Khách quan mà nói, hoa trái của miền Bắc không phong phú được như của miền Nam.
Cũng khách quan mà nói, chính vì “hiếm” nên hoa trái miền Bắc đều là của “quý”. Mỗi loại quả xứ Bắc đều có một lịch sử “tiến cống” dài bao nhiêu thế kỷ, từ cam Canh, bưởi Diễn, bưởi đỏ Luận Văn, chuối ngự Nam Định cho đến nhãn lồng Hưng Yên… Trong số đó phải kể đến cống phẩm nổi tiếng nhất trong truyền thuyết: quả lệ chi và Dương Quý Phi – hay chính là quả vải.
Khi chim tu hú gọi bầy
Dù truyền thuyết có thật hay chỉ là thêu dệt thì không ai có thể phủ nhận sự đặc biệt của quả vải thiều. Độ ngọt của quả vải chính vụ có thể lên đến 21 độ brix - chỉ hoàn toàn một vị ngọt thuần tuý không thêm bớt vị gì; mùi thơm của vải chín cũng là mùi thơm đặc trưng, rất đơn giản nhưng rất sâu, không giống với bất kỳ một mùi nào khác. Chỉ cần nhà ai làm si-rô trái vải, bước vào bếp là đã nhận ra ngay hương vị ngọt ngào thơm lựng đó.
Vải thiều Lục Ngạn.
Tuy nhiên, ta phải phân biệt cho rõ đâu là quả vải được xưng tụng trong truyền thuyết. Việt Nam có nhiều nơi trồng vải, tập trung nhất là ở Lục Ngạc tỉnh Bắc Giang và Thanh Hà tỉnh Hải Dương, ngoài ra các giống vải lai chín sớm cũng được trồng ở Hưng Yên, Quảng Ninh và Hải Phòng; một số loại vải bản địa khác còn được gọi là vải nếp, vải u và quả tu hú cũng mọc tự nhiên từ Bắc Trung Bộ vào đến tận Tây Nguyên.
Vải bản địa của Việt Nam có quả to, dài, chín sớm. Quả tu hú cũng là một giống vải rừng, được gọi tên như thế vì cả vạt vải rừng đều chín tới khi lũ chim tu hú kêu báo mùa hè. Tuy nhiên, những giống tu hú, vải nếp và vải u này có thịt quả mỏng, hạt to và vị chua chua chát chát ngộ nghĩnh của quả rừng. Những giống vải lai chín sớm có thịt quả dày hơn, ngọt hơn nhưng vẫn lẫn vào vị chua không cách nào giấu được. Chỉ có giống vải thiều Thanh Hà và vải thiều Lục Ngạn mới đủ điều kiện để làm “cống phẩm”.
Giống vải thiều ở Việt Nam bắt nguồn từ Hải Dương. Nay cây vải tổ ở xã Thuý Lâm, huyện Thanh Hà (được trồng từ năm 1870) vẫn còn sống, vẫn cho quả đều đặn. Khi cả huyện Thanh Hà được phủ đầy bóng cây vải thì người dân mới mang sang các vùng khác để trồng – nhưng chỉ ở Lục Ngạn (Bắc Giang), cây vải mới hợp thổ nhưỡng và cho quả ngọt gần như vải thiều Thanh Hà.
|
Quả vải thiều nhỏ vừa, tròn mình, vỏ mỏng nhưng dai, và thịt dày, hạt bé. Đặc biệt, vải thiều Thanh Hà còn khô thịt, bóc ra không chảy nước, cắn vào thì nước quả mới tứa vào từng kẽ răng, miệng thơm lừng hương ngọt mát của mùa hè. Đây mới chính là cực phẩm. Vải thiều chính hiệu chỉ rộ đúng 1 tháng trong cả năm, tháng vải đó chỉ có 1 tuần là vải ngon nhất, ngọt nhất, thơm nhất. Tỉ lệ ở đây là 7/365 hay 1/52, bằng tỉ lệ khi rút một quân bài mà được “heo cơ” vậy.
Mùa vải thiều.
Một khi rộ, vải thiều sẽ rộ theo cấp số nhân. Từ vườn ra đến đường làng, ra đến ngõ, rồi đến cổng làng, đến đường quốc lộ rợp một màu đỏ của vải chín. Hàng nghìn xe đạp xe máy xe tải đến vườn lấy vải rồi chở đi khắp mọi miền đất nước. Khi đó, quả vải đạt đến độ ngon ngọt nhất, và giá cũng rẻ nhất. Người ta ăn vải tươi, bóc vỏ bỏ hạt làm si –rô vải và vải đóng hộp, lại cũng sấy khô vải để bán sau mùa…
Trước đây, vải tươi của Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng hơn 100,000 tấn. Đến năm 2017, vải thiều tươi Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chính thức bước vào thị trường Mỹ (bang California), Thái Lan và Úc châu.
Những món ăn đặc sắc từ quả vải
Từ phong cách Âu đến phong cách Á, văn hoá ẩm thực nào cũng có thể vận dụng vào loại quả có hương vị xuất sắc này. Hãy cùng tìm hiểu một số món ăn đặc sắc từ quả vải theo nhiều phong cách.
- Chè khúc bạch
Món tráng miệng nổi tiếng từ Hồng Kông. Chỉ với những miếng thạch sữa cắt sóng (nấu từ gelatin và sữa béo) với vải nấu nước đường, phủ thêm một nhúm hạnh nhân lát rang giòn rụm, món chè khúc bạch là lựa chọn tuyệt vời trong mùa vải – mùa hè.
- Cháo trái vải hạt sen
Hạt sen vốn đã mang nhiều ích lợi cho sức khoẻ, lại kết hợp với quả vải giàu chất chống oxy hoá, flavonoid, và vitamin nên món cháo trái vải hạt sen là món ăn vô cùng thơm ngon bổ dưỡng cho người ốm dậy.
- Gà nấu trái vải (kiểu Hoa)
Món ăn “sang chảnh” thường xuyên xuất hiện nhất trong mùa quả vải. Thịt gà thường được chọn là gà mái dầu, thịt dai nhưng đậm đà. Sau khi hầm mềm thịt gà, quả vải (bóc hạt) được thả vào hầm liu riu cho nước dùng thêm ngọt.
- Cà ri gà trái vải
Tin hay không?! Trái vải cực kỳ hợp để nấu cà ri vì vị ngọt tự nhiên của quả đẩy vị cay và mùi thơm nồng của cà ri lên mức cao nhất. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Thái Lan vô cùng hưởng thụ món ăn ngọt ngào rất “nhiệt đới” này.
- Vịt xông khói nấu quả vải kiểu Tứ Xuyên
Vì thời tiết ẩm thấp, sương mù quanh năm nên các món ăn Tứ Xuyên đều chú trọng đến màu sắc và hương vị với nhiều vị tê, cay, ngọt mặn, chua, và thậm chí cả đắng, được trộn lẫn khéo léo và biến hóa linh hoạt. Không chỉ thế, những món ăn ở đây còn có nhiều kiểu cách đổi mùi vị, phù hợp với khẩu vị của từng thực khách, thích hợp với từng mùa, từng kiểu khí hậu trong năm. Thịt vịt vốn đã là món đặc sắc của Tứ Xuyên, có tính hàn, được kết hợp một cách duyên dáng với quả vải tính nhiệt, cho ra một món ăn không thể chê vào đâu được.
- Bánh pudding nhiệt đới
Gần giống với nguyên liệu làm chè khúc bạch nhưng món bán pudding này rõ ràng mang phong cách rất Tây. Gelatin nấu với sữa béo, chờ đông lại thành pudding, ướp lạnh rồi bày ra đĩa với vải tươi và những loại quả nhiệt đới khác.
- Sorbet trái vải
Như đã có lần giới thiệu về sorbet (bài Những món ăn từ loại trái nữ hoàng), loại kem không sữa này chỉ thích hợp với các loại hoa quả, quả càng thơm ngọt thì kem lại càng ngon. Sau khi xay nhuyễn vải tươi với chút nước chanh, để đông đá thì sorbet được múc ra ly, nhẹ nhàng điểm thêm một quả vải tươi để ăn kèm. Hết sức vương giả.
Chiếc Thìa Vàng