Quán bún cá Hai Tầm - số 6 Phan Bội Châu, phường Vĩnh Thanh Vân là một quán như vậy. Bà Hai Tầm (tên thật là Viên Thị Liên) bán bún cá ở miệt này từ năm 16 tuổi (năm nay bà đã 76
tuổi). Đôi chân bà mỗi ngày lội chừng chục cây số với gánh bún cá trên vai. Rạch Giá mấy bận thăng
trầm, giặc giã bà vẫn chung thủy với gánh bún cho đến khi mở được quán. 60 năm là cả một đời người.
Thời gian làm thay đổi nhiều thứ nhưng với bà Hai Tầm, bà vẫn giữ nguyên cách nấu bún cá ban đầu
cho tới khi truyền nghề lại cho con dâu út thì vẫn công thức nấu ấy.
Cô con dâu út
tiếp nối bà Hai Tầm để giữ vị bún cá nức tiếng Kiên Giang 60 năm qua
Cá lóc đồng vùng U Minh Thượng thân đen, bụng trắng, rất ít mỡ, mỗi con chừng 700 gam đến 1kg
giộng sẵn, cá cỡ đó thịt chắc và ngọt. Nếu cá mang hai buồng trứng vàng ươm thì tô bún lại càng
ngon hơn nữa. Chừng 3h sáng thức sớm làm cá sạch rồi đem luộc, gỡ cá để sẵn, nước luộc cá để làm
nước dùng. Cá tươi nấu ăn ngay mới ngon, nếu để qua đêm ướp đá, cá đã mất đi vị ngọt.
Ngoài cá lóc còn có thêm tôm bạc. Có nơi người ta dùng tôm biển bởi tôm biển có vị mặn mòi rất
riêng kết hợp với cá lóc sẽ tạo nên hương vị đặc biệt nhưng tôm bạc lại tạo ra vị ngọt thơm rất đặc
trưng. Sự kết hợp này tùy theo "tay" người nấu, mỗi cách kết hợp đều tạo ra vị ngon riêng. Tôm ướp
gia vị được xào trên lửa lớn ngọn cho tôm săn cứng, sau đó sấy qua mỡ cho mướt và đỏ con tôm.
Một số nơi người ta trộn cà ri hoặc đập thêm cái trứng gà (chỉ lấy lòng đỏ) xào cho thơm hoặc
tôm tươi được bằm nhuyễn, đánh tơi và hấp chín nhưng dì Hai Tầm không làm theo cách này vì dì cho
rằng sẽ mất đi vị đặc trưng của tôm. Đó cũng chính là điểm khác biệt nhất của quán bún Hai Tầm cùng
với các thức ăn kèm cũng rất đặc biệt là dấm trộm dưa kiệu bằm nhỏ chua ngọt và bánh cống chiên
giòn…
Buổi sáng hôm ấy Kiên Giang gió mát rượi. Dọc đường Phan Bội Châu bằng lăng nở tím xuyến xao.
Trước mặt bạn và tôi, tô bún cá nghi ngút khói, đượm hương nồng nàn của đồng quê dân dã. Rồi màu
sắc tươi tắn kia khiến thực khách say mê ngắm. Nổi bật trên màu trắng tinh của từng sợi bún là màu
đỏ của tôm rim, những lát cá trắng ngần đặt kế bên, màu xanh của hành xắt nhỏ sóng sánh khắp tô
bún, vài khoanh ớt ửng đỏ, có thêm bánh cống cắt tư ăn cùng bún giòn giòn, bùi bùi. Ăn kèm với bún
cá là rau muống chẻ, giá sống, rau thơm, diếp cá... và nước mắm Phú Quốc lừng danh.
Thực khách ăn bún cá không ăn để… no mà để ngấm vào lòng vị ngọt của thịt cá lóc đồng, mùi thơm
của tỏi phi, vị cay của ớt, tất cả hòa quyện tạo nên một tô bún cá rất đặc trưng Rạch Giá khó lòng
mà quên được.
Chủ quán bún
cá 352 cũng tạo nên một hương vị độc đáo khác cho bún cá Kiên Giang
Ngoài quán Hai Tầm, bạn có thể đến quán bún cá 352 trên đường Mạc Cửu và một số quán khác cũng
trên con đường này. Mỗi quán đều có cách chế biến riêng để tạo nên hương vị độc đáo cho quán mình
nhưng một điểm chung là họ đều góp phần làm cho bún cá Kiên Giang trở thành một món ăn nổi tiếng
khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ và tô đậm thêm lý do để trở lại Kiên Giang rồi ngân nga câu ca:
Ai về Rạch Giá, Kiên Giang
Ăn tô bún cá, chứa chan tình người…
Theo V.H
Dân trí
* Trích từ loạt bài “Hành trình tìm kiếm món ăn dân dã truyền thống ẩm thực ba miền” dành riêng cho chương trình Chiếc Thìa Vàng 2014