Tempura là một món ăn tẩm bột, chiên giòn của Nhật Bản với nguyên liệu chính là hải sản và rau.
Dù có cách chế biến khá đơn giản nhưng tempura lại là một món ăn rất nổi tiếng khi vừa có thể ăn chơi, vừa có thể kết hợp với nhiều các món ăn khác để tăng hương vị cũng như thẩm mỹ. Bên cạnh tempura phổ thông, người Nhật còn làm ra những món tempura rất đặc biệt, trong đó có thể kể đến món tempura lá phong.
Món tempura lá phong bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1300, cách đây khoảng 700 năm, và chỉ còn bán tại một số địa phương như Takao, Kyoto hay Minoh, Osaka. Hiện nay, có những gia đình có đến hàng chục năm tuổi trong nghề kinh doanh tempura lá phong ở những địa phương này.
Ở những nước châu Á có nhiều phong như Nhật Bản, Hàn Quốc thì màu sắc kỳ ảo của loại cây này cũng chính là một lý do khiến du khách đua nhau đi du lịch vào mùa thu. Ở Nhật Bản, món tempura lá phong (Tempura Momiji) này đã khiến rất nhiều du khách bất ngờ, thú vị khi thưởng thức món ăn này.
Cái hay của tempura lá phong là dù đã qua công đoạn tẩm bột, chiên, nhưng nó vẫn giữ nguyên được hình dáng của chiếc lá phong ban đầu. Để được như vậy, quá trình chế biến tempura lá phong không đơn giản chỉ là nhúng bột rồi chiên như các loại nguyên liệu khác mà đòi hỏi rất nhiều công sức với thời gian lên tới cả năm trời.
Người làm tempura lá phong lên núi vào mùa lá phong để nhặt những chiếc lá rụng. Để tempura ngon, đảm bảo chất lượng, họ sẽ lựa địa điểm thật kỹ, chọn những chiếc lá sạch, ít rách. Đặc biệt những chiếc lá để làm tempura phải là lá màu vàng vì lá phong vàng có gân lá mềm hơn, dễ ăn hơn và khi ướp với muối cũng không bị đổi màu.
Khi nhặt về, lá sẽ được rửa sạch, ướp muối và ủ trong khoảng một năm. Công đoạn ướp muối này giúp lá mềm, mất vị hăng và khi chiên giòn mang lại vị ngon hơn. Sau thời gian ủ lá, người bán sẽ cắt cuống lá, rửa sạch muối rồi tẩm với bột có đường và mè. Tiếp đến cho vào chảo ngập dầu chiên lên, tạo thành món tempura lá phong nổi tiếng này.
Để làm tempura lá phong, người làm phải vô cùng tỉ mỉ, bởi lá sau khi ướp, rửa khá mỏng và ướt nên phải rất nhẹ tay. Công đoạn tẩm bột cũng phải rất nhẹ nhàng sao cho bột bám đều vào mặt lá, nhưng không được quá dày để khi chiên xong từng chiếc tempura mới giữ nguyên được hình lá phong một cách hoàn mỹ nhất.
Lá phong sau khi chiên xong sẽ có độ giòn đặc trưng của món tempura, về hương vị, món tempura này có vị mặn, ngọt, thêm chút bùi, ngậy của mè nên rất dễ ăn. Cũng bởi thế, đây là món ăn đường phố rất được ưa thích ở nhiều nơi trên khắp Nhật Bản.
Có thể nói tempura lá phong không chỉ là một món ăn mà còn là một nét văn hóa ẩm thực truyền thống thú vị của Nhật Bản. Người dân Nhật Bản xem việc ăn bánh, uống trà và ngắm lá phong như một cách thưởng ngoạn thiên nhiên một cách tao nhã.
Theo VHNB