Tỏi Lý Sơn không còn cô đơn

Thứ ba, 22/05/2018 12:00
0
0
Nhắc đến đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi, hầu như từ Bắc chí Nam đều nghĩ ngay đến tỏi cô đơn – một đặc sản nổi tiếng về hương vị, khả năng chữa bệnh, và cả về… giá thành đội trần của nó.

Trên huyện đảo nhỏ bé này cái gì cũng thiếu thốn, chỉ có đất và cát là nhiều. Tỏi trồng một năm chỉ được một vụ dài 5 – 6 tháng. Việc thu hoạch tỏi cũng phụ thuộc nhiều vào tính khí của thiên nhiên, nên dân đảo bèn trồng xen canh vài vụ hành với một vụ tỏi. Không ngờ, chỉ vài năm thì hành tím Lý Sơn gần như đã “vượt mặt” tỏi, trở thành đặc sản và nguồn thu chính của nông dân trên đảo.

Khác với những giống hành trồng trên đất liền, hành tím Lý Sơn cho củ nhỏ hơn, vỏ củ hành mới thu hoạch màu tím hồng, trơn bóng và nhẵn nhụi không cần gột rửa.

Từ thổ nhưỡng của Lý Sơn…

Đảo Lý Sơn (thuộc tỉnh Quảng Ngãi) được hình thành do quá trình hoạt động núi lửa và sự bồi đắp của cát biển cùng đá san hô biển tạo nên cách đây hàng triệu năm. Ngày nay, hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa 5 miệng - 5 ngọn núi chính là nguồn giữ các mạch nước ngầm cung cấp nước ngọt cho dân đảo. Sự phun trào rồi tắt đi của các miệng núi lửa đã trải lên bề mặt đảo Lý Sơn một lớp đất đỏ bazan màu mỡ và giàu khoáng chất.


Những ruộng hành tím đang giúp tỏi Lý Sơn bớt "cô đơn".

Tuy nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng trên đảo lại không phù hợp để trồng cây lương thực nên trước đây, dân đảo chỉ trồng các loại hoa màu ngắn ngày, cho đến khi cây tỏi được trồng khắp nơi trên đảo. Tỏi trở thành đặc sản của Lý Sơn, nhưng thời tiết lắm nắng nhiều mưa kéo dài suốt 5 – 6 tháng trong vụ tỏi cũng dễ khiến dân đảo mất mùa. Và tỏi Lý Sơn mãi mãi chịu tiếng “cô đơn”. Không khuất phục trước tự nhiên, nhiều nông dân bắt đầu trồng hành củ xen canh với tỏi.

Đã có kinh nghiệm trồng tỏi, các ruộng hành vì thế cũng thành hình, rải dọc phía Nam đảo Lý Sơn, từ trên các sườn đồi được cải tạo cho đến các khoảnh đất be bé sát bờ biển. Trên mặt đất lưu niên, người dân rải một lớp đất thịt bazan được đầm mịn dày khoảng một gang tay, rồi đến một lớp phân hữu cơ ủ bằng nguyên liệu sẵn có - từ lá cây đến rong biển, và cuối cùng trải một lớp cát san hô lên trên.


Những củ "ngọc tím" đang được thu hoạch.

Có đủ dinh dưỡng từ phân, đủ khoáng chất từ đất và phần củ hành nằm gọn trong lớp cát trắng nên khoảng 45 – 60 ngày sau khi trồng, người dân chỉ cần nắm một bó cọng hành nẫng nhẹ lên là đã thu hoạch được một bó hành tím củ căng bóng và chắc nịch. Cát san hô không chỉ “đánh bóng” cho củ hành vẻ ngoài đẹp đẽ, sạch sẽ mà còn là lớp bảo vệ củ hành không bị úng nước, do đó hành tím Lý Sơn có thể bảo quản được khá lâu.

... đến chất lượng củ hành

Tuyệt đối không thể so sánh hành tím Lý Sơn với bất kỳ giống hành tím nào của Việt Nam (từ hành trồng ở Bình Sơn – Quảng Ngãi hay Khánh Hoà, Ninh Thuận đến thủ phủ hành tím ở Sóc Trăng). Đơn giản chỉ là bởi chất lượng của “ngọc tím Lý Sơn” hoàn toàn khác xa những giống cao sản kia. Củ hành ở đây nhỏ vừa và đều đặn, không phổng phao, mũm mĩm như hành trồng trên đất trộn tro trấu như ở miền Nam; vỏ củ trơn bóng và nhẵn nhụi, rất mỏng; bẹ hành bên trong chỉ mang màu tím nhạt nhưng rất chắc.

Ngoài hương vị thơm ngon khác thường nhờ vào thổ nhưỡng đặc biệt trên đảo, củ hành tím ở Lý Sơn còn có một đặc điểm rất lạ là không hăng nồng gây cảm giác khó chịu cho người sơ chế mà ngược lại. Hành Lý Sơn có mùi thơm dịu và vị ngọt nên có thể ăn sống hoặc làm salad theo kiểu Tây phương.

Huyện đảo Lý Sơn không chỉ có đá với sóng, không chỉ có hành với tỏi mà còn có những sản vật miền biển vô cùng hấp dẫn. Đến Lý Sơn, ví dày dày thì có thể ăn cua huỳnh đế, tôm mũ ni đỏ, cá mú hay cá tầm ma; ví vừa vừa thì vẫn có ốc mặt trăng, ốc vú nàng, rong bìm bìm… Tất cả những loại hải sản địa phương tươi sống này đều muôn phần thơm ngon hơn khi được ướp và chế biến cùng với tỏi, và hành ở đây. Đơn giản thì dùng hành tỏi để khử dầu cho thơm trước khi đổ ụp con cua huỳnh đế vào chảo rang cùng gia vị; dày công hơn thì bào mỏng củ hành sống với rau răm, húng quế rồi nhể ốc vú nàng luộc chín ra trộn cùng với nước cốt chanh và ít ớt tươi thành món gỏi vừa lạ miệng mà vừa bổ dưỡng; phức tạp nữa thì lột vỏ hành tím rồi muối chua, cá mú hấp chín mang ra chấm với nước mắm ớt ăn cùng hành muối – một miếng cá trắng muốt, một củ hành, một nhấp rượu trắng là có thể quên luôn trời đất.


Những món hải sản Lý Sơn ngon hơn nhờ hương vị của những gia vị địa phương.

Hành tím không chỉ là một loại gia vị không thể thiếu trong bất kỳ bếp ăn nào mà bản thân nó còn là một thứ thuốc kháng sinh tự nhiên tốt nhất theo cơ chế sinh học – nghĩa là không gây ra phản ứng phụ như thuốc kháng sinh thông thường.

Hành tím được các dược sĩ tại Nga quả quyết rằng không thua kém bất cứ loại thuốc kháng sinh nào sau khi so sánh nó với các hàng trăm dược liệu có tính kháng sinh. Các dược sĩ này tin rằng hành tím có thể thanh trùng đường hô hấp rất tốt đặc biệt là ăn sống hoặc ngâm dấm. Hành tím ăn sống có thể rất khó với nhiều người vì vị cay và mùi hăng, nhưng việc ăn sống hành tím giúp cơ thể thanh trùng vùng hầu hòng do cơ chế chảy nước mũi, ứa nước mắt. Chính cơ chế này đã giúp cơ thể đào thải những tạp chất bám chặt trên niêm mạc đường hô hấp trước khi những tạp chất chứa vi khuẩn này có thể đủ gây viêm đường hô hấp.

Từ trên đỉnh Thới Lới, đứng ngay nơi miệng núi lửa đã tắt nhìn xuống xung quanh, chỉ thấy hàng hàng lớp lớp các ô ruộng xanh xanh trắng trắng. Những cánh đồng trồng hành và tỏi phủ cát trắng, xung quanh xếp đá đen vuông vức như ô bàn cờ. Cả huyện đảo Lý Sơn có diện tích gần 10 cây số vuông, nhưng có đến 1/3 diện tích dùng cho việc trồng hành tỏi. Vào những ngày được cho là đầu mùa thu nhưng nắng vẫn bỏng rát hun trên những lớp đá trầm tích của Lý Sơn, ở đâu cũng thấy người dân đảo khom người trên những cánh đồng thu hoạch “ngọc tím” – người nhổ, người nhặt, người bó, thậm chí cả những đứa trẻ cũng tranh thủ sau giờ học ra đồng nhổ hành với gia đình. Chỉ vài hôm nữa, các ô cờ chỉ còn mỗi màu trắng loá của cát san hô. Và chỉ thêm tuần nữa, dân đảo lại thu vén chuẩn bị cho một mùa hành mới để tỏi Lý Sơn không phải chịu cô đơn.


Tỏi cô đơn của Lý Sơn không phải là giống tỏi tía một nhánh quý hiếm được trồng ở Phù Yên (Sơn La) mà vốn chỉ là giống tỏi nhiều tép bám thành một củ như nhiều vùng khác, nhưng đến năm gặp thiên tai mất mùa, cả ruộng tỏi điêu đứng chỉ còn lại từ vài củ đến vài mươi củ còn sống sót – và những cá thể sống sót đó chỉ có đúng một tép tỏi tròn trĩnh nên được (hay bị) gọi là tỏi cô đơn.

Chiếc Thìa Vàng

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG