Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là "Tết giết sâu bọ" (ngày 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm) vì
trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều
tục phòng trừ bệnh. Người trong gia đình cùng thức dậy từ sớm, ăn những thứ quả chua, rượu nếp,
bánh gio... để diệt trừ "sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật.
Bánh gio là thứ bánh được làm từ gạo nếp và… gio. Không phải thứ "gio" (hay còn gọi là tro) nào
cũng làm được bánh. Phải là gio của lá gai lễ ốc (lá găng), lá tầm gửi, thân lá cây vừng phơi khô
hoặc gio của hạt xoan chín, gio rơm nếp. Gio được hòa tan với nước, lắng trong rồi ngâm với gạo nếp
cái hoa vàng sẽ cho ra màu nâu vàng trong, lóng lánh như màu hổ phách và tạo ra vị ngai ngái đặc
trưng không thể lẫn vào đâu được.
Để được thứ gio tạo ra màu hổ phách đó không phải là thứ sẵn có ngay được mà là sự chuẩn bị của
nhiều tháng năm trước đó. Độ tháng 8, người ta thu hoạch vừng lấy hạt và nhặt những cây vừng hạt
trấu ở những khu đất hoang phơi khô rồi đem đến nơi sạch sẽ khô ráo đốt lấy gio.
Gio thả vào vại sành với tỉ lệ 30 lít nước thì vừa đủ 1kg gio, thêm 500 gram vôi cục. Đợi cho
gio, vôi ấy tan, lắng lại thì gạn lấy nước trong. Nước này cất đi, có thể để dành đến tết Đoan Ngọ
để gói bánh. Không dùng gio ấy thì dùng gio của rơm nếp và quả xoan chín phơi khô.
Sau tết, hoa xoan tím ngan ngát khắp các cung đường quê, rồi hoa rụng dần khi hè đến, những quả
xanh non nhu nhú nhô lên kết thành chùm đong đưa gió đùa trông rất đẹp… Tháng 12 quả chín, rủ chim
chóc hót râm ra trên tàn cây, đường quê rộn rã xôn xao. Quả chín thì trẩy xuống, phơi khô, đốt cùng
rơm nếp, ngâm nước và lắng trong.
Nhưng chỉ gio thôi thì chưa nên màu hổ phách, phải có củ măng tre tươi đem về nướng treo gác
bếp. Khi gói bánh thì tước măng thành sợi nhỏ như chỉ trộn với gạo nếp ngâm nước gio khoảng 5 đến 6
tiếng. Khi hạt gạo ngậm nước, căng mọng, bấm vào thấy hơi bở thì vớt ra xả với nước sạch, xóc với
một chút muối và để ráo.
Bánh gio ngon nhất là khi được gói bằng lá chít rừng. Lá được chọn là những lá tươi xanh, to bản
và lành lặn, rửa sạch luộc kĩ nhiều lần cho phai bớt mùi hăng rồi lau thật khô trước khi gói. Cũng
có nơi người ta gói bằng lá dong tẻ luộc hoặc hấp, tước gân lá cho dễ gói nhưng lại không hợp bằng
lá chít.
Gạo để vào lòng chiếc lá phải gọn, đều, rồi quấn lá và bẻ mép ở hai đầu bánh cho thật khít và
cân đối để chiếc bánh chín bóc ra nhìn nuột nà, ngon mắt. Người ta có thể gói bánh dài hoặc bánh
vuông. Dây buộc bánh cũng không được quá chặt để khi đem luộc, hạt gạo nếp có thể nở và chín
đều.
Khi gói tránh để bánh dính mỡ, bánh sẽ dễ bị ngân, không thể chín nhừ, xếp bánh vào nồi đổ ngập
nước (nước luộc bánh cũng cho một ít nước tro, dưới đáy nồi được lót một búp măng tre đập dập cho
khỏi sát nồi), dùng một rổ lớn đậy lên trên cùng của nồi, dùng một vật nặng đè lên rổ để bánh không
nổi. Nấu bánh trong khoảng 5 tiếng là chín. Vớt bánh ra thả vào thau nước sạch (lạnh), đợi cho bánh
nguội thì xếp bánh ra nong, nia. Bánh gio có thể để đến nửa tháng vẫn ngon…
Bánh gio chỉ nên vị khi ăn chung với mật mía đã nấu nóng chảy. Bánh tựa một khối ngọc màu hổ
phách trong vắt, có thể nhìn thấu bên trong khối ngọc đó. Cắt từng miếng nhỏ bằng đũa hoặc bằng
chính dây lạt giằng bánh, chấm vào bát mật mía màu vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha thưởng
thức.
Vị man mát của bánh, vị ngọt của mật mía, vị dẻo thơm của nếp rồi thoảng lên hương ngai ngái của
lá chít, nồng nồng của gio, của vôi… Vị ấy, hương ấy quyện vào với nhau bền chặt.
Bạn có thể ăn bánh gio khi đang đói nhưng cũng có thể ăn khi bụng đã no vì bánh gio rất dễ tiêu
hóa và có thể giảm độ béo khi vừa ăn những đồ ăn giàu đạm, mỡ. Theo kinh nghiệm dân gian, bánh gio
còn chữa được kiết lỵ.
Mỗi dịp lễ tết lại có những loại bánh đặc trưng riêng khác nhau. Đó cũng là nét độc đáo của ẩm
thực Việt: Tết Nguyên Đán có bánh chưng, bánh giầy; Tết Hàn thực có bánh trôi, bánh chay; Tết Trung
thu có bánh dẻo, bánh nướng.;Tết Đoan Ngọ có bánh gio.
Bánh gio còn gọi là bánh âm vì nó có đặc tính thiên âm, bổ âm, do được làm ra từ nguyên vật liệu
có tính âm (thực vật và các chất khoáng can xi, kali...). Theo Đông y thì cơ thể con người "dương
thường hữu dư, âm thường bất túc", bánh gio có vị nhạt, tính mát, tốt cho tiêu hóa thích hợp nhất
với người già, trẻ nhỏ và chị em có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ.
Có lẽ vì thế ngoài truyền thuyết về bánh tro có chức năng tư âm, dưỡng âm nên được mọi người ưa
dùng nhất là vào những ngày hạ nắng nóng. Phải chăng vì thế mà bánh gio được chọn là món bánh chính
được cúng vào Tết Đoan Ngọ (đoan dương, chính dương) thời điểm nóng nhất trong năm, ngoài lý do từ
truyền thuyết cho rằng Tết Đoan Ngọ vốn bắt nguồn Trung Quốc với truyền thuyết về vị trung thần
Khuất Nguyên thời vua Hoài Vương.
Nếu chọn ra một thứ bánh thuần Việt nhất, ngoài bánh chưng, bánh dày ra thì bánh gio nằm trong
số bánh trái quê nhà ấy. Bánh gio gần như không phải riêng của một làng quê cụ thể nào cả (cho dù
nó được cho rằng xuất phát từ Trung Quốc qua truyền thuyết về vị trung thần Khuất Nguyên) mà là thứ
bánh chung của mọi phiên chợ quê. Ở khắp ba miền đất nước đều có những ngôi làng nổi tiếng làm bánh
gio: Làng Đình Bảng (Bắc Giang), làng Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội), bánh gio Tây Đình (Vĩnh Phúc),
bánh gio Phú Yên (Bình Định), bánh gio Quảng Nam, bánh gio Yên Lãng (Thanh Hóa)…
Chỉ là chiếc bánh be bé thôi, nhưng quê hương là ở đó…
Theo V.H
Dân trí
* Trích từ loạt bài "Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền
thống ẩm thực ba miền" dành riêng cho chương trình Chiếc Thìa Vàng 2014