Đối với những ai đã từng ngồi máy bay trên những chuyến đi dài hầu như đều có một cảm giác như nhau: mệt mỏi.
Vì chỗ ngồi không thoải mái, vì sự thay đổi áp suất, vì áp lực tinh thần của việc sợ không gian kín, sợ độ cao… và vì một lý do cơ bản nhất: không thể ăn được.
Bữa ăn trên máy bay là một phạm trù rất khác, thậm chí cũng không thể so sánh với thức ăn nhanh (fastfood). Rất nhiều người, đặc biệt là người Á châu, không tài nào ăn được những bữa ăn được chuẩn bị sẵn trên máy bay. Nhiều người thà bỏ tiền mua một phần mì hộp, chế nước sôi vào ăn ngay chứ không nhận phần ăn miễn phí kia. Lý do là: thức ăn không hợp khẩu vị, quá nhạt nhẽo, và quá… lạnh.
Đặc thù của ngành suất ăn hàng không có khá nhiều điều mới lạ. Các món ăn không những phải hợp khẩu vị và bắt mắt mà còn đảm bảo tính đồng nhất với số lượng chế biến lớn. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh là điều được chú trọng hàng đầu. Hơn nữa, trong một không gian kín như cabin máybay, điều tối kỵ nhất vẫn là những loại thức ăn có mùi quá đậm như cà ri, nước mắm hay phô mai “mốc”. Vì thế, lựa chọn thức ăn trên máy bay hoàn toàn phải tuân thủ theo những quy tắc đặc thù của ngành hàng không.
Một trong những yêu cầu của HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm) là tất cả các món ăn phải được nấu đến độ chín nhất định. Ví dụ, thịt bò và hải sản phải đạt nhiệt độ trung tâm ít nhất 65 độ C, thịt heo và gia cầm đạt 75 độ C. Sau khi nấu xong, tất cả các món nóng phải làm lạnh nhanh (quick frozen) để thực phẩm rơi xuống từ 2 – 5 độ C trong thời gian không quá 4 giờ. Quy trình này nhằm ngăn chặn sự phát triển của những vi khuẩn chịuở nhiệt độ sôi.
Sau đó, trên máy bay, các tiếp viên sẽ hâm nóng các suất ăn trước khi phục vụ cho hành khách. Bởi các điều kiện ngặt nghèo như vậy: bị chế biến, làm lạnh và lại làm nóng liên tục, nên nguyên liệu bị ảnh hưởng không ít, hương vị và kết cấu không được bảo toàn, dẫn đến món ăn cuối cùng không còn tươi mới như thức ăn “trên mặt đất”.
Cũng chính vì vậy, các đầu bếp phải thiết kế thực đơn sao cho phù hợp từ nguyên liệu sử dụng đến phương pháp chế biến, trình bày, đóng gói… để món ăn phù hợp với khẩu vị của đại đa số thực khách và sẽ không ai bị… đau bụng. Suất ăn hàng không thường là các món có nước xốt, các món hấp, món xào, món nấu, món nướng; các món chiên giòn hầu như không có. Tất cả các món ăn sau khi chuẩn bị xong phải được phục vụ trong vòng 24 tiếng.
Ngoài yếu tố đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, suất ăn hàng không còn phải vượt qua được rất nhiều hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt theo yêu cầu đặc thù của hàng không: “ngon” tức là đủ về thành phần, số lượng, hàm lượng dinh dưỡng, nguyên liệu tươi mới và phối màu bắt mắt; đúng khẩu vị tức là được chế biến phù hợp với văn hóa ẩm thực của từng quốc gia, tôn giáo, bệnh lý, lứa tuổi (suất ăn Việt, Nhật, Hàn, Tàu, Âu, suất ăn đạo Hồi - Halal, ăn kiêng...); Trình bày một suất ăn hàng không cũng là cả một quy chuẩn đã được nghiên cứu và dần dần hoàn thiện. Không chỉ đảm bảo tính thẩm mỹ mà quan trọng nhất là đảm bảo tính ổn định trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển cho đến khi suất ăn được phục vụ khách hàng ở độ cao mười mấy ngàn mét, không kể không gian và thời gian.
Trong những hành trình bay mười mấy tiếng đồng hồ, mỗi suất ăn trên máy bay trở nên quan trọng khi khách coi đó là một thú khám phá ẩm thực không chỉ là chứa đựng giá trị hình ảnh của một hãng hàng không mà còn là giá trị văn hóa, phong tục tập quán của mỗi quốc gia. Các suất ăn hàng không rất đa dạng: hạng nhất, hạng thương gia, hạng phổ thông, suất ăn đặc biệt, suất ăn đạo Hồi (Halal), suất ăn phục vụ chuyên cơ...
Một khi đã có kinh nghiệm di chuyển bằng máy bay trong thời gian dài, các hành khách sẽ dần dần thích nghi với các suất ăn được chuẩn bị sẵn, sẵn sàng tiếp năng lượng cho bản thân thay vì… nhăn nhó bỏ lửng một phần hamburger vẫn còn hơi lạnh.
Một nhân vật đã và đang đi khắp thế giới, thưởng thức các bữa ăn trên máy bay ở mọi châu lục, và hào hứng chia sẻ nhận xét của mình về các hãng hàng không có thức ăn ngon nhất: Nik Loukas.
Là tác giả của trang web Inflight Feed và là một chuyên gia kỳ cựu, ông tự nhận sứ mệnh của mình là cải thiện hình ảnh của thực phẩm hàng không. Phát biểu với tờ Business Insider về suy nghĩ của du khách về những bữa ăn trên máy, ông nói: “Trong năm năm qua, các hãng hàng không đang thực sự cố gắng để vượt qua lẫn nhau bằng cách trưng ra những bữa ăn hoàn hảo nhất. Khi mọi người bước xuống khỏi cabin, họ nói về hai điều: phi hành đoàn và thực phẩm."
Hãy cùng điểm qua hình ảnh của những bữa ăn trên máy bay vòng quanh thế giới mà Nik Loukas – Inflight Feed – đánh giá cao nhất.
Suất ăn hạng Economic của hãng hàng không xa xỉ Emirates.
Suất ăn sáng của hãng Austrian Airlines - hãng hàng không của Áo. Đây là bữa ăn sáng trên chuyến bay từ Vienna đến Zurich được đặt trước với giá 15 Euros được Nik đánh giá cao nhất: giàu dinh dưỡng, hấp dẫn, mỡ màng nhưng lại có hương vị nhẹ nhàng. Phần ăn gồm có thịt xông khói, trứng bác, khoai tây, nấm và cà chua ăn cùng với yến mạch, trái cây tươi, bánh mì nóng và nước cam vắt.
Suất ăn economic của hãng hàng không Turkish (Thổ Nhĩ Kỳ) gồm ức gà nướng với quả bơ và ớt chuông, ăn cùng với cơm nghệ và salad, tráng miệng sữa chua Hy Lạp. Nhiều người đánh giá suất ăn này khá tẻ nhạt vì đã không thay đổi hình thức trong suốt mười mấy năm, nhưng cá nhân Nik vẫn thấy hương vị của món này không nhạt tí nào.
Đây là bữa sáng vô cùng phong phú hạng thương gia của hãng hàng không Air Europa, chuyến bay từ Madrid đến Franfurt. “Trình bày sáng tạo, nhiều màu sắc và đặc biệt là các nguyên liệu hết sức tươi ngon”, Nik nhận xét. Thực đơn của phần ăn này gồm ruốc cá hồi xông khói với quả ô liu tươi; salad cà chua, phô mai mozzarella và quả ô liu với sốt dấm lá quế; salad cá tuyết, cà tím và ớt chuông; bánh mousse sữa chua với topping kiwi và hạt.
Còn các bạn? Các bạn có ấn tượng gì với các bữa ăn trên máy bay không?
Chiếc Thìa Vàng