Bếp nhà ta

Thứ sáu, 29/12/2017 09:27
0
0
Cả nhân loại đều yêu căn bếp nhà mình! Chỉ những người “khất thực” mới yêu bếp thiên hạ. Ai nấu nướng tinh thông được gọi là “Vua bếp”. “Bếp đỏ lửa” là dấu hiệu no ấm, yên vui của mọi gia đình, ở bất cứ vùng nào.

Bếp lạnh rồi, thì con mèo nhà ta cũng chẳng còn tro ấm mà nằm!

Nghĩ ngược lịch sử, lửa làm chín thức ăn để con người không còn đồng hạng cùng muôn thú.

Bếp định vị lửa ẩm thực.

Bếp quy định giờ ăn - lịch sinh hoạt của người.

Bếp thử thách thiên chức, lòng hiếu khách và tài nấu nướng “nội tướng” nhà ta.

Bếp là sự tin cậy của đàn ông với đàn bà (và cũng đôi khi ngược lại).

Bếp là nơi mẹ dạy con gái, là nơi mẹ chồng thử nàng dâu.

Thi nấu ăn chính là thi tài làm bếp.

Thi vừa đi vừa nấu là thi bằng bếp cơ động - còn khó hơn nhiều.


Bếp lửa (nguồn: Giacngo.vn)

Bếp - nơi no ấm nhất nhà - là nơi có thể biết lòng người. Chính ông Ét-cốp-phi-e, qua việc làm bếp, đã đọc được chữ Nhân trên trán Nguyễn Tất Thành và dốc sức truyền cho anh nghề làm bếp.

Bếp là nơi các cô cậu học trò nghèo vừa đun vừa học.

Ăn đứng đầu “tứ khoái”, thế nên bếp càng dễ được yêu - nó quyết định cái ngon của sự ăn.

Bếp cũng là nơi kể chuyện tình. Này nhé! Một anh chàng vào bếp “tán” gái - tìm vợ. Cô gái, có lẽ không thích anh chàng lắm, bèn “lục bát” rằng :

Bếp còn thiếu đĩa mầm măng

Em lên Cao Bằng xẻ rãnh trồng tre

Hết rơm em đi buôn bè

Ba năm, chở củi đem về thay rơm

Hết mắm, em còn đi đơm

Ba năm, mắm ngấu, làm cơm thết chàng.

Anh chàng thở hắt:

Thôi thôi! Ta giã ơn nàng!

Chờ xong một bữa thì vàng mắt ra!

Thế là cô gái thành công. Sau này, nghe nói cô yêu và lấy một chàng thi sĩ, để “Tôi quay tơ, chàng ngâm thơ”. Cũng nghe nói, rơm nhà nàng vẫn đượm lửa, mắm nhà nàng vẫn ngon, nhất là khi mắm ấy được dùng với măng đắng luộc để hai vợ chồng nàng “tương ẩm”.

Cô bạn tôi tốt nghiệp đại học bao năm, lại cũng đã lâu năm dính dáng vào chữ nghĩa, một hôm hỏi tôi: “Anh có biết em thích cái gì nhất không?”. Tôi hỏi: “Là cái gì vậy?”. Cô ta đáp một câu xanh rờn: “Một căn bếp rộng rãi, trắng phau!”. Từ đó, tôi thấy cô ấy giàu nữ tính hơn tôi tưởng.

Anh bạn tôi tài giỏi, kiếm tiền đầy nhà, không mời tôi đi nhà hàng, lại mời về nhà. “Để biết vợ tôi nấu nướng thế nào” - anh bảo. Mà được ăn ngon trong ánh mắt trìu mến của người thân, của bạn bè thì thấy ngon lên nhiều lần thật.

Lại nhớ Nguyễn Tuân từng bảo tôi: “Muốn bổ thì ra hiệu thuốc mua thuốc bổ mà uống! Còn ăn, là phải ngon miệng”. Chà, cái ông già tinh quái này, gián tiếp ca ngợi căn bếp - nghề bếp hay đến thế thì thôi!

Quê tôi ở đồng bằng Bắc Bộ, bao đời đun bếp bằng rạ, bằng rơm, bằng lá chuối khô, chỉ giỗ Tết mới dùng củi. Mẹ tôi thường nói: “Gạo châu, củi quế”. Chao ôi, bao nhiêu đời coi gạo như ngọc, coi củi như quế - để mà biết thu vén gia đình, xây dựng gia phong cần kiệm!

Nay dù ta đã xuất khẩu lương thực, thì cũng đừng vì thế mà lãng phí, xa hoa. “Cơm ba bát, áo ba manh - Đói không xanh, rét không chết”- Ông cha ta bao đời đã lập ra cái công-thức-tối-thiểu ấy của sự sống. Nghe mới thương và yêu làm sao! Thiếu quá thì dễ tha hóa, nhưng thừa thãi quá lại dễ suy đồi. Chỉ người quân tử mới biết “Bần tiện bất năng di - Phú quý bất năng dâm”...

Nhưng thôi, tôi đang kể về căn bếp nhà tôi cơ mà.

Bếp nhà tôi có chín “Ông đồ rau”, tức là chín “Ông Táo”, để có thể bắc được ba nồi - một nồi cơm, một nồi thức ăn và một nồi nước vối. Rõ là cứ ba “Ông đồ rau” thì bắc được một nồi. Thực ra, là có hai “ông”, một “bà”, thế mà lại gọi tất cả là “Ông đồ rau”. Buồn cười thật!

Dùng “đồ rau” tốt hơn dùng kiềng gang, kiềng sắt. Vì kiềng có ba chân nhỏ, bếp “hở”, lửa lùa ra ngoài nhiều, phí rơm, phí rạ. Còn dùng “đồ rau”, lửa chụm đáy nồi nhiều hơn, bếp ấm lâu hơn, tiết kiệm đồ đun hơn.

Cứ khoảng đầu tháng Chạp, cha tôi lại sai anh em tôi đi kiếm đất sét, hay tối thiểu là đất thịt, về để nặn bộ “đồ rau” mới.

Chúng tôi đập vụn đất, trộn giấy bản vào cho sau này “đồ rau” không nứt nẻ, rồi rắc nước, tạo dẻo như đất làm gạch. Sau đó chia đều làm chín khối, đập-xoa-nắn-vuốt thành chín “Ông đồ rau”. Cứ ba “ông” thì “ông” ở giữa bị ngón tay ấn vào bụng tạo “rốn” và gọi là “bà”. Để trong bóng râm vài ba tuần, “đồ rau” rắn chắc lại là được.

Vào ngày 23 tháng Chạp - ngày “Ông Táo chầu trời”, thì chúng tôi đặt bộ “đồ rau” mới vào vị trí, gánh bộ “đồ rau” cũ lên Đường Đình, chỗ có nhiều cá chép, thả các “Ông, bà Táo” xuống sông. Tất nhiên là trước đó đã thắp hương và làm cơm “tiễn ông Táo”. Phải cố sống tốt, để khi cưỡi chép lên thiên đình, các Táo quân có được báo cáo tốt về mình; để lại có một năm sau no ấm yên vui.

Chúng tôi thường phải đi học xa, cứ 4 giờ sáng, mẹ tôi lại dậy nấu cơm để chúng tôi ăn sớm mà đi học cho kịp giờ. Ngon nhất là những bữa cơm gạo mới. Cái hình ảnh mẹ tôi, chị tôi bên bếp lửa bập bùng lúc trời còn chưa sáng hay những buổi tối mùa đông, vô cùng ấm áp, thân thương trong lòng tôi, dù mẹ tôi, từ lâu, đã để lại căn bếp của người và ra đi mãi mãi!

Bây giờ tôi ở thành phố, nấu ăn bằng bếp ga, nồi xoong i-nốc luôn luôn sáng lòa.

Vậy mà thỉnh thoảng, hễ có dịp là tôi lại cùng vợ con về quê, để được ăn cơm nấu bằng rơm, rạ trong căn bếp cũ. Cơm nấu và quấn bằng rơm rạ trong những cái nồi đồng điếu hoặc nồi đất, ngon bằng mấy cơm nấu bằng nồi điện Nhật, Thái.

Ôi, căn bếp nhà ta xưa! Khi mẹ ta mất, cả ta và người đều thuộc về một thế giới đã cũ.

Theo LĐO

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG