Khi ông Gordon Ramsay, đầu bếp nổi tiếng thế giới người Scotland, cầm trên tay bát hủ tiếu ngon lịm của dì Hai, xung quanh ông là mênh mông sông nước miền Tây Nam bộ và tiếng thuyền máy.
Mùi thơm phức của hẹ, vị nước dùng ngọt nhất mà ông đã từng nếm, tất cả đã được ông nhắc lại trong vòng thi 21 của cuộc thi MasterChef Mỹ mùa thứ 4 (2013).
Lúc đó, đề thi mà các thí sinh lọt vào top 5 phải trải qua chính là món hủ tiếu. Không chính thức, Gordon Ramsay đã trở thành một “đại sứ” ẩm thực Việt. Ông cũng có một sê ri phim về trải nghiệm du lịch, trải nghiệm ẩm thực có giới thiệu điểm đến Việt Nam.
“Có thể chủ động làm một sê ri phim kiểu như Gordon Ramsay làm về ẩm thực Việt Nam và Đông Dương”, TS Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty dịch vụ khoa học và du lịch TASS Travel (Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), nói. Trong sê ri phim ẩm thực với người nổi tiếng như Gordon Ramsay, hoàn toàn có thể giới thiệu món ăn và cách nấu trong không gian các nhà hàng lớn trong nước.
Ảnh nguồn: Youtube
Theo bà Thủy, ẩm thực là cách giới thiệu du lịch Việt Nam rất hiệu quả. Trong số những cách giới thiệu ẩm thực hiệu quả, tổ chức các lớp nấu ăn, lại là cách giúp lan tỏa rất tốt. Hiện tại, các lớp học trải nghiệm nấu ăn vẫn được tổ chức, khách tham gia phần lớn là nhóm khách có khả năng chi tiêu cao. Thực đơn thường có của các lớp này là các món như nem rán, phở... Đây đều là các món đã quen thuộc khi giới thiệu văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Lớp học hầu hết diễn ra trong không gian gia đình, hoặc các nhà hàng nhỏ của gia đình, chẳng hạn nhà hàng ẩm thực của nghệ nhân nhân dân Ánh Tuyết ở Mã Mây, Hà Nội. Như thế, khách du lịch có thể cảm nhận một bếp ăn gia đình ra sao. Một trải nghiệm ấm cúng.
Cũng có thể giới thiệu ẩm thực theo cách chủ động hơn ở nước ngoài qua các trung tâm văn hóa. Ở Việt Nam, trung tâm văn hóa Hàn Quốc đã tổ chức những lớp ẩm thực như vậy. Tại đó, các học viên được học làm món cơm cuộn, miến trộn Hàn Quốc...
Những món ăn do chính giảng viên Hàn Quốc thực hiện này giúp học viên có thể biết vị Hàn của những món Hàn đó ra sao. Nó không giống với vị món Hàn ở một số trung tâm Việt vẫn dạy. Học viên thích thú vì điều đó. Những lớp học như thế này thường có danh sách chờ rất đông do nhu cầu lớn.
Sau mỗi buổi học, các gian hàng bán nông sản thực phẩm Hàn ở nhiều siêu thị cũng có thêm khách. Họ tới để mua củ cải muối, lê, chả cá Hàn Quốc để món ăn của mình được đúng vị hơn. Chính vì thế, việc tổ chức những lớp dạy nấu ăn ở các trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là rất nên làm.
Bên cạnh việc giới thiệu văn hóa, những trung tâm này cũng thúc đẩy việc bán nông sản thực phẩm Việt như bánh đa nem, bún khô, phở khô, nước mắm... Và khi những món ăn Việt đã trở nên quen thuộc, khách nước ngoài cũng sẽ có nhu cầu mở rộng thực đơn Việt hơn.
Tìm chọn “đại sứ” ẩm thực Việt Nam, dưới hình thức một người nổi tiếng mang danh hiệu đại sứ, hay một chuỗi nhà hàng, hoặc các lớp học ẩm thực ở trung tâm văn hóa... là chuyện rất cần và cần làm ngay.
Theo Ngữ Yên/TNO