
Người ta gói bánh Phu Thê bằng lá dong hoặc lá chuối, cột bánh bằng lạt hồng (tượng trưng cho tơ
hồng của Nguyệt Lão nối nhân duyên đôi lứa). Bánh không riêng rẽ mà được ấp chung từng đôi một.
Bánh được luộc bằng bếp củi, đun vừa lửa để giữ được vị ngon và mùi thơm của bánh.
Vào độ đầu mùa thu năm 2014, khi tôi dạo bước trong khuôn viên mát rượi và thoang thoảng hương
hoa Sứ ở Đền Đô, ngắm dòng Tiêu Tương mà tưởng tiếng hát chàng Trương Chi còn ngân vọng đâu đây thì
gặp anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn đang ngồi dưới tán si già.
Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn và tác giả bài viết
Người làng Đình Bảng gọi ông là "người canh giữ Đền Đô" bởi ông hay ra đây đọc sách, chuyện trò
và bất kì du khách nào muốn biết về Đền Đô thì "pho sử sống" của tỉnh Bắc Ninh ấy luôn nhiệt thành,
đắm say với từng câu chuyện kể bằng một tình yêu quê hương không giấu giếm.
Ông bảo người làng Đình Bảng ai cũng biết làm bánh Phu Thê nhưng bí quyết để bánh có vị ngon
riêng biệt chính là "bí mật ngọn lửa thiêng" khi luộc bánh. Ở phía ngoài Đền Đô có người nữ thanh
niên xung phong năm xưa tên là Nguyễn Thị Thu tiếp nhận xưởng bánh Phu Thê của gia đình chồng. Gia
đình ấy đã ba đời làm bánh Phu Thê ngon nức tiếng ở Đình Bảng này.
Chị Nguyễn Thị Thu đang gói bánh Phu Thê
Đôi bàn tay chị Thu khéo léo dàn mỏng bột rồi đặt nhân vào, vỏ bánh cuộn tròn lấy nhân, ấm áp,
chân tình như chồng chở che cho vợ. Bánh phu thê còn bao hàm triết lí ngũ hành qua năm màu của
bánh: màu trắng của bột lọc, cơm dừa; màu vàng của hoa dành dành nhuộm vỏ bánh, màu nhân đỗ xanh;
màu đen của hạt vừng; màu xanh của lá và màu đỏ của lạt buộc. Đó là sự hòa hợp của con người với
trời đất, là sự hòa hợp giữa người với người, giữa vợ với chồng.
Bánh phu thê với nếp dẻo, với đu đủ giòn, với ngầy ngậy của đỗ xanh, vị béo của dừa, vị thơm của
hạt sen, vị ngọt thanh của đường và hương thơm của dầu chuối… tất cả hòa quyện với nhau tạo nên
hương vị riêng của bánh phu thê, hương vị ngọt ngào của tình nghĩa vợ chồng.
Theo V.H
Dân trí
* Trích từ loạt bài "Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền
thống ẩm thực ba miền" dành riêng cho chương trình Chiếc Thìa Vàng 2014