Một người đàn ông gốc Việt ở California hàng tuần tổ chức các bữa tối để quảng bá ẩm thực quê hương trên đất Mỹ.
Stefan Nguyễn (áo xanh bên trái), trò chuyện cùng các thành viên của câu lạc bộ ẩm thực Việt Nam Viet Taste Buds tại nhà hàng Nguyễn's Kitchen ở Costa Mesa, quận Cam, bang California, Mỹ. Ảnh: LAT.
Xuất phát từ mong muốn hiểu quê hương sâu sắc hơn, Stefan Nguyễn, một Việt kiều sống ở quận Cam, bang California, Mỹ, đã thành lập nhóm một câu lạc bộ quy tụ những người tò mò về ẩm thực Việt Nam, Los Angeles Times đưa tin.
Vào tối thứ 6 hàng tuần, Stefan tổ chức bữa tối tại các nhà hàng Việt Nam trong quận Cam nhằm giới thiệu cho bạn bè nước ngoài về văn hóa ẩm thực của người Việt và cũng để cộng đồng người Mỹ gốc Việt kết nối với nhau hơn.
Lớn lên ở bang Tennessee, phía Đông Nam nước Mỹ, Stefan cho biết anh không hiểu nhiều về nguồn gốc của mình. Do vậy, khi chuyển tới quận Cam, nơi tập trung đông người Việt Nam, anh muốn tận dụng cơ hội này để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa quê hương.
Ban đầu, Stefan thành lập câu lạc bộ về điện ảnh và văn chương Việt - Mỹ nhưng không thu hút được nhiều người tham gia. Sau đó, anh phát hiện ẩm thực có sức hút hơn hẳn. Và thế là câu lạc bộ Viet Taste Buds ra đời. "Gần như không có rào cản khi chúng ta cùng nói đến ẩm thực", Stefan nói.
Hiện có từ 25 đến 40 người đến tham dự các bữa tối hàng tuần. Stefan dự định mở thêm buổi hẹn gặp uống trà sữa, ăn nhẹ vào các chiều thứ 7. Theo Stefan, dù là người gốc Việt hay người Mỹ bản xứ, ai đến đây cũng học hỏi được thứ gì đó mới.
Sinh ra ở Mỹ, Tim Le cho biết câu lạc bộ ẩm thực này tạo cơ hội cho anh quen biết nhiều người gốc Việt hơn. "Với tôi, khi ngày càng lớn tuổi, tôi càng nghĩ nhiều hơn về nguồn cội của mình", chàng kỹ sư cơ khí nói. "Và thế là tôi bắt đầu tìm cách kết nối lại (với quê hương)".
Trong khi đó, Trinh Nguyễn coi Viet Taste Buds là nơi để cô quảng bá văn hóa Việt với người Mỹ. Trinh di cư sang Mỹ khi đã trưởng thành và hiện làm kỹ sư ở khu ngoại ô Anaheim của Los Angles.
"Dân Mỹ quen ăn bánh mì mềm hamburger nên khi thử bánh mỳ kiểu Việt Nam giòn tan họ thắc mắc rằng: 'Bánh mì này để bao lâu rồi? Chắc hẳn phải vài ngày.'", Trinh nói. "Khi tôi giới thiệu cho họ (các món ăn Việt Nam) và họ thích. Tôi cảm thấy hạnh phúc, tự hào".
Shaun Nguyễn Ly, chủ chuỗi nhà hàng Nguyễn's Kitchen, hoàn toàn không ngạc nhiên khi thấy các món ăn Việt Nam ngày càng được yêu thích ở quận Cam.
"Các món ăn Việt rất rõ hương vị", Ly nói. "Nhưng không hề nặng mùi. Và chúng tôi không dùng quá nhiều dầu mỡ hay bơ sữa. Cách chế biến nhấn vào sự tươi ngon của nguyên liệu như rau củ, thịt cá và gia vị nước mắm".
Stefan Nguyễn còn cất công dẫn các thành viên trong nhóm đến các tiệm ăn pha trộn phong cách ẩm thực Việt với ẩm thực địa phương để họ từ từ quen với món ăn Việt.
"Bằng cách đó, chúng tôi thu hút được đa dạng người tham gia hơn. Họ sẽ cảm thấy đỡ e ngại khi lần đầu thử món ăn của một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ", Stefan chia sẻ.
Theo VNE