"Muốn nấu ăn ngon thì các bạn phải biết ăn ngon. Có những người nấu rất đẹp nhưng ăn không hợp khẩu vị. Cái đó là cái đẹp không đủ", siêu đầu bếp Michael Bảo Huỳnh nói.
Siêu đầu bếp Michael Bảo Huỳnh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Mang phong cách ẩm thực fusion về Việt Nam lập nghiệp sau 30 năm tìm kiếm và kết hợp các loại gia vị đặc
trưng ở “xứ người,” siêu đầu bếp Michael Bảo Huỳnh từng được tạp chí New York
Times bình chọn là đầu bếp xuất sắc nhất nước Mỹ.
Lần hồi hương này, ông đã
quyết định trở thành Tổng bếp trưởng của chuỗi nhà hàng MasterChef tại Hà Nội,
mang đến cho thực khách thủ đô những hương vị mới lạ từ những món ăn tưởng chừng
như rất quen thuộc.
Với quan niệm, món ăn
ngon không chỉ dừng ở vị giác mà yếu tố thị giác với cách trình bày đẹp mắt sẽ
kích thích khẩu vị người dùng, từ đó thực khách có thể cảm nhận nét tinh túy và
hương vị tuyệt vời của món ăn, chúng tôi đã có cuộc
trò chuyện thú vị với siêu đầu bếp nổi tiếng này xung quanh câu chuyện ẩm thực fusion.
30 năm một chặng đường cho “Việt Nam fusion”
- Thưa ông Michael Bảo Huỳnh, muốn mang đến cho thực khách những
món ẩm thực fusion thì người đầu bếp trước hết phải thực sự am hiểu nhiều văn
hóa ẩm thực khác nhau trên thế giới, thứ đến là tinh tế trong việc kết hợp các
loại gia vị. Ông mất bao nhiêu thời gian để có thể bắt tay vào phong cách ẩm thực
độc đáo này?
Tôi mất khoảng 30 năm ở New York, Mỹ – một trong những thành phố có ẩm thực
phong phú nhất thế giới để có thể tìm hiểu và thực sự am hiểu về ẩm thực các nước.
Trong thời gian mấy chục
năm này tôi đã phải thường xuyên đi đến nhiều quốc gia trên thế giới để ăn các
món ăn của họ, với mong muốn hiểu hết các mùi vị, hương vị và để có thể kết hợp
nhuần nhuyễn chúng.
Món sườn cừu nướng sả xốt đậu pesto do đầu bếp Bảo Huỳnh thực hiện (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
- Không lựa chọn một phong cách an toàn, khi quyết định gắn
bó với ẩm thực fusion, điều khó khăn nhất ông gặp phải là gì?
Tôi nghĩ đó chính là cách pha trộn hương vị đặc trưng của 2-3, thậm chí là 4 quốc
gia trong một món ăn, để làm sao món ăn cuối cùng vẫn gợi đến hương vị thuần Việt
mà người Việt ăn vẫn khen ngon.
- Đưa phong cách ẩm thực này vào Việt Nam, ông đánh giá sự
đón nhận của các thực khách trong nước thế nào?
Tôi nghĩ người Việt dù ở thời đại nào cũng rất cởi mở đón nhận những cái mới lạ,
dù món lạ vẫn thích thử, thích ăn và rất hay tò mò. Và tôi nghĩ việc tò mò này
là cần thiết, nên khi mình tạo ra được cái gì mới lạ sẽ rất dễ thu hút, miễn
sao món ăn có đủ các hương vị mặn, ngọt, chua, cay đặc trưng của Việt Nam.
- Mối lương duyên nào đã dẫn ông tới với ẩm thực, với công việc
nấu ăn, khi mà ngay khởi đầu ông theo học một ngành chẳng hề liên quan là kiến
trúc bên Mỹ?
Tôi có may mắn được học nấu ăn cùng mẹ từ năm 12 tuổi ở Việt Nam. Đến khi qua Mỹ
tôi được một gia đình người Ý bảo trợ và cũng được nấu ăn trong một nhà hàng Ý.
Sau này trở thành kiến trúc sư, tôi thường xuyên đi thiết kế các nhà hàng và điều
khiến tôi luôn tò mò và thấy hấp dẫn nhất chính là khu bếp.
Tôi thích vào những khu bếp
Tây học đồ Tây, khu bếp Thái, Hàn Quốc, Nhật Bản… để học nấu món ăn của các quốc
gia này. Vì đam mê nên cũng từ đó ẩm thực nước nào tôi cũng có thể nấu được.
Tôi khá khéo tay và có khả
năng nhận biết hương vị tốt nên có thể phối hợp hương vị hay nhất của mỗi nước
để tạo thành một “Việt Nam fusion” mới.
Salad Đà Lạt và phô mai bào (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Đầu bếp phải “ăn ngon để nấu ngon”
- Quả là một hành trình đầy công phu, gian nan và cũng vô
cùng tốn kém nếu muốn trở thành một đầu bếp giỏi nghề và thành danh. Ông đánh
giá ra sao về các đầu bếp trẻ ở Việt Nam hiện nay?
Mấy năm vừa rồi tôi thấy đội ngũ những đầu bếp trẻ trong nước tiến bộ hơn rất
nhiều. Tôi có cảm giác nhờ các phương tiện truyền thông mà nghề nấu bếp đã được
tôn trọng hơn và các đầu bếp cũng thích nấu ăn hơn.
Không giống như khoảng chục
năm trước, mỗi khi nói tới nghề đầu bếp là nhiều người thắc mắc nghề này là nghề
gì vậy, chắc ông đầu bếp này ổng hôi lắm. Nhưng giờ đây nghề bếp thực sự đã
“thơm” hơn nhiều rồi, vì người đầu bếp cũng kiếm được nhiều tiền hơn xưa.
- Các đầu bếp trẻ, theo ông, họ cần làm gì nếu muốn đạt tới đỉnh
cao trong nghệ thuật ẩm thực?
Thứ nhất là phải có một trái tim yêu nghề, có niềm đam mê với nghề. Thứ hai đầu
bếp trẻ phải học thật giỏi tiếng Anh. Vì nếu chỉ học nghề ở trong nước thì
không thể giỏi được mà phải đi ra thế giới giao lưu, học hỏi. Học ở Việt Nam
không đủ cho mình trau dồi. Ngay cả muốn học từ trên mạng thì các bạn cũng phải
giỏi tiếng Anh.
Thứ ba, các bạn phải biết
ăn ngon. Vấn đề này hơi kẹt chút là phải có tiền mới ăn ngon ở chỗ này chỗ kia,
nước này nước khác được. Tôi nghĩ được ăn ngon là vấn đề khó khăn nhất với mỗi
đầu bếp.
Muốn nấu được đồ Hàn Quốc,
Nhật Bản, Thái Lan… ngon thì bạn cần phải được thưởng thức những món ăn này ở
các khách sạn 5 sao trên thế giới xem họ nấu như thế nào, để học cái hay của họ
chứ nếu chỉ nhìn hình ảnh thì không thể hiểu được hương vị.
Có những người nấu rất đẹp
nhưng ăn không hợp khẩu vị. Cái đó là cái đẹp không đủ. Tóm lại muốn nấu ăn
ngon phải biết ăn ngon, mà muốn ăn ngon thì tốn nhiều tiền lắm (cười).
Súp gan ngỗng trứng trần. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
- Ông có thể chế biến được bao nhiêu món ăn sau từng ấy năm gắn
bó với công việc này?
Tôi
có thể nấu được rất nhiều món, từ Nam Mỹ tới Bắc Mỹ, rồi tới Đức, Anh, Thái
Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tôi chỉ không thích và không biết nấu đồ ăn Tàu thôi
vì dầu mỡ nhiều quá.
Tóm lại tôi có thể nấu được
bất cứ món gì.
Fusion là trường phái ẩm
thực mới, nhằm dung hòa và kết hợp các mùi vị và cách chế biến những loại hình ẩm
thực đặc trưng của các quốc gia khác nhau.
Xuất hiện từ thập niên 70
của thế kỷ XX tại châu Âu, đặc biệt là tại Pháp, fusion là trường phái ẩm thực
kết hợp giữa các truyền thống ẩm thực khác nhau nhưng không nghiêng hẳn về trường
phái nào. Phổ biến nhất là kết hợp giữa mùi vị của châu Âu với cách chế biến của
châu Á.
Về sau fusion bắt đầu lan
rộng sang Mỹ từ những năm thập niên 90 và rất thịnh kết hợp ẩm thực Mỹ-Mexico.
Ngày nay, ở Mỹ hay các nước phương Tây khác, nhiều nhà hàng Việt nhưng được chế
biến khéo léo với gia vị bản địa đã không còn xa lạ.
Xuân Mai
Theo Vietnamplus