Rong biển không phải là một nguyên liệu xa lạ trong ẩm thực. Ngày nay, rong biển còn được xem là một loại “siêu thực phẩm” trên thế giới, vì hàm lượng vitimin và khoáng chất tuyệt vời có thể cung cấp cho con người.
Không phải tới tận bây giờ, người ta mới nhận ra những công dụng tuyệt vời của loại thực vật sống trong đáy biển này. Từ hàng trăm năm trước, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa rong biển vào thực đơn hàng ngày của mình, Trong khi đó, ở Việt Nam, rong biển được phơi khô xay nhuyễn làm rau câu.
Mùa rong mơ trôi dạt. Ảnh: Thiên Thư
Đối với ẩm thực, rong biển là một nguồn thực phẩm có giá trị cao chót vót. Rong biển chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn bất kỳ loại rau trên mặt đất nào. Chúng là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng như folate, can-xi, ma-giê, kẽm, sắt và selen và các chất khoáng đa lượng (như na-tri, can-xi…) có hàm lượng cao gấp 3 lần so với sữa bò. Quan trọng hơn, rong biển còn chứa nguồn DHA và i-ốt lớn cho cơ thể.
Người Việt Nam ta cũng dần dần nhận thức được lợi ích tuyệt vời của rong biển. Nhiều người bắt đầu “săn tìm” rong biển, học cách chế biến rong biển cho những bữa ăn của mình thêm giàu dinh dưỡng. Trong “cơn sốt” mang tên rong biển ấy, các siêu thị lớn cũng nhập về nhiều loại rong biển của Nhật và Hàn Quốc để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng.
Thế nhưng, nhiều người lại không biết rằng để có loại siêu thực phẩm này không nhất thiết phải bỏ tiền ra mua. Hàng năm, cứ đến đầu mùa gió (tháng 3 âm lịch) là rong mơ tự nhiên lại đứt gốc, trôi vào bờ biển ở các tỉnh từ Bình Thuận vào tới Bà Rịa – Vũng Tàu. Rong tươi mơn mởn, trôi thành từng cụm lớn hoặc chỉ lờ lững vài nhánh, theo dòng hải lưu rồi cuốn theo những con sóng bạc đầu tấp vào một bãi biển nào đó. Hơn chục năm trước, dân địa phương chưa biết ăn rong biển nên hàng tấn rong mơ cứ nằm dài, phơi mình trên mép nước, từ từ oải dần rồi khô đi. Lúc này, người ta chỉ biết kéo về nhà làm phân bón.
Rong biển tươi nói chung đều có hương vị rất đậm đà, kiểu đậm đà tự nhiên mà không cần chế biến gì thêm cả. Ai kỹ càng có thể ngồi nhặt đá, nhặt vỏ sò còn bám trên cụm rong ơm rồi nhặt đọt non (phần nhạt màu) để chế biến vì đọt non ăn giòn hơn, nhiều dinh dưỡng hơn. Phần đậm màu là rong già, ăn vẫn ngon nhưng hơi dai và đậm vị biển hơn. Sau khi nhặt sạch, chỉ cần vo rửa rong biển với nước sạch, cắt khúc vừa ăn là đã có thể đem chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Rong mơ là nguyên liệu hấp dẫn cho nhiều món ăn. Ảnh: Thiên Thư
Đơn giản nhất, mát mẻ nhất, phù hợp với mùa hè nhất là chè đậu xanh nấu rong biển. Chỉ cần ninh nhừ đậu xanh cả vỏ, cho thêm đường hơi ngọt xíu rồi cho rong biển vào nấu sôi lên là nhắc nồi xuống được. Cọng rong nấu chín vừa, từ màu nâu chuyển sang màu xanh mướt. Vị biển trong những cọng rong biển tươi đẩy vị ngọt của đường lên thật sắc, cho thêm một nắm đá lạnh đập vụn là vừa húp nước vừa nhai sảng khoái cả một ngày hè oi bức. Hạt đậu xanh mềm bùi hòa lẫn với miếng rong biển vừa nhai giòn tan. Thi thoảng, răng lại cắn bụp vào “quả” rong sụn, nghe vị biển túa ra đầy trên đầu lưỡi.
Chè đậu xanh rong mơ. Ảnh: Thiên Thư
Rong mơ cũng phát huy triệt để hương vị khi nấu canh cùng cải bẹ xanh và thịt băm. Giống như công thức nấu canh cải xanh thịt bằm bình thường: xào thịt băm với hành tỏi cho thơm, đổ nước vào nấu sôi, nhỏ lửa cho nồi nước liu riu một chút để thịt dậy mùi rồi cho rong biển vào, nấu sôi khoảng 5 phút lại cho cải xanh cắt nhỏ và nhúm gừng sợi vào, chờ canh sôi bùng lên lần nữa thì tắt bếp, nêm vị vừa ăn, rắc chút hạt tiêu rồi ăn nóng. Hương vị quen thuộc bình dân của cải xanh, thịt băm, gừng sợi thoắt chốc trở thành mỹ vị nhờ sự đậm đà khó tả của rong mơ. Phần rong non vừa thơm vừa giòn, vừa phảng phất vị mặn mòi tự nhiên. Lúc bấy giờ, rong biển không chỉ đóng vai trò vừa là rau mà lại còn là một gia vị thần kỳ giúp món ăn thêm thanh mát.
Canh cải rong mơ. Ảnh: Thiên Thư
Nếu cầu kỳ hơn một chút, rong mơ cũng là nguyên liệu hoàn hảo được dùng trong các món gỏi trộn. Chuẩn bị trước rau thơm xắt nguyễn, tỏi ớt băm nhuyễn, pha nước mắm chua ngọt và luộc tôm hoặc thịt tuỳ theo sở thích. Rong mơ rửa sạch, cắt khúc vừa ăn, để ráo nước rồi trộn với các nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn là đã có một món ăn vừa bắt miệng vừa giải nhiệt ngày hè.
Cây rong mơ sống bám vào đá và các rạn san hô, thường mọc ở độ sâu 7 – 10m dưới mực nước biển. Đến mùa “rộ”, khoảng tháng 5 âm lịch thì rong mơ phát triển cực thịnh, phủ tràn trên mặt nước, rồi tự thả cho sóng đánh trôi đi để phát tán, tiếp tục duy trì nòi giống. Tuy nhiên, thuyền đi qua những rừng rong rất dễ bị tai nạn vì rong cuốn vào chân vịt. Vì thế, dân chài còn có một nghề nữa vào mùa này – nghề gỡ rong. Họ chèo thuyền thúng ra giữa rừng rong, lặn xuống gỡ từng cụm lớn chất lên thuyền rồi chở vào bờ. Giữa ngày nắng, rong mơ chỉ cần phơi 1 đến 2 nắng ngay trên bãi cát cho khô thì đóng bao lại, bán với giá 5000 – 6000 đồng cho thương lái. Cũng có người lại thu gom, phơi đi phơi lại cho thật khô rồi đóng gói gửi cho người nhà trên những miền ngược cất dành nấu nước uống để trị bệnh bướu cổ, bổ sung DHA và i-ốt...
Trong các nghiên cứu, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, rong mơ cho keo aginat – một loại keo rất quý trong ngành y dược. Loại keo đặc biệt này thường dùng để làm vỏ bao cho những viên thuốc, đã được nghiên cứu làm huyết thanh nhân tạo, làm chỉ khâu vết mổ, vải nhựa y dược sát trùng, thuốc cầm máu… Trong ngành công nghiệp thực phẩm, rong được chế biến thành bột rau câu, được dùng để chế biến rượu và sản xuất kẹo bánh…
Mặc dù rong mơ có nhiều công dụng là vậy, nhưng cứ đến mỗi mùa rong trôi, dọc các bờ biển của thành phố Vũng Tàu từ khu Thanh Bình, Chí Linh sang Bãi Sau, bãi Ô Quắn về bãi Dứa cho đến Bãi Trước, bãi Dâu, cứ đến lúc triều lên lại thấy rong mơ trôi lờ lững trên mặt nước rồi dạt vào bờ. Chỉ có dân chài và khách du lịch “biết ăn” mới rủ nhau vừa đi tắm vừa tranh thủ đi vớt chút “lộc trời”.
Chiếc Thìa Vàng