TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP: Ngày thứ nhất Bán kết Chiếc Thìa Vàng khu vực phía Nam

Thứ ba, 27/10/2015 07:40
0
0
Cơ hội giành những tấm vé cuối cùng vào vòng chung kết, "Món ăn vàng" khu vực phía Nam là sự tranh tài của đa dạng phong cách ẩm thực, nguyên liệu và gia vị đặc thù địa phương...
Nếu xem vòng bán kết 01 là cuộc "thư hùng" của các đầu bếp xứ Bắc thì vòng bán kết 02 lại được ví như cuộc đua marathon để đến gần hơn giải thưởng 1 tỷ đồng và Cúp Đầu bếp danh giá của 93 đầu bếp xuất sắc khu vực phía Nam.

Bàn gia vị tại vòng bán kết phía Nam 

Thể hiện tâm huyết trong màn thi tài đỉnh cao, tất cả các đầu bếp tại vòng bán kết phía Nam đã có sự đầu tư rất kỹ lưỡng. Còn sớm hơn vòng bán kết 01, tại Khu Du lịch Văn Thánh, nhiều đầu bếp đã có mặt từ 3 - 4 giờ sáng để chuẩn bị thật chỉn chu. Tính đến 5 giờ 30 phút, các đội thi đã có mặt đông đủ, khẩn trương bày biện khu chế biến và sửa sang đồng phục cho nhau.
 
Tinh thần đồng đội thể hiện trong từng khâu nhỏ nhất

Trên từng bàn gia vị, những "nghệ sĩ bếp" đã thể hiện hướng chinh phục Ban Giám khảo khá rõ ràng. Trong khi đội thi 44 đến từ Công ty Cổ phần Giải trí Miền Nam hướng khẩu vị món dự thi theo gia vị Tây Bắc, Khách sạn Sheraton Sài Gòn xây dựng thực đơn theo món Âu... thì tại khu bếp, đội thi 29 đến từ Khách sạn Kim Đô lại cho thấy sự khai thác loại trái dại - bình bát trên các dụng cụ đựng gia vị và cả bàn trang trí. Cùng chờ xem họ sẽ đưa "trái quê" tương phùng với những nguyên liệu nào trên bàn tiệc!

Trái bình bát - Loại gia vị "chủ đạo" của Khách sạn Kim Đô

7 giờ 30 phút: Lễ khai mạc vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng 2015 khu vực phía Nam chính thức bắt đầu. Ngồi trước sân khấu lớn của chương trình, thẳng lưng, dõng dạc, vẻ mặt nào cùng đầy tự tin, quyết tâm chinh phục.
 
8 đội góp mặt trong trận tranh tài sáng 27/10 gồm: Khách sạn Continental, Khách sạn Majestic, Khách sạn Sheraton Sài Gòn, Khách sạn Kim Đô, Nhà hàng Mùa Vàng, Khu Du lịch Văn Thánh, Khu Du lịch Bình Quới 1 và Công ty Cổ phần Giải trí Miền Nam. Tất cả đều đến từ sân nhà TP.HCM.

Vẻ “ra trận” đầy quyết tâm của các đầu bếp

Tiên lượng trước tính chất quan trọng của vòng thi, có sự chuẩn bị chu đáo, sau tín hiệu khai cuộc ngày thí thứ nhất của Ban Tổ chức, các đầu bếp bắt đầu cuộc thi tài tỉ mẩn, tập trung tuyệt đối trong từng thao tác trước sự quan sát và chấm điểm của Ban Giám khảo.

Các đầu bếp đội Khách sạn Sheraton Sài Gòn đang thực hiện mónthăn bò wagyu cuộn nấm & phô mai, sốt nước tương mật ong ngũ vị hương với bí rợ nghiền.

8 giờ 30 phút: Khí hậu miền Nam đang mùa oi nóng. Dù dòng nước bên hiên khu vực chế biến của Khu Du lịch Văn Thánh vẫn ánh trong, thoảng có gió mát lành từ những hàng dừa nước nhưng không đủ hãm bớt những giọt mồ hôi rơi trên gò má của các “nghệ sĩ”.

Trong ảnh, đội trưởng Nguyễn Như Cường của đội Khách sạn Kim Đô bắt đầu giai đoạn trang trí món ăn để mang lên bàn trưng bày. Anh đang thoăn thoắt đôi tay bổ sung tiếp những miếng bánh đa còn khuyết trên đĩa của đội mình. Khách sạn Kim Đô là một trong những đội tạo được sự chú ý trong sáng nay bởi sự khai thác gia vị từ một loại trái dại mà những ai đã từng ghé thăm hay lớn lên từ một miền quê Việt đều biết. Bình bát sinh trưởng dưới dạng dây leo, cho thân trái tròn, thon dài. Trái bình bát còn sống có màu xanh, khi chín có màu đỏ, mọc nhiều ở các hàng rào vùng nông thôn Việt Nam. Lá bình bát còn được người dân một số vùng miền, đặc biệt là miền Trung dùng làm nguyên liệu nấu món canh giải nhiệt...


Ban giám khảo tò mò về gia vị mới ở ngày thi thứ nhất
Như những vòng thi trước, các chuyên gia ẩm thực cũng tỏ ra khá phấn khởi khi có sự phát hiện mới lạ về gia vị trong từ phía các thí sinh.
Một trong những món được trang trí sớm của đầu bếp Lê Võ Anh Duy – Khu Du lịch Bình Quới 1

Món thăn bò wagyu cuộn nấm và phô mai, sốt nước tương mật ong ngũ vị hương với bí rợ rừng của đội số 37
Bánh Brownie vị trái vải, rau cau dừa, táo và kem shocolate vị bạc hà, dùng kèm sốt chanh dây đầy nghệ thuật bằng những đôi tay nghệ sĩ của các đầu bếp Khách sạn Sheraton Sài Gòn

Món tôm rồng sốt hoa sò chó ăn kèm sà lách lá sò chó củ hủ dừa của đầu bếp Lê Võ Anh Duy và đồng đội Khu Du lịch Bình Quới 1

9 giờ 30 phút: Khẩn trương hoàn thành giai đoạn cuối, đa số các đội đã chuẩn bị “dâng” món lên bàn trưng bày. Khách sạn Sheraton Sài Gòn và Khu Du lịch Bình Quới 1 là hai trong số những đội sẵn sàng cho phần thi tiếp theo. Trong khi đó, đội 24 – Khách sạn Continental lại đang gấp rút trang trí nốt món cuối cùng.

Một góc bàn trưng bày của đầu bếp Trần Công Tiến – Khách sạn Sheraton Sài Gòn và đồng đội

Tại khu vực bày biện, ngoài những món ăn vàng được trình bày thật sang trọng, bắt mắt thì đa số các bàn tiệc đều được điểm xuyết bằng những bình hoa đa phong cách, theo định hướng thực đơn dự thi.

Đầu bếp Nguyễn Huỳnh Vi Vương đang tranh thủ hoàn tất bàn trang trí của đội mình

Đúng 9 giờ 50 phút: Phần thi trưng bày bắt đầu. Chờ xem bàn tiệc nào sẽ chinh phục được những vị giám khảo khó tính!

Những chuyên gia ẩm thực quan sát lần lượt từng bàn tiệc. Trong đó, không ít giám khảo bày tỏ sự ưng ý bằng cái gật đầu nhè nhẹ khi bắt gặp phần trưng bày hài hòa. Ở phần thi này, các đội không thuyết trình nhiều về món dự thi mà chỉ giới thiệu sơ lược và trả lời khi ban giám khảo có thắc mắc.
Cùng chiêm ngưỡng nghệ thuật trưng bày bàn tiệc ở buổi thi đầu tiên của vòng bán kết phía Nam:
Thực đơn với đặc thù gia vị Tây Bắc của Công ty Cổ phần Giải trí Miền Nam
Bàn tiệc sang trọng, hiện đại của Khu Du lịch Bình Quới 1
Bàn tiệc của hoa nắp ấm, lá sọ chó của đội chủ nhà Khu Du lịch Văn Thánh
Bàn tiệc với món tráng miệng là sự kết hợp hương vị ba miền của Nhà hàng Mùa Vàng
Bàn tiệc tạo sự thích thú cho giám khảo Sakal Phoeung của Khách sạn Majestic

10 giờ 30 phút: Tại khu vực sân khấu, phần thi thuyết trình và thử món bắt đầu. Nhiều đầu bếp không giấu được sự căng thẳng bằng cái bặm môi và thở bung sức nóng như để chuẩn bị dẫn dắt người xem đến với ý niệm về món ăn của đội mình, cũng như lắng nghe nhận xét của Ban Giám khảo.

Ban giám khảo chấm thi vòng bán kết Chiếc Thìa Vàng khu vực phía Nam

“Tiên phong” trong phần thi đầy tính chất quyết định này là đội 25 – Khách sạn Majestic. Thực đơn của đội này được ông Sakal Phoeung – Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier Việt Nam tỏ vẻ thích thú và có lời khen ngợi về sự hài hòa trong món ăn. Khách sạn Mùa Vàng cũng được Ban Giám khảo đánh giá cao bởi nguyên liệu tốt cho sức khỏe, trình bày bàn ăn bắt mắt, tạo được điểm nhấn. Tuy nhiên, vị trong món ăn quá đa dạng nên khi thử khó phân biệt. Riêng món bánh tráng cuốn hơi khô.

Món bánh và trà bình bát

Các đầu bếp đến từ Khách sạn Kim Đô lại gây ấn tượng mạnh với Ban Giám khảo bởi gia vị chủ đạo – trái bình bát. Theo chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương: “Đây là một đề tài khó, nếu không khéo léo sẽ bị lặp lại khẩu vị trong mỗi món ăn. Dù vậy, nhưng khi nếm thử món ăn của các bạn thì tôi cảm nhận được hương vị khá đa dạng. Các bạn đã thành công! Các bạn có phong thái tự tin, phân chia công việc rất tốt, cởi mở, vui vẻ. Màu sắc các bạn trình bày đẹp."


Thực đơn lấy bình bát làm gia vị chủ đạo của Khách sạn Kim Đô

Có vẻ như tại vòng bán kết phía Nam sáng nay, các đội đều khá thành công khi đem món ưng ý nhất của mình dự thi. Với phần thi thử món của khách sạn Continental, giám khảo Paul Le gật đầu: “Bàn trưng bày của các bạn đúng theo định hướng món Âu”.

Bàn tiệc "hướng Âu" của đội Khách sạn Continental

12 giờ: Phần thi của các đội buổi sáng kết thúc. Đội nào cũng tỏ ra vui vẻ với màn trình diễn của mình.

***

Phần thi chiều cùng ngày là sự quy tụ của các đội Boomarang Bistro Saigon, Khu Du lịch Bình Quới 2, Khách sạn Grand Sài Gòn (TPHCM), Khu Du lịch Phương Nam (Bình Dương), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bửu Long (Đồng Nai), Khách sạn Grand (Vũng Tàu), Khu Du lịch Mỹ Lệ (Bình Phước) và Nhà hàng Cửu Long River (Cần Thơ). Cuộc trổ tài của các đội bắt đầu từ 13 giờ 20 phút.

Nếu buổi sáng, nhiều đầu bếp có sự định hướng rõ g
ia vị theo địa phương hay Tây Âu thì một số đội buổi chiều lại tìm công thức cho sự kết hợp giữa gia vị truyền thống và các nguyên liệu thực phẩm cao cấp.

Các đầu bếp đội 57 bắt đầu cuộc thi với phong thái khá điềm tĩnh

Tại khu vực chế biến, đội Khu Du lịch Phương Nam đang nhanh tay biến hóa những đặc sản thành thực đơn dự thi. Điểm đặc biệt của đội này là chế biến món khai vị bằng trái siro. Được biết, siro là một loại gia vị dân gian có vị chua thanh, có nhiều vitamin C, giúp hãm chất béo, ngậy từ các nguyên liệu khác. Các anh dùng siro để thay thế cho vị chua của chanh, quất (tắc). Cùng chờ xem, đội 57 sẽ "trình" các chuyên gia ẩm thực bằng món ngon nào!

Cũng bên này khu vực thi, Boomarang Bistro Saigon đang rất chi tiết trong cách chế biến của mình. Các đầu bếp cân từng loại nguyên liệu, gia vị cụ thể cho từng món.

Đến từ khu vực “chủ nhà”, bên kia, đầu bếp Huỳnh Văn Vĩnh Tú của đội Khách sạn Grand tỉ mẩn xử lí cá mú, đem hấp dùng với gạo lức do đồng đội của anh đang tẩm ướp kế bên. Đồng thời, đội này cũng bắt những nồi nước trên bếp, đã cho khá nhiều nguyên liệu, để lửa lớn.

“Sức nóng” tại khu chế biến của đội Khách sạn Grand Sài Gòn

Nếu buổi sáng, trái bình bát là tâm điểm chú ý thì buổi chiều, có vẻ các đội lại “đồng đều” nhau ở hướng chọn gia vị. Đó là những loại gia vị đã được dùng ở các khu vực, vòng thi trước nhưng được phối tạo thành món ăn có sáng tạo hơn, đắt hơn.

Ban giám khảo chấm phần thi chế biến
 
15 giờ 25 phút: Ban Tổ chức phát tín hiệu kết thúc phần thi chế biến. Vì có phần chi tiết trong lúc nấu và trang trí nên Boomarang Bistro Saigon là đội duy nhất không hoàn thành tốt phần thi này. Đối với món thủy hải sản, quả cầu đã bị lọt thỏm chứ không được như định hướng trang trí ban đầu của đội.

Các chuyên gia ẩm thực bắt đầu chấm phần trang trí, trưng bày bàn tiệc buổi chiều sau đó 15 phút, lúc 15 giờ 40 phút.

 

Một số cách bày biện bàn tiệc của các đội buổi chiều:


Những món dự thi được góp ý khá nhạt về vị của Khách sạn Grand Sài Gòn
Phần trưng bày khá nhiều chi tiết của các đầu bếp Khách sạn Grand (Vũng Tàu)
Hướng chuộng dụng cụ tròn trên bàn tiệc của Boomarang Bistro Saigon

So với các đội thi buổi sáng, có vài đội thi buổi chiều vẫn chưa khai thác được sự mới mẻ, sáng tạo trong trưng bày cũng như chế biến. Đội 62 - Khu Du lịch Mỹ Lệ được đa số giám khảo đánh giá khá cao về chất và vị của món ăn. Giám khảo Sakal nhận định đây là đội thi có thực đơn được xây dựng đồng nhất, gia vị dân dã nhưng khá ngon. Tuy nhiên cần sáng tạo hơn trong cách trình bày". Chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương cũng đồng quan điểm: "Tôi thích cách các bạn đưa các loại gia vị đến cuộc thi, rất đặc sắc. Các bạn có kỹ năng chế biến khá tốt, nên phát huy." Trong khi đó, giám khảo Lý Huy Sáng lại góp ý thuyết phục về cách trang trí bàn tiệc, nên tránh cách điêu khắc, chạm trổ vì tốn thời gian, khó giữ tươi sản phẩm. Hơn nữa cần cân nhắc tỉ lệ phần ăn với nhau và với dụng cụ chứa. Vị giám khảo này có lời khen ngợi xuất sắc cho món khai vị súp cua đồng lá nhíp - cà nút áo của đội 62 và cả món tráng miệng chè chuối lửa dâu tây nướng. Hai món còn lại cũng được nhận xét đạt.

Phần trưng bày của Khu Du lịch Mỹ Lệ nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía ban giám khảo

Đối với thực đơn của đội Nhà hàng Cửu Long River đến từ Cần Thơ, nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi cho rằng "Thực đơn của các bạn an toàn". Riêng về món khai vị, thịt dê có phần chín quá, làm cho miếng thịt bị khô, không còn giữ được chất ngọt vốn có.
Bàn tiệc "an toàn" của đội số 9 - Nhà hàng Cửu Long River

Giám khảo Lý Sanh góp ý trong phần thi của đội Khách sạn Grand Vũng Tàu: "Các bạn còn tham sử dụng các dụng cụ ăn nên bàn tiệc bị rối về màu sắc." Trong khi đó, đội thi Khu Du lịch Bình Quới 2 lại được NSƯT Kim Xuân ấn tượng với cách kể chuyện về món ăn: "Ngay từ đầu, bếp trưởng đã muốn cố gắng phấn đấu thi để mẹ vui lòng, điều đó làm tôi cảm động. Món ăn của các bạn lạ, đặc biệt món chè rất ngon nếu nhân rộng ra thì chắc chắn nhiều người sẽ thích, tuy nhiên món cá mú om trám trắng hơi béo".

Còn đối với phần thi của đội 33 - Boomarang Bistro Saigon, giám khảo
Sakal Phoeung – Chủ tịch Hội đầu bếp Escoffier Việt Nam nhận xét: Khai vị gan ngỗng khá nóng, cá hồi thiếu gia vị, riêng món thăn bò nướng sốt rượu vang và món tráng miệng mousse 03 mùi tốt, mang nét đặc trưng của ấm thực Pháp. Dù vậy, ông cũng cho đội này lời khuyên là nên sử dụng nhiều hơn các loại gia vị Việt Nam trong món ăn bởi theo ông, gia vị Việt, nhất là gia vị dân dã rất phong phú...

BBT website Chiếc Thìa Vàng


0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG