Tiệc chiêu đãi ông bà Clinton thật ra không phải là tiệc chiêu đãi nguyên thủ nước ngoài đầu tiên do một đơn vị chuyên nghiệp nước ngoài thực hiện, nhưng đã thể hiện một sự thay đổi có ý thức trong suy nghĩ của những người có trách nhiệm...
LTS: Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 (gọi tắt là APEC 2017) sẽ diễn ra tại Việt Nam với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia đến từ 21 nền kinh tế thành viên. Trong các hoạt động của hội nghị, có Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng (6 - 11.11). Nhân sự kiện ngoại giao quan trọng này, từ số báo tháng 8 Người Đô Thị mở chuyên mục APEC Việt Nam 2017, nhằm giới thiệu với bạn đọc một số nghi thức tổ chức tiếp đón cấp quốc gia, trong đó có quốc yến và quà tặng quốc gia liên quan đến đẳng cấp sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.
Trong mọi chuyến viếng thăm và làm việc chính thức của khách nhà nước đều có ba mảng vấn đề lớn phải giải quyết: nội dung làm việc (mục đích chính của chuyến thăm), lễ tân và an ninh. Khách ở cấp càng cao thì ba mảng vấn đề này càng phức tạp cho cả hai bên, nhưng trước hết là cho bên chủ nhà, nhất là khi chủ nhà còn ít kinh nghiệm.
Khi chuyển từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ kinh tế thị trường, từ giai đoạn quan hệ quốc tế “rất chọn lọc” sang giai đoạn làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam giống như nàng công chúa ngủ trong rừng được chàng hoàng tử Đổi Mới cưỡi bạch mã đến đặt nụ hôn lên trán. Nàng bỗng bừng tỉnh và qua phút ngỡ ngàng ban đầu, nhanh chóng hiểu rằng phải đứng dậy, phải tìm hiểu, phải nghĩ mới, phải thích nghi để sống với thế giới xung quanh.
Ở đây, chỉ nói riêng về lễ tân, sự kiện “mở mắt” mà cũng là thách thức rất gay gắt cho Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới là chuyến viếng thăm của Tổng thống Pháp François Mitterand năm 1993, nguyên thủ đầu tiên của một nước công nghiệp phương Tây đến Việt Nam, với những yêu cầu rất cầu kỳ về tổ chức, về hậu cần, về lễ tiết mà nước chủ nhà chưa từng phải xử lý...
Sự kiện đinh ở TP.HCM, gây ấn tượng mạnh cho tất cả những người trong cuộc, là cuộc đi dạo và tiếp xúc với người dân thành phố của Tổng thống Pháp trên đường Nguyễn Huệ. Một sự kiện chỉ kéo dài trên dưới 20 phút đã gây ra nhiều ngày đêm mất ăn mất ngủ cho các lực lượng an ninh của Việt Nam và tạo thêm nhiều cọng tóc bạc cho lực lượng an ninh Pháp. Cuối cùng, chuyến thăm đã thành công lớn.
Từ trái: Tổng thống Bill Clniton, tác giả - phiên dịch chính trong buổi quốc yến, Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh TL
Đằng sau thành công đó là rất nhiều sự trăn trở, động não, tranh luận nội bộ mà có khi phải cần đến sự quyết đoán của lãnh đạo ở cấp cao nhất mới giải quyết được; nhưng cuối cùng yếu tố quyết định là sự thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ, kiên quyết trong cách làm, cách nghĩ của từng đơn vị hay ít nhất của những người chủ chốt trong từng đơn vị tham gia cuộc huy động lực lượng to lớn này.
Những chuyến viếng thăm của các nguyên thủ quốc gia phương Tây khác (điển hình của các Tổng thống William J. Clinton, George W. Bush, Barack Obama, François Hollande và hội nghị đa phương cấp nguyên thủ (khối Pháp ngữ năm 1997, ASEAN năm 1998, APEC năm 2006), tuy mỗi sự kiện đều có những đòi hỏi đặc thù riêng, được tổ chức mỗi lần một nhuần nhuyễn hơn nhờ kinh nghiệm của sự kiện trước đó, bắt đầu bằng chuyến thăm nói trên của ông Mitterand.
Một ví dụ khác về đổi mới trong đối ngoại, tuy bây giờ nhìn lại thấy nhỏ nhưng khá thú vị, nhiều ý nghĩa nếu đặt nó trở lại trong bối cảnh lịch sử của nó - năm 2000 ông Bill Clinton và phu nhân thăm chính thức Việt Nam. Đặc thù bao trùm của sự kiện này so với chuyến viếng thăm của ông Mitterand: đây là tổng thống Hoa kỳ đầu tiên đến Việt Nam sau 10 năm chiến tranh trực diện và hơn 20 năm cấm vận gây ra vô vàn đau khổ, mất mát và sang chấn tâm lý sâu đậm cho cả hai bên. Để thể hiện chính sách “gác lại quá khứ, nhìn về tương lai”, bên cạnh những vấn đề nội dung đương nhiên rất khó và tế nhị giữa hai nước, nước chủ nhà quyết tâm dành cho ông bà Clinton những hình thức đón tiếp và đối đãi cao cấp và trọng thị nhất.
Thực đơn buổi quốc yến có chữ ký của bà Hillary Clinton. Ảnh TL
Khi bàn đến chuyện quốc yến do Chủ tịch nước Việt Nam chủ trì chiêu đãi, đã diễn ra một cuộc tranh luận trong nội bộ chủ nhà xung quanh vấn đề giao bữa tiệc này cho ai thực hiện. Theo truyền thống, người lãnh trách nhiệm này là nhà khách chính phủ trung ương. Còn nếu muốn mở rộng để có cái mới trong thực đơn, một số ý kiến cho rằng nên đưa các tổ chức chuyên nghiệp khác của Việt Nam vào cuộc.
Nhưng có một ý kiến cho rằng nên đặt hàng với khách sạn Sofitel - Metropole là khách sạn nước ngoài tiêu chuẩn năm sao duy nhất thời bấy giờ ở Hà Nội. Thế là tranh luận - giữa một bên nhấn mạnh tính quốc hồn quốc túy còn bên kia thì nêu cao sự cần thiết phải thực hiện chuẩn mực quốc tế trong chất lượng thức ăn, trong cách thức trang hoàng phòng tiệc, bày biện bàn tiệc - nhưng nhất là trong cung cách phục vụ.
Một cuộc tranh luận bên tám lạng bên nửa cân về lý, thật không dễ dàng phân xử! Cuối cùng lãnh đạo ở cấp cao nhất đã thuận theo phương án thuê dịch vụ của khách sạn Sofitel-Metropole. Và đêm 17.11.2000, mọi người có mặt tại phòng đại yến của Phủ Chủ tịch đã chứng kiến bữa quốc yến tráng lệ, hoàn hảo nhất từ trước cho đến thời điểm đó với thực đơn hảo hạng của người bếp trưởng Sofitel nổi tiếng, với những bàn tiệc rực rỡ hoa hồng và lóng lánh ánh bạc, ánh pha lê, với đội ngũ hàng mấy chục người phục vụ mặc áo vét, thắt nơ cổ, găng tay trắng thao tác nhịp nhàng, chính xác như một đoàn múa ba lê trên sân khấu.
Ông Lý Huy Sáng (bìa phải) - phó ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng đang giới thiệu với ông Eckart Witzigmann, giám khảo chuyên môn các món ăn độc đáo của Việt Nam tại vòng chung kết năm 2016. Không chỉ sở hữu ba ngôi sao Michelin, ông Eckart Witzigmann được xem là một trong bốn đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới với danh hiệu “Đầu bếp của thế kỷ”. Ảnh TD
Tiệc chiêu đãi ông bà Clinton thật ra không phải là tiệc chiêu đãi nguyên thủ nước ngoài đầu tiên do một đơn vị chuyên nghiệp nước ngoài thực hiện (tiệc chiêu đãi chính thức của hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 1998 tổ chức tại khách sạn Kumho, do toàn bộ hội nghị diễn ra tại khách sạn Kumho) nhưng, do cuộc tranh luận nội bộ đã diễn ra trước đó, đã thể hiện một sự thay đổi có ý thức trong suy nghĩ của những người có trách nhiệm. Và kết quả là một chấm son thật khó phai nhạt trong hoạt động lễ tân nhà nước Việt Nam...
Lương Văn Lý
Nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM
Theo Người đô thị